Các nhà nghiên cứu phát hiện ra có một lượng nhựa siêu nhỏ đủ để làm một chiếc muỗng có thể nằm trong não người.
Dữ liệu đáng báo động này đến từ một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Nature, trong đó các nhà khoa học xem xét não của tử thi và phát hiện ra sự gia tăng của nhựa siêu nhỏ so với những gì họ thấy cách đây chưa đầy một thập niên.
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo Sư Matthew Campen thuộc đại học New Mexico State University ở Albuquerque, cho biết khi ông so sánh với các mẫu não khám nghiệm tử thi từ năm 2016, số vi nhựa trong não cao hơn khoảng 50%, theo CNN. Nhóm nghiên cứu nói trong bộ não của chúng ta ngày nay có 99.5% là não, còn lại là nhựa.
Sự hiện diện của nhựa tăng lên trong não của những người được chẩn đoán mắc chứng mất trí trước khi họ qua đời, một thống kê mà theo Giáo Sư Campen, điều này “đáng báo động,” nhưng có phải nhựa là nguyên nhân gây ra chứng mất trí hay không thì chưa thể xác định được.
Các nhà khoa học kêu gọi các biện pháp cấp bách và khả thi hơn để giảm ô nhiễm nhựa sau khi một số nghiên cứu phát hiện ra các vi nhựa nhỏ (thường có đường kính khoảng 5mm) trong nhiều cơ quan của con người, như phổi, cơ quan sinh sản, gan, thận, khớp gối và khuỷu tay, mạch máu và tủy xương. Các nghiên cứu cũng nhận thấy vi nhựa có nguy cơ dẫn đến căng thẳng oxy hóa, gây tổn thương tế bào, viêm hoặc bệnh tim mạch.
Thông qua các nghiên cứu gần đây trên động vật, các nhà khoa học phát hiện vi nhựa cũng gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản, suy giảm khả năng học tập và trí nhớ, nhiều loại ung thư và rối loạn hệ thống nội tiết và miễn dịch.
Bethanie Carney Almroth, nhà độc chất sinh thái tại đại học University of Gothenburg ở Thụy Điển giải thích rằng sự tích tụ của các mảnh nhỏ trong nhiều cơ quan của con người rất “đáng sợ.”
Sedat Gündoğdu, người nghiên cứu về vi nhựa tại đại học Cukurova University ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết việc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về tốc độ ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng là điều bắt buộc, theo The Guardian.
Các nhà nghiên cứu khuyên mọi người nên giảm tiếp xúc bằng cách tránh sử dụng nhựa trong chế biến thực phẩm, ví dụ như lò vi sóng, và tránh tích tụ bụi. Ngoài ra, một số nhà khoa học khuyên mọi người nên ăn ít thịt lại, đặc biệt như các sản phẩm chế biến.
Mối quan ngại đã tăng lên kể từ khi Viện Y Tế Quốc Gia công bố một nghiên cứu vào Tháng Năm cho thấy, trung bình, 91 mẫu não chứa nhiều hơn khoảng 10 đến 20 lần so với các cơ quan khác, ví dụ như gan và thận, khiến não trở thành một trong những mô bị ô nhiễm nhựa nhiều nhất từng được lấy mẫu.
Giáo Sư Matthew Campen cho biết não của con người chứa nhiều nhựa hơn ông từng tưởng tượng. Chính ông cũng thắc mắc không hiểu tại sao não có thể chứa thêm nhiều nhựa nữa, cũng không sao.
Trong một nghiên cứu của Journal of Hazardous Materials (Tạp Chí Vật Liệu Nguy Hiểm) vào Tháng Bảy năm 2024, các nhà khoa học tìm thấy vi nhựa trong tất cả 16 mẫu tủy xương được kiểm tra. Mỗi mẫu đều chứa polystyrene, loại nhựa dùng để đóng gói đậu phộng và đồ điện tử, và hầu hết đều chứa polyethylene, được sử dụng cho màng bọc thực phẩm trong suốt và chai đựng chất tẩy rửa.
Tương tự như vậy, vi nhựa được tìm thấy trong tất cả 45 mẫu cho một nghiên cứu về những bệnh nhân phẫu thuật đầu gối hoặc hông.
Một nghiên cứu khác xem xét 312 bệnh nhân được loại bỏ các mảng bám hoặc chất béo khỏi động mạch cảnh. Trong số đó, gần 60% mẫu có chứa vi nhựa và những đối tượng này có khả năng bị đau tim, đột quỵ hoặc tử vong cao hơn 2.1 lần.
Hiện tại, Hoa Kỳ chưa thiết lập các tiêu chuẩn của chính phủ đối với các hạt nhựa trong thực phẩm hoặc nước. Tuy nhiên, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường đang phác thảo các hướng dẫn để đo lường lượng nhựa này và kể từ năm 2018, họ cấp các khoản tài trợ nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu phát triển những cách mới để phát hiện và định lượng hiệu quả các hạt vi nhựa.
Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm cho biết bằng chứng khoa học hiện tại không chứng minh được mức độ vi nhựa hoặc nano nhựa được phát hiện trong thực phẩm gây ra rủi ro cho sức khỏe con người.
Đại Hội Đồng Môi Trường Liên Hợp Quốc đang bắt đầu thực hiện hiệp ước toàn cầu để chấm dứt ô nhiễm do nhựa gây ra.