Karl Pillemer, nhà xã hội học Cornell và là tác giả của cuốn sách “30 Lessons for Living: Tired and True Advice from the Wisest Americans”, nghiên cứu vì sao những người ở độ tuổi 70, 80 hoặc già hơn nữa, sống hạnh phúc hơn nhiều so với những người trẻ tuổi.
Ông thắc mắc: “Tôi thường gặp những bác cao niên, nhiều người 70, 80 tuổi rồi, trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời, thậm chí có bác gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, hoặc những người thân đã bỏ ra đi, nhưng các bác vẫn mãn nguyện và tận hưởng cuộc sống. Tôi tự hỏi: ‘Như vậy là sao?’”
Rồi ông chợt nhận ra rằng có lẽ họ nhìn thấy và hiểu được những điều mà người trẻ tuổi hơn không nhận ra. Chẳng thấy ai giải thích thắc mắc để đưa ra lời khuyên cho con cháu, cho thế hệ trẻ, nên đích thân Pillemer tạo ra cho ông một nhiệm vụ, kéo dài bảy năm.
Và đây là những gì ông đúc kết sau thời gian nghiên cứu:
Bài học số 1 để người cao niên sống lâu hơn, hạnh phúc hơn: đừng lãng phí để rồi phải hối tiếc mọi thứ, vì thời gian là hữu hạn. Pillemer cho biết: “Người trả lời càng cao tuổi thì càng có nhiều khả năng nói rằng cuộc sống trôi qua, dường như chỉ trong tích tắc.”
Khi người cao tuổi nói cuộc đời rất ngắn ngủi, họ không hề bi quan, mà đang cố gắng đưa ra quan điểm mà họ hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những quyết định tốt hơn, những quan điểm ưu tiên, những điều thật sự quan trọng.
Theo những người lớn tuổi mà Pillemer phỏng vấn, đây là những điều có giá trị nhất mà bạn nên làm với quãng thời gian còn lại trên đời:
-Hãy làm những việc cần thiết ngay bây giờ với người mà bạn quan tâm. Cho dù đó là bày tỏ lòng biết ơn, cầu xin sự tha thứ hay trao đổi thông tin.
-Dành thời gian tối đa cho cha mẹ và con cái.
-Hãy tận hưởng những niềm vui hàng ngày thay vì chờ đợi những “món quà đắt giá” để khiến bạn hạnh phúc.
-Làm những gì bạn yêu thích.
-Hãy chọn cưới một người nào đó một cách cẩn thận. Đừng vội vã.
Pillemer cũng đúc kết những điều mà người cao niên tin rằng không đáng để họ dành thời gian đề chạy theo, vì không đem lại hạnh phúc:
-Phải làm việc chăm chỉ để kiếm được nhiều tiền.
-Phải giàu có như những người xung quanh.
-Phải chọn được nghề có mức lương thật cao.
-Tìm cách trả thù người xem thường mình.
Hầu hết những người Pillemer phỏng vấn đều nói, họ chẳng lo lắng điều gì, nhất là những điều chưa xảy ra. “Lo lắng sẽ làm lãng phí cuộc đời bạn,” một người nói.
Pillemer mô tả những người tham gia cuộc nghiên cứu của ông là “những chuyên gia đáng tin cậy nhất, có cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn, ngay cả trong thời kỳ khó khăn.”
Pillemer kể, có lần ông yêu cầu một người tham gia giải thích tại sao bà lại hài lòng đến vậy. Bà suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Trong 89 năm sống trên đời, tôi học được rằng, hạnh phúc là do mình chọn lựa mà thôi, mình cứ thấy hạnh phúc, là hạnh phúc.”
Pillemer lưu ý rằng những bác cao niên mà ông trò chuyện, phân biệt rõ ràng giữa các tác động bên ngoài và các sự kiện xảy ra, cũng như thái độ về hạnh phúc. Ông nói: “Hạnh phúc không phải là điều kiện thụ động phụ thuộc vào các sự kiện bên ngoài, cũng không phải là kết quả của tính cách con người. Hạnh phúc chỉ là việc sinh ra là một người hạnh phúc mà thôi. Hạnh phúc là ý thức trong cách nhìn, ví dụ hàng ngày, người ta lựa chọn sự lạc quan thay vì bi quan, hy vọng thay vì tuyệt vọng.
Càng lớn tuổi, chúng ta càng nhìn sự việc theo cách mà hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã làm: “Khi bạn đau khổ vì một điều gì đó xảy ra, đôi lúc sự việc ấy chẳng có gì, mà chỉ là sự phán xét của bạn về sự việc đó mà thôi. Cứ xóa ngay sự phán xét, hay nhận định về điều ấy, thế là bạn hết đau khổ.”
Tất cả những lựa chọn hình thành nên sự nghiệp và cuộc sống cá nhân, cuối cùng đều tạo nên một quyết định chung là hạnh phúc. Đó là quyết định của bạn, nên theo đuổi điều gì trong cuộc sống và điều gì là ưu tiên. Đó là quyết định của bạn về cách sử dụng tốt nhất thời gian, năng lượng và nguồn lực của bản thân mình.
(theo CNBC)