Đỗ Hồng Ngọc – Tiếng gọi sâu thẳm của Y Vương

Minh họa: Tyler Milligan/Unsplash

* Thay Quà Tặng mừng Sinh Nhật 81 của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

* Tặng Bác sĩ Văn Công Trâm (Đức quốc)
NHĐ

1. Vì sao Đỗ Hồng Ngọc chọn ngành Y?

Đậu tú tài II xong, Đỗ Hồng Ngọc băn khoăn trước ngã ba đường: Vừa muốn học y, lại muốn học sư phạm, học văn khoa. Cuối cùng thì Đỗ Hồng Ngọc quyết định thi vào trường y.

Đỗ Hồng Ngọc chỉ thi vào trường y, theo tôi từ những nguyên do sâu xa, những “ám ảnh không rời” ngay từ quãng đời tuổi thơ côi cút của anh ở quê nhà:

– Nguyện vọng của gia đình.

– Thân phụ mất ở trong rừng vì thiếu thầy, thiếu thuốc. Nỗi đau và sự mất mát to lớn đó đã “đưa”, đã “đẩy” anh chọn nghề thầy thuốc.

– Vì mang nhiều thứ bệnh nên mỗi ngày, anh vẫn thường qua lại bằng đò ngang để đến nhà thương thí chích thuốc! Riết rồi anh “ghiền cái mùi nhà thương.”

Tôi tin câu này, lời này của Đỗ Hồng Ngọc: “Riết rồi tôi ghiền cái mùi nhà thương!” Vâng, anh ghiền cái “mùi nhà thương” cũng như tôi đã ghiền cái mùi nhà in, nên tôi đã theo học nhiều khóa về kỹ thuật ấn loát và quản trị nhà in; rất say mê khi nhìn ngắm, tìm hiểu các loại máy in, các loại mực in, giấy in… Tôi mê cái không khí sôi động, ồn ào ở nhà in, mê mùi mực, mùi giấy… nên nhiều buổi trưa tôi nằm chèo queo ngủ ngon lành trên đống giấy vụn tại Ấn quán Đại học Vạn Hạnh sau những giờ chấm morasse bộ Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh do Ôn Thích Minh Châu dịch từ Pali ra tiếng Việt và nhiều tác phẩm khác về Phật học, thế học do Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh xuất bản mà tôi thực hiện với trách nhiệm là Trưởng phòng Tu Thư. Đến nay, hơn bốn mươi năm sau, tôi vẫn luôn ghiền cái mùi nhà in, vẫn muốn tiếp tục học ngành in và làm thêm việc ở nhà in.

– Cuối cùng, chính lời khuyên chí lý, sáng suốt và trách nhiệm của cụ Nguyễn Hiến Lê mà Đỗ Hồng Ngọc đã quyết định thi vào trường y. Cụ Lê khuyên “nên học y để giúp đỡ cụ thể cho gia đình, nếu học giỏi sau này có thể làm “thầy giáo” và nếu có năng khiếu, cũng có thể viết lách được…!” Thế là Đỗ Hồng Ngọc học y, học thêm văn, thêm xã hội học… rồi viết lách, giảng dạy… suốt mấy chục năm nay.

Được học giả Nguyễn Hiến Lê khuyên nên anh đã nghe theo và bắt đầu dấn thân vào ngành học rất cực nhọc mà cũng rất nhân văn này.

Từ ngày tuyên thệ, đọc lời thề Hippocrates, Đỗ Hồng Ngọc trở thành một bác sĩ “mát tay”, đặc biệt ông ít dùng đến thuốc, luôn chú trọng đến việc chữa cả thân bệnh lẫn tâm bệnh nên trong các dịp lễ Tết, ông thường chúc mọi người: “Thân tâm thường an lạc!” là xuất phát từ cái thân tâm bất dị này.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tại chùa Thiền Quang. Ảnh Thien Quang Media

2. Học và hành nghề y

– Năm 1962, Đỗ Hồng Ngọc đậu vào trường y. Vốn là người ham đọc, ham học, có ý chí và biết tự học nên ngoài việc học y, ông cũng đã ghi danh học thêm ở Đại học Văn khoa, và xã hội học ở Đại học Vạn Hạnh.

Tóm tắt quá trình học và hành nghề y của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc như sau:

* 1962 thi đậu APM vào Đại học Y khoa Sài Gòn.

* Năm 1965 thực tập tại Bệnh viện Từ Dũ, đã đỡ được một ca đầu tiên mẹ tròn con vuông! Với lòng lâng lâng, ông lập bản “phúc trình”, viết ngay sau phần bệnh án một bài thơ nhỏ: Thư Cho Bé Sơ Sinh. Bài thơ khá nổi tiếng này được đưa vào tập thơ đầu tay của ông: Tình Người, xuất bản năm 1967. Có thể nói kể từ năm 1965, Đỗ Hồng Ngọc đã thực sự dấn thân vào lãnh vực Nhi khoa, nên có thể nói ông là một bác sĩ yêu trẻ và có nhiều kinh nghiệm về Nhi khoa.

* Năm 1967 và 1968 là Nội trú ủy nhiệm (Interne fonctionnel) của bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn.

* Năm 1969 tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn.

* Năm 1970, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Bệnh Sốt Rét Ở Trẻ Em”, Đỗ Hồng Ngọc được nhận Văn bằng Tiến sĩ Y khoa Quốc gia.

* Năm 1971 là bác sĩ điều trị tại Dưỡng đường Nhi khoa Trần Bình Trọng, Chợ Lớn (GĐ Bs Trần Văn Còn).

* Năm 1972, xuất bản cuốn sách đầu tay: Những Tật Bệnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò do học giả Nguyễn Hiến Lê đề tựa. Trong tập này Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ với các bạn trẻ những kinh nghiệm về tổ chức việc học và cách học sao cho có hiệu quả ngoài các cách phòng tránh bệnh thường gặp ở lứa tuổi.

* Năm 1973, Đỗ Hồng Ngọc làm Trưởng phòng Cấp cứu Khu Ngoại chẩn Bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn

* Năm 1974, xuất bản cuốn Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng. Cuốn này được Giáo sư Phan Đình Tuân, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng thời Đỗ Hồng Ngọc làm việc viết Lời Tựa. Chính Giáo sư Phạm Đình Tuân cũng là người đã đỡ đầu luận án tốt nghiệp của Đỗ Hồng Ngọc và trong Lời Tựa cho cuốn sách này ông gọi là “sách gối đầu giường cho các bà mẹ.”

* 1977 Trưởng khu Phòng Khám và Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng I.

* Từ năm 1981, là Giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược. Trong thời gian công tác tại đây, ông đã đỡ đầu luận văn khoảng 10 đề tài cho các thầy thuốc trẻ. Ông còn viết nhiều cuốn sách y học phổ cập như Những Bệnh Nguy Hiểm Thường Gặp Ở Trẻ Em, Nuôi Con, Săn Sóc Con Ở Nơi Xa Thầy Thuốc.

* Từ những năm 1984 – 1986, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc triển khai các Chương trình “Săn Sóc Sức Khỏe Ban Đầu Cho Trẻ Em” ở Quận 6, để làm thí điểm phòng bệnh từ xa với một chiến lược mới, cần có sự tham gia của cộng đồng và sự phối hợp liên ngành. Ông được sự đồng tình ủng hộ của nhiều đồng nghiệp và trường Đại học Y Dược thành phố lúc đó đã gởi nhiều sinh viên theo học và làm luận văn về hướng Nhi khoa xã hội này. Và ông bắt đầu thực hiện các buổi nói chuyện trên Đài Truyền hình và Đài Phát thanh. Từ năm 1986 ông ở trong nhóm thực hiện Chương trình Săn sóc Sức khỏe Ban đầu cho xã Hiệp Phước, Nhà Bè

* Từ 1986, Giám đốc Trung Tâm Truyền Thông – Giáo Dục Sức Khỏe Thành phố Hồ Chí Minh.

* Ông triển khai hai bộ môn mới do ông làm chủ nhiệm là Bộ môn “Khoa học Hành vi và Giáo dục Sức khỏe” thuộc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế Thành phố (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) và Bộ môn Sức khỏe Phụ nữ của Đại học Mở. Ông còn thực hiện “Chương trình Giáo dục Sức khỏe Phòng chống AIDS, Thuốc lá” v. v… dạy học, viết báo…

* 1993 Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ và 1997 từ nghiệp Giáo dục Sức khỏe tại CFES Paris, Pháp.

* Từ năm 1989 đến năm 2000, ông giữ mục Phòng Mạch Mực Tím trên báo Mực Tím, một tờ báo dành cho lứa tuổi mới lớn để giúp các em giải tỏa những băn khoăn thắc mắc của lứa tuổi mình, những băn khoăn thắc mắc về phát triển tâm sinh lý, về bệnh tật… Trước 1975, ông đã viết cho các báo Tuổi Ngọc, Mây Hồng, rồi sau này là Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím… những tờ báo dành cho tuổi trẻ.

Nhân dịp Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nghỉ hưu (2006), Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố đã tái bản cuốn Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng được cập nhật và bổ sung đầy đủ – gần 400 trang mà ông xem là một món quà nhỏ gởi đến các ông bố, bà mẹ trẻ mới sinh con đầu lòng… Một cuốn sách về y học mà được tái bản đến hơn 40 lần, quả là một kỷ lục. Năm 2008, cuốn sách này nhận giải thưởng về sách “Giải Bạc Sách Hay”.

Trả lời câu hỏi của các học trò, trong một buổi giao lưu tại Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe:“Thưa thầy, kinh nghiệm của thầy khi đi nước ngoài, bài học thầy áp dụng vào ngành truyền thông – giáo dục sức khỏe của Việt Nam?”

Một cuốn sách của Bs Đỗ Hồng Ngọc

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chân thành chia sẻ:

“Thầy có không nhiều dịp đi nước ngoài, nên mỗi dịp đều là một cơ hội để được học thêm và rút kinh nghiệm đem về áp dụng những điều hay. Lần nào thầy cũng mang về một lô sách và tài liệu để sử dụng cho ngành mình và kể cả về đào tạo y khoa, như lần đi dự hội nghị về “Đào Tạo Chuyên Viên Phát Triển Sức Khỏe” của WHO tại Ai Cập (1988), thầy được mời tham gia trong nhóm sáng lập Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố, sau này là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Nhờ thời gian tu nghiệp ở Đại học Harvard (1993), thầy về triển khai Bộ môn Khoa Học Hành Vi và Giáo Dục Sức Khỏe cho trường. Lúc tu nghiệp ở CFES, Paris (1997) thầy thấy họ làm nghiên cứu về Giáo dục sức khỏe rất bài bản, dựa trên đó xây dựng các chương trình can thiệp có hiệu quả, khi về, thầy củng cố thư viện T4G, lập bộ phận tổ chức tư liệu (documentation) và đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học trong lãnh vực giáo dục sức khỏe. Khi đi Ấn Độ dự Hội thảo quốc tế về HIV/AIDS (1996) thầy ứng dụng “truyền thông thay đổi hành vi” cho những lớp huấn luyện theo phương pháp giáo dục chủ động, tạo tham gia…

Tóm lại, học đối với thầy bao giờ cũng đi đôi với hành. Học mà không hành thì không thể nào “chín” được. Thầy cũng mong các em: Đi học, nhất là du học không chỉ để lấy cái bằng cấp về treo, để “hù” thiên hạ, mà phải rút ra được bài học gì ứng dụng phù hợp vào hoàn cảnh nước ta với sự sáng tạo riêng của mình. Nhân dịp cũng nói thêm với các em rằng khi tiếp các đoàn chuyên gia quốc tế, đừng thụ động đối phó, lo trả lời những câu hỏi của họ đặt ra mà phải chủ động… đặt câu hỏi, đưa ra những ý tưởng của mình để tranh luận, từ đó mới có cơ hội học hỏi lẫn nhau”.

Đối với các bạn trẻ mong muốn chọn ngành y làm con đường nghề nghiệp, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ:

“Rất hoan nghênh các bác sĩ trẻ này. Đây là một ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội. Nhưng chọn học y là chọn con đường gian nan, hằng ngày trực diện với những nỗi đau nỗi khổ của kiếp người (sanh, lão, bệnh, tử)… Phải thực sự yêu nghề và có năng lực. Nói chung, học y cần có một lý tưởng nhân đạo, một “tiếng gọi sâu thẳm” (vocation) của nghề nghiệp. Nếu học y để mong đầu tư làm giàu trên bệnh nhân thì không nên! Học y rất thú vị, nhiều thử thách đòi hỏi trách nhiệm cao và phải luôn đứng trước lương tâm của mình. Hạnh phúc rất lớn khi thấy mình sống hữu ích cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội. Bà con mình thường nói: “Cứu sống một mạng người bằng lập năm bảy kiểng chùa” phải không”?

Trò chuyện, tâm tình, gởi gắm niềm tin vào các bạn trẻ đang học ngành y, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói:

“Để thành công, phải thực sự say mê, cần phải đi chuyên sâu về một lãnh vực nào đó nhưng đồng thời không quên mở rộng kiến thức văn hóa nói chung. Phải học hỏi không ngừng. Thầy thuốc là một sinh viên y khoa suốt đời. Không học thêm thì sau vài ba năm kiến thức đã lạc hậu. Nghiên cứu, giảng dạy là cơ hội học tập tốt nhất. Đừng quên chia sẻ kiến thức của mình với người bệnh và luôn tôn trọng lắng nghe họ, sẽ học được rất nhiều từ họ.”

“Y khoa là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Nó gắn liền với thân và tâm của con người. Mà cái gì đã liên quan đến con người thì luôn là một “nghệ thuật’’ chứ, phải không? Cho nên ngày nào y khoa trở thành hoàn toàn máy móc thì nguy cho con người lắm! Khi máy móc hóa hay thương mại hóa mối quan hệ “thầy thuốc – bệnh nhân’’ thì có nhiều vấn đề đặt ra.

3. Đỗ Hồng Ngọc và những “sở đắc” về ngành y

Năm 1972, tức là chỉ ba năm sau khi tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa Quốc gia, Đỗ Hồng Ngọc xuất bản cuốn Những Tật Bệnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò trong loại y học phổ cập. Theo Đỗ Hồng Ngọc:

“Cuốn sách đầu tay không những được các em học sinh mà cả các bậc phụ huynh cũng nồng nhiệt đón nhận. Nhà văn Trần Phong Giao – Tổng thư ký báo Văn lúc đó – đã bắt con mình học… thuộc lòng cả một chương trong sách! Nhà xuất bản Lá Bối của thầy Từ Mẫn độc quyền phát hành và chỉ vài tháng sau sách đã được tái bản”.

Trong lời Tựa cuốn này, học giả Nguyễn Hiến Lê viết:

“Tập này là tác phẩm đầu tay của ông. Ông dùng kinh nghiệm bản thân khi đi học và đi dạy (vì như một số sinh viên khác, ông phải tự túc), cùng những sở đắc trong ngành y để hướng dẫn các bạn học sinh trong việc giữ gìn sức khỏe, ngừa trước những bệnh thông thường và khi bệnh đã phát thì nên làm gì. Yêu nghề và có lương tâm, ông không mách thuốc bừa bãi như thỉnh thoảng chúng ta thấy trên một số báo, ông phản đối thái độ ‘vô trách nhiệm’ đó”.

Từ đó chúng ta có thể thấy, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tuy mới ra trường ba năm mà đã dùng kinh nghiệm bản thân khi đi học và đi dạy, cùng những sở đắc trong ngành y để hướng dẫn các bạn trẻ giữ gìn sức khỏe… Ông lại rất yêu nghề và có lương tâm. Tri thức chuyên ngành và lương tâm của người thầy thuốc ngày càng khẳng định “sở đắc”, tầm nhìn mới của ông trong ngành y.

Năm 1974, Đỗ Hồng Ngọc hoàn thành cuốn Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng, lúc ông đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn và cũng vừa có ba đứa con “đầu lòng”. Cuốn này được cụ Nguyễn Hiến Lê góp ý và “khen” Đỗ Hồng Ngọc là một thầy thuốc nhi khoa tốt, yêu trẻ con.

Tôi cảm kích và vui mừng về bước khởi đầu viết lách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khi đọc những nhận xét về tác phẩm này của những người đồng nghiệp, những bậc đàn anh, những người Thầy của Đỗ Hồng Ngọc. Trước hết là bài Tựa của Giáo sư, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn Phan Đình Tuân, cũng là người đỡ đầu luận án tốt nghiệp của Đỗ Hồng Ngọc. Bài Tựa có đoạn viết:

“Đọc quyển sách Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, các bà mẹ sẽ tìm thấy những lời chỉ dẫn ân cần về những vấn đề thiết thực, để bớt những bỡ ngỡ băn khoăn, lo lắng vô ích. Thêm vào đó, tác giả còn đả phá những thành kiến sai lầm, những tập quán nguy hiểm từ lâu vẫn lan tràn ở nước ta gây nhiều tai hại cho trẻ nhỏ… (…)

Một quyển sách về y học, dù là y học phổ thông, thường thường rất khô khan, ít ai muốn đọc, nhưng quyển sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại khác. Tác giả có lối hành văn trong sáng, nhẹ nhàng, thân mật, gần gũi, có chỗ dí dỏm nên thơ, đọc không biết chán.

Tôi mong rằng quyển sách này sẽ là sách gối đầu giường không những của các bà mẹ sanh con đầu lòng mà còn của tất cả các bà mẹ vậy.”

Tôi đọc 16 cuốn gọi chung là “Câu chuyện sức khỏe” từ tác phẩm đầu tay của ông xuất bản: Những Tật Bệnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò (1972),đến các tác phẩm mới nhất là Sức Khỏe Gia Đình, Ăn Vóc Học Hay và Thiền Và Sức Khỏe. Rồi đọc tiếp 18 bài Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời phỏng vấn trên nhiều tờ báo, chung quy ông cũng đề cập đến vấn đề giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống theo định nghĩa về sức khỏe của WHO: “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well being) về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ là không có bệnh hay tật.”

Càng đọc nhiều sách loại này, tôi càng thấy rõ Đỗ Hồng Ngọc xem cuộc sống là một điều kỳ diệu, tôn vinh giá trị gia đình, xác quyết mối quan hệ thân – tâm không thể tách rời nhau. Ông hô hào mọi người hãy đầu tư cho chính mình để được hạnh phúc. Mỗi người hãy trở về với hải đảo của mình; hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi theo lời dạy của Đức Phật. Ông kêu gọi mọi người hãy sống tự tại hơn để hạnh phúc hơn, ông thành tâm cầu mong mọi người thân tâm thường an lạc. Ông chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm và thể nghiệm từ bản thân mình để xiển dương những lợi ích và lợi lạc của việc tập thở, tập thiền, hành thiền.

Với ông tu là học và tu là hành… nhờ đó mà ông được nhiều người tin cậy và làm theo hướng dẫn của ông. Những bài trả lời phỏng vấn của ông về y học, vốn là chuyên ngành sâu, là nghề và nghiệp của ông nên ông viết luôn luôn rõ ràng, rành mạch, chính xác, với lời lẽ chân thành, thân ái, gần gũi, thấu cảm nên người đọc vừa tin yêu vừa phấn chấn. Làm được, viết được như vậy chẳng dễ tí nào! Những lời ông tâm tình, trao đổi, gợi ý, chia sẻ với các bạn trẻ, với những học trò cũ vừa chân tình vừa cảm động, vừa ý nhị sâu sắc, vừa thiết thực, cụ thể, có lúc nghiêm khắc nhưng đầy lòng khoan dung và khích lệ.

Hơn 50 năm trước tôi đã đọc nhiều cuốn sách, có cuốn tôi gọi là “cuốn sách cứu người”, cuốn sách “làm thay đổi cuộc đời” của cụ Nguyễn Hiến Lê, thì nay đọc sách, đọc các bài viết về y, về Phật học của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tôi cũng có cảm nhận sâu sắc và chân thành như vậy. Xin hết lòng biết ơn Thầy Nguyễn Hiến Lê và Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc!

Trong các bài viết về chuyên đề sức khỏe, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc luôn cẩn trọng, khiêm tốn, vui vẻ. Ông luôn luôn dung dị mà sâu sắc, dí dỏm, hóm hỉnh, trí tuệ, thông minh, mà gần gũi và thân ái. Ông thể hiện tròn đầy lòng chân thành, sự thấu hiểu, thấu cảm nên mang tính thuyết phục cao đối với đông đảo người đọc. Tôi rất tâm đắc khi đọc những bài này của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và xem nó là một trong những dấu ấn sâu đậm, đáng yêu và sống lâu bền trong lòng người đọc.

Minh họa: Kike Vega/Unsplash

Ở đây, tôi xin phép được trích dẫn một số cảm nhận chân thành của bạn đọc để làm rõ thêm ý kiến mà chúng tôi đã nêu trên:

* Yumi.multiply.com

(…) Ở đó, tôi không chỉ nắm bắt được những kiến thức khoa học để nuôi con mà còn gặp được tấm lòng một người cha vĩ đại. Ông kể chuyện của con mình, kể về nỗi buồn lo, ân hận của mình để mà truyền kinh nghiệm cho bạn, cho tôi. Khi con mọc răng nóng sốt, khi con quấy khóc, ốm đau, khi con chán ăn, khi con biết lẫy, biết bò… tôi đều giở sách ra, đôi khi không chỉ đọc để biết phải làm gì mà còn tìm trong đó một nguồn an ủi, vỗ về. Mỗi lần nâng quyển sách ấy trên tay, tôi không nghĩ mình đang đọc sách mà đang trò chuyện với ông, ấm áp và tin tưởng lạ thường!

* blog.dongchay.com

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không phải viết theo phong cách của một bác sĩ cho các đồng nghiệp, không phải cho thân nhân người bệnh, cũng không phải theo khuôn mẫu của một sách giáo khoa khô khan. Bác sĩ viết như người bạn viết cho người bạn, người anh, người chú lớn tuổi nhiều kinh nghiệm viết cho những người em bắt đầu làm bố, làm mẹ. Lời lẽ thân thiện, dễ gần, hình ảnh sống động, dễ hiểu, trình bày khoa học, dễ tra cứu. Quả thực, mẹ học được rất nhiều từ cuốn sách và cũng đã nhiều lần cuốn sách đã giải tỏa cho mẹ những ưu tư, rồi cả những hủ tục, những quan niệm sai lầm khi nuôi con của các bà mẹ ngày xưa.

Mẹ rất thích cuốn sách, đọc đi đọc lại nhiều lần, ngẫm nghĩ những điều nằm ngoài chuyên môn mà Bác sĩ Ngọc đã gửi gắm. Mẹ cảm thấy việc sinh con, nuôi con ý nghĩa hơn. Mẹ cũng cảm thấy trách nhiệm của bố và mẹ lớn lao hơn khi giờ đây, bố mẹ là người cha, người mẹ và trước kia, bố mẹ cũng là những người con bé bỏng và ông bà nội ngoại đã phải vất vả ra sao mới có bố mẹ, có con như bây giờ…

* Lê Uyển Văn

Vẫn là phong cách của Đỗ Hồng Ngọc, con chữ của Đỗ Hồng Ngọc – lấp lánh yêu thương – sao như lần đầu được gặp, chúng tôi đọc mải miết, những kiến thức đã từng biết bỗng trở nên gần gũi và sống động lạ thường.

Không cách so sánh nào cụ thể, dễ nắm bắt mà xúc động hơn cách hướng dẫn làm dung dịch như Oresol tại nhà : “… pha xong nếm thử thấy nó y như nước mắt là được / Nước mắt ở đâu mà thử?/ Thì bà mẹ nào có con tiêu chảy cấp mà không khóc chứ?”. Cũng không gì thuyết phục hơn khi khuyên mẹ tự làm thức ăn cho con: “Bây giờ có nhiều thức ăn làm sẵn / Phải, nhưng không có thứ “tình thương” làm sẵn nào cả !”….

… “ Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi”,“ Có hiểu mới thương”, “ Thương nhớ… đòn roi”… đều là những “Bài học quý giá” mà tôi, các con tôi đang rất cần. Có những điều, tôi không sao nói được với con mình thì tác giả đã nói hộ rồi, tôi chỉ cần hỏi “con đã đọc “bài học quý giá” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chưa?”, con đáp “dạ, rồi!”,tôi nghe như trút vài gánh đá, đọc rồi nghĩa là con hiểu con phải làm gì để đối diện với kỳ thi đang rất gần kề”.
************

Với ông, y khoa là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Kỹ thuật y khoa càng tiến bộ thì càng cần hơn tính nhân văn trong y học vì nó đứng trước cái sống, cái chết, cái đau, cái khổ của kiếp người. Y học ngày càng tiến bộ, kỹ thuật ngày càng cao, thuốc men ngày càng nhiều thì… bệnh tật cũng ngày càng phát triển, gia tăng, đôi khi đe dọa cả hành tinh…

Vì thế, ông hô hào: “Bớt kỹ thuật – Thêm nhân văn” và hãy đầu tư cho chính mình để được hạnh phúc. Ông quan tâm tới khía cạnh tâm lý xã hội của vấn đề chứ không đơn thuần ở góc độ bệnh lý. Ông khởi xướng và đã cùng với cộng sự, học trò tập trung nhiều công sức, tâm huyết, trí lực vào việc xây dựng và phát triển ngành Truyền Thông – Giáo Dục Sức khỏe và Nâng cao sức khỏe.

Ông cảnh báo về nguy cơ lớn nhất của ngành y là đi quá sâu vào kỹ thuật và tách hẳn cái thân ra khỏi cái tâm, thậm chí trong cái thân lại chẻ nhỏ ra thành những mảnh thân nhỏ hơn nữa để đi chuyên sâu. Ông cho rằng điều đó có lợi về mặt khoa học nhưng lại làm cho con người không còn toàn vẹn nữa vì thân và tâm không thể chia chẻ được và không thể nào có cái thân mà không có cái tâm và ngược lại: Hai cái đó vốn là một. Vì thế, một người thầy thuốc khi chữa bệnh cho bệnh nhân, nếu chỉ thấy cái thân bệnh, mà không thấy cái tâm bệnh, tức là chỉ thấy cái “đau” mà không thấy được cái “khổ” của họ thì không thể chữa thành công.

Ông băn khoăn, trăn trở trước nguy cơ kỹ thuật hóa, thương mại hóa ngành y. Có cách nào làm giảm bớt nguy cơ đó không? Có cách nào phục hồi tính nhân bản của ngành y như những “ngày xưa thân ái” không? Dĩ nhiên không thể trở lại thời kỳ y khoa phù thủy, nhưng cũng không thể đẩy đến bờ vực thẳm của y khoa kỹ nghệ… Trước thực trạng, y khoa ngày càng nặng về kỹ thuật., người thầy thuốc trẻ dần dần có khuynh hướng chạy theo kỹ thuật, xa cách dần với… con người. Nó làm cho người thầy thuốc trở nên bí hiểm… chẳng khác gì các phù thủy của những bộ lạc ngày xưa! Thế nhưng con người từ xưa đến nay vẫn không thay đổi: cũng những lo âu, phiền muộn, sợ hãi, cũng những ganh tị, ghen ghét, mừng vui, cũng vẫn già nua, tuổi tác, ốm đau bệnh hoạn…

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đưa ra một số giải pháp, theo tôi là mới mẻ, thiết thực và hiệu quả:

“Chỉ có cách là phá vỡ huyền thoại (démystification) về người thầy thuốc, về nghề y và nâng cao kiến thức của người dân để họ tự bảo vệ sức khỏe của mình và hợp tác với thầy thuốc một cách có ý thức. Bên cạnh việc thay đổi chương trình giảng dạy ở các đại học y khoa sao cho ngành y vừa kỹ thuật mà cũng vừa nhân văn, đưa các môn tâm lý, xã hội, nhân chủng, quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân, y đức, nghĩa vụ luận… vào giảng dạy. Giáo dục sức khỏe là biện pháp cần thiết để nâng cao dân trí, thay đổi hành vi có hại sức khỏe của cá nhân và góp phần đề ra các chính sách nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng…”

Muốn giải quyết vấn đề bệnh ngày càng nhiều, bệnh viện quá tải…, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thấy cần “phải giải quyết cái gốc từ xã hội, tức là phải giải quyết trên vấn đề sức khỏe toàn diện chứ không chỉ là vấn đề y tế đơn thuần. Y tế chỉ cung cấp dịch vụ chữa bệnh, còn sức khỏe bao gồm cả môi trường sống, môi trường xã hội và thiên nhiên, cho đến hành vi, lối sống của mỗi cá nhân. Đã đến lúc cần giải quyết trên một bình diện rộng. Một mặt, ngành y tế tổ chức lại hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn, mang tính dự phòng tích cực từ cơ sở, nâng cao dân trí để mọi người biết tự bảo vệ sức khỏe cho cá nhân mình, gia đình và cộng đồng. Mặt khác, xã hội phải coi trọng việc đầu tư chăm sóc sức khỏe người dân hơn là tập trung mở thêm nhiều bệnh viện để hứng bệnh tật, tức là chăm lo bảo vệ môi trường, quan tâm giáo dục từ tuổi ấu thơ nhằm thay đổi hành vi, lối sống với các chương trình nâng cao sức khỏe (health promotion).

Từ kinh nghiệm bản thân, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng:

“Truyền thông trị liệu”, “Truyền thông thay đổi hành vi” không dễ tí nào! Nó là một khoa học, bao gồm cả tâm lý – xã hội – nhân chủng (văn hóa) ứng dụng vào ngành y, giúp cải thiện mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân và nâng cao y đức. Làm sao người thầy thuốc thấy được nỗi khổ sau nỗi đau, để thấu cảm với người bệnh. Một lời nói, một cử chỉ của thầy thuốc có thể làm cho bệnh nặng hơn hay nhẹ đi, vơi đi. Những kỹ năng ứng dụng này phải bằng cái tâm của người thầy thuốc.” Và rằng: “Thầy thuốc không chỉ là một chuyên viên tư vấn (consultant) về y học mà còn phải là một chuyên viên tham vấn (counselor) về sức khỏe, bởi người bệnh đến với họ vì tin tưởng rằng người thầy thuốc ngoài việc chữa bệnh còn có thể an ủi, giúp đỡ họ. Người bệnh cũng rất nhạy cảm với những “truyền thông không lời” trong mối giao tiếp đặc biệt này. Chỉ cần nhìn nét mặt, cử chỉ, nghe giọng nói, cái vỗ vai, cái bắt tay… cũng được bệnh nhân hiểu bao nhiêu điều…”

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mong muốn bản thân ngành y cần coi trọng vấn đề nhân sự của ngành, vì không chỉ cần có kỹ năng, có học thuật mà còn cần đến tấm lòng, vì đó là con đường của y đức và y đạo.” Ông cho rằng: “Nói y đức suông mà không có tay nghề thì… hại người ta nhiều hơn, làm người ta “đau” nhiều hơn. Còn giỏi kỹ thuật chuyên môn mà thiếu y đức thì làm cho người ta “khổ” nhiều hơn.

Riêng vấn đề y đức phải được quan tâm đúng mức, đặt trong hệ thống đào tạo người thầy thuốc tương lai. Rồi đây, quản lý bệnh viện dần dần sẽ là những doanh nhân chứ không phải là bác sĩ, các bác sĩ sẽ chỉ là người làm công tác ăn lương. Y đức như vậy phải được mở rộng cho giới doanh nhân “khai thác” ngành y.”

Đỗ Hồng Ngọc theo ngành Nhi khoa và thực sự “say mê” trẻ em. Vì vậy mà Đỗ Hồng Ngọc đi đến một kết luận đáng chú ý: “Tôi thấy rõ một điều là dù người thầy thuốc có “ba đầu sáu tay” cũng không thể cứu giúp được trẻ con nếu người mẹ, gia đình vẫn mắc phải những sai lầm tai hại. Từ đó tôi luôn quan tâm đến lãnh vực giáo dục sức khỏe, làm sao để giúp bà mẹ những kiến thức tối thiểu cần thiết để nuôi con khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật.” Ông cho rằng, bà mẹ mới thực sự là “trung tâm bảo vệ sức khỏe” của con mình chứ không phải là bệnh viện hay các Trung tâm y tế.”

Trong Lời Ngỏ cuốn Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết:

“… ở đây không có “ông bác sĩ” viết cho thân nhân trẻ bệnh mà chỉ có người bạn viết cho người bạn, chỉ có người trong gia đình viết cho anh chị em mình, cho nên tôi viết bằng một giọng thân mật và cố gắng tránh những lý thuyết, những danh từ chuyên môn dễ nhàm chán”. Và trong lời ‘Viết thêm’ ông bày tỏ một cách chân tình với bạn đọc: “Cuốn sách là những lời tâm tình, chia sẻ của một người vừa là thầy thuốc, vừa là người cha những năm xưa, nay đã trở thành ông nội, ông ngoại của mấy nhóc nhỏ rồi! Thời gian trôi nhanh thật.”

Trong nhiều thập niên và mãi đến giờ, cuốn sách này đã trở thành cuốn “sách gối đầu giường”, là “bửu bối”, là “báu vật” theo cảm nhận chân thành của nhiều người mẹ qua nhiều thế hệ.

Đỗ Hồng Ngọc thổ lộ: “Không gì vui hơn khi các bà mẹ nói rằng nhờ cuốn đó mà họ đã nuôi con được khỏe mạnh, và đặc biệt đã làm cho họ vơi bớt nỗi lo âu. Đối với tôi, bà mẹ mới thực sự là “trung tâm bảo vệ sức khỏe” của con mình chứ không phải là bệnh viện hay các Trung tâm y tế.”

Sau hai cuốn sách chuyên ngành mang tính phổ thông, thiết thực và có ích đó được đông đảo người đọc đón nhận và yêu thích, Đỗ Hồng Ngọc vẫn luôn luôn âm thầm đọc, học, viết. Có thể nói ông đã kết hợp nhuần nhuyễn, tài tình, khéo léo, hiệu quả đối với công việc “bộ ba” của ông: Truyền thông giáo dục sức khỏe – dạy học – viết lách. Ông đã nghiền ngẫm viết lách, giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm với người khác. Để làm được những điều đó ông phải đọc, học, trải nghiệm rất nhiều và ông cho rằng “Viết cũng là học”. Vào thời điểm này, ông đã có ba cuốn sách về lãnh vực nhi khoa được phổ biến khá rộng rãi và một số sách viết cho tuổi già; mảng sách viết về học… Phật.

Trong buổi giao lưu với học trò cũ, ông tâm tình và chia sẻ như sau:

“Những năm cơ cực sau 1975, thầy bận rộn suốt ngày với bệnh nhi ở phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng, ở nhà trông cậy một mình cô nuôi dạy các con. Nhiều bữa thầy về nhà tối om, đem thịt cá được “Tổ đời sống” chia cho đã ôi thiu về, cô chỉ biết cười trừ…”

Tình cảnh khó khăn, bi đát như thế cộng với rất nhiều khó khăn khác chắc chắn là ông rất ít có thì giờ, sức lực, điều kiện để đọc, để học, để viết. Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết:

“Một ngày của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thật không còn chỗ thở: Hội họp, giảng dạy, hướng dẫn chuyên môn, khám chữa bệnh ngoài giờ cho trẻ con. Anh là bạn thân của lứa tuổi Mực tím (Phòng mạch Mực Tím), là “ông ngoại” của những đứa nhỏ đang ốm sốt trong tay người mẹ trẻ. Việc viết lách, viết sách, làm thơ khi trời hừng sáng, dậy sớm, ngồi vào bàn computer gõ, để đó, khi nào rảnh mới xem lại, sửa chữa, sắp xếp. Sức làm việc thật dữ dội và tất nhiên cũng phải… chớm già thôi!’

Khó khăn, bận rộn là thế nhưng rồi ông đã vượt lên tất cả để viết và viết hàng loạt tác phẩm về y học như: Thầy Thuốc Và Bệnh Nhân, Săn Sóc Con Em Nơi Xa Thầy Thuốc (1986), Nuôi Con (1988), Nói Chuyện Sức Khỏe Với Tuổi Mới Lớn (1989), Sức Khỏe Trẻ Em (1991), Viết Cho Tuổi Mới Lớn (1994), Bỗng Nhiên Mà Họ Lớn, Bác Sĩ Và Những Câu Hỏi Của Tuổi Mới Lớn, Câu Chuyện Sức Khỏe (Tháng 6. 1994).

Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên trong bài viết về tác giả Đỗ Hồng Ngọc (Khói trời Phương Đông, 2012) đã viết: Câu nói “Làm thầy thuốc là để cứu người; làm nhà văn là để cứu đời” có lẽ rất đúng với trường hợp Đỗ Hồng Ngọc – với những tác phẩm đa dạng của ông trong văn thơ, y học và Phật học.

Ông quan tâm đến những chuyện mà nhiều người lo âu và chia sẻ:

“Nhắc lại, giấc ngủ rất quan trọng. Phải ngủ đủ. Khoảng 7 – 8 tiếng một đêm ở tuổi này. Khi nào buồn ngủ thì đi ngủ, không thì thôi. Bài viết Có Một Nghệ Thuật Ngủ của tôi được nhiều bạn bè chia sẻ. Nhà văn Hồ Anh Thái ở Hà Nội bảo đã photocopy ra khá nhiều để gởi cho bạn bè vì lúc này nhiều người mất ngủ quá! Trên thế giới thì thuốc ngủ vẫn là thứ thuốc bán nhiều nhất! Tuổi càng cao, càng cần ngủ, như pin điện thoại xài lâu, sạc phải càng lâu. Ăn thì rất đơn giản thôi. Có gì ăn nấy. Tôi thường tự chế biến thức ăn cho mình. Càng ngày tôi càng học tốt hơn hạnh “độc cư”, “kham nhẫn / tri túc”.

Minh họa: Mijor Zhu/Unsplash

4. Học với Y Vương

Năm 1997, Đỗ Hồng Ngọc bị tai biến mạch máu não. Trong cái rủi có cái may, trong thất bại có mầm mống của thành công. Sau cơn bệnh thập tử nhất sinh này, Đỗ Hồng Ngọc đã “ngộ” ra nhiều điều. Ông đến với thiền, kết hợp phương pháp thở bụng của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và nghiền ngẫm, “hành thâm” Bát Nhã Tâm Kinh. Rồi 5 năm sau là Kim Cang, 5 năm tiếp theo là Diệu Pháp Liên Hoa, hình thành mảng sách mới lạ, độc đáo, cuốn hút người đọc từ các vị cao tăng, Tăng Ni, Phật tử đến những người “mê” Đỗ Hồng Ngọc ở những tác phẩm: Nghĩ Từ Trái Tim, Gươm Báu Trao Tay, Thấp Thoáng Lời Kinh, Ngàn Cánh Sen Xanh Biếc, Cõi Phật Đâu Xa, Thoảng Hương Sen… mà ông đều ghi là: “Thấp thoáng lời kinh…”. Từ những “thấp thoáng” đó, ông “ngộ” ra lẽ huyền vi của “lấp lánh ánh vàng”. Những cuốn sách thuộc loại “thấp thoáng lời kinh” này thực sự là một “hiện tượng” mới lạ, sôi nổi và độc đáo trong sinh hoạt văn học nghệ thuật nước nhà và văn học Phật giáo trong nhiều năm qua. Tôi không cường điệu chút nào khi nghĩ và viết như vậy!

Tôi chợt nhớ lại, khi Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lâm trọng bệnh có thể gọi là “thập tử nhứt sinh” (năm 1997) thì có người bạn dí vào tay ông cuốn Trái Tim Hiểu Biết dạng ronéo của NH. Đỗ Hồng Ngọc từ đó tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm, nghiền ngẫm và thực hành Tâm Kinh Bát Nhã… Sau đó ông viết cuốn Nghĩ Từ Trái Tim để chia sẻ với mọi người với phong cách và cái nhìn của một bác sĩ, mang tính “khoa học thực nghiệm”. Ông ngại ngùng, đắn đo và cân nhắc dữ lắm, nhưng rồi ông cũng viết và gởi bản thảo nhờ Ni Sư Thích Nữ Trí Hải đọc và góp ý. Đêm hôm đó chùa bị cúp điện, Ni Sư Trí Hải nói phải đốt đèn, ráng đọc “chữ bác sĩ”. Sáng sớm hôm sau, sư gởi lại bản thảo với lời khuyên: “Bác sĩ nên cho xuất bản cuốn sách này đi vì sẽ rất có lợi lạc cho nhiều người”. Nghĩ Từ Trái Tim xuất bản lần đầu năm 2003 đến nay đã tái bản 15 lần (2020)!

Đến đây thì chúng ta có thể “đồng tình” với tạp chí Văn Hóa Phật Giáo rằng: “Có một Đỗ Hồng Ngọc là người viết văn, làm thơ, có một Đỗ Hồng Ngọc là người viết về Phật học, có một Đỗ Hồng Ngọc là bác sĩ và cũng là nhà tư vấn tâm lý và sức khỏe cho tuổi mới lớn, doanh nhân, người già… được nhiều người quý mến”.

Phương châm, phong cách của Đỗ Hồng Ngọc khi viết là chân thành, tôn trọng, thấu cảm, thấu hiểu người khác, nhất là về những nỗi mất mát, để tạo nên năng lượng hóa giải sự khổ. Đỗ Hồng Ngọc tâm sự:

“Viết cho tuổi mới lớn, thì tôi… ở tuổi mới lớn, sống cùng tuổi đó, sống với tuổi đó, nghĩ như họ, nói như họ. Tôi viết như mình đang được trò chuyện với họ, như họ đang ngồi trước mặt tôi. Khi viết cho tuổi chớm già… thì tôi đang ở tuổi chớm già… Tóm lại, phải “thấu cảm” (empathy) nghĩa là phải “sống với”, cho thấu suốt nguồn cơn…”. Ông nghĩ rằng: “Y khoa là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật. Tiếp cận với những cảnh đời, những con người, cũng là một nguồn cảm xúc để cầm lấy cây bút”.

Đỗ Hồng Ngọc được nhiều độc giả quý mến, chắn hẳn do cách viết của mình. Ông chỉ viết những gì mình thực sự trải nghiệm. Ông viết để chia sẻ kinh nghiệm chứ không phải từ sách vở mà ra. Khi viết, ông luôn nghĩ rằng như có độc giả đang ở trước mắt mình và đang trò chuyện với mình. Có lẽ kiểu viết như thế làm cho người đọc cảm nhận được người viết và độc giả có sự gần gũi, chia sẻ, trao đổi một cách chân thành, không kiểu cách, xa lạ. Đỗ Hồng Ngọc được mọi người hiểu, cảm, yêu, mến, vì ông trải lòng mình để chia sẻ cùng người đọc. Ông cho rằng chuyện viết lách là cái tình. “Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu…” (Chu Mạnh Trinh.)

Qua cơn mổ sọ não vì tai biến mạch máu, Đỗ Hồng Ngọc đến với Thiền học, Phật học để tiếp nối hơn 40 năm gắn bó với ngành y, để “dấn thân” hết mình theo tiếng gọi sâu thẳm của Y Vương:

“Cũng vậy. Khi tôi bị một vố bệnh nặng – tai biến mạch máu não, phải mổ cấp cứu – sau đó tôi đã tìm cách tự chữa trị cho mình. Tôi biết trường hợp này thuốc men chỉ là phụ, cái chính là thay đổi nếp sống, thay đổi nếp nghĩ, nếp nhìn. Tôi tìm đến Thiền học, Phật học là vì thế. Mình là bác sĩ, bất quá chữa được một phần cái “đau” còn cái “khổ” mình không chữa được. Có một bậc thầy, một y vương là Phật, sao không học nhỉ? Lại có một Bồ tát rất dễ thương tên là Dược Vương – thuốc vua – sao không học nhỉ? Vậy là tôi học. Rồi chia sẻ, bàn bạc, trao đổi lẫn nhau giữa bạn bè anh em, những người đồng bệnh tương lân.”

Quý hóa thay và đáng kính thay cái trí, cái tài và cái tâm của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc!

Trong nhiều năm ở những bước đầu tập tễnh học Phật tôi may mắn được Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chỉ dẫn, khích lệ, đặc biệt là những bài học “thân giáo” mà tôi cảm nhận được. Nhờ đó mà tôi đã làm xong Tuyển tập Tôi Học Phật. Nội dung chính của Tuyển tập này gồm bốn cuốn “cốt lõi” trải dài trong 20 năm nghiền ngẫm, “lõm bõm học Phật” mới có được của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Đó là:

1. Nghĩ Từ Trái Tim (Viết về Tâm Kinh Bát Nhã),

2. Gươm Báu Trao Tay (Viết về Kim Cang),

3. Ngàn Cánh Sen Xanh Biếc (Viết về Pháp Hoa),

4. Cõi Phật Đâu Xa (Viết về Duy Ma Cật).

Theo Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì cuốn Cõi Phật Đâu Xa rất “quan trọng” vì nói lên vai trò của Cư sĩ, nhất là trong thời đại hiện nay (với cái nhìn khá mới mẻ). Và, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng nói thêm rằng hai cuốn Thấp Thoáng Lời Kinh và Thoảng Hương Sen… là những bài học tự rút ra cho bản thân mình, những giải thích, nhận định… để làm sáng tỏ thêm nội dung của bốn cuốn “cốt lõi” đã nêu trên.

Tuyển tập này được các anh chị trong nhóm “Phật học và Đời sống” chùa Xá Lợi chào đón và Hòa thượng Thích Đồng Bổn, Trụ trì chùa Xá Lợi gởi tặng Trang Nhà Quảng Đức. Và sau đó là Trang nhà Thư Viện Hoa Sen, Rộng Mở Tâm Hồn, Chùa Hương Sen v.v…

Minh họa: Aileen David/Unsplash

Trong Lời Ngỏ tuyển tập “Tôi Học Phật” Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết:

“Vào tuổi 80, tôi nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc “nhìn lại mình…” như người bạn nhạc sĩ họ Trịnh kia đã nói. Về thu xếp lại, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”, vì rất nhanh thôi, các tế bào thân xác kia đã có vẻ rã rượi, ù lì, và cũng rất nhanh thôi các tế bào thần kinh nọ cũng mịt mờ, mỏi mệt, nhớ trước quên sau… Đầu năm 2019, tôi gom góp in cuốn Về Thu Xếp Lại như một cột mốc, một hẹn hò, rồi cuối năm tiếp tục gom góp in thêm cuốn Biết Ơn Mình như một nhắc nhở… Bên cạnh đó, cũng đã tạm một tệp bản thảo Đi Để Học, Ghi Chép Lang Thang… chủ yếu là một dịp để giúp “Nhìn lại mình”. Tôi cũng mong gom góp, tập hợp được một số bài viết, một số quyển sách nhỏ những lời biên chép bấy nay trong lúc lõm bõm học Phật, thấp thoáng lời kinh, làm thành một tệp để ngẫm ngợi khi cần. Muốn thì muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm rồi. Duyên may lại đến.

“… Cái học y khoa, tâm lý học, xã hội học cũng đã giúp tôi thấy rõ hơn vai trò thầy thuốc, tham vấn viên của bậc Y vương qua hình tượng các vị Bồ tát Thường Bất Khinh, Dược Vương, Diệu Âm, Quán Thế Âm… để không chỉ học hiểu lời kinh mà còn vận dụng vào nghề nghiệp cho sáng tỏ hơn… Ở Duy-ma-cật, học Bất nhị. Kinh mở ra một cách tiếp cận mới, sinh động, cho dòng chảy mênh mang rộng khắp.

“Chắc chắn Phật không muốn chỉ có các đệ tử ngồi thiền định dưới gốc cây, tới giờ đi khất thực và đợi ngày nhập Niết bàn. Phật cần có những vị Bồ-tát đem đạo vào đời, tự giác giác tha. Thế nhưng, các Bồ-tát đầu tròn áo vuông cũng khó mà “thõng tay vào chợ” giữa thời đại bát nháo này. Vì thế mà cần Duy-ma-cật. Một thế hệ cư sĩ tại gia, nhằm thực hiện lý tưởng của Phổ Hiền Bồ-tát…!

“Rồi từ những điều học hỏi, nghiền ngẫm, thể nghiệm… bấy nay mà tôi mạnh dạn sẻ chia với “Thấp Thoáng Lời Kinh”, “Thoảng Hương Sen”, “Thiền Và Sức Khỏe”, “Nếp Sống An Lạc”… như một ứng dụng Phật pháp vào đời sống. Khi được hỏi “kinh nghiệm” về học Phật, tôi nghĩ trước hết, cần nắm được các thuật ngữ, sau đó là hiểu được các ẩn dụ, ẩn nghĩa, hàm chứa trong lời Kinh và quan trọng nhất là thực hành, ứng dụng vào đời sống, ở đây và bây giờ.

“Những năm sau này, tôi có dịp cùng học với nhóm bạn tại Chùa Phật học Xá Lợi về Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già… Con đường học Phật thênh thang như cánh rừng kia mà ta mới tiếp cận vài hạt bụi rơi từ nắm lá Simsapa dạo nọ.

Với tấm lòng khao khát học hỏi và trí thông minh sẵn có, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã tiếp nhận rất bén nhạy nhanh chóng giáo lý vi diệu Phật Đà. Cũng có thể những tri kiến này được tích lủy từ nhiều kiếp trước, đã tiềm ẩn đâu đó trong Tạng Thức của ông nên những kinh sách ông học đã thấu đáo nghĩa lý. Kiến thức Phật Học của ông được nhiều bậc Tôn Đức, thức giả khen ngợi.

Khi Thầy Tuệ Sỹ tặng sách HUYỀN THOẠI DUY-MA-CẬT cho Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Thầy đã ghi ở đầu sách, như một lời xác nhận cái trí tuệ đó:

“Quý tặng Duy Ma Cư Sĩ Đỗ Hồng Ngọc.”

Đông 2016

Tôi vui mừng, tự hào và hãnh diện về điều này.

Như vầy tôi nghe; thưa Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc!

Nguyễn Hiền-Đức

Santa Ana, tháng 3.2021

Sửa chữa, bổ sung tháng 7, 04 tháng 9 – 2021

Nguồn: Rộng Mở Tâm Hồn

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: