Nhìn gần vào chuyển động của mắt và bạn có thể phát hiện điều gì đang xảy ra bên trong cái đầu của một người. Ví dụ, con ngươi giãn ra chứng tỏ chúng ta đang lúng túng khi sắp đưa ra một quyết định nào đó. Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy một số chuyển động của mắt đã tiết lộ những gì chúng ta nghĩ trong đầu và không muốn ai biết. Nói rõ hơn là đôi mắt đã “phản bội” lại chủ nhân của nó bằng các chuyển động nằm ngoài tầm kiểm soát.
Mắt là nơi tiết lộ những bí mật giấu kín
Người ta thường nói “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, mắt tiết lộ cả những cảm xúc mà chúng ta muốn che giấu. Mặc dù khoa học hiện đại không chấp nhận sự tồn tại của linh hồn, khoa học vẫn chấp nhận một phần sự thật trong câu ngạn ngữ cổ: Hoá ra mắt không chỉ phản ảnh điều gì đang xảy ra trong não mà còn ảnh hưởng đến cách chúng ta ghi nhớ sự việc, vật thể và ra những quyết định quan trọng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được cách mắt di chuyển và những gì nó tiết lộ. Khi mắt di chuyển liên tục lúc chúng ta thức, một số di chuyển được kiểm soát bởi ý thức nhưng một số xảy ra trong tiềm thức và vượt ngoài tầm kiểm soát. Ví dụ, khi đọc sách, chúng ta thực hiện một loạt chuyển động mắt nhanh gọi là “saccades” trong đó mắt liếc từ chữ này sang chữ khác.
Khi chúng ta bước vào một căn phòng, mắt sẽ quét trong phạm vi lớn hơn khắp phòng. Kế đến là những chuyển động nhỏ không chủ ý khi chúng ta đi bộ để tương ứng với chuyển động của đầu và giữ ổn định cho tầm nhìn ra thế giới chung quanh. Dĩ nhiên, mắt không chỉ chuyển động lúc thức mà còn chuyển động trong giấc ngủ REM(Rapid Eye Movement).
Ngày càng có chứng cứ cho thấy một số chuyển động của mắt đã tiết lộ những gì chúng ta nghĩ trong đầu mà không muốn ai biết. Nói rõ hơn là đôi mắt đang phản bội lại chủ nhân của nó bằng các chuyển động nằm ngoài tầm kiểm soát. Đọc được chuyển động của mắt là biết được sự thật trong câu trả lời của người đối diện.
Một nghiên cứu xuất bản năm ngoái cho thấy việc con ngươi giãn ra có liên quan đến mức độ “thiếu chắc chắn” trong việc đưa ra quyết định. Khi chúng ta không tự tin lắm về quyết định của mình, sự bồn chồn tăng mạnh làm cho con ngươi giãn ra. Thay đổi này trong mắt cũng cho thấy người ra quyết định sắp nói gì. Một nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng, bằng việc quan sát con ngươi giãn nở, chúng ta có thể đoán khi nào một người định nói “không” lại trả lời là “có”, trái với suy nghĩ của họ (do nể nang hay “ba phải” chẳng hạn). Nếu ai đó không chắc chắn về quyết định của mình, con ngươi luôn giãn ra.
Thí nghiệm của Đại học Zurich
Theo dõi chuyển động của mắt còn có thể đoán trước con số hiển thị trong đầu người đối diện. Tiến sĩ Tobias Loetscher và các cộng sự tại Đại học Zurich tuyển 12 tình nguyện viên và theo dõi chuyển động mắt của những người này khi họ lật xem một danh sách 40 con số. Ông phát hiện ra phương hướng và độ lớn của chuyển động mắt sẽ giúp tiên đoán chính xác con số họ sắp nói sẽ lớn hoặc nhỏ hơn số nói trước đó và cách biệt giữa hai số là bao nhiêu.
Người tham dự sẽ ngước mắt lên và quay sang phải trước khi nói con số lớn hơn. Còn chuẩn bị nói con số nhỏ hơn, mắt sẽ ngó xuống và quay sang trái. Chuyển động mắt càng nhanh, sự cách biệt giữa hai con số càng lớn. Rõ ràng, có sự liên quan giữa con số trừu tượng trong đầu và chuyển động của mắt trong không gian thực. Nhưng nghiên cứu không nói cái nào đến trước, cái nào đến sau: Nghĩ về con số đã làm thay đổi cách mắt chuyển động (ngước lên và sang phải hoặc ngó xuống và sang trái) hay cách mắt chuyển động đã ảnh hưởng đến hoạt động của tư tưởng?
Năm 2013, các nhà nghiên cứu tại Thuỵ Điển đã xuất bản bằng chứng cho thấy chuyển động mắt thực sự tạo điều kiện cho việc tập trung trí óc để nhớ lại một điều gì đó. Họ xem hoạt động nhìn quanh quất của mắt là để trợ giúp cho trí nhớ làm việc. Nhóm nghiên cứu tuyển 24 sinh viên tình nguyện và yêu cầu từng người hãy xem xét kỹ một loạt vật thể phô bày ở một góc màn hình máy tính. Những người tham dự cũng được yêu cầu lắng nghe mô tả về trạng thái của một vật thể đã xem như “chiếc xe quay mặt về bên trái” (mô tả có thể không đúng với thực tế) và hỏi họ trả lời càng nhanh càng tốt mô tả nào đúng mô tả nào sai.
Người tham dự chia làm 4 nhóm: Nhóm được phép để mắt chuyển động tự do và ngẫu nhiên, nhóm chỉ được nhìn vào dấu thập nằm giữa màn hình máy tính, nhóm nhìn vào góc nơi vật thể xuất hiện vừa xuất hiện và nhóm nhìn vào 3 góc khác. Nghiên cứu phát hiện ra nhóm chuyển động mắt tự do kể đúng hơn về trạng thái vật thể so với nhóm tập trung vào giữa màn hình. Lý thú hơn nữa là nhóm tập trung vào góc vật thể từng xuất hiện trước đó làm tốt hơn nhóm nhìn vào các góc khác.
Điều này cho thấy chuyển động mắt của người tham dự càng nhiều thì trạng thái vật thể càng được mô tả lại tốt hơn. Nói rõ hơn là chuyển động mắt đã giúp rất nhiều vào việc huy động trí nhớ để trả lời một câu hỏi, mà ở đây là trạng thái vật thể mới được xem qua. Có lẽ lý do là vì chuyển động mắt đã kích thích chúng ta gợi lại những ghi nhớ về trạng thái của vật thể khi cần phải trả lời một câu hỏi về chúng, kể cả vị trí, phương hướng và màu sắc.
Nói vậy để thấy chuyển động mắt đã giúp ích rất nhiều trong việc gợi lại ký ức, ngay cả khi nó chuyển động một cách vô thức. “Khi chúng ta nhìn vào một vật thể hay một cảnh quan trước đó, mắt sẽ liên tục ghi lại thông tin nó nhìn thấy để có thể tương tác với bộ nhớ sau đó – Roger Johansson, nhà tâm lý tại Đại học Lund University cầm đầu cuộc nghiên cứu nói. Quan sát chuyển động mắt cũng có thể được dùng để đánh giá câu nói của một người cả về độ trung thực và đáng tin cậy của nó.
Nguy cơ của theo dõi chuyển động mắt
Một nghiên cứu mới đây cho thấy (và có lẽ là lời cảnh báo), tác động vào chuyển động của mắt có thể dẫn đến sự chọn lựa mà người đối diện không biết. Các nhà nghiên cứu thử nêu ra những câu hỏi phức tạp về đạo đức như “Giết người có thể được biện minh?” và sau đó hiển thị trên màn hình máy tính với hai câu trả lời khác nhau “đôi khi có thể biện minh” hay “không thể biện minh”. Dò theo chuyển động mắt của người tham dự và di chuyển hai câu trả lời ngay tức khắc khi người tham dự đã nhìn vào một câu trong khoảng thời gian vừa đủ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng họ có thể “dụ” được người tham dự trả lời theo ý mình!
Những chuyên viên bán hàng cũng dùng chuyển động mắt để tác động đến quyết định của người mua. “Chúng ta không cần cho khách hàng bất cứ thông tin nào nữa – nhà khoa học thần kinh Daniel Richardson thuộc Đại học University College London, một trong những tác giả của nghiên cứu mới nói – Đơn giản là chúng tôi chờ đến khi quyết định của họ sắp được đưa ra là can thiệp đúng lúc. Nói rõ hơn là chúng tôi có thể làm cho khách hàng thay đổi tư tưởng bằng cách kiểm soát quá trình ra quyết định của họ”.
Richardson nhấn mạnh là những người bán hàng thành công có thể tham khảo kỹ nghiên cứu của ông và dùng nó để tăng cường kỹ năng thuyết phục khách hàng. “Chúng ta thường đánh giá cao tài ăn nói lúc chào hàng nhưng có lẽ việc quan sát quá trình làm quyết định của khách để tác động đúng lúc cũng là một thủ thuật cần xem xét. Người chào hàng phải biết xác định chọn đúng điểm rơi lúc khách đang xem hàng rồi bồi thêm bằng những ưu đãi để tác động lên chọn lựa của họ”.
Nếu bạn mua hàng trên mạng, chúng có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn bằng cách đề nghị giao hàng miễn phí ngay lúc bạn vừa đưa mắt đến một món hàng nào đó, chứ không cần đi sâu vào suy nghĩ của bạn. Như vậy, chuyển động mắt có thể vừa phản ảnh vừa tác động đến các nhiệm vụ cao hơn của bộ não như trí nhớ và làm quyết định. Nó cũng có thể bóc trần những suy nghĩ thầm kín, niềm tin và khát vọng của chúng ta.
Nắm được những tiết lộ của chuyển động mắt có thể giúp chúng ta mài sắc các chức năng của não và tránh bị lợi dụng bởi những người khác. “Mắt là cửa sổ của tâm hồn nhưng chúng ta thường quên là có nhiều thông tin bí mật cá nhân đi ra từ cửa sổ đó – Richardson nói – Chuyển động của đôi mắt có thể tiết lộ nhiều thứ mà chúng ta muốn che giấu như ghét bỏ một loại màu da nào đó”.
Chúng ta có thể thấy những ứng dụng dò chuyển động mắt sử dụng như công nghệ hỗ trợ để phát hiện ra chức năng nào bạn cần trong điện thoại để thêm vào, cái nào không thích để bỏ đi. Nhưng các ứng dụng này còn được dùng để theo dõi nhiều thứ khác nữa nếu chúng ta không tắt chúng đi. Thông tin nhận được sẽ nhiều hơn và những nguy cơ những suy nghĩ của bạn lọt vào tay người khác cũng nhiều hơn hơn.