Thật khó hiểu khi ở thế kỷ 21, nhiều người vẫn né tránh khi được hỏi về sức khỏe tâm thần. Với tất cả những bằng chứng có được về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, xã hội dường như cũng đang dần tiến tới việc chấp nhận những cảm xúc đầy thử thách mà chúng ta thường tránh né.
Nhiều người có thói quen điều chỉnh hành động của họ theo mong đợi của xã hội chỉ để có cảm giác được chấp nhận. Nhưng khổ nỗi, sự lo lắng sẽ không ngừng tăng lên khi họ trở nên bối rối và không còn khả năng tự vệ.
Trong suốt cuộc đời, có những chuyện khiến cho cảm xúc tích cực và tiêu cực xảy ra. Những điều tích cực giúp bạn cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng và bình tĩnh. Mặt khác, những cảm xúc tiêu lại khiến bạn bồn chồn, lo lắng và chỉ muốn trốn tránh (về thể chất hoặc tinh thần) khỏi những tình huống đó.
Qua nhiều thế kỷ, con người học được những cảm xúc mà xã hội chấp nhận và những cảm xúc nào bị từ chối. Những cảm xúc tích cực, như những niềm vui, sự quan tâm, lòng biết ơn, sự tôn trọng và yêu mến, thường được dang rộng tay chào đón và chia sẻ. Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực, như buồn bã, tức giận, sợ hãi, lo âu, xấu hổ và ghen tị lại thường bị né tránh. Tại sao lại vậy?
Thứ nhất, vì những cảm xúc tiêu cực này gây ra sự bồn chồn, lo lắng và những cảm giác tương tự. Đối với xã hội, ai cũng muốn thể hiện mình là một người có năng lực, không bị những cảm xúc tiêu cực lấn át. Trong một số trường hợp, do quá bận rộn trong việc cố gắng thể hiện giá trị của mình với thế giới đến nỗi thậm chí nhiều người còn gặp khó khăn trong việc thể hiện niềm vui và những cảm xúc tích cực khác, bởi vì họ sợ thể hiện một chút tổn thương, cho dù là nhỏ nhất.
Từ sâu thẳm trong đáy lòng, nhiều người rất sợ bị từ chối, vì vậy họ phát triển các cơ chế phòng thủ một cách vô thức để bảo vệ mình khỏi những chấn thương tâm lý. Tránh thể hiện cảm xúc chỉ là một trong số đó.
Chiếc ly chứa kiến thức bắt đầu đầy lên từ những năm đầu tiên của thời thơ ấu. Những người thân thiết và quan trọng xung quanh thay phiên nhau chuyển đến những thông điệp về cảm xúc. Cái nào là an toàn và cái nào nên tránh. Thông qua việc này, họ cung cấp một chiếc chìa khoá để bước vào các mối quan hệ với những người mà mình sẽ gặp sau này trong cuộc đời.
Thông thường, ai nấy đều muốn kết nối với những người có cùng cơ chế cảm xúc với mình. Nếu đã học được tính can đảm, bạn sẽ chọn những cá nhân thường sử dụng các cơ chế phòng vệ tương tự như bản thân, chẳng hạn như từ chối, hài hước, hợp lý hóa, để kết bạn.
Khi chiếc ly kiến thức trở nên đầy ắp, đó là lúc mọi người học cách kìm nước mắt, kìm nén sự tức giận và không thừa nhận là mình đang sợ hãi. Nó giống như mọi việc thường ngày khác, như việc đánh răng vào buổi sáng.
Chúng ta từng chỉ là những đứa trẻ non nớt, không đủ khả năng hay nguồn lực để bảo vệ chính mình. Nhưng năm tháng trôi qua, các em bé này trở thành những người lớn, có khả năng thay đổi. Cơ thể con người ghi nhớ nhiều hơn cả bộ não. Khi cảm thấy bị đe dọa, cơ thể sẽ thông báo rằng bạn đang gặp rắc rối trước khi chính mình nhận ra điều đó. Tuy nhiên, một số cảm xúc vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát, khi chúng bị kích hoạt bởi các sự kiện mà cơ thể nhớ ra là có tính chất đe dọa. Bạn chỉ có thể quan sát bản thân, khám phá ra mình thực sự là ai và cách mà mình phản ứng với những tình huống xung quanh.
Đó là nơi mà sự phát triển của cá nhân thực sự bắt đầu. Thay vì những khuôn mẫu cảm xúc từ trước, in sâu, hướng dẫn bản thân hành động một cách vô thức, bạn bắt đầu nhận thức được cảm xúc của mình và xác định vị trí cụ thể trong cơ thể qua cảm nhận, không hẳn là bạn phản ứng, mà chỉ quan sát chúng.
Thời gian sẽ giúp bạn sớm nhận ra rằng những cảm xúc tiêu cực là những phản ứng hoàn toàn bình thường đối với các sự kiện xảy ra trong cuộc đời. Giống như việc trải nghiệm niềm vui sau một ngày đẹp trời với những người thân yêu, bạn cũng cũng sẽ cảm nhận nỗi buồn khi nhìn thấy mất mát. Chúng chỉ là hai thái cực của cùng một tình cảm, cả hai đều có ý nghĩa như nhau.
Nếu liên tục kiềm chế bản thân để không cảm nhận toàn bộ cảm xúc của mình, chúng sẽ hướng dẫn và kiểm soát hành động của bạn một cách vô thức. Chấp nhận để giải thoát và cho phép bản thân trở nên chân thực và tự chủ hơn.
Hạnh phúc, buồn bã, hân hoan, sợ hãi, ngạc nhiên, tức giận hay ghê tởm. Tất cả các cảm xúc kể trên đóng một vai trò quan trọng trong thế giới nhỏ bé mà bạn không thể hiểu cặn kẽ. Bạn bơi với tất cả sức lực của mình, để chống lại dòng chảy của cuộc đời và cố gắng bằng mọi cách để tác động đến nó. Sau tất cả nỗ lực này, bạn hoàn toàn kiệt sức trên đường đi. Cuối cùng, bạn quên mất mình là ai.
Mọi thứ mà bạn cảm nhận đều có ý nghĩa. Chính bản thân bạn cũng có giá trị. Bạn xứng đáng được chấp nhận bản thân với tất cả những cảm xúc, suy nghĩ và sự khó đoán cùng với giá trị của mình.
Vì vậy, ngay lúc này, nếu bạn cảm thấy không ổn, cũng đâu có sao!
(theo Medium)