Trịnh Công Sơn, 20 năm nhìn lại cuộc ra đi (1)

Kỳ 1 - Huyền thoại trong khói sương

TUẤN KHANH

Ngày 1 tháng 4 năm 2021, kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sau ngần ấy thời gian, vẫn lại có thêm những bài viết về Trịnh Công Sơn xuất hiện để ca ngợi ông, lẫn đặt lại vấn đề. Nhưng chắc không chỉ năm nay, mà nhiều năm sau nữa, Trịnh Công Sơn sẽ còn được bàn đến, tranh luận không chỉ về tài năng mà còn cả con người ông, như sự biểu trưng về một số phận ngã nghiêng theo những dòng xoáy của đời, mà cũng khó để biết được ông là người giỏi chèo hay là một người bẻ lái vụng dại.

Khó mà thoát được miệng đời, bởi bên cạnh những huyền thoại diễm lệ của Trịnh Công Sơn, nó vẫn còn rất nhiều thứ như khói sương bao phủ, về sự thật cũng như phần đời bị lợi dụng, thao túng bởi cá nhân lẫn cả một hệ thống chính trị.

Hôm nay, hãy cùng thử điểm lại các quan điểm và ghi chép về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khác biệt với các loại ca ngợi kẹo bánh trẻ con, mồm mép rỗng tuếch và phều nước bọt, tham khảo như cuộc đời thật không thể tránh né mãi.

Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông đã nhận đủ thứ tên gọi về mình: từ vĩ đại, thiên tài… cho đến kẻ cơ hội, tráo trở chính trị, phản bội…  và mỗi cái tên gọi như vậy, là một chủ đề được viết, nói. Ông là người được yêu mến, nhưng cũng là người bị tức giận, ghét bỏ… do một thời từng là biểu tượng được yêu mến. Có những cộng đồng người Việt ở nước ngoài tẩy chay không hát, không nghe nhạc của Trịnh Công Sơn, dù nhiều năm trước họ có thể là những người luôn thuộc lòng.

Nhưng ngược lại, ở trong nước, với sự hậu thuẫn của truyền thông nhà nước trong nỗi khát khao lấp đầy khoảng trống về thống nhất lòng người sau 1975, đã đưa Trịnh Công Sơn trở thành nhạc sĩ bậc thánh, được ngợi ca, thờ phụng và noi gương. Hậu quả của chiến dịch này đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành nạn nhân của xu hướng overrated, khiến sự gay gắt với ông ở một chiều khác càng tăng. Ngay ở trong Việt Nam, lúc này, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy những người hết sức thần tượng và vô cùng căm ghét.

Khổ nạn chiến tranh trên đất nước Việt Nam đã là cú hích, hình thành rất nhiều những tài năng âm nhạc, hội họa, văn chương… Trong bài viết từng gây sóng gió chưa từng của họa sĩ Trịnh Cung vào năm 2009 (Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị), đoạn văn ngắn dưới đây, có lẽ mô tả phần nào vấn đề này, khi họa sĩ Trịnh Cung chứng kiến sự yếu đuối và mất dần ý chí sáng tác và tư duy tự do của Trịnh Công Sơn: “… trực giác của tôi đã mách bảo rằng điều ấy nằm ngoài khả năng của TCS, cứ để cuộc sống của anh phụ thuộc vào bản năng, đã tiêu vong rồi một TCS mạnh mẽ dấn thân, mạnh mẽ ca hát cho hoà bình đất nước, cho dân tộc ấm no, bình đẳng, tự do và hạnh phúc như ngày nào. Thời cuộc làm ra TCS đấy thôi, anh không phải là người làm ra thời cuộc, nên tôi đã nghẹn họng”. Có lẽ vậy, chính chiến tranh và khổ đau đã sinh nở ra một tâm hồn Trịnh Công Sơn vĩ đại, một giai đoạn.

Trong một cái nhìn khác, tàn nhẫn hơn, nhưng rạch ròi hơn, thi sĩ Nguyễn Quốc Chánh thì giải thích sự “khác lạ” và gần gũi với quan chức chính quyền của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là ông Võ Văn Kiệt, bởi người nhạc sĩ này có giá trị như một chiến lợi phẩm quan trọng sau cuộc chiến. “Đối với cộng sản, khi họ đã nhắm vào ai cho lợi ích của họ, người đó không thể thoát. Hoặc hợp tác có thưởng, hoặc chết ngáp”, Chánh viết.

Cũng trong bài viết đó (Trịnh Công Sơn và Võ Văn Kiệt, tháng 4/2020)), nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh gửi một đáp án về thái độ nghệ sĩ rặt chất phương Nam, rằng “…nghệ sĩ thừa tửu sắc, nhưng thiếu một chút ngang tàng thành thật, nhất đít lên, rời cái chỗ việt vị ấy, sau đó mới nói chuyện lớn nhỏ”. Từ góc nhìn này, hãy thử tưởng tượng một Trịnh Công Sơn đóng cửa về nhà, chấp nhận số phận như những tài danh văn hóa văn nghệ Miền nam Việt Nam, có lẽ ông sẽ không có những bài hát lạ lùng như “Thị trấn ngày mai, ngồi nghe nhắc lại, Trị An ngày ấy là chiến khu Đ“ (Về giữa Trị An), mà Nguyễn Quốc Chánh kết luận rất hợp lý là “Những bằng chứng chán phèo, lời nhạc nhạt nhẽo, nịnh và xạo”.

Hầu như những người quen biết với Trịnh Công Sơn, đều xác nhận rằng, có vài con người, thật sự đã tác động lớn vào số phận của ông, đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Võ Văn Kiệt. Có những chỉ dấu cho thấy, từ sự cả nể bạn bè và thói quen thiếu sự chủ động, và sự e ngại do thời thế… Trịnh Công Sơn dễ bị tác động bởi những âm mưu hay xu hướng muốn thao túng ông.

Trong hồi ký Huế hôm nay, viết năm 1968, trong bối cảnh cuộc chiến Mậu Thân tràn vào từng ngôi nhà, làm đầy thêm các nghĩa trang, Trịnh Công Sơn ghi lại “Qua khung cửa, chúng tôi nhìn thấy những người lính Bắc Việt di chuyển, nấu ăn, đào hố trong vườn trước mặt nhà. Đó là những ngày đẹp trời của mùa xuân, với những giọt mưa nhẹ như sợi chỉ đan vào nhau và không khí lành lạnh. Tôi muốn tản bộ dọc theo những con đường đầy bóng mát trước cửa nhà. Tôi muốn có cốc cà phê ở một tiêm bên kia sống, trong nội thành, đằng trước Trường Âm nhạc và Mỹ thuật. Nhưng tôi đã ngồi bất động hơn 15 ngày. Anh tôi và tôi ví những ngày của chúng tôi với những ngày của Anne Frank”.

“… hàng ngàn gia đình trong cuộc chém giết tàn nhẫn ngày hôm nay, người dân Huế đã phải học cách sống trong kiên nhẫn. Huế dường như bị cột chặt vào định mệnh khắc nghiệt”.

Không thể phủ nhận rằng Trịnh Công Sơn có một trái tim hiền lương, một Phật tử với triết lý cống hiến cho hòa bình, an hạnh. Ai mà không chùng lòng, khi đọc những dòng dưới đây, Trịnh Công Sơn viết, từng được xuất bản bằng Anh ngữ bởi Dispatch News Service International Inc, 1968, “Chung quanh tôi mọi vật đều bị tàn phai. Tôi không thể nói được gì cả, khi đời sống chỉ là một trò đùa. Trong một tháng, tôi đã sống ở nơi ẩm ướt, lạnh lùng, trong bầu không khí ảm đạm của thư viện. Tôi không biết phải làm cái gì với cảnh tàn phá này. Căn bản luân lý của chiến tranh đã ra khỏi giới hạn của năng lực loài người để chịu đựng”.

Những ca khúc vĩ đại nhất của Trịnh Công Sơn, về lịch sử điêu tàn của cuộc chiến vô nghĩa hai miền Nam Bắc, bộ Ca khúc Da vàng, gần nửa thế kỷ, vẫn không dễ lấy trọn được giấy phép phát hành trong thời thống nhất địa lý, dù mọi phương tiện tuyên truyền nhà nước đều ngợi ca ông, tung hô vạn tuế.

Nhiều giấy mực của chế độ mới rất thích dùng chữ “phản chiến” để mô tả về âm nhạc của Trịnh Công Sơn – như giả định là một thành phần thuần túy chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng luôn rất ngại ngùng để nói về Bài ca dành cho những xác người, thảm kịch Mậu thân. Cái cách so sánh Trịnh Công Sơn với Bob Dylan hay Joan Baez đã gắn thêm huy hiệu “phản chiến” cho âm nhạc Trịnh Công Sơn, điều mà nhà văn Tạ Tỵ đã minh định, rằng “Trịnh Công Sơn khi khóc than trước cái cảnh chết hai lần (một lần chết vì đại bác quốc gia, một lần chết vì mìn của cộng sản) nếu về phương diện chính trị có thể bị coi là đã “không phân biệt bạn, thù” thì về phương diện triết lý của sự sống đã nói lên được phần nào thân phận bi đát của miền Nam bị kẹp giữa các thế lực quốc tế và để sống còn, vì không có đủ sức lực “trực tiếp trả miếng” nên đã phải tiến, lui, tránh né, để gián tiếp phản công mà tự vệ. Nhạc Trịnh Công Sơn nên được hiểu theo tinh thần phản chiến đó”. (tác phẩm Mười gương mặt văn nghệ, 1970)

———————-

MỜI ĐỌC THÊM:

Trịnh Công Sơn, 20 năm nhìn lại cuộc ra đi (2)

Trịnh Công Sơn – Cuộc đổi chác bằng chính phẩm giá người nghệ sĩ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: