Niềm vui khi bên nhau tự làm quà Giáng Sinh

Minh họa: Unsplash

Giáng sinh cũng là thời điểm mà “chủ nghĩa tiêu dùng” vươn hết đôi cánh của nó để thể hiện… sự lãng phí và phô trương đáng kinh ngạc! Tính bình quân, người Anh chi khoảng $517 vào việc mua quà dịp này trong năm 2021. Nhưng có khoảng 23 triệu món quà Giáng sinh kết thúc số phận trong bãi rác, kể cả thiệp Giáng sinh với những lời chúc mừng có “cánh”! Mùa lễ hội cuối năm cũng chứng kiến ​​các hộ gia đình Anh vứt rác nhiều hơn 30%, tương đương 1.4 triệu tấn carbon dioxide (CO2) so với bất kỳ ngày khác trong năm. Cụ thể, họ vất đi khoảng 365,000 km giấy gói, đủ để nối Trái đất với Mặt trăng! (con số đáng báo động vì cứ 1kg giấy ra lò thì có 3.5kg CO2 phát tán lên bầu trời). Cũng tương tự ở Mỹ, số rác thải ra vào mùa nghỉ cuối năm, từ Lễ Tạ ơn đến Năm mới, tăng 25%, tương đương 25 triệu tấn.

Câu chuyện của Sandy Ong

Vào những ngày trước lễ Giáng sinh năm 1999, tôi (Sandy Ong) và cậu em trai rơi vào tình huống bối rối. Chẳng bao lâu nữa sẽ bước sang thiên niên kỷ mới 2000, và chúng tôi muốn làm một điều gì đó đặc biệt tặng cha mẹ mình, thay vì chỉ có những tấm thiệp vẽ tay thông thường. Nhưng vì mới đi vào thị trường nghề nghiệp chưa được bao lâu nên chúng tôi không có sẵn tiền và cũng không thể thoải mái đi xục xạo tại các cửa hàng quà biếu mà không sợ bị người ta để ý. Sau một hồi suy nghĩ nát óc, hai anh em quyết định chọn một thứ mà chúng tôi tin là “ý tưởng tuyệt vời”: Lịch treo tường làm thủ công.

Trên tờ giấy vẽ A3, chúng tôi dùng bút chì viết nắn nót viết những con số ngày tháng rồi dùng keo để dán những vật liệu thu thập được từ khắp nơi trong nhà. Mỗi tháng có một chủ đề đặc biệt và vật liệu cũng thay đổi theo. Nào là ngôi sao origami, giấy lộn, tăm xỉa răng, áo phông, vải từ quần áo cũ, và trong tháng yêu thích của tôi có cả đậu nành khô, hạt lúa mạch và vỏ đậu phộng! Dù sản phẩm cuối cùng… quá nặng và “không thực tế” để treo tường, bố mẹ tôi vẫn hãnh diện tuyên bố nó là một…”kiệt tác thực sự” và trưng bày trên bàn làm việc của bố.

Bây giờ, tôi và em trai sống ở hai lục địa khác nhau. Những ngày cũ tự tay “sáng tác” quà Giáng sinh và Năm mới cũng qua lâu rồi. Gia đình chúng tôi vẫn giữ truyền thống đoàn tụ vào mỗi dịp Giáng sinh (trừ khi không thể), nhưng thay vì tự tay làm quà tặng, chúng tôi mua quà tặng cha mẹ và người thân tại các cửa hàng quà biếu ở đâu cũng có. Cách này không chỉ tiện lợi, đỡ mất thời gian mà bạn còn có nhiều thứ để lựa chọn. Khả năng món quà của bạn được người nhận sử dụng hàng ngày và kỷ niệm giữ được lâu dài cũng cao hơn.

Nhưng tặng quà và trang trí vào lễ Giáng sinh, cũng như các lễ kỷ niệm khác trong năm, không hẳn là lãng phí, đặc biệt khi quà tự làm bằng những vật liệu thân thiên với môi trường. Như một truyền thống tồn tại lâu đời trên khắp thế giới, từ Na Uy đến Nhật Bản, người lớn và trẻ em đều  thích những biểu tượng ý nghĩa của Giáng sinh và Năm mới.

Khi ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao từng năm thì việc tự tay mình trang trí cây thông Noel thật và làm một vài món quà tặng thân thiện với môi trường đã trở nên phổ biến. Nhiều người thích thú và hạnh phúc với những món quà tự tay mình làm ra với óc tưởng tượng của riêng mình. Thế hệ trước 2000, việc tự làm hang đá, trang trí cây thông Noel và làm quà tặng là chuyện bình thường. Khá vất vả và tốn thời gian nếu bạn muốn “đặc biệt” nhưng cũng rất vui và trải nghiệm sẽ lưu lại lâu dài trong ký ức. Ví dụ, thiết kế và xây dựng một ngôi nhà bánh gừng và làm một chiếc đèn lồng hình ngôi sao.

Từ trải nghiệm của Marianne Hope ở Oslo, Na Uy

“Tự tay trang trí và làm quà Giáng sinh cũng là một bài học lớn về sự quan tâm đến những người thân yêu của mình, và đây mới chính là điều quan trọng chứ không phải giá trị vật chất. Còn gì ấm cúng bằng việc cả gia đình cùng chung tay làm hang đá và trang trí nhà cửa để đón Giáng sinh. Lấy ví dụ như nướng bánh quy cùng con cái – Daniel Fischer, phó giáo sư về truyền thông tiêu dùng và tính bền vững tại Đại học Wageningen, Hà Lan, nhận định – Ở đây không phải là làm ra những chiếc bánh hay cây kẹo chất lượng cao mà là trải nghiệm niềm vui bên nhau. Sản phẩm khi đó có mùi hấp dẫn và vị hơi khác một chút. Quà tặng bằng thực phẩm tự làm không chỉ ngon mà còn bền vững vì chúng không tạo ra chất thải. Cây thông và hang đá cùng làm cũng cho cảm giác tương tự”.

Đó là cảm giác mà nhiếp ảnh gia Marianne Hope, hiện 49 tuổi biết rất rõ. Lớn lên ở Jar, một thị trấn nhỏ ngoại ô Oslo, Na Uy, chị không bao giờ quên được vào mỗi Tháng Mười Hai, hương thơm nồng nàn của bánh gừng với quế, đinh hương và mật mía hoà trộn tràn ngập khắp nhà khi mẹ và người bà cùng chế biến và nướng bảy loại bánh quy khác nhau. Chị nhớ lại: “Mùi thơm phủ khắp căn nhà. Tôi là người không thích ăn bánh quy lắm, nhưng bằng việc tự làm ra những chiếc bánh cho gia đình, bà và mẹ tôi đã tạo ra không khí rất vui vẻ và ấm cúng. Tôi cũng giúp họ một tay”.

Chị nói thêm: “Tự làm bánh quy Giáng sinh ở nhà là một truyền thống của người dân vùng Scandinavia. Ví dụ, thành phố Bergen ở Na Uy đóng vai trò chủ nhà của lễ hội bánh gừng lớn nhất thế giới hàng năm”. Khi chuyển đến sống tại Hà Lan năm 2002 và lập gia đình riêng, chị vẫn tiếp tục truyền thống này với hy vọng mang hương vị quê nhà đến nơi ở mới. Ngoài bánh quy gừng, chị còn làm Pepperkakehus (ngôi nhà bánh gừng), bắt đầu từ Mùa Vọng trước Giáng sinh. Ngôi nhà gồm những tấm bột nướng lên và kết nối với nhau bằng đường nấu chảy. Lắp ráp ngôi nhà là phần khó nhất (trẻ em có thể cần một số trợ giúp từ cha mẹ ở đây) vì bạn phải đảm bảo chọn đúng kích thước để các mảnh ghép khít với nhau. Một cánh cửa làm bằng kẹo M & M còn chân tường được lót bằng những hàng kẹo dẻo con sâu rắc chocolate vụn. Ba đứa con của chị được giao khâu trang trí bằng kẹo màu và chocolate.

Tất cả mất vài ngày nhưng rất đáng giá vì những gì ngôi nhà gừng mang lai cho gia đình. Pepperkakehus đứng vững trong bếp cho đến ngày 20 Tháng Mười Hai rồi bị người con trai lớn và bạn bè đập nó thành từng mảnh và ăn trong tiệc sinh nhật (người lớn bỏ vào rượu để thưởng thức sau). Hope nói: “Điều quan trọng không phải là về sự hoàn hảo của ngôi nhà bánh gừng, mà là cơ hội để cùng nhau chuẩn bị đón Giáng sinh”.

Đến Tây Ban Nha, Philippnes

Meritxell Codina, một nhà điều tra tai nạn hàng không từ Sant Jordi de Cercs ở Catalonia, Tây Ban Nha, đồng ý như thế. Ở quê hương của chị có một truyền thống chính trong dịp lễ Giáng sinh là Caga Tió (khúc gỗ pooping). Đó là một khúc gỗ rỗng có hình mặt cười, chân bằng gậy với chiếc mũ đỏ vui nhộn. “Ở Mỹ và Vương quốc Anh, có ông già Noel; còn ở đây, chúng tôi có tió”. Nhà sử học Dani Cortijo giảng dạy tại Barcelona cho biết, tập tục phát triển từ một truyền thống “ngoại giáo” vào mùa Đông khi dân làng tìm kiếm một khúc gỗ lớn trên núi mang về nhà làm lò sưởi đánh dấu “bắt đầu của một mùa mới” và bày tỏ lòng kính trọng đối với thiên nhiên vì đã cho họ sống sót qua một mùa Đông khó khăn, đặc biệt là ở những vùng núi lạnh giá.

Codina, hiện 34 tuổi, chứng kiến ​​bố mẹ làm bánh tiós cho bạn bè của họ. Cha chị chặt cây sồi từ khu rừng của gia đình ở vùng núi gần nhà để làm thân và chân tiós. Sau đó, mẹ chị tạo khuôn mặt màu sắc và dán một chiếc mũ truyền thống của Catalan lên khúc gỗ. Năm nay, gia đình chị quyết định chuyển sở thích của họ thành doanh nghiệp có tên Caga Tió de Carbonís (lấy theo tên một ngọn núi gần đó) và bán sản phẩm trên mạng xã hội Instagram. Caga Tió làm từ vật liệu hữu cơ lấy từ địa phương.

Khi Giáng sinh kết thúc, một số gia đình chọn giữ lại khúc gỗ và sử dụng lại năm sau, số khác đốt đi. Tìm kiếm nguyên liệu địa phương để làm đồ thủ công cho lễ Giáng sinh cũng là lạc thú của Leona Valenzuela, 39 tuổi, lớn lên ở Manila, thủ đô Philippines. Người Philippines theo truyền thống treo những bài hát mừng, đèn lồng Parol hình ngôi sao trên cửa sổ khi Giáng sinh về, một tập tục có từ hàng trăm năm trước, thời thuộc địa Tây Ban Nha. Parol đại diện cho ngôi sao Bethlehem; tượng trưng cho hy vọng, niềm tin và chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối. Các gia đình tự làm những Parol từ que tre và giấy, trẻ em học làm ở trường. “Mọi người Philippines đều biết làm parol – Valenzuela nói – Nhưng muốn có sản phẩm tốt nhất bạn phải vận dụng hết khả năng sáng tạo”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: