Chu sinh là chứng trầm cảm trong thời thai kỳ và kéo dài sau sinh đến một năm và là một điều không dễ thổ lộ ở một số nền văn hóa. Đây là một áp lực không nhỏ cho những người thuộc thế hệ thứ hai con cái của các di dân, tại Úc là một ví dụ.
Sau khi con trai Hendrick chào đời, Cathy Ngô bị trầm cảm chu sinh (perinatal depression). Cô nói rằng việc điều chỉnh bản thân để trở thành một người mẹ có con trong bối cảnh có nhiều khác biệt về văn hóa của gia đình Việt Nam trong quan niệm về sinh nở và nuôi con là điều quá sức. Cô cho biết những khác biệt này đã khiến cô tự đặt ra nhiều áp lực cho bản thân.
“Đối với một số cộng đồng châu Á, sau khi sinh là phải ở trong nhà một tháng và có những việc bạn không được làm. Những điều hết sức mắc cười như không được tắm không được gội đầu, không ăn đồ mặn, phải mang vớ và đội mũ trong nhà dù là mùa hè. Những điều này nghe có vẻ thật là ngớ ngẩn đối với tôi, nhưng gia đình muốn tôi tuân thủ để tốt cho tôi như họ nói và nó có những va chạm và áp lực không nhỏ.”
Điều này, cùng với việc phải đối phó với những thay đổi hormone và tình trạng không được ngủ đủ trong thời gian đầu sinh con và chăm con, tất cả đều góp phần khiến cô phát triển chứng trầm cảm chu sinh. Ở Úc, cứ năm bà mẹ mới sinh thì có một người bị và cứ mười ông bố mới thì có một người bị trầm cảm hoặc lo lắng chu sinh. Chứng trầm cảm perinatal depression là một tình trạng sức khỏe tâm thần và nó có thể ảnh hưởng đến những ông bố bà mẹ trẻ trong một khoảng thời gian từ lúc cấn thai cho đến một năm sau khi sinh.
Arabella Gibson là Giám đốc điều hành của Gidget Foundation nói rằng vẫn còn rất nhiều sự ngộ nhận xung quanh vấn đề này.
Gigdet Foundation là một tổ chức có tầm vóc toàn cầu, chuyên nghiên cứu về các nỗi lo âu và trầm cảm chu sinh. Các chuyên gia của tổ chức này thường tìm đến các gia đình mới nhập cư, đang gặp khó khăn với việc trở thành cha mẹ ở một quốc gia mới.
“Chúng tôi biết rằng khi cha mẹ có con, đối với hầu hết các gia đình, họ coi đó là khoảng thời gian thực sự vui vẻ và thú vị phía trước, nhưng chúng tôi cũng biết rằng điều đó có thể vô cùng khó khăn. Việc có con là một sự điều chỉnh lớn với một đơn vị gia đình và có thể là thực sự khó khăn. Vì vậy, có một số bất đồng xảy ra bởi vì trong khi người này mong đợi đó là khoảng thời gian vui vẻ thì ta lại đang căng thẳng và trầm cảm. Do đó mà đây là một thử thách và không dễ dàng để lên rằng ‘tôi cần giúp đỡ, tôi đang gặp khó khăn, tôi cần một số hỗ trợ’.
Tiến sĩ Yvonne Luxford là Giám đốc điều hành của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Chu sinh cho biết sự kỳ thị khi tìm kiếm sự giúp đỡ có thể trở nên phức tạp hơn do văn hóa.
“Có thể bị bao vây bởi sự kỳ thị trong nền văn hóa của bạn khi thậm chí thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là với người không thuộc gia đình của bạn. Cũng có thể có rào cản ngôn ngữ để thảo luận về những gì đang diễn ra. Và thực tế là nếu bạn không phải là người trong cuộc thì khó mà hiểu được cảm giác thất bại mà họ phải trải qua khi thấy mình không giống như mọi người mong đợi.”
Tiến sĩ Luxford nói rằng có thể có những mâu thuẫn giữa cha mẹ nhập cư thế hệ đầu tiên và con cái thế hệ thứ hai về vấn đề sinh con và nuôi con.
“Và tôi đã nói chuyện với nhiều phụ nữ từ các nền văn hóa khác nhau, nói rằng họ cảm thấy xấu hổ khi nói chuyện với mẹ của họ về những vấn đề này, bởi vì họ cảm thấy rằng mẹ của họ đã trải qua những tình huống vô cùng khó khăn, có thể là một người tị nạn, hoặc thậm chí là chỉ cần thích nghi với một nền văn hóa mới với một ngôn ngữ mới.”
Chia sẻ về vấn đề này, Cathy cho biết đã sáu năm kể từ khi sinh đứa con đầu lòng Hendrick, cô đã tìm đến sự trợ giúp từ nhóm của mẹ trên mạng, sinh hoạt nhóm và trao đổi với những người bạn đáng tin cậy. Bây giờ cô có đứa con trai thứ hai, mới sinh hai tuần tuổi và cô nói rằng chứng trầm cảm chu sinh vẫn còn ảnh hưởng cô.
“Chẳng hạn như tôi nhớ có một lần mẹ chồng tôi la tôi vì tội ngồi xổm, bà la tôi kiểu như, ‘Đừng ngồi xổm, sẽ bị sa tử cung đó’, (cười) và tôi chỉ nói ‘dạ dạ’.”
Cô nói rằng cha mẹ, dì và thậm chí cả nhân viên massage đã la khi cô muốn uống nước lạnh lúc mang thai. Nó sẽ ‘khiến cơ thể bị lạnh về già thì lúc nào cũng sẽ bị run’, họ nói vậy.
Tuy nhiên Cathy nói rằng bối cảnh cũng đã giúp cô hiểu cộng đồng mình hơn cũng như hiểu những quan niệm này đến từ đâu từ đó cô tiếp cận mọi thứ theo cách khác.
“Ban đầu tôi coi đó là một điều tiêu cực. Nhưng bây giờ tôi coi đó là một điều tích cực. Giờ tôi có thể thiết lập ranh giới khi nào mọi người có thể đến thăm và lúc nào thì không nên. Ngoài ra, tôi cũng hiểu hơn về các nhu cầu của mình. Tôi vẫn còn cảm thấy hơi khó khăn vì thiếu ngủ, và giờ là bà mẹ hai con, tôi cảm giác nhân thân tôi thay đổi một lần nữa. Vâng. Các rào cản về sức khỏe tâm thần và tất cả những thứ tương tự vẫn còn đó, nhưng nó đã được kiểm soát tốt hơn.”