“Ở tuổi 33, chúng ta tưởng mình biết tất cả. Đến tuổi 69, chúng ta biết được một điều quan trọng hơn nhiều: Không biết gì hết!”.
Anne Lamott, một tiểu thuyết gia và nhà văn phi hư cấu người Mỹ đã nói như thế. Cuốn sách mới nhất của bà, “Somehow: Thoughts on Love” sẽ có mặt tại các cửa hiệu sách vào Tháng Tư, 2024.
Càng già càng thấy mình… chẳng biết gì!
Bạn thức dậy ở tuổi già 69 và cảm thấy có nhiều thứ khủng khiếp. Bạn chịu không nổi những tin tức thời sự máu me, nhưng không thể tắt nó đi, giống như một người bị rắn hổ mang thôi miên đến bất động.
Nào là xung đột Gaza-Israel, chiến tranh Ukraine, vụ xả súng ở tiểu bang Maine ở Mỹ và nhiều nữa. Thế giới tối tăm như một… con bọ hung!
Bạn có hai “sự kiện” quan trọng trong tuần này? Một người bạn thân đang chờ ghép gan hấp hối trong bệnh viện chờ bạn ghé thăm, nhưng bạn không đủ sức để lái xe 90 phút đến gặp bà ấy. Thứ hai là cơ thể bạn bỗng nhiên rất đau nhức khi bước ra khỏi giường và phải đi khập khiễng cho đến khi không còn thấy đau nữa, hay đã thích nghi được với nó.
Tệ hơn nữa, tâm trí bạn cũng đau theo, trái tim cũng đau và có lúc bạn ghét hết mọi người, trừ chồng, cháu trai và con chó cưng!. Cách đây 20 năm khi ở độ tuổi 30 bạn không nghĩ mình có thể chịu đựng được tất cả những rắc rối này và tưởng mình đã biết rất nhiều về cuộc sống. Nhưng khi chúng ta biết là mình “không biết nhiều” thì đó là lúc chúng ta đã già!
Tuổi tác chồng chất cho phép bạn làm điều gì đó mà không thể đoán trước nó sẽ diễn ra như thế nào và kết thúc ra sao, vì sức khỏe mỗi ngày mỗi khác. Trong nhiều bức tranh phương Tây của danh hoạ Albert Bierstadt, có bóng tối ở một bên, có thể là ngọn núi hoặc cái bóng của nó.
Sau đó, ở giữa là động vật ăn cỏ hay uống nước từ hồ hoặc suối. Và rồi ở ngoài cùng bên phải hoặc trên bầu trời, những tia sáng trông giống như những chiếc khăn choàng vắt ngang vai những ngọn núi. Bóng tối bao la có nói với bạn những điều mà những người già gặp phải? Bạn không thể biết.
Vụ xả súng ở Maine có ý nghĩa gì không? Bạn cũng không biết. “Không biết” chính là cánh cổng dẫn đến “sự giàu có tư duy” bên trong người già. Đó là một yếu tố thay đổi cuộc chơi của họ giúp họ đỡ phải suy nghĩ mệt óc để tìm câu trả lời.
Hai mươi năm trước, khi bạn cố gắng chăm sóc người mẹ mới mắc bệnh Alzheimer, để trả lời câu hỏi của bạn “không biết liệu mình có thể để mẹ ở nhà không, làm cách nào để giúp mẹ uống thuốc, làm cách nào để mẹ ăn ngon miệng hơn, khi mắc chứng hay quên”. Cô y tá nhẹ nhàng nói: “Làm sao biết được!”.
Rồi “liệu anh em mình có bị di truyền bệnh Alzheimer của mẹ? Cũng không thể biết chắc. Tuổi già là tuổi của những “không biết” do “không còn đủ sức và mất năng lực”.
Trong bóng tối của sức khỏe đang suy tàn, chúng ta hầu như không biết bắt đầu từ đâu. Vì vậy, người già có thể bắt đầu từ nơi họ đang sống, với những gì họ đang có, trong tâm thế “không biết”.
Ở trung tâm nhiều bức tranh của Bierstadt có những con vật trông an bình vì chúng là động vật. Một số động vật của Bierstadt xếp hàng trên mặt nước như thể chúng sắp hành quân lên Con tàu của Nô-ê (Noah’s Ark) để thoát cơn hồng thuỷ. Hoặc chúng rúc vào nhau như trên ghế đá công viên. Bạn phải tự hỏi liệu những con nai lớn tuổi có ngạc nhiên khi thức dậy vào mỗi buổi sáng mò mẫm tìm chiếc kính như con người không?
Ánh sáng và hoan ca trong sa mạc tuổi già
Các loài động vật dường như không có thắc mắc gì, trong khi người già lại có quá nhiều câu hỏi trong đầu. Tuổi già khi phải tự ra ngoài để làm việc này việc nọ thì đó thường là trường hợp khẩn cấp!
Lúc còn trẻ, khi có chuyện gì đó để ăn mừng, bạn thường đến một nhà hàng sang trọng để chia sẻ với người thân, bạn bè. Bây giờ, vui mừng là có sức khỏe đủ tốt để tập cho cái hông bớt đau nhức.
Trong những ngày còn trẻ, khi nghe một tin tức quá khủng khiếp, chúng ta sẽ cố tìm kiếm ý nghĩa của nó. Bây giờ, không nhiều lắm. Người già đã trải qua rất nhiều điều, đã tự chăm sóc lẫn nhau và vượt qua mọi khó khăn để nâng cao chất lượng sống, nhưng đều không hoàn hảo.
Người già vẫn khiêu vũ được, nhưng phải có những “trợ thủ” đi kèm và luôn trong tình trạng cảnh giác. Nghĩ đến chừng đó cũng đã đủ xót xa. Cánh cổng của tuổi tác luôn đi kèm theo mong muốn có cuộc sống dễ dàng hơn và bớt khó chịu hơn một chút. Nhưng người già đành phải chấp nhận sự thật: không còn sức để giải cứu hay sửa chữa cho bất kỳ ai, kể cả chính mình!
Suy nghĩ như thế sẽ mang lại cho bạn cảm giác bình yên, thậm chí ngạc nhiên về cách chúng ta đi qua cuộc sống một cách nhẹ nhàng. Cái giá của sự lão hóa là rất cao. Đó là những cơn đau nhức liên tục và những mất mát hầu như không thể phục hồi. Nhưng mỗi lần chiếc hông đau của bạn dịu đi, nó nhắc nhở bạn cuộc sống này sẽ không kéo dài mãi mãi, và đó chính là điều làm cho cuộc sống trở nên quý giá vô cùng.
Một món quà khác của tuổi già là sự suy giảm nhanh chóng ảnh hưởng tiêu cực của các bi kịch. Cuộc sống của người già trở nên nhỏ bé hơn và trong không gian hẹp hơn nhưng vẫn có niềm vui và hạnh phúc. Vùng hoang mạc tuổi già trông cằn cỗi và có màu u ám có khi bỗng đẹp lạ lùng dù không còn nhiều sự sống mà chỉ còn những bông hoa sa mạc đa sắc nhỏ xíu.
Tất cả xâm nhập vào ý thức chúng ta và các sắc thái màu này bắt đầu mang lại sự ấm áp. Và chẳng bao lâu sau, sa mạc chết chóc trở nên sống động và tràn ngập những dòng màu năng động, chuyển dịch.
Đó là bức tranh minh hoạ của tâm lý tuổi già. Tất cả đều như ngầm nói: “Trong bóng tối sâu thẳm của tuổi già cũng có chút ánh sáng và hoan ca”. Vì vậy, đừng bao giờ nghĩ nhìn mọi thứ dưới góc độ quá đen tối. Có lúc bạn đỗ xe trước nhà, quên tắt động cơ và một người hàng xóm trẻ tuổi đến gõ cửa nhắc bạn. Bạn nói dối là đang sạc pin vì pin yếu. Không sao. Đó chỉ là cách bạn tự đánh lừa là mình “chưa già đủ để quên”.
(theo Washington Post)