Sức mạnh diệu kỳ của sự cho đi

Minh họa: Ester Marie Doysabas/Unsplash

Sự cho đi với tâm trong sáng không toan tính cùng ước nguyện thế giới ngày càng trở nên tốt đẹp hơn là một trong những thực hành căn bản diễn ra mỗi ngày của tôi. Tôi không ép buộc mình phải cho đi bao nhiêu nhưng luôn quán xét nội tại để sự cho đi ấy có lương tâm, có thể giúp ích cho người khác và bản thân cũng thấy nhẹ nhàng và thản nhiên với điều ấy. Đến một lúc, mình không còn định nghĩa đó là cho đi nữa, nó đến tự nhiên như mây trời vẫn bay và nước suối vẫn chảy…

Từ khi sinh ra và lớn lên, con người vốn có bản năng chiếm hữu, tham lam và ích kỷ. Chúng ta vẫn thường bàn luận về hai câu nói “nhân chi sơ tính bản ác” (con người sinh ra bản tính là ác) hay “nhân chi sơ tính bản thiện” (con người sinh ra bản tính là thiện), nhưng vốn dĩ, ai tin vào luật luân hồi đều có thể dễ dàng suy ra rằng khi đứa bé hình thành trong bụng mẹ, nó đã mang nghiệp quả của vô số kiếp sống trước, vậy thì, hẳn nhiên phải có cả thiện cả ác. Như vậy, bên cạnh bản năng chiếm hữu, sự tham lam và ích kỷ này, hạt giống từ bi và lương thiện cũng đã có sẵn bên trong ta. Học cách cho đi là một trong những thực hành căn bản để ta giảm thiểu tối đa cái tôi, sự ích kỷ, tính chiếm hữu để đến gần hơn với Phật tính, là từ bi và trí huệ.

Minh họa: Chungkuk Bae/Unsplash

Khi còn nhỏ, lúc còn chưa suy nghĩ chín chắn, chúng ta có thể đã từng tranh giành miếng ăn hay đồ chơi với bè bạn, điều đó đã cho thấy tính ích kỷ của chúng ta. Sau này, ngay cả khi ta đã được giáo dục đến nơi đến chốn, tính ích kỷ và tham lam ấy đôi khi còn bộc lộ mạnh mẽ hơn như bản năng chiếm hữu người yêu, ganh đua với bè bạn về sở hữu vật chất, không quan tâm và không động lòng trắc ẩn trước những đau khổ và mất mát của người khác… Sự ích kỷ trong ta đã làm lu mờ hạt giống thiện lành, nhưng không có nghĩa, hạt giống thiện lành này bị bào mòn hay bị mất đi. Nó vẫn ở đó, chờ chúng ta chạm vào để tình thương yêu được nảy nở và lan tỏa.

Khi quán xét thấy bên trong mình vẫn còn sự ích kỷ, tôi tự nhủ rằng một trong những thực hành tối quan trọng mà bây giờ mình cần làm là cho đi. Vì sự cho đi này vẫn đang trong giai đoạn được rèn giũa, nên bản thân phải cân nhắc cho đi như thế nào cho có lương tâm và phù hợp với khả năng của chính mình.

Cách đây không lâu, tôi viết bài “chủ nghĩa sống không sở hữu”, một trong những thực hành cho đi cơ bản của bản thân. Đầu tiên, tôi học cho đi vật chất như quần áo, giày dép, túi xách, sách vở… để tối giản không gian sống của mình. Đến bây giờ, tôi chỉ có ba đôi giày, sáu bộ quần áo đi làm đi chơi và bốn bộ quần áo mặc ở nhà. Một năm, tôi chỉ mua sắm thời trang với số lượng khiêm tốn từ một đến hai lần.

Khi cho đi như vậy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, giống như một quá trình thanh lọc cơ thể lẫn tinh thần. Vì tôi tin không gian sống của chúng ta phản ánh nội tâm của chúng ta. Nhờ thực hành “chủ nghĩa sống không sở hữu” này, nên cuộc sống của tôi không cần nhiều mà chỉ cần đủ, và cái đủ của mình càng ngày càng giảm xuống chứ nhu cầu không hề tăng lên.

Trong thời gian giãn cách xã hội, ai ai đọc báo cũng thấy đại dịch đã lấy đi sự sống của rất nhiều người dân, và không ít người, đặc biệt là người lao động tay chân rơi vào tình cảnh khốn đốn. Trước nỗi đau và mất mát ấy, làm sao mà ta không thể động lòng trắc ẩn. Điều tôi nghĩ cần thiết trong giai đoạn này là mỗi người tự giữ gìn sức khỏe và quay về bên trong quán xét, chữa lành bản thân và chia sẻ những điều tích cực đã là một cách cho đi tuyệt vời. Thi thoảng, có một vài tổ chức kêu gọi đóng góp hỗ trợ, tôi ủng hộ theo khả năng của mình, dù ít thôi nhưng đã hòa sự sẻ chia vào cộng đồng chung.

Đại dịch đã khiến chúng ta nhận ra một bài học rất quý giá rằng bằng cách bảo vệ người khác, chúng ta đang bảo vệ chính mình, và bằng cách bảo vệ chính mình, nghĩa là chúng ta đang bảo vệ người khác. Đó chính là từ bi, là tình thương. Trong đại dịch này, sự thiết yếu chính là tình thương.

Khi thực hành ngồi yên và không làm gì, ta cứ nghĩ rằng ta đang không cho đi thứ gì, nhưng đó chính là một cách cho đi thật an lành. Khi ta thực sự không làm gì, chẳng phải nguồn năng lượng bên trong ta sẽ đạt mức thăng bằng hay sao. Ta sẽ chẳng mang tổn thương và đau đớn đến cho người nào. Trong một xã hội đầy rẫy những phiền muộn này, nếu ta chịu khó ngồi yên để tâm trí lắng lại thì đã là giúp ích cho cuộc đời rất nhiều. Bởi có nhiều người không chịu ngồi yên, mà phản ứng lại sự giận dữ và đau khổ bên trong mình, rồi gieo rắc năng lượng không tốt đẹp ấy ra xung quanh.

Đại dịch Covid-19 mang đến sự khốc liệt chưa từng có nhưng cũng cho thấy sự lan tỏa rộng rãi của hàng vạn tấm lòng nhân ái giữa thời tang thương (ảnh MXH)

Thực hành cho đi bằng những điều giản dị và nhỏ nhặt như vậy đã giúp bản thân tôi rất nhiều trong hành trình chuyển hóa nội tâm. Sự ích kỷ, tham lam và bản năng chiếm hữu của mình mỗi ngày một bé lại, dù chậm chạp nhưng bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ thấy sự chuyển hóa ấy là rõ ràng. Một khi các bạn có tri thức tốt đẹp cùng sự thực hành rốt ráo về tri thức ấy, chúng ta cũng có thể chia sẻ ra với mong muốn ai đó có nhân duyên đọc được sẽ trải nghiệm và tự đúc rút bài học. Chúng ta không bắt ép một ai phải theo mình mà đơn thuần là chia sẻ một trải nghiệm mang tính cá nhân.

Có nhiều cách để cho đi, quan trọng là chúng ta nhận ra ý nghĩa của việc cho đi này giúp ta hòa vào cộng đồng như thế nào, mở lòng bao dung và từ bi bên trong ta và mọi người xung quanh ra sao. Và khi ta cho đi một cách trong sáng và lương thiện, ta sẽ thấy bản thân nhận lại được rất nhiều. Khi gặp một người ăn xin khó khăn nào đó, thay vì khởi tâm đánh giá họ, ta nở nụ cười và bố thí cho họ, ta sẽ thấy ngày hôm ấy sao mà đáng yêu đến thế.

Quy luật cho nhận và quy luật cân bằng đã nói rất rõ rằng cho đi tức là nhận lại, cho đi điều tốt đẹp, sẽ nhận lại điều tốt đẹp, và ngược lại. Vũ trụ luôn trả lại bạn một nguồn năng lượng tương ứng với nguồn năng lượng mà bạn phát đi. Và một trong những điều tuyệt vời và vô giá mà ta nhận được khi cho đi sự an lành là giúp chuyển hóa nghiệp quả theo chiều hướng tích cực.

Như trong cuốn Muôn Kiếp Nhân Sinh có viết, một cánh bướm mong manh bé nhỏ cũng có thể tạo ra những trận cuồng phong mãnh liệt. Trái đất đang rất cần những rung động dù mong manh bé nhỏ này của mỗi người để chuyển hóa lên một mức năng lượng cao hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: