Trên toàn cầu, cứ năm nhân viên thì có một người trải qua nỗi cô đơn hàng ngày nơi công sở, mà nhân viên trẻ còn dễ có cảm giác này hơn.
Theo Báo Cáo Về Nơi Làm Việc Toàn Cầu của Gallup (Gallup State of the Global Workplace Report) công bố vào ngày 12 Tháng Sáu, có tới 20% nhân viên trên toàn cầu trải qua sự cô đơn hàng ngày. Đối với những người luôn làm việc tại nhà và người lao động dưới 35 tuổi, tỷ lệ cô đơn cao hơn, phổ biến hơn với tỷ lệ 22% (làm việc tại nhà) và 25% (dưới 35 tuổi).
Theo nghiên cứu, trên toàn cầu, phúc lợi của nhân viên giảm sút vào năm 2023, đặc biệt là ở những nhân viên trẻ dưới 35 tuổi. Theo cuộc thăm dò của Gallup, lực lượng lao động toàn cầu không chỉ đang trải qua sự cô đơn mà căng thẳng, nỗi buồn và sự tức giận cũng đang gia tăng.
Giám đốc điều hành Gallup – Jon Clifton cho biết trong báo cáo: “Sự suy thoái sức khỏe tâm thần toàn cầu đang đáng lo ngại. Một số lo lắng rằng chúng ta đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Nếu sức khỏe tinh thần của nhân loại bị suy giảm nhanh chóng trong kỷ nguyên vàng của tiến bộ và thịnh vượng, thì đó sẽ là một trong những nghịch lý lớn nhất của thời đại ngày nay.”
Nghiên cứu này lấy dữ liệu từ Gallup World Poll được thực hiện trên hơn 160 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.
Jim Harter, nhà khoa học trưởng của Gallup về nơi làm việc, nói với CNBC Make It: “Công việc đóng vai trò trung tâm trong bản sắc, đời sống xã hội, tài chính, sức khỏe cũng như vị thế và sự tham gia của con người trong cộng đồng. Mọi người đều đã trải qua những thay đổi tại nơi làm việc kể từ khi đại dịch xảy ra vào khoảng năm 2020 – đã có một số hậu quả không lường trước được của sự linh hoạt và khoảng cách vật lý – điều đó có thể biến thành khoảng cách về mặt tinh thần.”
Khi sự cô đơn trở nên phổ biến, điều quan trọng là phải tìm cách để chống lại nó. Đây là cách để làm điều đó, theo nhà tâm lý học lâm sàng – Bác Sĩ Annabelle Chow:
Thấu hiểu nỗi cô đơn
Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy chú ý cách mà bạn nhìn nhận sự cô đơn. Mặc dù có sự kỳ thị của xã hội xung quanh cảm xúc này, nhưng điều quan trọng là phải chấp nhận rằng đó là một cảm giác rất phổ biến của con người.
“Cô đơn là một trải nghiệm cảm xúc tự nhiên, phù hợp và mọi người đều trải qua,” Chow nói với CNBC Make It. “Cô đơn không phải là vấn đề, mà là cách mỗi người nhìn nhận điều đó – nếu bạn nhìn nhận nó một cách tiêu cực thì phản ứng tự nhiên của bạn đối với điều đó sẽ trở nên rất tiêu cực, và khi đó vấn đề mới trở nên nghiêm trọng.”
Nói đúng hơn, mọi người nên áp dụng “cách tiếp cận lành mạnh, cân bằng và trung tính” để có thể kiểm soát cảm giác hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nên cố gắng tìm ra nguồn gốc của cảm giác đó. Có phải là do thiếu sự tương tác trong ngày? Hay mặc dù ở xung quanh rất nhiều người nhưng vẫn không cảm thấy được nhìn nhận, thấu hiểu hay đánh giá cao? Theo Chow, việc có được sự hiểu biết này sẽ giúp xác định các bước tiếp theo.
Những mối quan hệ ý nghĩa
Theo Chow: “Điều tạo nên một cuộc sống hạnh phúc là những mối quan hệ có ý nghĩa.” Nếu không có những mối quan hệ này, đương nhiên con người sẽ cảm thấy cô đơn, ngay cả khi họ có mọi tiện nghi trên đời.
Nếu một người cảm thấy thiếu tương tác xã hội, Chow khuyên bạn nên nỗ lực phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa với bạn bè và đồng nghiệp. Tham gia vào các cuộc họp văn phòng, tiếp cận mọi người một cách cởi mở và đặt mình vào những tình huống mà bạn có thể kết nối với mọi người.
“Nếu một người không cho những người khác cơ hội hiểu họ, nếu họ không tương tác với mọi người, thì họ sẽ không cho mình cơ hội phát triển mối quan hệ. Nếu họ không phát triển những mối quan hệ, họ sẽ chẳng có gì để dựa vào khi gặp khó khăn,” Chow cho biết.
Việc phát triển những kiểu bạn bè khác nhau cũng rất quan trọng. Cô nói, có những người bạn cùng tiệc tùng, những người bạn làm việc và những người bạn “tâm huyết” và cùng với đó, trau dồi nhận thức để biết nên liên hệ với người bạn nào khi nào.
Việc phát triển những mối quan hệ này trước sẽ giúp giải quyết nỗi cô đơn khi có chuyện xảy đến.
Những thói quen lành mạnh
Chow nói: “Nếu dành cả ngày cuối tuần để ngồi trên ghế mà không làm gì và chỉ nằm lì một đống, thì đương nhiên một khi đã vượt qua giai đoạn cảm thấy được nghỉ ngơi đầy đủ, bạn sẽ cảm thấy cô đơn.”
Tuy nhiên, việc có những kế hoạch và thói quen lành mạnh sẽ giúp bạn thoát khỏi những tình huống đó. Cô nói: “Nếu có điều việc đó mà bạn đã vạch ra trong lịch trình thường xuyên của mình, chẳng hạn như tham dự một lớp học yoga – thói quen hàng ngày đó sẽ giúp loại bỏ những khoảng thời gian làm gia tăng sự cô đơn.”
Tái cấu trúc nhận thức
Đôi khi, cảm giác cô đơn có thể xuất phát từ sự phóng chiếu của chính mỗi người. “Rất nhiều bệnh nhân của tôi trải qua sự cô đơn, và khi chúng tôi nói sâu xa hơn về điều đó, tôi nhận ra rằng những người này có các định kiến về cách mọi người nhìn nhận về họ, điều này có lẽ đúng hoặc không, nhưng sau đó lại cho thấy lại phiên bản thật sự về những gì họ nghĩ mọi người nghĩ về họ,” Chow nói.
“Ví dụ như nếu tôi nghĩ rằng bạn không thích tôi, điều đó có thể là thật hoặc không, nhưng tôi sẽ trở nên thận trọng hơn một chút, phòng thủ hơn một chút, và hậu quả tự nhiên của điều đó là một mối quan hệ không mấy gì vui vẻ, thân thiết,” cô giải thích.
Chow cho biết, biện pháp khắc phục tình trạng này là thử thách và cơ cấu lại suy nghĩ của bạn. Thay vì chỉ gánh nặng những giả định, hãy trò chuyện một cách trung thực.
Thay đổi môi trường
Theo Chow: “Một lời khuyên mà tôi thường đưa ra là hãy đưa bản thân ra khỏi môi trường mà bạn thấy mình cô đơn trong đó. Nếu tôi bị nhốt trong phòng cả ngày và cảm thấy rất cô đơn, thì hành động ngay lập tức là ra khỏi phòng.”
Nếu bạn đã nằm dài cả ngày thì bạn nên thực hiện “hành động ngược lại.” Đi dạo hoặc tham gia lớp tập luyện trên YouTube. Nếu bạn bị cô lập cả ngày, thì việc gọi điện cho gia đình, đi ăn trưa với bạn bè hoặc tương tác với họ trên mạng xã hội cũng sẽ rất có ích.
“Nước là một chiến lược kỳ diệu đáng kinh ngạc – như là đi tắm, đi bơi, bể tắm, tắm vòi sen, tự pha cho mình một ly nước hoặc bất kỳ cách chăm sóc bản thân nào đó.”
Thông thường, chỉ cần hành động trong khoảnh khắc cô đơn cũng giúp xua tan cảm giác đơn độc, để hát lên bài “Buồn ơi, ta chào mi!”