H.C.
Bộ Ngoại giao Indonesia đã trao công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và ở đó suốt hai ngày trước khi rời đi vào trưa nay thứ Hai 14-09.
Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ngoài khơi đảo Natuna của Indonesia của các tàu hải cảnh và tàu đánh cá Trung Quốc.
Cơ quan quản lý an ninh biển Indonesia Bakamla nói tàu Trung Quốc đã rời khu vực EEZ sau khi bị tàu tuần tra của Indonesia xua đuổi vào trưa thứ Hai và hai bên đã “cãi vả trên sóng radio”.
“Tàu Trung Quốc nói họ đang tuần tra khu vực tài phán của Trung Quốc. Chúng tôi cực lực phản đối điều đó và nói đây là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi,” phát ngôn viên Bakamla, ông Wisnu Pramandita nói với báo The South China Morning Post. Theo ông Wisnu, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi tới đi lui trong vùng EEZ của Indonesia “từ thứ Bảy đến 11:30 sáng thứ Hai”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết bộ đã yêu cầu đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta giải thích hành động xâm lấn này. “Chúng tôi nhắc lại với phó đại sứ Trung Quốc rằng vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia không chồng lấn với vùng biển Trung Quốc”, ông Faizasyah nói.
Indonesia không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa nhưng việc Bắc Kinh đòi “quyền lịch sử” trên Biển Đông, thể hiện qua đường lưỡi bò chín đoạn, chồng lên vùng EEZ của Indonesia tại khu vực đảo Natuna. Yêu sách “quyền lịch sử” của Bắc Kinh ở Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển tuyên bố là không có giá trị, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng “bất hợp pháp”.
Chuyên gia Collin Koh, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược tại Singapore cho rằng, vụ xâm nhập là “một thách thức” với Indonesia.
Do Trung Quốc thường xuyên xâm nhập và đánh cá lậu, từ tháng Giêng năm nay, Indonesia đã bố trí chiến đấu cơ và chiến hạm tuần tra khu vực gần quần đảo Natuna. Từ ngày 04-09, cơ quan Bakamla của Indonesia đã thực hiện “Chiến dịch Ngăn ngừa và Xua đuổi” trên vùng biển này, dự tính kéo dài đến hết tháng Mười Một để phát hiện và xua đuổi tàu bè Trung Quốc xâm nhập và đánh cá lậu, làm Indonesia mất đi mỗi năm hàng tỷ đô la.
*
Vụ đụng độ mới nhất xảy ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe (Ngụy Phương Hòa) đến thăm xã giao Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto ở Jakarta. Tại cuộc gặp, phía Indonesia đã nhắc lại “cam kết đàm phán và giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông”.
Chuyên gia Ian Storey, nhà nghiên cứu của Viện ISEAS ở Singapore nhận xét hành động xua đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc thể hiện “sự cứng rắn” mới của Indonesia đối với lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đây, Indonesia chỉ theo dõi tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng EEZ của mình.
“Các nước Đông Nam Á khác nên theo gương Indonesia để thể hiện cho Bắc Kinh rằng họ hoàn toàn bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” trong phạm vi đường lưỡi bò chín đoạn. Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 đã xác định “quyền lịch sử” đó không phù hợp với luật pháp quốc tế,” ông Storey nói.
Nhưng theo ông Collin Koh, hành động xua đuổi của Indonesia vẫn “chưa đủ” để ngăn chặn Bắc Kinh trong tương lại. Ông Koh cho rằng Indonesia cần “một chiến lược mạnh mẽ hơn”, quy tụ “các quốc gia Đông Nam Á và các nước bên ngoài khu vực có cùng lập trường” cùng tố cáo “những hành vi chèn ép” như vậy. Một lựa chọn khác là các nước có thể đưa vấn đề lên các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như diễn đàn Liên hiệp quốc, để buộc Trung Quốc phải nghĩ kỹ trước khi hành động.”
(Theo SCMP)