Tâm lý học cho biết những người làm chủ được không gian của mình thường cũng làm chủ được tâm trí mình.
Vì vậy, chúng ta sẽ muốn thấy điều gì đó đằng sau một chiếc bàn cà phê sạch sẽ hay một giá sách được sắp xếp ngăn nắp. Những đặc điểm độc đáo thường thấy ở những người luôn giữ nhà cửa sạch sẽ và ngăn nắp là gì?
-Họ áp dụng chánh niệm vào thói quen hàng ngày
Thời gian trôi qua như chớp. Nhiều khi chúng ta tự hỏi, làm thế nào mà mình vừa nhâm nhi tách cà phê buổi sáng, thoắt một cái, đã đến lúc chuẩn bị đi ngủ. Thật dễ dàng để bị cuốn vào vòng xoáy công việc của một ngày và quên đi những điều nhỏ nhặt. Cuối ngày, hầu như chúng ta chẳng thể thực sự cảm nhận được gì từ những việc đã xảy ra.
Nhưng những người luôn giữ cho ngôi nhà sạch sẽ và ngăn nắp thì sao? Họ thành thạo nghệ thuật chánh niệm.
Những người này không coi dọn dẹp là bổn phận nặng nề. Thay vào đó, họ biến công việc thường ngày thành những khoảnh khắc bình yên và tĩnh lặng. Khi quét nhà, họ sẽ để tâm vào việc quét nhà, làm sạch bụi, và tâm trí họ là hình ảnh sàn nhà sẽ sạch láng và sẽ cảm nhận được sự mát mẻ ở đôi bàn chân sau đó. Họ thực sự có mặt khi lau chùi mặt bàn bếp hoặc sắp xếp giá sách, tạo ra cảm giác trật tự không chỉ trong môi trường xung quanh mà còn trong chính bản thân họ.
-Họ coi trọng sự nhất quán hơn sự hoàn hảo
Đừng nghĩ những người luôn giữ nhà cửa sạch sẽ sẽ khó chịu khi có gì đó chưa nằm trong trật tự. Họ không quan trọng mọi thứ phải hoàn hảo ngay lập tức trong một lần dọn dẹp, nhưng họ tập trung vào sự duy trì. Mỗi ngày một ít, họ dọn dẹp và duy trì thường xuyên như vậy.
-Họ là những người lập kế hoạch chủ động
Những người có ngôi nhà sạch sẽ thường là người lên kế hoạch cho các nhiệm vụ và tạo lịch trình để bảo đảm họ không bị choáng ngợp bởi hàng núi công việc cùng một lúc.
Thực tế cho thấy hành động đơn giản là viết ra những việc bạn cần làm làm tăng đáng kể khả năng bạn thực hiện điều đó. Họ không chỉ phản ứng với sự lộn xộn mà còn dự đoán điều đó. Và đó chính là điều tạo nên sự khác biệt.
-Họ biết giá trị của “ít hơn là nhiều hơn”
Bạn đã bao giờ bước vào một ngôi nhà ngăn nắp và nhận thấy nó trông tối giản như thế nào chưa? Đó không phải là sự ngẫu nhiên. Những người luôn giữ nhà cửa sạch sẽ và ngăn nắp thường theo đuổi triết lý “càng ít càng tốt”.
Họ hiểu rằng càng có ít đồ đạc thì càng ít phải xử lý những thứ lộn xộn. Đây là một cách tiếp cận đơn giản nhưng hiệu quả. Những người này không chỉ dọn dẹp mà còn làm nhiệm vụ chăm sóc và bảo dưỡng ngôi nhà. Họ giữ lại những gì mang lại niềm vui hoặc có mục đích, và vứt bỏ phần còn lại.
Điều này không có nghĩa là họ sống một cuộc sống vô vị. Thay vào đó, họ lấp đầy không gian của mình bằng những thứ thực sự quan trọng với họ. Bằng cách theo đuổi chủ nghĩa tối giản, họ tạo ra một môi trường không chỉ ngăn nắp mà còn yên bình và truyền cảm hứng.
-Họ tìm thấy niềm vui trong quá trình dọn dẹp
Với nhiều người, dọn dẹp không phải lúc nào cũng nằm trong danh sách “hoạt động vui vẻ”.
Những người luôn giữ nhà cửa sạch sẽ và ngăn nắp lại khác. Họ không coi việc dọn dẹp là một công việc nặng nề và đáng sợ. Thay vào đó, họ coi đó là cơ hội để tạo ra một không gian phản ánh sự bình yên và trật tự bên trong của họ. Với họ, mỗi lần cầm cây lau nhà hay phủi bụi sofa là một bước tiến tới việc tạo ra một môi trường sống hài hòa. Họ tìm thấy sự thỏa mãn ngay trong chính quá trình thực hiện, không chỉ ở kết quả cuối cùng.
-Họ hiểu được vẻ đẹp của sự không hoàn hảo
Đây có thể là điều khiến bạn ngạc nhiên. Những người luôn giữ nhà cửa sạch sẽ và ngăn nắp sẽ không sợ bừa bộn một chút. Trên thực tế, họ chấp nhận điều đó.
Những cá nhân này hiểu rằng nhà là nơi để ở, không phải phòng trưng bày. Một vài mẩu vụn trên bệ bếp hay một đống sách trên bàn cà phê chính là cuộc sống đang diễn ra. Đó là dấu hiệu của một ngôi nhà được yêu thương và có người sinh sống, chứ không phải là một cuộc triển lãm trong viện bảo tàng.
Họ hiểu rằng sự hoàn hảo là điều không thể đạt được hoặc thậm chí là không đáng mong muốn. Cuộc sống vốn không hoàn hảo và ngôi nhà của chúng ta nên phản ánh điều đó. Trong khi họ cố gắng duy trì sự ngăn nắp và sạch sẽ, họ cũng thừa nhận rằng một chút lộn xộn không chỉ là điều khó tránh khỏi mà còn tạo nên nét riêng cho không gian của họ. Chính sự cân bằng giữa trật tự và hỗn loạn này khiến ngôi nhà của họ trở nên hấp dẫn đến vậy.
-Họ thực hành lòng biết ơn
Lòng biết ơn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của những người luôn giữ gìn ngôi nhà sạch sẽ và ngăn nắp.
Những người này coi ngôi nhà của họ không chỉ là bốn bức tường và một mái nhà. Họ coi đó là nơi trú ẩn, nơi thoải mái và an toàn. Và họ thể hiện lòng biết ơn bằng cách chăm sóc nó cẩn thận. Họ không dọn dẹp chỉ vì họ “phải làm vậy”. Họ dọn dẹp vì họ thực sự biết ơn về không gian mình có và muốn trân trọng nó bằng cách giữ cho nó gọn gàng và ngăn nắp.
-Họ ưu tiên sức khỏe của mình
Về cơ bản, những người luôn giữ nhà cửa sạch sẽ và ngăn nắp luôn ưu tiên sức khỏe của mình. Họ hiểu rằng môi trường xung quanh ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của họ.
Một không gian lộn xộn thường khiến tâm trí lộn xộn, trong khi một môi trường sạch sẽ và ngăn nắp sẽ thúc đẩy sự sáng suốt và bình yên. Những người này coi việc dọn dẹp là một hành động thể hiện tình yêu bản thân, một cách tạo ra môi trường nuôi dưỡng hỗ trợ cho sức khỏe của họ.
Tới đây, bạn có thể nhận ra rằng những người giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và ngăn nắp không chỉ là những người ngăn nắp hay thích sạch sẽ, hành động của họ có chiều sâu hơn nhiều. Giữ gìn vệ sinh không phải là để đạt đến sự hoàn hảo mà là để nuôi dưỡng cảm giác bình yên và khỏe mạnh. Không chỉ là việc dọn dẹp đồ đạc lộn xộn mà còn là việc tạo ra một môi trường nuôi dưỡng, lan tỏa năng lượng tích cực. Họ hiểu không gian sạch sẽ và ngăn nắp góp phần mang lại một tâm trí minh mẫn và một trái tim bình tĩnh.
Đây là lời mời gọi chúng ta làm điều tương tự, tạo ra những không gian không chỉ đẹp mà còn mang lại cảm giác thoải mái. Bởi vì xét cho cùng, ngôi nhà chính là sự mở rộng của chính chúng ta. Và nó xứng đáng được chăm sóc và yêu thương như cách chúng ta đối xử với chính mình.
(theo Hack Spirit)