‘Thời trang nâng cao tâm trạng’

Giày cao gót đế bằng tại chương trình ‘The Fashion Awards 2021’, nhà hát Royal Albert Hall, ngày 29 Tháng Mười Một 2021, London, Anh (ảnh: David M. Benett/Dave Benett/Getty Images)

Giày cao gót đế bằng (platform heel shoe) quay trở lại mạnh mẽ thế giới thời trang mà tiên phong là những người nổi tiếng. Nói về những đôi giày cao gót đế bằng được ưa chuộng tại các sự kiện thảm đỏ năm 2021, bà Elizabeth Hemmelseck, Giám đốc và quản lý cấp cao của Bảo tàng giày BATA ở thành phố Toronto, Canada, nhận định: “Xu hướng thu hút, vui tươi này chính là sự trở lại của những hoài niệm thập niên 1990”. Và không chỉ có thế…

Trở lại với những hy vọng lạc quan

Giày cao gót đế bằng đang trở lại khi nhiều ngôi sao ca nhạc, điện ảnh và thời trang dẫn đầu xu hướng “hậu-lockdown” đang mang những đôi giày cao ngất ngưởng, bóng với tông màu nóng. Mới đây, nữ ca sĩ Beyoncé Knowles đã mang một đôi giày “it” ấn tượng màu hồng rực rỡ cao 6 inches do hãng Versace thiết kế tới một sự kiện Tháng Tám. Đôi giày Medusa Aevitas trị giá $1.425 này (cũng được hai ca sĩ Ariana Grande và Dua Lipa mang) là sản phẩm được tìm kiếm nhiều thứ hai trên trang web thời trang Lyst.

Những người nổi tiếng như Olivia Rodrigo và Rosé của nhóm tứ ca Blackpink cũng mang đôi giày phong cách thể thao tương tự khi đến Toà Bạch Cung và Tuần thời trang Met Gala ở New York City. “Mọi người chỉ muốn làm cho cuộc sống vui vẻ trở lại – nhà tạo mẫu nổi tiếng Nicole Chavez nhận xét về xu hướng “cũ mà mới” này – Giày cao gót, đặc biệt giày màu sáng và lấp lánh, là một phần của ‘thời trang nâng cao tâm trạng’ đang phổ biến, từ quần áo đến phụ kiện, với điểm nhấn là màu sáng và lấp lánh để tạo cảm giác vui vẻ, quên đi những suy nghĩ tiêu cực về đại dịch”.

Người mẫu Sira Pevida với đôi giày “thời trang nâng cao tâm trạng” (ảnh: Daniel Zuchnik/Getty Images)

Với một số người yêu thời trang, cú nhảy từ giày thể thao sang giày cao gót (stiletto) là một bước tiến lớn. Chiều cao là một cách… thoát khỏi thực tại. Không chỉ phụ nữ mới mang giày cao gót đế bằng. Nam rapper Mỹ Lil Nas X thường mang chúng với phục trang rực rỡ, trong khi ca sĩ kiêm giảng viên thanh nhạc Mỹ Billy Porter kết hợp chiếc áo choàng Richard Quinn lấp lánh với đôi bốt cao cấp tại đêm trao giải thời trang The Fashion Awards 2021. Ngôi sao của chương trình truyền hình “Saturday Night Live” Bowen Yang mặc bộ vest đen truyền thống tại Emmys và mang đôi giày gót vuông màu bạc do Syro trụ sở tại Brooklyn thiết kế. Đồng sáng lập Syro, nhà thiết kế Shaobo Han, nhận định: “Giày đã trở thành công cụ thể hiện bản thân vào thời điểm ngày càng có nhiều thách thức về dị biệt giới tính và nó giúp xóa mờ ranh giới nam nữ. Nam giới hòa vào nữ tính bằng đôi giày cao gót đế bằng trên đường phố mà không hề cảm thấy xấu hổ, không hề cảm thấy bị yếu đi mà còn tăng thêm sức mạnh!”.

Các loại đế giày (platform) đã đến, đi rồi quay trở lại trong suốt chiều dài của lịch sử thời trang. Các kiểu đế cũ tồn tại từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Theo thời gian, chúng phát triển thành nhiều kiểu dáng, từ giày (guốc) làm bằng gỗ được phụ nữ Mãn Châu mang trong triều đại nhà Thanh đến những kiểu hình học hoa văn sắc màu của Thế kỷ 16. Theo bà Hemmelseck, những phụ nữ quý tộc sống ở miền Nam châu Âu cũng mang những đôi giày có đế rất cao để có thể tăng chiều dài của trang phục. Một đôi giày lưu lại vào thời kỳ này có gót cao đến 20 inch! Giày đế bằng ở cả phần gót và bàn chân được cho là xuất hiện lần đầu ở Ba Tư vào thế kỷ 17. Theo Hemmelseck, kiểu giày “phôi thai” này được những người cưỡi ngựa Ba Tư mang khi các nhà thiết kế còn loay hoay định hình cấu ​​trúc của giày cao gót. Một đôi giày đế bằng cũng được nhìn thấy trong ảnh minh họa một quý bà Venice có niên đại từ năm 1660 đến năm 1670 đặt tại Bảo tàng Rijksmuseum ở Hà Lan. Nhưng khi giày cao gót đang phát triển, số phận của chúng lại èo uột một thời gian dài trước khi quay trở lại thế giới thời trang cao cấp trong hai thập niên 1930, 1970 và vào cuối thập niên 1990, bước sang 2000.

Gót giày cao thêm mỗi khi xảy ra khủng hoảng

Hemmelseck quan sát và nhận thấy “Sự quan tâm đến giày đế bằng dường như tăng lên mỗi khi xảy ra bất ổn xã hội và căng thẳng kinh tế”. Bà tự hỏi: “Tại sao trong thời kỳ Đại suy thoái (Great Depression) ở Mỹ, những đôi giày lại trông giống trái chuối (banana)? Và tại sao trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ và khủng hoảng kinh tế thập niên 1970, giày lại hóa điên (crazy) một lần nữa? Có một điểm chung nào đó không?”.

Năm 2011, công ty công nghệ IBM đã một nghiên cứu để tìm hiểu lý do tại sao gót giày lại cao hơn trong những cuộc khủng hoảng như “Bong bóng dot-com xì hơi” vào cuối thập niên 1990. Ông Trevor Davis, chuyên gia về sản phẩm tiêu dùng của IBM kết luận trong báo cáo nghiên cứu: “Trong suy thoái kinh tế, gót giày có xu hướng cao lên dần khi người tiêu dùng chuộng thời trang rực rỡ hơn và xem đó như một phương tiện để tưởng tượng và trốn chạy thực tế u ám”. Nếu từng có một đôi giày trong tưởng tượng như thế thì đó là đôi giày được tạo ra bởi nhà thiết kế giày người Ý Salvatore Ferragamo. Năm 1938, trong thời kỳ Đại suy thoái Mỹ, ông giới thiệu kiểu giày “The Rainbow” (Cầu vồng) với kiểu dáng thể thao có đế liền, cao, nhiều màu, dành riêng cho nữ minh tinh siêu sao Judy Garland, làm bằng nút chai và da màu, một chất liệu khan hiếm vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, ngoài việc được xem là một hình thức “thoát ly”, giày cao gót một lần nữa trở nên phổ biến vào thập niên 1930 với sự tiếp xúc của chủ nghĩa thực dụng. Lúc đó, nhiều phụ nữ không đủ tiền mua một tủ quần áo sang trọng, nên họ đầu tư vào một món đắt tiền để có thể mang với nhiều bộ trang phục khác nhau. Đó chính là đôi giày cao gót. Đôi giày ngầm nói rằng: “Tôi là một phần của cô ấy và vì vậy cô ấy vẫn còn thời trang bất chấp những thứ khác trên người”.

Scout Willis (con gái của Demi Moore và Bruce Willis) với mốt giày đế bằng (ảnh: BG015/Bauer-Griffin/GC Images)

Người ta cũng ghi nhận sự hồi sinh của giày cao gót dành cho nam giới nhờ sự tác động của các yếu tố như Cuộc cách mạng Peacock (The Peacock Revolution) vào thập niên 1960, phong trào giải phóng phụ nữ Mỹ bên cạnh phong trào “Hãy nhìn vào các hình mẫu nam tính khác trên thế giới”. Một nhà quan sát thời trang khi nói về tủ quần áo sang trọng và quyền lực của Vua Pháp Louis XIV đã đặt câu hỏi: “Đàn ông phương Tây không lẽ không thể rũ bỏ loại trang phục vua chúa nhàm chán này và bộ vest công sở sao?”. Giày cao gót đã mang các ý nghĩa khác nhau theo thời gian, thậm chí trong một số trường hợp còn tượng trưng cho hoạt động mại dâm, vũ thoát y! Từ thập niên 1930, giày cao gót đáy bằng đã trở thành phần không thể thiếu của vũ nữ thoát y. Đến hập niên 1990 nó phát triển thành kiểu giày Lucite được mang bởi các vũ công thoát y và múa cột với các thương hiệu nổi tiếng như Pleaser, để bước sang thập niên 2000 đường hoàng trở thành xu hướng chủ đạo khi các ngôi sao đưa chúng vào thời trang.

Đến thập niên 1970, giày cao gót một lần nữa trỗi dậy, với những tên tuổi nam giới như ca sĩ David Bowie và diễn viên John Travolta. Họ làm mưa làm gió trên sân khấu với những phiên bản cao nghệu. Một số sáng tạo của Syro (chẳng hạn như giày cao gót đỏ rực rỡ) và những chiếc nhẫn kim loại màu bạc cũng thuộc xu hướng này. Chúng bán hết rất nhanh trước sự ngạc nhiên của những người đồng sáng lập Han và Henry Bae. Han tâm sự: “Chúng tôi không nghĩ rằng một thứ đập mạnh vào mắt như đôi giày bạc lại được đón nhận nồng nhiệt đến thế. Một lần nữa, sức thu hút của giầy cao gót cho thấy nhiều người đang tìm đến những thứ… điên rồ! Khi mang chúng vào, cao thêm năm inch, bạn bắt đầu nhìn thế giới khác hơn. Sống chân thực và vui vẻ cũng là một cách phản kháng chống lại những ức chế và tuyệt vọng đang tấn công chúng ta trong mùa đại dịch”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: