Tình bạn góp phần tạo nên sự tồn tại của con người. Các mối quan hệ bạn bè lành mạnh có tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần và cả quan điểm sống của mỗi cá nhân. Xem xét tất cả những điều này, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đặt tâm huyết vào các mối quan hệ với người khác, nhưng lại thờ ơ với chính bản thân mình.
Thậm chí không ít người còn nghi ngờ về mối quan hệ với chính mình, và trên thực tế, việc không làm bạn với chính mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách một cá nhân thể hiện mình là bạn với ai khác.
Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Frontiers in Psychology cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa sự kết nối với bản thân và cách chúng ta kết nối với người khác.
Câu hỏi đặt ra là “Bạn có phải là bạn của mình không? Và có yêu thương ‘người bạn ấy’ hay không?”
Các chuyên gia tâm lý đưa ra ba lĩnh vực chính, giúp bạn xác định xem mình có yêu bản thân như một người bạn thân hay không.
Biết cách đối phó với sự sỉ nhục
Phản ứng của bạn trước những tình huống xấu hổ tiết lộ rất nhiều điều về mối quan hệ của bạn với chính mình. Thật dễ dàng để yêu bản thân khi cả thế giới đều yêu bạn, nhưng bạn sẽ đối xử với mình như thế nào khi người khác quay lưng bỏ đi?
Làm bạn với chính mình như một hành động thừa nhận rằng đôi khi ai cũng đều mắc lỗi. Một nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí Clinical Psychology nhận thấy việc có lòng trắc ẩn với chính mình giúp giảm mức độ lo lắng và trầm cảm. Tư duy tự yêu bản thân thúc đẩy khả năng phục hồi và các thành phần quan trọng của sức khỏe tinh thần.
Đừng quá khắt khe với bản thân khi mắc phải một lỗi lầm dù lớn hay bé.
Áp dụng góc nhìn của người thứ ba trong những sự kiện đáng trách sẽ làm giảm bớt sự đau khổ, tác động về mặt cảm xúc của khoảnh khắc đó và hỗ trợ bạn nhìn nhận tình huống một cách khách quan hơn.
Thành thật với chính mình là một phần quan trọng của việc trở thành một người bạn tốt của mình. Tự lừa dối bản thân tuy mang lại cảm giác tốt trong một khoảnh khắc, nhưng điều này làm méo mó sự thật và kìm hãm bạn. Một nghiên cứu năm 2022 trên tờ Current Opinion in Psychology định nghĩa tính xác thực này: “Biết đặt niềm tin và cảm xúc, đồng thời biểu cảm một cách trung thực niềm tin trong những việc bạn làm.”
Làm sao bạn có thể xây dựng những kết nối chân thành và giao tiếp tốt với người khác nếu bạn không thể sống thật với chính mình? Nếu bạn cần trợ giúp về vấn đề này, việc thể hiện bản thân thông qua viết nhật ký, làm nghệ thuật hoặc trò chuyện với ai đó thân thiết cũng giúp ích.
Cách nhìn nhận thế giới ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với bản thân. Bạn coi thế giới là bạn hay thù? Nếu bạn nhìn thế giới theo hướng tích cực, bạn sẽ tự tin, yêu đời hơn, cải thiện các tương tác của mình với người khác và củng cố lòng tự trọng. Hãy nhớ luôn nuôi dưỡng một cái nhìn lạc quan. Mặt khác, nếu thế giới có vẻ đáng sợ, bạn thấy mình bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của sự lo lắng và né tránh. Trở thành bạn thân của mình tức là thách thức những nhận thức tiêu cực đó nếu đây là quan điểm của bạn. Một nghiên cứu năm 2016 của nhà nghiên cứu Earl Miller tại MIT cho thấy bằng cách hành động để đối mặt trực diện với thế giới, mỗi cá nhân sẽ can đảm hơn và tạo dựng sự tự tin.
Xây dựng một tình bạn vững chắc với chính mình không hoàn thành sau một đêm, vì vậy hãy kiên nhẫn và thực hiện những lời khuyên trên, rồi kết quả sẽ đến và một ngày nào đó bạn sẽ yêu mình hơn bao giờ hết.