Đức Phật: từ giây phút giác ngộ tới 50 năm làm khất sĩ

Mừng Phật Đản, Phật Lịch 2568
(Unsplash)

Học giả Hermann Oldenberg đã viết về giây phút giác ngộ của Đức Phật: “Ngồi dưới gốc cây, từ ấy về sau được gọi là cây Tri thức (cây Bồ đề – Bodhi tree), Ngài trải qua nhiều trạng thái ý thức cho đến khi đạt được sự giác ngộ trọn vẹn.

Bằng một trực cảm sâu sắc, Ngài đã nhận biết được những cuộc phiêu bạt của những linh hồn trong sự chuyển kiếp, tìm tới cội nguồn của khổ đau ở thế gian này và tìm được con đường diệt khổ. Kinh văn đã chép lại lời của Ngài khi ấy: “Khi tôi thấu hiểu được điều ấy, tâm hồn tôi đã thoát khỏi sự ràng buộc của dục vọng, thoát khỏi sự ràng buộc của kiếp sống ở trần gian, thoát khỏi sự mê lầm và vô minh. Tri thức về giải thoát phát sinh từ sự giải thoát: sẽ không còn tái sinh, sẽ không còn chuyến du hành thiêng liêng và tôi biết là mình sẽ không còn trở lại thế gian này”.

Những người theo đạo Phật đã coi giây phút này như bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời của thái tử Tất Đạt Đa, trong cuộc đời của các thần linh và của loài người: vị tu sĩ khổ hạnh Gotama đã thành Phật, thành người đã tỉnh thức, thành đấng Giác ngộ. Đêm Đức Phật đã trải qua dưới gốc cây bồ đề, bên bờ sông Neranjarâ, được coi là đêm thiêng liêng của những người theo đạo Phật…

Ngài nấn ná suốt 7 ngày gần cây Bồ đề, “tận hưởng niềm vui của sự giải thoát”. Cuộc gặp gỡ với một người Bà la môn kiêu căng là câu chuyện giúp cho chúng ta liên tưởng tới một cuộc đấu tranh để thu phục Bà la môn giáo. Ông ta hỏi ngài: “Hỡi Cồ Đàm, bản chất của Brahman là ở đâu và những phẩm chất gì làm nên một người Bà la môn?” Đức Phật đáp: “Một người Bà la môn thật sự là người đã lánh xa mọi điều ác, không còn dục vọng, không còn biết đến sự ô uế nữa, đã hoàn toàn làm chủ bản thân”.

Sự tấn công của con người chẳng những không ảnh hưởng tới ngài, mà cả những thiên tai cũng không làm suy suyển sự bình an ngài đã có được. Bão giông nổi lên, mưa rơi tầm tã suốt 7 ngày, chảy thành thác lũ, bóng tối lạnh lẽo phủ trùm mọi vật quanh Ngài. Vua Rắn Mucalinda rời chỗ ẩn nấp, cuộn mình 7 vòng để che cho Ngài tránh mưa sa bão táp. “Và sau 7 ngày, khi thấy trời quang mây tạnh, Vua Rắn Mucalinda không cuộn mình nữa, vứt bỏ lớp rắn để mang hình hài một chàng trai trẻ đến trước mặt đấng Toàn giác, chắp tay lạy ngài. Khi nhìn thấy chàng, Đức Phật đã nói: “Phước hạnh thay là sự cô đơn của người đã có được an lạc, đã nhận biết và thủ đắc chân lý; Phước hạnh thay là người đứng vững, không bị lay chuyển, luôn tự tra vấn chính mình. Phước hạnh thay là người không còn phiền muộn và ham muốn. Sự chinh phục sự thiển cận của bản ngã là niềm hạnh phúc đích thực”.

Có hai thương nhân đang đi trên đường được một vị thần cho hay Đức Phật đang ở gần họ, sai họ mang thức ăn đến cho ngài. Các vị thần cai quản ba phần tư của thế giới đã mang đến một cái bát cho Ngài – bởi lẽ các vị Phật đích thực chỉ nhận thức ăn đựng trong một cái bát – và ngài đã nhận thức ăn hai thương nhân dâng cho Ngài sau một thời gian dài nhịn ăn.

“Khi thấy ngài đã ăn xong, rửa tay và rửa bát sạch sẽ, hai thương nhân Tapussa và Bhallica phủ phục dưới chân ngài và nói: “Chúng con ở đây muốn nương náu nơi ngài và giáo pháp của ngài. Kính mong ngài hãy nhận chúng con làm đệ tử từ hôm nay cho đến hết đời”. Đó là hai người đầu tiên trên thế giới đã tuyên xưng niềm tin đặt ở Phật và Pháp. Lúc ấy, yếu tố thứ ba của Tam bảo là Tăng (Sangha) vẫn chưa định hình…” (Đức Phật, cuộc đời, học thuyết và tăng đoàn, tr. 107, 119)

Hai thương nhân Tapussa và Bhallica được Đức Phật thâu nhận làm hai đệ tử đầu tiên cũng là hai người đã mở đầu truyền thống cúng dường thực phẩm cho Đức Phật và các đệ tử của ngài. Người đã giác ngộ, từ bỏ hết mọi ràng buộc của thế gian như gia đình, nghề nghiệp, hoạt động trong cộng đồng để theo chánh pháp của Đức Phật sẽ được gọi là sa-môn (tiếng Sanskrit: Cramana), có cuộc sống giản dị như ngài.

Kinh Sa-môn quả (Trường bộ kinh) ghi lời Đức Phật về một vị sa-môn: “Cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong an tịnh”. Vì đã từ bỏ nghề nghiệp và hoạt động mưu sinh, Đức Phật và các vị sa-môn theo ngài phải đi đó đây mỗi ngày để khất thực, được người đương thời gọi là những “khất sĩ” (tiếng Sanskrit: bhiksu).

Đoàn Trung Còn đã định nghĩa thế nào là một khất sĩ: “Khất sĩ: Thầy sãi ăn xin. Tỳ kheo dứt hết thảy nghề nghiệp sanh nhai, xin ăn ở người ta đặng nuôi sắc-thân; đó kêu là thầy sãi ăn xin. Xin ăn gồm hai nghĩa: 1/ Đối với người đời, xin ăn để nuôi thân xác vì thầy tu không còn lo việc sanh nhai. 2/ Đối với Phật, xin cái Pháp, cái Đạo để nuôi lấy huệ mạng” (Phật học Từ điền quyển II, Đoàn Trung Còn, tr. 143).

(Pixabay)

Với Đức Phật, khất thực là phương cách tốt nhất để tiếp xúc với người khách và giảng về Chánh pháp cho họ nên trong gần 50 năm, ngài đã cùng các đệ tử đi khất thực ở nhiều thành phố và làng mạc, nhận lời mời đến nhà của một vài người để nhận thức ăn cúng dường và tận dụng cơ hội ấy để giảng pháp.

Tuy nhiên đi khất thực sẽ có lúc các khất sĩ non yếu bản lĩnh sẽ cảm thấy bị sỉ nhục như giai thoại về một đệ tử của Đức Phật xấu hổ khi đi khất thực.

Chuyện kể rằng vị đệ tử trẻ tuổi này đã gia nhập tăng đoàn (Sangha) và tuân thủ mọi giới luật nhưng thấy xấu hổ mỗi khi đi khất thực vì anh xuất thân trong một gia đình nghèo hèn, nghĩ rằng mình đi xin ăn sẽ để lại tiếng xấu cho những người khác trong tăng đoàn nên chỉ dám hái trái cây trong rừng và ăn rễ cây qua ngày, thân thể ngày càng tiều tuỵ.

Đức Phật nhận ra ngay đệ tử trẻ tuổi của mình ngày càng gầy yếu, đã kêu anh đến hỏi nguyên do. Khi anh kể lể với nước mắt đầm đìa rằng anh không muốn đi khất thực để bảo toàn thanh danh của tăng đoàn, Đức Phật thấy thương xót vô hạn, đã gọi các đệ tử lại để giảng rẳng khất thực không phải là điều gì xấu vì các sa-môn đi xin ăn sẽ tạo cơ hội cho người khác thể hiện lòng từ bi và làm nên công đức.

Ngài kết luận: “Không phải điều chúng ta ăn làm nên tính cách của một sa-môn; điều làm nên tính cách của một sa-môn là sự thuần khiết của trái tim và những ước muốn”. Vị đệ tử trẻ tuổi nghe Đức Phật giảng xong đã nghe theo lời ngài, đi khất thực trong những làng mạc vì đã hiểu ra rằng việc khất thực tạo cơ hội cho cả người xin và người cho thể hiện lòng từ bi và lòng hào hiệp. Từ mấy ngàn năm qua, khất thực là hành trì đúng đắn của các tu sĩ Phật giáo theo đúng lời dạy của Đức Phật, trái ngược hẳn với các sư sãi trụ trì các chùa hiện nay chỉ biết kêu gọi Phật tử cúng dường vô độ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: