Trồng hoa hồng là một trải nghiệm thú vị và bổ ích, mang lại vẻ đẹp và hương thơm cho khu vườn của bạn, nhưng cũng là thử thách đối với người mới bắt đầu.
Dưới đây là một số sai lầm phổ biến mà bạn có thể tránh để giúp hoa hồng của bạn phát triển tốt.
Quên chăm sóc đất
Giống một số loại cây trồng khác, hoa hồng thích đất thoát nước tốt, giàu chất hữu cơ. Hoa hồng trồng trên đất nghèo dinh dưỡng hoặc bị nén chặt mà không cải tạo trước, sẽ không “khỏe” để có thể cho ra hoa đẹp.
Để tránh điều này, hãy kiểm tra đất của bạn định kỳ và bồi bổ bằng phân trộn hoặc phân chuồng mục để cải thiện cấu trúc và hàm lượng chất dinh dưỡng. Thường xuyên bổ sung chất hữu cơ cũng sẽ giúp duy trì sức khỏe của đất theo thời gian. Đừng quên kiểm tra độ pH; hoa hồng thường thích đất hơi chua đến trung tính.
Tưới nước không đủ
Hoa hồng cần được cung cấp nước liên tục, đặc biệt là trong thời kỳ khô hạn. Một sai lầm thường gặp là tưới không đủ sâu, rễ phát triển nông, và gây căng thẳng cho cây.
Để chắc chắn hoa hồng của bạn nhận đủ nước, hãy tưới 1-1,5 inches nước mỗi tuần, nếu nơi nào có mưa, lượng nước mưa đủ thì bạn không cần tưới. Tưới nước kỹ để kích thích rễ phát triển sâu và sử dụng lớp phủ bằng lá cây úa để giúp giữ độ ẩm cho đất và giảm nhu cầu nước.
Trồng cây quá sát nhau
Hoa hồng cần lưu thông không khí tốt để giữ sức khỏe và việc trồng mỗi cây sát nhau quá có thể dẫn đến một loạt vấn đề, như bệnh tật và ra hoa kém. Một số người làm vườn mắc sai lầm khi trồng hoa hồng quá gần nhau.
Bỏ bê việc cắt tỉa
Việc cắt tỉa là rất quan trọng để duy trì những bụi hoa hồng khỏe mạnh, nhưng điều này có thể gây khó khăn cho nhiều người làm vườn, dẫn đến việc lơ là hoặc không đúng kỹ thuật. Không cắt tỉa hoặc cắt tỉa quá ít có thể khiến bụi cây dài ngoằng, và ra ít hoa hơn.
Để tránh sai lầm này, bạn nên tìm hiểu kỹ thuật cắt tỉa thích hợp cho từng loại hoa hồng cụ thể. Nói chung, bạn nên tỉa hoa hồng vào đầu mùa Xuân, cắt những cành chết hoặc bị bệnh và tạo dáng cho cây để cải thiện sự lưu thông không khí. Hãy nhớ rằng, việc cắt tỉa thường xuyên sẽ khuyến khích sự phát triển, giúp cây nở hoa nhiều hơn.
Bón phân không đúng cách
Hoa hồng là loài hấp thu nhiều và cần được bón phân thường xuyên để phát triển tốt nhất. Một sai lầm phổ biến là nhiều người dùng sai phân bón, hoặc bón không đúng thời điểm. Bạn cần sử dụng loại phân bón được pha chế dành riêng cho hoa hồng và làm theo hướng dẫn trên bao bì để biết tỷ lệ và thời gian bón phân. Thông thường, bạn nên bắt đầu bón phân vào mùa Xuân và tiếp tục bón phân trong suốt mùa sinh trưởng, dừng lại vào cuối mùa Hè.
Loại trừ sâu bệnh
Hoa hồng dễ bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh, nếu bỏ qua các dấu hiệu có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Các loài gây hại phổ biến như rệp, nhện và bọ cánh cứng Nhật Bản; các bệnh phổ biến như bệnh đốm đen, bệnh phấn trắng và bệnh gỉ sắt.
Để ngăn chặn những vấn đề này, hãy thường xuyên kiểm tra hoa hồng của bạn để tìm dấu hiệu của sâu bệnh và hành động ngay, như dùng thuốc diệt côn trùng cho sâu bệnh hoặc thuốc diệt nấm. Đừng diệt các loài côn trùng có ích, như bọ rùa và bọ cánh ren, vì chúng có thể giúp kiểm soát quần thể sâu bệnh.
Chọn sai giống hoa hồng
Không phải tất cả hoa hồng đều được tạo ra như nhau và việc chọn sai giống phù hợp với điều kiện khí hậu hoặc khu vườn của bạn có thể khiến bạn thất vọng. Một số hoa hồng có khả năng kháng bệnh tốt, trong khi một số khác cần được chăm sóc nhiều hơn. Một số phát triển mạnh ở vùng khí hậu nóng, trong khi những loài khác thích nhiệt độ mát hơn.
Thích trồng hoa hồng, bạn nên nghiên cứu trước khi mua. Hãy xem xét khí hậu nơi bạn đang sống, lượng ánh sáng mặt trời mà khu vườn của bạn nhận được và bạn có thể dành bao nhiêu thời gian cho việc chăm sóc hoa hồng.
Trồng sai vị trí
Hoa hồng cần nhiều ánh sáng mặt trời để phát triển mạnh. Hầu hết các giống hoa hồng đều cần ít nhất 6 giờ nắng trực tiếp mỗi ngày. Trồng hoa hồng ở nơi nhận quá ít ánh sáng làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, và cho ra hoa kém. Ngoài ra, hoa hồng trồng ở những nơi thấp, nơi nước có thể tích tụ có thể bị thối rễ.
Bạn nhớ cẩn thận chọn nơi trồng hoa hồng, chắc chắn cây nhận được nhiều ánh sáng mặt trời, có hệ thống thoát nước tốt và không ở nơi thấp nơi nước có thể tích tụ. Nếu không chắc chắn về khả năng thoát nước ở một vị trí cụ thể, bạn có thể kiểm tra độ thấm đơn giản bằng cách đào một cái hố, đổ đầy nước và xem độ thoát nước của nó như thế nào.
Xem thường lớp phủ
Lớp phủ bằng mùn từ lá cây mục nát là người bạn tốt nhất của người làm vườn, nhưng nhiều người cứ thích dọn dẹp cho gọn. Một lớp màng phủ tốt giúp giữ độ ẩm cho đất, ngăn chặn cỏ dại và cải thiện chất lượng đất. Không sử dụng lớp phủ hoặc sử dụng sai loại lớp phủ sẽ khiến bạn phải tưới nhiều nước hơn, phải nhổ cỏ nhiều hơn.
Thay vào đó, bạn nên phủ một lớp mùn hữu cơ dày 2-3 inch xung quanh gốc bụi hoa hồng, cẩn thận không chồng chất lên thân cây, làm vậy để giúp giữ độ ẩm, hạn chế cỏ dại và từ từ cải thiện đất khi lớp phủ bị phân hủy theo thời gian.
(theo Planting Perfection)