Dâu bể đời người

Minh họa: Pawel Czerwinski/Unsplash

Có lần đi thắp hương mộ bên nội, tôi thấy tên ông cố trên bia mộ, một cái tên rất đẹp. Thời của ông hiếm ai có cái tên đẹp như vậy. Nhất định, cha của ông cố phải giỏi chữ Nho mới có thể đặt cho các con những cái tên đầy chữ nghĩa. Thì ra ông cố tôi đã từng thi đỗ và được gọi là ông Nghè. Đến thời ông, chữ Nho không còn được trọng dụng, ông bèn quyết định cho con học chữ Tây. Vậy là ba người con trai của ông gồm ông nội bác, ông nội của tôi và ông nội chú rẽ qua một hướng khác.

Minh họa: Steinar Engeland/Unsplash

ÔNG NỘI CHÚ

Ông nội chú là em út ông nội tôi. Ông nội chú làm việc cho một ngân hàng ở Hà Nội. Sau đó thời cuộc đưa đẩy, ông khoác áo nhà binh và trở thành sĩ quan quân đội của Việt Nam Cộng Hòa. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi được ba chở đến nhà ông ở đường Độc Lập, nay là đường Trần Phú để chúc Tết ông bà. Trong trí nhớ của tôi, ông đậm người, tướng mạo oai vệ trong bộ quân phục. Gương mặt ông phúc hậu, hiền từ và nụ cười của ông rất đẹp. Rồi đến tháng Giêng hay tháng Hai gì đó năm 1975, ông nội chú bị đột quỵ bất ngờ và từ trần. Hồi đó sự ra đi đột ngột của ông khiến ai cũng đau buồn nhưng giờ nghĩ lại, có khi đó là cái may. Bởi nếu còn sống, hẳn ông cũng khó mà chịu nổi đời lao tù trong trại cải tạo khi ông lúc đó đã cao tuổi.

ÔNG NỘI

Người con trai giữa của ông cố là ông nội của tôi. Ông mất khi má tôi chưa về làm dâu nhà nội. Cái chết của ông thật tức tưởi. Ông nội, như theo lời của bà con làng xóm ở quê tôi, hiền như Phật đất. Nhà có ruộng vườn nhiều, ông phải thuê người làm nhưng ông đối xử với họ rất tử tế. Bây giờ nhiều người già vẫn còn nhắc đến ông với sự kính trọng và lòng thương mến. Cả đời ông chưa bao giờ to tiếng với ai, kể cả con cái.

Ông có năm người con trai và ba người con gái. Năm người con trai thì có bác và một chú của tôi học Đại học Sư phạm Huế và Quy Nhơn. Còn ba và một chú nữa thì học xong rồi đi làm ở Sài Gòn tại Nha Kỹ thuật và Nha Viễn thông. Chú út lúc đó còn đang đi học. Do thấy uy tín và tầm ảnh hưởng của ông nội đối với làng xóm nên chính quyền địa phương mời ông ra làm đại diện hội đồng xã. Thấy trẻ con ở làng phải đi bộ xuống trường học ở Vĩnh Điện xa xôi quá, ông nội tôi vận động, kêu gọi mọi người góp tiền xây trường cho con em. Khi đã có trường, ông lại nghĩ tiếp đến chuyện kêu gọi xây một trạm y tế. Mơ ước dang dở chưa thành thì ông ra đi một cách đau đớn.

Nếu ai đã từng đọc cuốn Học phí trả bằng máu của nhà văn Nguyễn Khắc Phục thì sẽ thấy chi tiết vụ du kích Ba Đoát giết hội đồng xã. Phong trào diệt tề điệp thời đó được thực hiện một cách mù quáng bởi những du kích ít học mà hăng máu. Một ngày, khi ông nội tôi đang ngồi làm việc ở hội đồng xã, một du kích bước vào hỏi: Ai là ông H? Ông nội tôi đứng lên trả lời “tôi đây” và… bị hai phát đạn vào đầu. Những chuyện này là do má và cô kể lại chứ ba và các chú hầu như không bao giờ muốn nhắc tới. Tôi có hỏi thì ba cũng kể sơ qua thôi. Ba hay nói: Chuyện đã qua rồi!

CHÚ NĂM

Nói về ông nội không thể không nhắc đến chú Năm tôi. Do các anh lớn đi học và đi làm xa, chú lại trở thành người gần gũi ông nội nhiều nhất. Cuộc đời của chú cũng lắm nỗi thăng trầm như bao người đàn ông thời đó.

Do thấy bà cố của tôi ở một mình không có con cái sống bên cạnh nên ông bà nội đã cho chú về ở với bà cố từ khi còn nhỏ. Thỉnh thoảng ông nội cũng hay qua ngủ lại nhà bà cố để gần gũi dạy bảo chú. Có lần ông nội nói với chú: chiến tranh sẽ còn kéo dài, ông không muốn năm người con trai của mình cầm súng, bởi bắn vào bên nào cũng là bắn vào người Việt. Vì vậy, ông mong các con trai đi theo ngành giáo hay ngành y vừa không vướng vào nghiệp sát, vừa giúp đời. Trong năm anh em trai, bác đầu của tôi học Sư phạm Huế. Ba tôi làm việc tại Nha Kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Hải quân. Tuy cũng là nghiệp nhà binh nhưng ba không cầm súng. Chú Tư kế ba tôi làm Nha Viễn thông dân sự. Đến chú Năm, nghe lời ông nội, từ khi đi học chú đã ôm mộng trở thành bác sĩ. Chú thông minh và lại chăm chỉ nên ước mơ đó có lẽ cũng không khó khăn đối với chú.

Nhưng rồi cái năm 1962 ấy, năm mà ông nội tôi, một người cả đời chưa bao giờ giết một con kiến bỗng nhiên bị du kích bắn chết với lý do “là ác ôn, gây nợ máu với nhân dân”. Ông mất đột ngột, bà nội tôi chới với, con cái đều ở xa, công việc làm ăn trước nay do ông nội cáng đáng, giờ bị gián đoạn, của cải cũng vì đó mà thất thoát nhiều… Thấy cảnh nhà trở nên khó khăn, chú Năm quyết định từ bỏ ước mơ làm bác sĩ vì học hành sẽ tốn kém. Chú chọn học sư phạm. Ra trường, chú đi dạy. Sau đó, chú được bổ nhiệm làm hiệu trưởng các trường tiếu học ở Hiệp Đức, Duy Xuyên và một số trường ở Đà Nẵng. Thời gian làm hiệu trưởng, chú vẫn đi dạy giờ môn Việt Văn cho các trường tư.

Chú của tác giả (ảnh tác giả gửi)

Đáng nói trong khoảng thời gian này, chú và bác đầu của tôi dù là viên chức nhưng đều phải tham gia quân đội theo quy định của chế độ thời bấy giờ, phòng khi chiến tranh căng thẳng thì có sẵn lực lượng sĩ quan dự bị. Người ta gọi đó là những sĩ quan biệt phái. Chú Năm được đưa vào huấn luyện tại trường Sĩ quan Thủ Đức và sau đó mang cấp bậc Trung úy. Lúc đó, cấp trên của chú đã khuyên chú ở lại quân đội vì nơi chú được điều về khá an toàn, không phải ra chiến trường. Nhưng chú vốn yêu nghề gõ đầu trẻ nên nhất quyết quay trở về trường, dạy học.

Những ngày biến động cuối tháng 3-1975, ba tôi từ Sơn Trà chạy qua Đà Nẵng tìm, hỏi chú đã tính chuyện di tản chưa. Chú lúc đó phân vân lắm nhưng rồi chú quyết định ở lại vì bà cố không ai chăm sóc, chú không nỡ bỏ bà mà ra đi. Những ngày sau 30-4-1975, chú Năm quay về Đà Nẵng tìm trường đi dạy. Chú cứ nghĩ chiến tranh kết thúc, các nhà giáo đều phải trở lại trường, các bác sĩ đều phải trở lại bệnh viện, mọi người đều trở lại công sở để thực hiện trách nhiệm của họ đối với xã hội. Tình cờ một lần chú gặp lại một người bà con, mới biết ông là “cơ sở cách mạng”. Khi nghe chú nói đang đi tìm trường để dạy học, người này viết cho chú một lá thư tay dặn mang đến đơn vị quản lý giáo dục lúc bấy giờ. Khi chú mang thư đến, những cán bộ ở đây lại giới thiệu chú đến trường tiểu học Hòa Mỹ (thuộc khu vực Hòa Khánh, Đà Nẵng bây giờ) nhận việc.

Khi đến trường ngôi tiểu học, chú mới biết người ta đề nghị chú làm hiệu trưởng, thay người hiệu trưởng cũ (có lẽ họ nghĩ chú là người được một cán bộ cách mạng gửi gắm hẳn đáng tin cậy). Té ra người hiệu trưởng bị mất chức cũng vốn là đồng nghiệp quen biết của chú. Chú Năm suy nghĩ lung lắm. Chú cần công việc, nhưng giờ đây nếu chú ngồi vào cái ghế hiệu trưởng, ông hiệu trưởng cũ sẽ trở thành thuộc cấp của chú, điều này sẽ làm tổn thương ông ấy. Vậy là chú từ chối vị trí mới và quyết định quay về quê xin việc, phần cũng muốn gần gũi bà cố để chăm sóc bà vì lúc đó bà cũng trên 90 rồi.

Minh họa: Jesse Bowser/Unsplash

Chú viết đơn xin việc, dĩ nhiên kèm theo là tờ khai lý lịch. Chú mang tờ lý lịch lên ủy ban xã chứng nhận, nhận được lời phê, như sau: “Gia đình mấy đời theo giặc, có nợ máu với nhân dân”. Quả là khủng khiếp cho lời buộc tội chẳng khác gì kết án tử cho một số phận.

Chú kể: cầm tờ khai lý lịch ấy bước ra khỏi cổng ủy ban xã, chú dừng lại xé tờ giấy làm hai, làm tư, làm tám, rồi xé vụn, vất bỏ ở gốc dừa trước cổng. Chú về lại nhà bà cố và bắt đầu cuộc đời làm ruộng từ đó đến giờ. Nay chú đã 85 tuổi.

Tôi bảo với chú nếu hồi đó chú nghe lời ba tôi di tản, có khi vào đến Sài Gòn, chú đã theo tàu đi Mỹ rồi. Nhưng chú nói chú không hề hối tiếc về quyết định ngày đó, vì chú không thể bỏ lại bà cố một mình mà không có người chăm sóc. Sau khi nghe chú kể chuyện xưa, tôi mới hiểu ra vì sao nhiều cô gái con nhà gia giáo ngày xưa từng cảm mến rồi yêu chú. Vì chú là một người đàn ông nhân hậu, thông tuệ, luôn sống có đạo đức, có trách nhiệm. Và đáng nể nhất, khi kể về những câu chuyện trần ai dâu bể đó, chú chỉ buông một câu nhẹ tênh: “Thôi cứ coi như là số phận, con à!”…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: