Y NGUYÊN
Có rất nhiều người giải thích thay cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rằng ông đã lên đài phát thanh ngay sau ngày 30-4 để đọc những lời tố cáo người bỏ nước ra đi, kêu gọi hợp tác với chế độ mới… cũng như là cầm trịch hát Nối vòng tay lớn lúc ấy, là do bị bắt buộc, do tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mới phải đọc những lời như vậy. Thế nhưng có rất nhiều chi tiết cho thấy ông ta là người tự nguyện đến tham gia. Điều này được chính Nguyễn Hữu Thái ghi lại trong bút ký của ông ta, có tựa đề là 30/4/1975, Trịnh Công Sơn và tôi, viết vào năm 2010.
Nguyễn Hữu Thái là ai? Là kiến trúc sư, chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963 -1964), là Việt Cộng nằm vùng, hoạt động dưới danh nghĩa Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Viết trong hồi ký, Thái tự hào “Tôi đích thân đứng ra điều hành buổi phát thanh giúp tổ chức ghi âm và giới thiệu lời đầu hàng của tổng thống cuối cùng Việt Nam Cộng hòa đại tướng Dương Văn Minh cùng lời chấp nhận đầu hàng của chính uỷ Bùi Văn Tùng”.
Trong bút ký đó, có đoạn “Thấy trong đám đông ùa đến đài (phát thanh) có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh em sinh viên đưa anh vào và tất cả cùng anh hát bài Nối vòng tay lớn. Không có đàn trống, chúng tôi vổ tay, khỏ nhịp lên bàn cùng nhau hát vang” – có nghĩa, không ai ép, mà chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tự mình có mặt.
Trong bút ký có những dữ liệu quan trọng này, Nguyễn Hữu Thái cũng như rất nhiều người phía Bên thắng cuộc lên tiếng bảo vệ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nói rằng ông là một người thuần suy nghĩ về văn hóa, chứ không phải là chính trị. Nhưng có rất nhiều dữ liệu cho thấy có nhiều điều khác.
Có một chi tiết trong bài viết Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị của họa sĩ Trịnh Cung, ghi lại rằng, ngay lúc bước vào đài phát thanh, Trịnh Công Sơn đã đối mặt với Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát Cho Đồng Bào đã thoát ly đi theo Mặt trận Giải phóng Miền Nam, đuổi ra khỏi phòng thu: “Mày có tư cách gì mà hát ở đây!”. Nhưng không vì thế mà Trịnh Công Sơn rời đi, chỉ khi cùng tham gia đọc và hát trên đài phát thanh xong, nhưng thấy sinh mệnh chính trị của mình quá mong manh, ông mới ngay về Huế để tìm sự giúp đỡ của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân, Trần Hoàn… những người được coi là thân thiết trong thời kỳ xôi đậu.
Vì sao Tôn Thất Lập lại gay gắt với Trịnh Công Sơn? Vì theo tư liệu của nhà thơ Đông Trình (Huế) cho biết, Trịnh Công Sơn từng có lúc bất đồng quan điểm với Tôn Thất Lập, được đưa đi các nước Đông Âu vào lúc chiến tranh, tuyên truyền rằng Việt Nam giờ là hoàn toàn mang tư tưởng cộng sản, và toàn thể nhân dân muốn lật đổ.
Nhưng ở Huế, những người bạn từng thủ thỉ về chủ nghĩa cộng sản đón ông bằng những cuộc đấu tố kinh hoàng, dài ngày. Trịnh Công Sơn và Phạm Duy bị coi như là kẻ thù văn hóa. Ông bị đưa đi học tập văn hóa mới, lao động, làm kinh tế ở nông trường, và chỉ được thực sự giải thoát vào năm 1978, khi Võ Văn Kiệt bật đèn xanh, cho nhà thơ Nguyễn Duy và Nguyễn Quang Sáng đưa về Sài Gòn, dùng như một ngọn cờ tuyên truyền quan trọng từ đó về sau.
Lý do của cuộc tấn công Trịnh Công Sơn, mà các người bạn “cách mạng” đều quay lưng, là bởi sau khi tịch thu nhiều tài liệu sót lại sau chiến cuộc, phía Mật vụ miền Bắc tìm thấy “những chi phiếu được Asia Foundation (một cơ quan tài trợ Tình Báo Văn Hoá của Mỹ) trả cho Trịnh Công Sơn để thực hiện phim Đất Khổ, được lưu giữ tại trụ sở của tổ chức này ở phía sau Quốc Hội VNCH sau 30/4/1975. Có lẽ vì thế phong trào chống Trịnh Công Sơn đã được phát động ngay sau khi CSVN chiếm Miền Nam một thời gian ngắn”. (Lữ Giang, Vài nét về Trịnh Công Sơn, 2009).
Trịnh Công Sơn đã làm gì để hài lòng Võ Văn Kiệt, giành lại vị trí đắt giá của mình trong xã hội mới? Trong bài Anh Sáu Dân với Trịnh Công Sơn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, in trong cuốn Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ (nhà xuất bản Trẻ, 2004, trang 173-175, cũng tiết lộ khá nhiều điều thú vị.
“Có một lần anh Sáu tâm sự với Sơn “Anh em trí thức ở thành phố mình bỏ đi nhiều quá. Mỗi người mỗi cương vị, làm sao giữ anh em lại, cùng xây dựng đất nước”. Sau đó Trịnh Công Sơn viết ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên”. Lần thứ hai, anh Sáu nói với Sơn “Trong lúc khó khăn này, làm sao mọi người đều có niềm tin, niềm vui, vượt lên khó khăn để xây dựng Thành phố …”. Sau đó, Trịnh Công Sơn cho ra bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Sách cũng kể về việc Trịnh Công Sơn lấy lòng vợ của Võ Văn Kiệt, rằng “Một lần chị Sáu (vợ anh Sáu) nói “Sao mà tôi thích cái câu – sỏi đá cũng cần có nhau – sâu xa quá!”. Thế là Trịnh Công Sơn cầm đàn hát “Diễm Xưa”. Thật khó có người nào hát hay bằng Sơn hát về mình”. (trích)
Không chỉ vậy, sách này còn có đoạn viết, Trịnh Công Sơn nhắc Võ Văn Kiệt nên dùng bản thân mình để làm mồi chính trị “Có một đêm, anh Sáu rủ Sơn và tôi đến chơi. Anh Sáu mang chai Mao Đài đãi hai chúng tôi. Sơn xỉn. Thế là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu dạy Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm chánh trị. “Anh đi Nhật mà không gọi em là không chính trị. Nhật họ quý em lắm. Anh đi nước ngoài anh phải thế này, thế kia, thế nọ …”. Anh Sáu và tôi cứ cười, Sơn thì vẫn cứ thao thao”. (trích)
Có thể cái chết, sự đọa đày đã ám ảnh người nhạc sĩ tài hoa này, khiến ông ta chọn tận dụng sự danh tiếng của mình để lẩn trong lòng chế độ chăng? Mà sự ám ảnh đó, thật ra không chỉ riêng ông có vào thời khắc 1975, mà hàng trăm ngàn, hay hàng triệu người miền Nam tự do, buộc phải chấp nhận đứng giữa vòng tử sinh.
Năm 1968, khi vừa chiếm lại Huế, giữa những đống xác chết la liệt, tình hình chiến sự Tết Mậu Thân Đợt I đã lắng dịu, Đại tá Lưu Kim Cương phái phi công Nguyễn Quí Chấn bay ra Huế đón Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn. Tình bạn và ơn nghĩa vì không phải chịu chung số phận với hàng ngàn người chết oan ở Huế, đã khiến Trịnh Công Sơn thân thiết với vị đại tá này, và có bài hát tưởng niệm về sau.
Miền Bắc Cộng sản không thích điều đó, và nhiều điều khác nữa ở Trịnh Công Sơn. Chương IV của sách Trịnh Công Sơn – Vết Chân Dã Tràng (2009) tác giả Ban Mai viết rằng “trong giai đoạn đầu của thời hậu chiến, có người quá khích ở chiến khu đã tuyên bố khi về Sài Gòn sẽ “xử tử” Trịnh Công Sơn. Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi”.
Vào những năm cuối thập niên 60, đầu 70, có hẳn một nhân vật Việt Cộng nằm vùng, được lệnh phải theo dõi động tịnh của Trịnh Công Sơn. Đó là Lê Khắc Cầm, cơ sở của Thành Ủy ở Huế. Mục đích là vận động, lôi kéo Sơn về hàng ngũ miền Bắc, nhưng nếu thất bại, hay thấy Trịnh Công Sơn thiên về miền Nam Cộng Hòa thì sẽ thủ tiêu, để không cho địch thủ lợi.
Sự kiện này, được nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh ghi lại trong bút ký Trái tim Cộng sản hay người nghệ sĩ, vào năm 2013, theo lời kể của cha mình là nhà thơ Đông Trình, đăng trên BBC tiếng Việt rằng, “Ngày 25.10.1974, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Tỉnh giáo hội Quảng Nam có tổ chức một buổi nói chuyện mời hai diễn giả chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cha tôi, nhà thơ Đông Trình tại chùa Pháp Bảo Hội An. Đây là buổi theo thư mời Đại đức Thích Long Trí, Phó ban Nội vụ Văn phòng chùa Pháp Bảo ghi rất rõ là “sinh hoạt văn nghệ theo tinh thần hòa giải dân tộc” và ban tổ chức “chịu trách nhiệm về mọi trở ngại có thể xảy đến cho quý đạo hữu tại địa phương”.
Đây là thời điểm mà phía miền Bắc muốn lợi dụng cuộc nói chuyện này, biến thành buổi sinh hoạt văn nghệ chống chế độ VNCH. Thế nhưng Trịnh Công Sơn lại không thuận theo, mà chỉ hát những bài chống chiến tranh chung chung.
“Phải khử ngay, thằng này không thể dùng được!”, đó là mệnh lệnh từ “trên” đưa xuống, và một nhân vật nằm vùng có bí danh là Dũng được giao nhiệm vụ là phải thủ tiêu cho bằng được. Nhưng phía các sư thầy biết tin, đã tìm cách cứu Trịnh Công Sơn về lại Sài Gòn, thoát chết.
Tạm kết luận về một thân phận Trịnh Công Sơn, năm 1975, nhà văn Hoàng Lại Giang từ Bắc tìm vào Nam để tìm gặp, đã nói ngắn gọn rằng :”ngây thơ, nên phải đi giữa hai làn đạn”.
Nhưng có thật sự là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hoàn toàn ngây thơ? Ông biết rõ vị trí và giá của mình khi chọn nép về phía ông Võ Văn Kiệt và bên thắng cuộc. Chính vì vậy, giữa một miền Nam chập chùng mật vụ, bắt bớ và cướp bóc, trại tù… Trịnh Công Sơn vẫn có thể tìm đến nhà anh Sáu (Võ Văn Kiệt) để than phiền, vì sao mình bị an ninh chìm theo dõi. Nhà văn Hoàng Lại Giang kể “Có lần bức xúc, anh Sơn đến giãi bày với ông Kiệt, thì ông ấy bảo: ‘Tôi đây còn bị người ta theo dõi, anh bị theo dõi là chuyện bình thường. Mình cứ làm việc của mình”.
Và từ đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tập trung làm việc của mình.
MỜI ĐỌC THÊM:
– Trịnh Công Sơn – Cuộc đổi chác bằng chính phẩm giá người nghệ sĩ