Cảnh báo khẩn cấp thời tiết và thiên tai qua điện thoại di động đã cứu sống được nhiều người nhưng cũng xảy ra lắm lầm lẫn và phiền hà.
Nếu bạn giật mình vì điện thoại rung và kêu bíp lúc 2g17 chiều Thứ Tư 4 Tháng Mười 2023 theo giờ miền Đông, bạn không phải là người duy nhất bực mình. Vụ “tập kích” ngắn này là cuộc thử nghiệm hệ thống Cảnh báo Khẩn cấp Không dây (Wireless Emergency Alerts-WEA) do Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Federal Emergency Management Agency-FEMA) đưa vào sử dụng hơn một thập niên trước để phát đi lời cảnh báo về thời tiết khắc nghiệt, trẻ em mất tích và các mối đe dọa sắp xảy ra khác.
Cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia (National Weather Service-NWS) và các cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp đã sử dụng hệ thống này một cách hiệu quả, nhưng gần đây có một số lỗi đáng quan tâm.
WEA không chỉ cho phép chính phủ Hoa Kỳ gửi tin nhắn đến ngay lập tức hàng trăm triệu người trên toàn quốc trong trường hợp khẩn cấp diện rộng như tấn công khủng bố mà còn cho phép các chính quyền địa phương liên hệ với người dân ở một khu vực nhất định nào đó đang gặp phải tình trạng khẩn cấp mang tính cục bộ.
NWS phát tán WEA trong các tình huống thời tiết nguy hiểm để cảnh báo những người không theo dõi các phương tiện truyền thông hoặc không đăng ký các dịch vụ cảnh báo thời tiết gửi đến điện thoại.
Michael Gerber, nhà khí tượng học của Dịch vụ Thời tiết (Weather Service-WS) và chuyên gia cảnh báo khẩn cấp nhận định: “Các cảnh báo là yếu tố ‘thay đổi cuộc chơi’ khi chúng đến mọi người nhanh chóng. Tôi đã nghe hàng chục câu chuyện về những sinh mạng được cứu sống và tránh được những thảm kịch nhờ WEA”.
Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission-FCC) cho biết, năm ngoái có hơn 70,000 tin nhắn được các nhà quản lý tình trạng khẩn cấp gửi đi để cảnh báo về thời tiết khắc nghiệt, và Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích và Bị bóc lột (National Center for Missing and Exploited Children-NCMEC) báo cáo 136 trẻ em được tìm thấy nhờ cảnh báo AMBER gửi đi dưới dạng WEA.
Tuy nhiên, vào đầu Tháng Tám, nhiều người đã không nhận được cảnh báo sơ tán do Địa hạt Maui ở Hawaii đưa ra, trong trận hỏa hoạn kinh hoàng khiến gần 100 người thiệt mạng. Trục trặc tương tự cũng xảy ra vào cuối tháng qua, khiến chính quyền Địa hạt San Bernardino không thể gửi cảnh báo sơ tán khi bão Hilary gần đổ bộ vào tiểu bang California.
Một số thử nghiệm của hệ thống cũng không thành công. Năm 2018, cũng tại Hawaii, cuộc thử nghiệm nội bộ WEA đã đưa ra cảnh báo sai về mối đe dọa hỏa tiễn, dẫn đến làn sóng hoảng loạn của cư dân. Vào Tháng Tư, nhiều cư dân Florida bị đánh thức lúc 4g45 sáng bởi một cảnh báo thử nghiệm lẽ ra chỉ phát trên TV nhưng lại trên… điện thoại di động! Vài giờ sau đó, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Florida (Florida Division of Emergency Management) đã xin lỗi. Chỉ mới tháng trước, Trung tâm Cảnh báo Sóng thần (Tsunami Warning Center) đã gây “khiếp vía” khi gửi nhầm… cảnh báo (thử nghiệm) sóng thần tới các điện thoại ở miền Đông Hoa Kỳ!
Để kỷ niệm 10 năm ra đời cảnh báo WEA, NWS đã nêu bật một số cải tiến. Ví dụ, cảnh báo hiện có thể nhắm mục tiêu đến điện thoại di động trong phạm vi một phần mười dặm của khu vực được cảnh báo, trong khi trước đây, toàn bộ địa hạt (county) đều “bị” cảnh báo.
Giới hạn số ký tự trên tin nhắn được tăng từ 90 lên 360, cho phép có nhiều thông tin hơn và hướng dẫn hành động. NWS cũng thỉnh thoảng thực hiện các thay đổi về ngưỡng cảnh báo thời tiết, trong đó tập trung vào việc thông báo cho công chúng về những mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Năm 2020, cơ quan quyết định chỉ gửi cảnh báo lũ quét ở những nơi lũ lụt được gắn thẻ là “đáng kể” hoặc “thảm họa”.
Trước đây, họ chỉ đưa ra cảnh báo mỗi khi có lũ quét mà không phân biệt rõ. Thường có tổng cộng khoảng 4,000 cảnh báo mỗi năm, khối lượng quá lớn khiến mọi người không còn quá quan tâm. Nay, cơ quan đã phân loại rõ mối nguy hiểm nào cần kích hoạt cảnh báo. Năm 2021, NWS bắt đầu đưa ra cảnh báo về giông bão nghiêm trọng với dòng chữ “có sức tàn phá” (nhãn dành cho những cơn bão tạo ra gió có vận tốc tối thiểu 80 dặm/giờ hoặc mưa đá có đường kính ít nhất 2,75 inch đe dọa tính mạng).
Trước đây, cảnh báo được đưa ra đối với bất kỳ cơn giông bão nào có thể tạo ra sức gió tàn phá ít nhất 58 dặm/giờ, mưa đá có đường kính ít nhất 1 inch hoặc lốc xoáy. Vào Tháng Hai, NWS chỉ còn cảnh báo khẩn cấp với các trận bão tuyết “có tác động mạnh” dẫn đến tình trạng mất điện đột ngột và đường sá đóng băng – The Washington Post cho biết.
Tháng trước, Bộ trưởng Tư pháp New York Letitia James đã kiến nghị một thay đổi nữa. Bà viết một lá thư cho giám đốc NWS và người quản lý cơ quan mẹ của nó (Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia-National Oceanic and Atmospheric Administration-NOAA) yêu cầu khôi phục cảnh báo về các cơn bão mùa đông nghiêm trọng. Kiến nghị được đưa ra sau khi 47 người chết (nhiều nạn nhân chết ngoài trời hoặc trong xe của họ) trong trận bão tuyết lịch sử vào Tháng Mười Hai chôn vùi Buffalo trong lớp tuyết dày gần 50 inch suốt ba ngày.