Có nên ‘dĩ hòa vi quý’ mọi lúc mọi nơi?

(Hình minh họa: Allef Vinicius/Unsplash)

Sự thực là có một ranh giới vô cùng mong manh giữa lòng tốt và lòng tự trọng. Giữ lòng tự trọng là quan trọng. Nhưng hãy nhớ lòng tự trọng không chỉ là sự tự tin hay tình yêu bản thân mà còn là những gì bạn cho phép được bước vào cuộc sống của mình và những gì bạn kiên quyết từ chối.

Để làm được điều này, có một số điều trong cuộc sống mà bạn nên luôn nói “không” mà không cần cảm thấy tội lỗi. Những điều làm cho bạn cạn kiệt năng lượng nếu bạn vắt sức ra làm, cảm thấy nhỏ bé nếu bạn không thể thực hiện được, khiến bạn cảm thấy bế tắc, thất vọng và phải liên tục tự vấn bản thân.

-Nói “có” khi thực ra bạn muốn nói “không”
Bạn luôn làm hài lòng mọi người và sẽ đồng ý làm những việc mà bạn không muốn làm chỉ để tránh cho người khác thất vọng. Nhận lời làm thêm giờ, tham dự một chuyến tham quan mà bạn không hứng thú, đồng tình với những ý kiến mà bạn không cho là như vậy, bạn vẫn nói “có” khi thực ra bạn muốn nói “không.”

Các nhà tâm lý học nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt ra ranh giới và điều này bắt đầu bằng việc trung thực về những gì bạn muốn. Vấn đề không phải là thô lỗ hay ích kỷ mà là coi trọng bản thân đủ để bảo vệ thời gian, năng lượng và sức khỏe của mình.

Lần tới khi bạn định nói “đồng ý” chỉ vì cảm thấy tội lỗi hoặc áp lực, hãy dành chút thời gian để dừng lại. Hãy tự hỏi: Đây có phải là điều tôi thực sự muốn không? Nếu câu trả lời là không, hãy tập nói câu đó một cách kiên quyết nhưng nhẹ nhàng. Bạn càng tôn trọng ranh giới của chính mình thì người khác cũng sẽ như vậy.

-Chịu đựng sự thiếu tôn trọng từ người khác

Các nhà tâm lý học đồng ý rằng việc cho phép sự thiếu tôn trọng sẽ làm xói mòn lòng tự trọng. Cách bạn để người khác đối xử với mình sẽ gửi đi một thông điệp đến họ và đến chính bạn về những gì bạn tin rằng mình xứng đáng được nhận.

Trong các mối quan hệ, bạn thường bào chữa cho những người đối xử tệ với mình. Tự nhủ rằng mình đang thấu hiểu, thông cảm cho người khác, hoặc đang cư xử theo quan điểm “dĩ hòa vi quý,” nhưng sâu thẳm bên trong, bạn cảm thấy nhỏ bé, kém cỏi và không có giá trị.

Vì vậy, hãy bắt đầu đặt ra ranh giới. Khi đồng nghiệp ngắt lời, bạn sẽ bình tĩnh nói: “Tôi chưa nói xong.” Khi ai đó vượt qua ranh giới trong cuộc sống cá nhân của bạn, hãy giải quyết thay vì bỏ qua. Mọi người sẽ bắt đầu tôn trọng bạn hơn. Nhưng quan trọng hơn, bạn bắt đầu tôn trọng bản thân mình hơn.

Nếu ai đó trong cuộc sống của bạn liên tục thiếu tôn trọng bạn, hãy nhớ rằng bạn không cần phải chịu đựng điều đó. Lòng tự trọng của bạn phụ thuộc vào những gì bạn cho phép, và bạn có thể tránh xa những tình huống hoặc những người làm bạn mất giá trị.

-Tìm kiếm sự xác nhận từ người khác
Có những người luôn dựa vào người khác để cảm thấy hài lòng về bản thân.

Sự thật là, bất kể bạn làm gì, không phải ai cũng sẽ hoan nghênh bạn – và điều đó không sao cả. Nếu bạn phụ thuộc vào sự chấp thuận của người khác, bạn đã trao cho họ quyền quyết định cảm nhận của bạn về bản thân.

Các nhà tâm lý học nhấn mạnh rằng lòng tự trọng thực sự đến từ sự xác nhận nội tại – biết giá trị của bản thân bất kể lời khen ngợi hay chỉ trích từ bên ngoài.

-Làm việc quá sức để làm hài lòng người khác
Nói “đồng ý” với mọi yêu cầu và thúc đẩy bản thân đến kiệt sức chính là chìa khóa để được tôn trọng là suy nghĩ thông thường của nhiều người. Họ nghĩ rằng làm việc chăm chỉ hơn người khác sẽ giúp mình được công nhận và đánh giá cao. Nhưng thay vào đó, họ chỉ cảm thấy kiệt sức, không được trân trọng và bực tức.

Tạp chí Tâm lý Sức khỏe Nghề nghiệp phát hiện những nhân viên làm việc quá sức, đặc biệt là những người cảm thấy bị áp lực phải làm như vậy, sẽ phải chịu mức độ căng thẳng và kiệt sức cao hơn, dẫn đến giảm sự hài lòng trong công việc và thậm chí là các vấn đề về sức khỏe.

Nếu bạn liên tục phải cố gắng hết sức để làm hài lòng người khác, hãy lùi lại một bước. Thời gian và năng lượng của bạn rất có giá trị, nhưng chỉ khi bạn đối xử với thời gian theo cách đó.

-Duy trì mối quan hệ độc hại

Có một quan niệm sai lầm là lòng trung thành có nghĩa là gắn bó với mọi người bất kể chuyện gì xảy ra, kể cả khi họ đối xử tệ với bạn. Ở trong một mối quan hệ một chiều, nghĩa là chỉ cho đi và không hề được đáp lại chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân.

Các nhà tâm lý học cảnh báo rằng các mối quan hệ độc hại – dù là tình bạn, gia đình hay tình yêu – đều có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tự trọng. Khi bạn vây quanh mình những người không tôn trọng bạn, bạn bắt đầu tin rằng đó là điều bạn đáng bị đối xử như vậy.

Nếu ai đó trong cuộc sống của bạn liên tục khiến bạn cảm thấy mình vô giá trị, bị bỏ rơi hoặc kiệt sức, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên buông tay. Tôn trọng bản thân có nghĩa là lựa chọn những mối quan hệ giúp bạn phát huy tối đa khả năng của mình, chứ không phải những mối quan hệ khiến bạn thất vọng.

-Xin lỗi vì con người của bạn
Xin lỗi khi chia sẻ một ý kiến mà người khác không đồng tình. Hạ thấp ước mơ của mình khi nó bị người khác chế giễu.

Carl Jung, nhà tâm lý học nổi tiếng và là người được xem như biểu tượng của ngành tâm lý học hiện đại đã nói: “Đặc ân của cuộc đời là được trở thành chính mình.”

Mỗi lần xin lỗi vì chỉ là chính mình, bạn lại làm tổn hại đến lòng tự trọng của mình.

Các nhà tâm lý học nhấn mạnh rằng lòng tự trọng đến từ tính xác thực. Khi bạn xin lỗi vì tính cách, ước mơ hoặc ranh giới của mình, bạn đang gửi cho chính mình thông điệp rằng con người thật của bạn là không đủ tốt. Nhưng sự thật là, những người tốt sẽ tôn trọng bạn hơn khi bạn kiên định với con người của mình mà không cần xin lỗi.

Nếu bạn thấy mình liên tục nói “xin lỗi” chỉ vì bạn là chính mình, hãy lùi lại một bước. Bạn không cần phải xin lỗi vì bạn tồn tại đúng như con người bạn hiện tại.

-Tránh sự khó chịu bằng mọi giá
Nhiều người cho rằng lòng tự trọng có nghĩa là giữ cho bản thân thoải mái – tránh những cuộc trò chuyện khó xử, tránh xa rủi ro và bám vào những gì mình cảm thấy an toàn.

Trái ngược với trực giác, tránh né sự khó chịu không phải là bảo vệ lòng tự trọng mà là hạn chế nó. Mỗi khi bạn ngại đứng lên bảo vệ chính mình vì cảm thấy không thoải mái, bạn đang củng cố quan điểm rằng tiếng nói của bạn không có giá trị. Mỗi khi bạn tránh né thử thách vì sợ hãi, bạn tự nhủ rằng mình không có khả năng.

Các nhà tâm lý học cho rằng lòng tự trọng không phải là duy trì sự thoải mái mà là vượt qua sự khó chịu để trở thành con người mà bạn biết mình có thể trở thành. Càng chấp nhận sự khó chịu, bạn sẽ càng trở nên tự tin và tự trọng hơn.

Tóm lại, lòng tự trọng bắt đầu từ những gì bạn cho phép
Cuối cùng thì lòng tự trọng của bạn không chỉ phụ thuộc vào cảm giác của bạn mà còn phụ thuộc vào những lựa chọn của bạn.

Mỗi khi bạn nói không với điều gì đó làm bạn kiệt sức, thiếu tôn trọng hoặc làm bạn suy yếu, bạn đang nói có với chính mình.

Vì vậy, đây là một thử thách đơn giản: hãy chọn một điều trong danh sách này mà bạn thấy phù hợp nhất và bắt đầu thực hành ngay hôm nay. Có thể đó là việc đặt ra ranh giới, lên tiếng vì chính mình hoặc cuối cùng là từ bỏ thứ gì đó độc hại.

Những thay đổi nhỏ sẽ tích tụ lại. Và bạn càng tự bảo vệ mình thì lòng tự trọng sẽ càng tự nhiên đến.

(theo Hack Spirit)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo