Sự im lặng giúp bạn đi qua cơn bão

Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy, hai giờ yên lặng hằng ngày dẫn đến sự phát triển của các tế bào não mới trong vùng hippocampus (đồi hải mã), một vùng não quan trọng trong khả năng học tập, ghi nhớ, cảm nhận. Ngoài ra, yên lặng còn giúp điều trị bệnh trầm cảm, bệnh Alzheimer. Nhưng trong giao tiếp thường ngày, việc im lặng cũng cần thiết để đưa bạn đi qua những cơn bão…

Nếu bạn không xác thực được thông tin bạn đang có

Mục đích chính yếu của sự giao tiếp là có được những thông tin cần thiết từ nhiều nguồn khác nhau. Vậy nên, mỗi cá nhân đều mong muốn qua việc tiếp xúc với người khác mà có thông tin chính xác, đáng tin cậy. Nhận ra ý nghĩa này của việc giao tiếp, bạn hãy xem xét cân nhắc kỹ lưỡng tính chuẩn xác của những thông tin mà mình chia sẻ. Chữ “tín” trong giao tiếp nằm chính ở những lần im lặng này. Ông bà ta cũng từng răn dạy rất rõ ràng “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”.

Hãy chú ý đến những gì mình nói nhiều hơn nữa, khi bạn chuẩn bị nói về một vấn đề nhạy cảm, hoặc một vấn đề liên quan tới cuộc sống và danh dự của những người khác. Hãy ghi nhớ tiêu chí: Chỉ nói khi biết đích xác những điều mình đang nói.

Khi lời nói ra là lưỡi dao cứa vào lòng người khác

Trong những cuộc tranh luận sôi nổi và có xu hướng đi tới tình trạng “gay gắt”, điều mà một người thông minh sẽ làm đó là chọn lấy cho mình sự im lặng. Giữ lấy tất cả những cảm xúc đang chực tuôn trào và những mong muốn được chiến thắng bằng mọi giá là cách để bạn tránh được việc gây tổn thương cho người khác. Hãy thành thật với bản thân mình: Chúng ta luôn ý thức được dù ít hay nhiều sức “sát thương” của những điều mà mình sẽ nói. Vậy nên, khi chọn sự im lặng, chính là bạn đang từ chối việc làm tổn thương người khác.

Bạn đang lo lắng rằng việc bớt lời của mình sẽ khiến bạn trở thành người yếu thế. Vậy thì bạn có thể cất nỗi lo của mình đi, vì chỉ có những người mạnh mẽ mới có thể kiềm chế mình trong những hoàn cảnh như thế này. Bạn có nhớ, một trong những lời khuyên thông thái nhất của ông bà ta xưa “cơm sôi, bớt lửa”. Khi bạn học được cách bớt lời, bạn sẽ giữ gìn được mối quan hệ của mình lâu bền.

Khi cảm thấy người đối diện cần được “lắng nghe”

Lắng nghe chủ động – lắng nghe với tất cả sự chú ý và mong muốn được chia sẻ câu chuyện với người đối diện là một điều vô cùng quý giá, đặc biệt trong thời hiện đại, khi người ta không có đủ thời gian dành cho nhau. Khi bạn lắng nghe những điều người khác muốn nói, không cố ý chen ngang, cướp lời hay nghe một cách lơ đễnh, có nghĩa là bạn đang thể hiện sự tôn trọng của mình với người đối diện. Đó thực sự là một nét đẹp trong giao tiếp của những người cư xử văn minh.

Ngay cả trong tình huống đối phương cố ý lấn át, sự nhã nhặn của bạn sớm hay muộn sẽ giúp người kia nhìn lại chính mình và có những điều chỉnh phù hợp hơn.

Thêm vào đó, khả năng lắng nghe sẽ đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích: Nó khiến tâm hồn bạn mở rộng hơn, những ý tưởng mới sẽ tới và những mối quan hệ ngày càng trở nên bền chặt. Liệu có ai muốn hờn dỗi hay lạnh lùng với một người luôn lắng nghe mình một cách hết lòng?

Khi không có gì để nói

Chúng ta vẫn thường đánh đồng “sự im lặng” với “không thoải mái”, từ đó phải ép mình nghĩ ra một điều gì đó để trò chuyện và tạo bầu không khí vui vẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, có những lúc bạn không có điều gì muốn trao đổi và đối phương cũng như thế.

Vậy tại sao chúng ta không tận hưởng sự có mặt của nhau trong im lặng? Những khoảng tĩnh lặng đôi khi có thể mang tới sự bình yên cho mỗi người, bởi khi bạn có thể ở cạnh ai đó một cách thoải mái ngay cả khi không phải nói gì, đó là một dấu hiệu tốt cho một mối quan hệ. Nó có nghĩa là “chúng ta hiểu và chấp nhận nhau, chỉ cần bạn ở đây là đủ”.

Bên cạnh đó, sự im lặng của người khác nhiều khi chính là một dấu hiệu cho bạn biết, thời điểm đó họ cần ở một mình để suy nghĩ về mọi thứ. Khi đó, việc bạn có thể giữ im lặng trong tâm trạng thoải mái và tin tưởng sẽ giúp đỡ người kia rất nhiều, thậm chí nó quý giá ngang với một món quà.

Im lặng trước những lời thiếu tế nhị

Ở bất cứ độ tuổi nào, chúng ta cũng không thể tránh khỏi việc phải nhận những lời nói khiếm nhã, thiếu tế nhị hoặc những lời lẽ châm chọc, khiêu khích từ những người khác. Trong những tình huống như thế này, im lặng chính là “vũ khí đáp trả” lợi hại nhất mà bạn có thể sử dụng. Thái độ im lặng của bạn sẽ là một câu trả lời mạnh mẽ, đầy sự uy nghiêm. Nhưng nó cũng vừa đủ mềm mỏng để không làm đối phương mất mặt và họ vẫn sẽ nhận ra thông điệp của bạn.

Khi bạn đang cố gắng thay đổi một thói quen xấu

Thấu hiểu và cố gắng tìm cách phá vỡ một thói quen xấu là một hành động quý báu. Tuy nhiên, việc thay đổi một thói quen không phải lúc nào cũng dễ dàng. Con người thường hành động theo thói quen vì chúng ta không theo dõi và can thiệp vào cách hành động của mình một cách có ý thức. Nói cách khác, chúng ta chỉ hành động và không suy xét tới việc tại thời điểm đó, cách ứng xử đó có phù hợp hay không.

Vậy nên, khi chúng ta quyết định thay đổi những thói quen của mình (ví dụ như cách nói chuyện với bản thân và với những người xung quanh), những tư tưởng và cảm giác chống đối sẽ ồ ạt xuất hiện để ngăn trở sự thay đổi này. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần giữ im lặng cho tới khi có thể làm chủ những hoạt động tư tưởng của mình và hoàn toàn kiểm soát được những tư tưởng chống đối. Sự im lặng và âm thầm sửa đổi sẽ làm tăng tính tập trung và hiệu quả cho hành động của chúng ta.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: