Không có gì lạ khi vừa xong đại học, các bạn trẻ đã cảm thấy lạc lõng. Tuổi đôi mươi là lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, có thể là một trong những thập niên choáng ngợp nhất, nhưng cũng có nhiều biến động nhất.
Một phút trước, bạn cảm thấy mình đang đi đúng hướng, bạn có thể giải quyết mọi chướng ngại vật cản đường mình như người trưởng thành, nhưng ngay phút sau bạn đột nhiên bị cho thôi việc hoặc “nghe tin sét đánh” là bạn cùng phòng nói cô ấy sẽ chuyển đến một thành phố khác để được gần bạn trai hơn.
Pamela Willsey, nhà trị liệu tâm lý người từng làm việc với nhóm tuổi 20 nhiều năm đã chứng kiến sự cô đơn, bối rối và nhiều cung bậc cảm xúc đi kèm trong thời điểm không chắc chắn nhất đời này. Willsey nhận ra ở tuổi 20, các bạn trẻ thường bị sốc khi cuộc sống không hề dễ dàng sau tốt nghiệp đại học, đặc biệt nếu con đường đời không diễn ra đúng như họ dự định hoặc mong muốn.
Willsey trích lời nhà tâm lý học lâm sàng Meg Jay, tác giả cuốn The Defining Decade, người cho rằng “tuổi đôi mươi là điểm phát triển ngọt ngào” để bạn lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai. Tuổi đôi mươi là thời điểm chuyển tiếp và thay đổi. Áp lực phải thành công trong sự nghiệp, các mối quan hệ, việc tìm kiếm ý thức về bản sắc và mục đích có thể gây tổn hại cho sức khỏe tâm thần. Nhiều thanh niên trải qua cảm giác lo lắng và trầm cảm ở tuổi này.
Tuy nhiên, theo Willsey, đây vẫn là thời điểm hoàn hảo để thực hiện một loạt thử nghiệm, giúp bạn tìm ra mình là ai, điều gì quan trọng nhất với bạn và tại sao. Willsey đưa ra ba câu hỏi quan trọng, và khuyên những người ở tuổi 20 trả lời.
Tôi là ai?
Ngừng bào chữa và ngừng trì hoãn. Tuổi đôi mươi là thời gian để thử nghiệm. Hãy tăng vốn bản sắc của mình bằng cách đầu tư thời gian và năng lượng vào thử những cách mới để hiểu xem bạn muốn trở thành ai. Thử nghiệm một cách có chủ ý dựa trên con đường bạn muốn trở thành trong những lĩnh vực quan trọng nhất với bạn.
Bạn tạo ra chính mình thông qua tất cả những kinh nghiệm sống, gồm cả thành công và thất bại. Tìm ra “Bạn là ai”, cũng để xác định “Bạn không phải là ai”. Bạn phải cảm thấy thoải mái với cả những việc không thoải mái. Đôi khi nó đòi hỏi bạn phải di chuyển hoặc từ bỏ một công việc, nghề nghiệp không phù hợp với con người mình muốn trở thành hoặc từ bỏ những mối quan hệ không còn đáng để bạn giữ nữa.
Đừng tiếc cho bản thân, vì làm như thế chỉ khiến bạn mắc kẹt trong những khuôn mẫu cũ, hạn chế những cơ hội mới để phát triển và kết nối.
Điều gì quan trọng nhất với tôi và tại sao?
Giá trị cốt lõi của bạn là những điều quan trọng nhất. Các giá trị đưa ra định hướng và hướng dẫn hành vi bằng cách soi sáng những gì quan trọng nhất. Danh nhân Ấn Độ Mahatma Gandhi từng nói hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, những gì bạn nói và những gì bạn làm hài hòa với nhau.
Chúng ta thường đánh mất những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Bạn có thể dành hàng giờ để lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình hoặc bị căng thẳng quá mức vì không được mời tham gia sự kiện nào đó. Đôi khi bạn có thể bị ám ảnh bởi những thứ bạn muốn, nhưng không có.
Hãy bắt đầu bằng cách thành thật với chính mình. Để làm rõ điều gì quan trọng nhất, bạn cần thừa nhận rằng cuộc sống hiện tại là kết quả trực tiếp của những lựa chọn đã làm trong quá khứ, và thừa nhận khi một số lựa chọn, hoạt động, ý tưởng hoặc niềm tin không còn phù hợp nữa.
Một khi đã nhận ra và lựa chọn, bạn phải có can đảm để điều chỉnh. Thực sự lắng nghe trái tim và những tin nhắn từ những người quan trọng nhất. Để làm rõ liệu các lựa chọn của bạn có phù hợp với các giá trị hay không, hãy tự hỏi: “Trong thời điểm này, lựa chọn này sẽ đưa tôi đến gần hơn hay xa hơn mục tiêu của mình? Lựa chọn này sẽ tạo ra tương lai gì?”
Cuối cùng, bạn trở nên tự nhận thức hơn bằng cách điều chỉnh nội tâm, phát triển sự hiểu biết tốt hơn về nguồn gốc của niềm tin và liệu chúng có còn phục vụ bạn hay không. Nhắc nhở bản thân rằng bạn luôn có thể đưa ra những lựa chọn khác nhau để tạo ra những khả năng mới.
Mục đích của tôi tại thời điểm này là gì?
Khám phá mục đích trong cuộc sống là tìm ra một hoặc hai điều lớn hơn bản thân bạn và lớn hơn những thứ xung quanh bạn. Đó không phải một thành tích vĩ đại, mà chỉ đơn thuần là tìm cách sử dụng thời gian của bạn một cách có chủ ý. Vì vậy, khi mọi người nói, “Tôi nên làm gì với cuộc sống của mình?” hoặc, “Mục đích sống của tôi là gì?” điều họ thực sự hỏi là, “Tôi có thể làm gì với thời gian quan trọng của mình?”
Theo Willsey, miễn là bạn có thể xác định một hướng có ý nghĩa và cách nó sẽ cho phép bạn tạo ra sự khác biệt, thì gọi đó là “mục đích”. Nếu bạn nói “Tôi chỉ muốn tạo ra sự khác biệt, nhưng tôi không biết làm thế nào” thì có lẽ bạn đang tìm kiếm mục đích của mình. Nhưng nếu bạn nói “Tôi muốn tạo ra sự khác biệt và tôi biết mình rất giỏi trong việc dạy dỗ mọi người, vì vậy điều đó sẽ liên quan đến giáo dục theo cách nào đó”, điều đó sẽ chỉ ra mục đích, nhưng cụ thể hơn. Bước tiếp theo là quyết định hành động đúng tiếp theo cần thực hiện.
Willsey cũng nêu ra ba thành phần để tìm ra mục đích trong cuộc sống. Đó là: mục tiêu, ý nghĩa và động lực. Là những người mới trưởng thành, bạn có thể thử sức với những vai trò và tính cách khác nhau khi tìm ra vị trí của mình trên thế giới, qua các tham gia vào các hoạt động có mục đích tiềm năng, như thử các hoạt động mới, gặp gỡ những người mới và học các kỹ năng mới, có thể giúp bạn khám phá ra điều gì có ý nghĩa.
(theo Psychologytoday)