Trên máy bay thân rộng, có một không gian bí mật, nơi phi công và phi hành đoàn nghỉ ngơi trong những chuyến bay dài. Nơi này được “ngụy trang” để hành khách không thể biết mà đi vào.
Trên các máy bay mới hơn, chẳng hạn như Boeing 787 hay Airbus A350, không gian này được đặt phía trên cabin chính, ở thân trên. Nhưng trên các máy bay cũ hơn, nó cũng có thể ở ngay trong hầm hàng.
Có hai nơi, một dành cho phi công, thường ở phía trên buồng lái, thường bao gồm hai giường tầng và một ghế tựa, và một dành cho phi hành đoàn, thường có sáu giường tầng trở lên và được đặt phía trên bếp phía sau máy bay, nơi chuẩn bị và chứa thực phẩm, đồ uống.
Theo các yêu cầu của Cục Hàng Không Liên Bang đặt ra, khu vực nghỉ ngơi của phi hành đoàn phải ở vị trí mà tiếng ồn, mùi và độ rung xâm nhập có ảnh hưởng tối thiểu đến giấc ngủ, và phải được kiểm soát nhiệt độ cũng như cho phép phi hành đoàn điều chỉnh ánh sáng.
Giường tầng phải có kích thước 78 x 30 inch (198 x 76 cm) và có không gian rộng ít nhất một mét khối để người cao cũng cảm thấy thoải mái. Chỗ ngủ có nơi để thay đồ, ra vào với khoảng không gian ít nhất 1.8 mét khối.
Không gian này có phần giống với một khách sạn con nhộng ở Nhật Bản: phòng ngủ không có cửa sổ, chật chội nhưng ấm cúng, có ổ cắm điện và đèn – cũng như tất cả các thiết bị an toàn cần thiết như mặt nạ dưỡng khí, đèn thắt dây an toàn và hệ thống liên lạc nội bộ.
Susannah Carr, một tiếp viên hàng không của United Airlines, người làm việc trên các máy bay Boeing 787, 777 và 767, cho biết: “Không gian này khá thoải mái, giường ngủ có nệm, phòng có lỗ thông gió và bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ cho mát hoặc ấm hơn. Tụi tôi được cung cấp khăn trải giường, thường tương tự như loại được sử dụng ở hạng thương gia trên các chuyến bay quốc tế. Tôi thích nơi này, nhưng vì tôi chỉ cao khoảng 5 feet 8 inch, nên thấy thoải mái, chứ nếu bạn mà cao khoảng 6 feet 4 inch, chắc hơi chật đó!”
Khu vực nghỉ ngơi của phi hành đoàn được thiết kế để không thu hút quá nhiều sự chú ý của hành khách, bất kể họ ở đâu. Carr cho biết: “Một hành khách đi ngang qua có thể sẽ nghĩ đó là một cái tủ đựng trang thiết bị. Thỉnh thoảng có những người nghĩ đó là cửa phòng tắm và họ cố gắng mở nó, khi đó chúng tôi sẽ chỉ cho họ đường đến đúng nơi họ muốn.”
Phía sau cánh cửa thường có một cầu thang nhỏ và một cầu thang dẫn lên tầng trên, thường là trên những chiếc máy bay đời mới nhất.
Carr nói: “Các giường tầng đều mở ở một bên hoặc một đầu để bạn có thể bò vào – đôi khi tôi gọi đùa chúng là ‘hầm mộ.’”
Trên các máy bay cũ hơn một chút, chẳng hạn như Airbus A330, khoang nghỉ ngơi của phi hành đoàn cũng có thể nằm trong hầm hàng, khi đó sẽ có cầu thang dẫn xuống. Nhưng trên những chiếc máy bay thậm chí còn cũ hơn như Boeing 767, khu vực nghỉ ngơi nằm ở cabin chính và chỉ là những chiếc ghế tựa có rèm che xung quanh. Những chiếc rèm này rất nặng để chặn ánh sáng và âm thanh lớn. Tuy vậy vẫn có những hành khách cố gắng đẩy rèm ra vì nghĩ đằng sau nó là bếp, cho nên đây cũng không hẳn là nơi nghỉ ngơi tốt nhất.
Các tiếp viên trên các chuyến bay đường dài thường dành ít nhất 10% thời gian bay ở khu vực nghỉ ngơi.
Karoliina Åman, tiếp viên hàng không của Finnair, người làm việc trên máy bay Airbus A330 và A350, cho biết: “Trung bình, tôi sẽ dành khoảng một tiếng rưỡi nghỉ ngơi cho mỗi chuyến bay đường dài. Tuy nhiên, điều này có thể khác nhau tùy thuộc vào hãng hàng không và thời gian bay – thời gian nghỉ ngơi có thể kéo dài tới vài giờ.”
Cô nói: “Vì chúng tôi không có khu vực riêng tư trên máy bay để ăn trưa hoặc nghỉ giải lao, uống cà phê nên khoảng thời gian nghỉ ngơi này rất quan trọng và cần thiết. Chúng tôi không giao tiếp với hành khách hay làm bất kỳ công việc nào khác ngoài việc nghỉ ngơi, đồng thời để đôi chân và tâm trí của mình được thư giãn. Mục đích của việc nghỉ ngơi này là để duy trì tinh thần tỉnh táo và sẵn sàng trong suốt chuyến bay để đủ sức làm việc nếu có điều gì bất ngờ xảy ra.”
“Trái múi giờ cũng là điều khó khăn,” Carr nói. “Nhiều lúc nằm đó chỉ để nghỉ ngơi chứ không ngủ được. Nhưng vì đang trong thời gian nghỉ ngơi nên chúng tôi được phép sử dụng điện thoại để xem phim hoặc đọc sách.”
Carr giải thích, mọi thứ trong ngành hàng không đều dựa trên thâm niên, từ lịch trình bay cho đến ngày nghỉ, ai có thâm niên sẽ được đặc quyền, trong đó có cả quyền chọn thời gian nghỉ ngơi.
Khu vực nghỉ ngơi dành cho phi công tách biệt với khu vực dành riêng cho tiếp viên, nằm gần khoang lái. Tùy thuộc vào thời lượng của chuyến bay, có thể có tối đa bốn phi công trên máy bay, nhưng hai người sẽ luôn ở trong buồng lái; do đó, khu vực nghỉ ngơi của phi công chỉ có hai giường (hoặc thậm chí chỉ một trên các máy bay cũ) nhưng đôi khi có ghế ngồi được trang bị hệ thống giải trí trên chuyến bay mà phi hành đoàn không có được. Ngoài ra, các ngăn đều khá giống nhau.
Aleksi Kuosmanen, phó phi công trưởng của Finnair cho biết: “Tôi thường ngủ khá ngon ở đó.”
Kuosmanen bay trên máy bay A330 và A350, và nói rằng ông thích khu vực nghỉ ngơi của chiếc A330 và A350 hơn, nằm phía trên bếp phía trước hơn là trong cabin chính. “Nó có rèm rất tốt, bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ, có hệ thống thông gió tuyệt vời và cách âm tốt. Bạn không nghe thấy bất cứ điều gì đang xảy ra trong phòng bếp, nó thực sự yên tĩnh và thoải mái.”
Lần tới khi bạn đang trên một chuyến bay đường dài, hãy để ý đến cánh cửa ở phía trước hoặc phía sau máy bay. Nếu bạn nhìn thấy một phi công hoặc tiếp viên bỗng nhiên… biến mất, bạn biết ngay, họ đến khu vực nghỉ ngơi để giải lao đó.
Tất nhiên, bạn sẽ không được tiếp cận nơi nghỉ của phi hành đoàn, vì những cánh cửa luôn đóng kín. Mà hành khách cũng chẳng cần biết làm gì, chỉ cần nhìn thấy các tiếp viên xuất hiện với sắc diện tươi tắn, khỏe khoắn, chuyến bay an toàn vì phi công tỉnh táo để điều kiển khi cơ, vậy là vui rồi, đúng không?
(theo CNN)