Theo các cuộc khảo sát gần đây của Harris Poll, chỉ có một phần ba dân số nước Mỹ nở được nụ cười trên môi.
Áp lực công việc, căng thẳng về tài chính và sự cô đơn chỉ là một vài điều khiến nhiều người không thể tìm thấy hạnh phúc thực sự. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những yếu tố gây đau khổ này có thể được giải quyết bằng những bước đơn giản hàng ngày để cải thiện mức độ hạnh phúc tổng thể của mỗi cá nhân.
Bác sĩ Alphonsus Obayuwana – người sáng lập và giám đốc điều hành của Triple-H Project LLC – một tổ chức đào tạo và chứng nhận các huấn luyện viên về hạnh phúc ở Ohio, nói với Newsweek: “Hạnh phúc là cảm giác vui vẻ, thích thú, hài lòng, thư giãn hoặc thỏa mãn. Đó là trạng thái vui tươi về mặt cảm xúc mà một người trải qua trong giây lát do một sự kiện cụ thể hoặc điều gì đó lớn lao hơn, do sự tự đánh giá một cách tích cực.
Nhìn chung, hạnh phúc là hệ quả của những suy nghĩ, hành động, phản ứng, nhận thức, phán đoán và kết luận của một người – tất cả đều nằm trong bối cảnh của các yếu tố phổ biến bên trong và bên ngoài trong cuộc sống hàng ngày.”
Để nuôi dưỡng hạnh phúc của chính mình, bác sĩ Obayuwana tuân theo một quy trình cá nhân, bao gồm năm bước dưới đây:
-Hãy làm bất cứ điều gì, dù nhỏ bé đến đâu, miễn là có ý nghĩa trong cuộc đời.
-Hãy làm bất cứ điều gì, dù nhỏ bé đến đâu, để mang lại nụ cười trên khuôn mặt của ai đó.
-Hãy thực hiện một hành động, dù nhỏ bé, để có được kiến thức, kỹ năng hoặc khả năng mới mỗi ngày.
-Hãy làm đi, dù bất cứ điều gì, để ghi nhận những phúc lành và thể hiện khả năng kiểm soát tốt đối với những gì mình có được.
-Hãy hành động đi, dù chỉ là hành động nhỏ, để tuân theo nguyên lý tôn giáo và nuôi dưỡng tâm linh của mình.
Obayuwana đã giữ chức vụ giảng dạy tại nhiều trường y trên khắp Hoa Kỳ, bao gồm cả Johns Hopkins School of Medicine, và là một chuyên gia đã nghỉ hưu trong lực lượng dự bị của U.S. Air Force.
Dựa trên nỗ lực hỗ trợ cho niềm vui của người khác, Obayuwana đã nghĩ ra một công cụ đột phá để định lượng một cách đáng tin cậy mức độ mãn nguyện của chính mỗi cá nhân thông qua cái mà ông mô tả là “điểm hạnh phúc.”
Obayuwana nói: “Việc có điểm hạnh phúc rất hữu ích, vì không ai có khả năng cải thiện một cách hiệu quả những gì không thể đo lường chính xác. Điểm hạnh phúc của bạn cho biết bạn đang vui sướng đến mức nào và bạn muốn vui hơn đến đâu.”
Điểm số này, được gọi là “Chỉ Số Hạnh Phúc Cá Nhân” (Personal Happiness Index, viết tắt: PHI), được chỉ định dựa trên những hy vọng, khao khát, tài sản và nguyện vọng riêng của một cá nhân.
Trong cuốn sách mới của ông, ‘The Happiness Formula’, Obayuwana hướng dẫn độc giả cách tính điểm hạnh phúc của chính mình và cung cấp cho những người tìm kiếm niềm vui từ những thói quen đã được chứng minh để đạt được và duy trì một cuộc sống hoàn mỹ.
Obayuwana nói: “Cho bạn biết nhé, PHI của tôi là 2,923, có nghĩa tôi là một người ‘rất hạnh phúc’ nhưng chưa ‘quá mức’, theo định nghĩa. Giống như những người khác, tôi có thể vui vẻ hơn và với công thức được tiết lộ trong cuốn sách này, giờ đây tôi biết mình đang ở đâu so với bất kỳ ai khác trên thế giới – những người cũng biết được PHI của họ.”
Obayuwana hy vọng rằng hệ thống đo lường này sẽ cung cấp cơ sở lý thuyết vững chắc cho việc huấn luyện cách để có được niềm vui và cho phép những người tìm kiếm sự mãn nguyện tự đánh giá mức độ vui tươi của chính mình một cách khoa học.
Năm 1979, Bác sĩ Alphonsus Obayuwana được trao trợ cấp nghiên cứu quốc gia và Học bổng Quan điểm Y tế Smith-Kline để phát triển một công cụ đo lường niềm hy vọng của con người, với mục đích phát hiện sớm sự vô vọng ở những cá nhân gặp khó khăn để có thể cung cấp hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn chặn tự tử.
Thang Chỉ số Hy vọng (HIS) thu được từ khoản tài trợ này đã trở nên rất phổ biến với các công ty Fortune 500 và các tổ chức khác ở cả Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Không giống như những cuốn sách khác về hạnh phúc, thường chứa đầy những điều nên làm và không nên làm, những ước mơ và những câu cách ngôn trống rỗng, “The Happiness Formula” đã tạo ra một bước đột phá mới bằng cách giới thiệu một đơn vị đo lường phổ quát được gọi là PHI.
“The Happiness Formula” không chỉ là một phương trình toán học để đo lường mức độ hạnh phúc. Đó là một cuốn sách về cuộc sống; mối quan hệ giữa niềm hy vọng và hạnh phúc của con người; cách tìm kiếm, đo lường và thúc đẩy; và thú vị nhất là làm thế nào để xác nhận quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và thậm chí giúp xác định con người đang sống hạnh phúc nhất.
Đây là cuốn sách dành cho những người tìm kiếm hạnh phúc và những người ủng hộ hạnh phúc ở khắp mọi nơi.