Xu hướng mới: Cưới đơn giản, tiết kiệm tối đa, không rườm rà

(Hình minh họa: WanderingShishi/Unsplash)

Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng tổ chức đám cưới thay đổi mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Đám cưới đơn giản, riêng tư, thân mật ngày càng được các cô dâu chú rể chọn lựa.

Vanessa Acosta và Sam Roberts, cư dân California quyết định chuyển từ kế hoạch tổ chức đám cưới với 150 khách mời và ngân sách $75,000 sang một buổi lễ tại sân vườn nhà với 54 người thân và bạn bè. Họ chỉ tốn khoảng $3,000 nhờ tự tay trang trí và mua sắm những vật dụng cần thiết từ các cửa hàng đồ cũ. Sau đám cưới, cô dâu chú rể thấy tràn ngập hạnh phúc, hoàn toàn nhẹ nhàng, thỏa mãn. Họ cho là mình đã rất khôn ngoan và thời thượng với sự lựa chọn này.

Ngay cả tại Trung Quốc – xã hội nổi tiếng với các lễ cưới truyền thống phức tạp – nhiều đôi bạn trẻ cũng đang bắt đầu chọn những hình thức tổ chức đơn giản và tiết kiệm hơn.

Chi phí cưới hỏi tăng cao, nhiều đôi ở Mỹ bắt đầu tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để tiết kiệm. Một trong những cách tiết kiệm phổ biến nhất là giảm số lượng khách mời. Theo dữ liệu từ The Wedding Report, các đám cưới có từ 25-50 khách chiếm khoảng 15% thị trường trong năm 2023.

Các đám cưới theo phong cách “micro wedding” (đám cưới nhỏ gọn) và “minimory” (lễ cưới tối giản), giúp các đôi có thể tổ chức một buổi lễ ấm cúng, tiết kiệm và giảm hẳn những áp lực không cần thiết.

Không chỉ giới hạn trong việc cắt giảm số lượng khách, những phương án như thuê đồ thay vì mua mới, tái sử dụng trang phục cũ hoặc tự tay làm đồ trang trí đang trở nên phổ biến.

Trở lại câu chuyện của Acosta và Roberts, họ chia sẻ với CNBC rằng đã tiết kiệm được một khoản lớn nhờ việc tự may trang phục cưới và tái sử dụng những món đồ sẵn có. Thay vì đặt một bữa tiệc với chi phí $90 mỗi phần ăn cho 150 người, họ chỉ tốn $640 cho một quầy taco, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn uống cho toàn bộ khách mời mà vẫn thừa thức ăn.

Lợi ích của đám cưới thân mật bao gồm: kiểm soát ngân sách tốt hơn, giảm bớt áp lực cho đôi trẻ, tạo không gian ấm cúng hơn với người thân thiết. Tùy theo quan điểm cá nhân, số lượng khách mời có thể khác nhau, nhưng mục tiêu chính vẫn là tạo ra một ngày lễ riêng tư và chân thực, phản ánh đúng mong muốn của cô dâu – chú rể.

Tuy nhiên ở xã hội Việt Nam, quan điểm “ma chê, cưới trách” vẫn luôn tồn tại. Cô dâu, chú rể sẽ đối mặt với thách thức phải thuyết phục được phụ huynh. Nhất là khi “cả họ trông chờ đi đám cưới của con,” hoặc “Ba mẹ đi mừng đám cưới của con bạn nhiều rồi, giờ họ muốn đi lại để … trả lễ. Không mời, họ trách.” Nhiều đôi tổ chức đám cưới thân mật, chỉ có bạn bè,gia đình, người thân, nhưng họ vẫn phải làm tiệc cưới quy mô lên tới 200 – 300 người để đãi đồng nghiệp và bạn bè của ba mẹ.

Phong cách đám cưới cũng phản ánh nhu cầu cũng như tư duy của người tổ chức. Những đôi có “nửa kia” của mình là người ngoại quốc hiểu được phần nào ý nghĩa của các nghi thức xuất hiện trong một đám cưới riêng tư. Nhóm còn lại là những đôi chưa từng ra nước ngoài nhưng có mong muốn tổ chức đám cưới theo hình thức thân mật. Đây là những cô dâu – chú rể đã được tiếp xúc với phong cách tổ chức đám cưới riêng tư và có sự hứng thú nhất định với hình thức này.

Hoàng Thu Tuyết, 30 tuổi, ở quận Tân Bình, cho biết cô cảm thấy khó chịu khi dự những đám cưới quá phô trương và rườm rà, những bữa tiệc đông đúc, tiếng của người dẫn chương trình, tiếng nhạc ồn ào đến nỗi mọi người ngồi chung một bàn cũng không thể nói chuyện với nhau được.

“Chắc chắn tôi sẽ lựa chọn tổ chức đám cưới đơn giản nhất có thể, chỉ tập trung vào những nghi thức trang trọng trong một không gian ấm cúng, nhỏ gọn. Tuy vậy, ba mẹ tôi vẫn mong muốn một đám cưới đông đủ họ hàng, làng xóm để chung vui. Tôi sẽ cố gắng thuyết phục ba mẹ tôi, và cả ba mẹ anh ấy nữa,” Hoa Tuyết tâm sự.

Một bạn khác, Thanh Hùng, 29 tuổi, ở Vũng Tàu, kể: “Tụi mình yêu nhau được ba năm rồi, mà vẫn chưa đủ tiền tổ chức đám cưới. Thấy tình hình ngày càng khó khăn, chẳng biết bao giờ mới cưới được vợ, nên mình bàn với cô ấy, là tổ chức đám cưới đơn giản mà thôi. Chúng tôi nghĩ một đám cưới rình rang chưa chắc đã bảo đảm cuộc sống chung hạnh phúc về sau, khi mà hai đứa cày cục để trả nợ. Quan trọng là chúng tôi yêu thương và nguyện sống bên nhau cả đời.”

Đơn giản, không rườm rà, là hình thức cho một đám cưới tập trung vào ý nghĩa của sự kiện trọng đại một đời người, hơn là phô trương. Bỏ bớt những nghi thức không cần thiết giúp giảm bớt gánh nặng cho cô dâu, chú rể khi đã về chung một nhà.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: