Tập sống khỏe, sống tốt, chuẩn bị đón ‘tuổi xế chiều’

Thích thì cứ lên đường thôi. (Hình minh họa: Vidar Nordli-Mathisen-Unsplash)

Tuổi cao, cùng với những vấn đề của sự suy giảm về thể chất và trí lực là chủ đề được thảo luận rất nhiều gần đây, khi dân số toàn thế giới đang ngày càng già đi.

Đối với hầu hết chúng ta, là những con người bình thường, ta bắt đầu bước vào tuổi xế chiều với những cảm xúc thật hoang mang. Có vẻ mọi thứ chỉ mất dần đi mà không có thêm, sức khỏe, sự minh mẫn, trí nhớ, bạn bè, người thân, của cải, và đôi khi, cả sự tự tin.

Nhưng không, ngày nay rất nhiều người cao tuổi đang có cuộc sống năng động và hữu ích. Họ trên 80, và họ có sức khỏe tốt cả về tinh thần lẫn thể chất, mà điều này ngày càng được nhiều nghiên cứu và khảo sát chứng minh là nhờ họ tuân theo những thói quen có ích trong nhiều năm.

Vậy thì hãy xem đó là những thói quen gì, và tại sao chúng ta không bắt đầu (nếu ai chưa) thực hành ngay ngày hôm nay, khi ta 50, 60, thậm chí 70, để cuộc sống khi đã qua bên bờ bên kia của cuộc đời không phải là kinh nghiệm đáng sợ, mà là sự bình an, vui vẻ, thoải mái, đầy đủ, thỏa mãn, hạnh phúc, và cảm giác xứng đáng.

Tự lập

Đừng để người khác phán xét những gì bạn có thể và không thể làm. Hãy cứ làm những việc trong khả năng của mình, dọn dẹp, sửa đồ, làm bếp, giặt giũ, học kiến thức mới,… Chớ dừng lại, chỉ vì bạn đã già.

Đừng trì hoãn việc bạn muốn làm

Bạn từng mơ đến ngắm núi Phú Sỹ, tháp Eiffel, thác Niagara, Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, Cape Horn ở Nam Mỹ, Kanyakumari ở Ấn Độ,… hãy cứ đi. Nếu đó là ước mơ của bạn, hãy là người du mục 60, 70, 80 tuổi. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên phong phú hơn nhờ những chuyến đi này. Bạn sẽ gặp những người thú vị, người làm vườn, nghệ sĩ, người yêu sách và người sành ăn, giống như các bạn. Có thể bạn sẽ có được tình bạn lâu dài. Những điều này làm sao có được nếu bạn cứ ở yên một chỗ.

Sửa đổi lối sống khi cơ thể bạn thay đổi
Cơ thể chúng ta thay đổi khi chúng ta già đi là điều đương nhiên và ta chỉ cần điều chỉnh và nương theo nó. Đừng phủ nhận là mình yếu đi, mình vụng về hơn, và các giác quan giảm đi theo tuổi tác. Chúng ta phải lắng nghe cơ thể mình cũng như bác sĩ. Nếu bạn có vấn đề về thính giác, hãy mua máy trợ thính. Nếu bạn gặp vấn đề về giữ thăng bằng, hãy lấy một cây gậy.

Nếu bạn gặp vấn đề về giữ thăng bằng, hãy lấy một cây gậy. (Hình minh họa: Emre/Unsplash)

Tránh làm những việc có thể gây tổn hại cho cơ thể, chẳng hạn như chạy marathon nếu bạn thấy không đủ sức, bưng chậu cây nặng, lau bụi ở trần nhà cao,… Hãy cẩn thận hết sức để tránh bị ngã, tập những bài tập thể dục hay yoga phù hợp với tuổi. Nhiều người sử dụng gậy, xe tập đi và xe lăn để tham gia các chuyến du ngoạn ngoài trời. Cơ thể già nua không ngăn cản họ tận hưởng kỳ nghỉ.

Luôn bận rộn về mặt trí tuệ
Một trong những thách thức của cuộc sống nghỉ hưu là làm sao để luôn bận rộn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng công việc kích thích tinh thần giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ. Học một ngôn ngữ mới, xếp lego, viết blog, viết hồi ký,… là những hoạt động bạn có thể làm.

Làm cho mỗi ngày trở nên hiệu quả nhất có thể

Lên kế hoạch cho ngày hôm sau, bao gồm những hoạt động mà bạn yêu thích cũng như thấy cần thiết để tăng cường sức khỏe thể chất và trí não:  thức dậy, tập thể dục, ăn sáng, đọc báo, viết bài, ăn trưa, nghỉ trưa, học ngoại ngữ, làm vườn, ăn tối, đọc sách,…

Hãy nhất quán. Kỷ luật góp phần giúp chúng ta có được thể trạng tốt. Mặc dù chúng ta cần chấp nhận sự thật là đôi khi bệnh tật đến mà không báo trước và không có lý do. Nhưng cuối cùng, bạn sẽ hài lòng vì được đền đáp cho những hoạt động nhất quán này.

Đi chơi với bạn bè
Sự kết nối có thể là cuộc trò chuyện nhỏ với những người chúng ta gặp trong thư viện, trong lớp tập thể dục hoặc gọi điện nhanh cho bạn bè hoặc người thân.

Kết bạn mới và có một mối quan hệ xã hội là điều tuyệt vời cho sức khỏe. Gặp gỡ bạn bè để vui vẻ, chia sẻ tâm tư thay vì giữ trong đầu. Mời họ đến nhà ăn sáng uống cà phê. Những người bạn tốt và lâu năm cũng như gia đình của bạn vậy, khi các bạn có thể ăn mừng với nhau trong những dịp vui vẻ và chia sẻ với nhau trong những lúc khó khăn.

Đừng để xung đột ảnh hưởng đến bạn

Trong suốt cuộc đời, chúng ta gặp nhiều người khác nhau, bao gồm cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp và những người quan trọng khác, và căng thẳng có thể nảy sinh khi quan điểm của chúng ta xung đột với người khác. Những bất đồng có thể được gây ra bởi bất cứ điều gì, từ ăn gì cho bữa tối hay xem phim gì cho đến chính trị như bỏ phiếu cho ai? đảng nào? thường khó đi đến thống nhất.

Vậy làm thế nào để chúng ta duy trì được mối quan hệ tốt đẹp lâu dài?

Như Audrey Hepburn từng nói: “Hạnh phúc là sức khỏe và trí nhớ ngắn ngủi!” Giữ mối hận thù có ích gì? Hãy quên nó đi và tiếp tục cuộc sống của bạn. Nếu bạn không thích những gì ai đó, kể cả vợ/chồng của bạn, nói, bạn có thể thảo luận thân mật thay vì nổi giận và nổi cơn thịnh nộ. Cuối cùng, các mối quan hệ là một con đường hai chiều: Chúng ta không thể kiểm soát cách người khác cư xử, chúng ta chỉ có thể kiểm soát hành vi của mình.

Đừng để những điều không thể kiểm soát ảnh hưởng đến bạn

Đến một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhận thấy mọi thứ đều không thể tồn tại mãi mãi. Những bậc thiên tài, những nghệ sỹ tài giỏi, những nhà khoa học xuất chúng, những người thân yêu của chúng ta,…không ai có thể là ngoại lệ. Rồi tất cả sẽ đi về đâu? Là câu hỏi bạn đặt ra. Nhưng dù thế nào, nếu cái kết của mọi người đến, hãy để nó đến thật nhanh.

Quan trọng là ngay lúc này đây, bạn đang tận hưởng cuộc sống theo cách của mình. Bạn đang vui vẻ, thoải mái, thế là được.

Bạn cũng sẽ lo lắng về người thân, gia đình, con cháu vì có quá nhiều điều điên rồ xảy ra hàng ngày. Bạn không thể ngăn để nó đừng xảy ra. Nhưng bạn không thể thường xuyên sống trong sợ hãi. Nếu có chuyện gì xảy ra thì hãy giải quyết nó sau đó. Hãy tận hưởng cuộc sống của bạn nhiều nhất có thể. Đó không phải là một công thức bí mật nữa.

Nói không dễ như làm, nhưng nếu yêu thương bản thân mình, bạn sẽ làm được.

(theo HuffPost)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: