Viết để tưởng niệm hai năm ngày mất của Thầy…
Sáng nay dậy sớm, vợ con còn đang trong “nệm ấm chăn êm,” tôi nhẹ nhàng rời khỏi giường, lặng lẽ bước ra phòng khách. Qua tấm màn mỏng nơi cửa sổ tôi nhìn ra bên ngoài, trời vẫn còn tối đen như mực! Tôi nhủ thầm “cuối Tháng Mười Một rồi” và bước đến bật công tắc điện.
Đèn vụt sáng, chợt tấm lịch “giết dần” năm tháng treo bên cạnh cái công tắc đập vào mắt làm tôi giật mình. Con số ba mươi to tướng nằm ở ô cuối cùng của tháng khiến tôi thảng thốt nhủ thầm “ôi thôi, chết rồi! Hôm nay là ngày viên tịch của Thầy Giác Lượng!”
Tôi lật đật trở vô phòng lấy sổ tay ra xem lại. Theo Dương lịch thì Thầy mất đúng vào ngày này, nhưng nếu tính theo Âm lịch thì lễ giỗ kỵ của Thầy đã qua rồi. Tôi ngồi bần thần nghĩ ngợi một lúc, cảm giác tội lỗi vì thiếu sót làm tôi ray rứt! Rồi những hình ảnh về các tháng ngày sống chung với Thầy khi được Thầy bảo lãnh về ở Pháp Duyên Tịnh Xá tại đường Số 2, San Jose dần hiện ra, nhớ lại các lời Thầy giáo huấn để cuối cùng tôi bỗng “ngộ” ra mọi chuyện xảy đến là bình thường thôi vì cuộc đời vốn dĩ không có gì! Cứ bình thản sống, ung dung cùng hiện tại, ẩn nhẫn với tương lai vì tất cả đều tùy duyên!
… Một ngày giữa tháng Tám năm 1999, trong cái không khí lành lạnh, se sắt của mùa thu ở Bắc California, tôi co ro vung từng nhát chổi trên nền xi măng của sân chùa kêu xèn xẹt. Âm vang của tiếng chổi quét tuy nhỏ, nhẹ nhàng nhưng cũng đủ phá tan bầu không khí tĩnh mịch trong buổi sáng tinh mơ, quạnh quẽ của đường phố vắng tanh không một bóng người qua lại!
Trong cái im lặng lạnh lùng như thách đố với thời gian của nhà cửa nằm câm nín, bất động xung quanh một cách tàn nhẫn và đáng sợ ấy, tôi cứ âm thầm quét, quét mãi cái sân chùa rộng lớn từ cổng sau đến gần cổng trước. Người tôi bắt đầu ấm dần, trán rịn mồ hôi. Đoạn tôi dừng lại, đưa tay lau má và nhìn vạn vật vùng này một cách lạ lẫm vì tôi chỉ mới rời bỏ Phi Luật Tân; nơi tôi tị nạn và sống ở đó gần mười một năm trời để tới Mỹ định cư chưa được tròn tháng nên rất ngỡ ngàng với cảnh vật, con người và sinh hoạt xã hội ở chốn này!
Mỹ lạ thật!
Bụng bảo dạ, tôi nhủ thầm! Vì từ Việt Nam, tôi vượt biên sang đến Phi Luật Tân thì ở hai đất nước ấy lúc nào tôi cũng thấy ngoài đường phố đông nghịt người và xe cộ ngược xuôi, còn ở đây phố xá vắng hoe, thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe hơi vụt qua rồi biến mất. Lề đường trước chùa rộng thênh thang mà chẳng thấy ai đi. Thiên hạ đâu mất tiêu, người ta dường như biến mất, không hiện hữu trong thế giới này vậy.
Sau này tôi mới biết là chỉ tới các “downtown” hay những thành phố lớn như New York hoặc San Francisco thì mới thấy cảnh thiên hạ đi nườm nượp được, chứ ngoài ra thì cuộc sống của dân Mỹ là vậy. Giờ làm việc tất cả vào hãng xưởng, công sở, hết giờ họ đến siêu thị đi chợ, mua sắm rồi trở về nhà lo cơm nước, quây quần bên gia đình, ít lang thang ngoài phố như ở mấy nước nghèo, chậm phát triển.
Nắng đã lên cao làm bóng tôi đổ dài trên nền xi măng. Tôi lấy chân dí dí lên cái bóng hình của mình dưới mặt đất làm nó lay động để biết rằng tôi vẫn có mặt ở chốn này. Quét tới ngoài cổng chính tôi ngừng chổi, ngoái đầu nhìn lại cuối sân, thấy lá từ trên cái cây gì mà tôi chưa biết tên vẫn tiếp tục rơi mỗi khi gió thu man mác thổi qua làm tôi ngao ngán.
Cứ đà này thì quét tới bao giờ mới xong?
Tuy nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn trở lui, cố gắng quét cho sạch nhưng trong lòng vô cùng bực bội vì cây này vốn có lá nho nhỏ như lóng tay út, vành lá hơi cong nên khi rơi xuống, sau khi xoay vòng vòng trong gió thì nó rớt nằm úp lên mặt sân, do đó khó quét vô vàn. Trong mấy ngày ở đây tôi đã thầm mong “giá mà nó lật ngửa lên thì tôi đã đỡ phải vất vả nhiều. Nhưng đời nào có như ước mơ!”
Whist! whist!
Bỗng có tiếng “suỵt, suỵt” của ai vang lên làm tôi giật mình ngó quanh và chợt nhận ra người hàng xóm bên cạnh chùa đang ló đầu lên qua khỏi tường và đưa tay vẫy vẫy. Tôi đến gần thì anh ta choàng tay qua khỏi tường với một cái dụng cụ mà sau này tôi biết là máy thổi lá và nói là cho tôi mượn và hướng dẫn tôi cách sử dụng bằng một “accent” của người Mễ.
Sau khi cắm dây điện vào cái công tắc gần bên dưới tượng Phật Bà Quan Âm thì tôi đã có thể dọn vệ sinh, làm sạch sân chùa một cách chớp nhoáng. Quá mừng rỡ, tôi mang máy thổi lá này vào khoe với Thầy Giác Lượng, mong muốn Thầy sẽ sắm một cái cho tôi tiện việc quét tước chùa chiền trong tương lai.
Tới trước cửa phòng, tôi thấy Thầy đang ngồi nơi bàn làm việc, cặm cụi ghi chép. Tôi hắng giọng chào Thầy và trình bày về cái máy thổi lá đang cầm nơi tay nhưng Thầy vẫn không ngẩng mặt lên. Lúc tôi dứt lời, Thầy nói hơi xẵng giọng một tí vì có lẽ tôi làm mất cảm hứng nguồn thơ của Thầy chăng? Bởi tôi biết Thầy rất thích làm thơ vào mỗi buổi sớm mai khi lòng thanh tịnh và Thầy thường làm thơ theo thể Khoán thủ (Acrostiche) mà Thầy hay đưa tôi đọc thưởng thức trong những lúc rảnh rỗi:
-Ôi, tưởng cái gì? Máy đó có trong kho của chùa đó mà!
Thầy trả lời nhưng mắt vẫn chăm chú nhìn tờ giấy trên bàn. Tôi ngẩn người:
-Ủa, chùa mình có hả Thầy?
-Ừ.
-Ủa, sao hôm bữa giờ Thầy không nói con biết.
-Nói chi?
Thấy Thầy có vẻ không vui, tôi ái ngại thối lui. Lúc tôi dợm bước bỏ đi Thầy mới ngước mặt lên ngó tôi:
-Thầy để con tập quét cho quen!
Tôi mang máy trả cho người hàng xóm mà lòng vẫn còn buồn bực vì câu chuyện vừa nói với Thầy. Xế trưa, khi tôi đang phụ mấy cô đến làm công quả, rửa chén ngoài sân thì Thầy bước ra. Đến gần tôi hơn Thầy hỏi:
-Con quét sân chưa?
-Dạ, rồi! Tôi lí nhí trả lời.
-Sao còn đầy lá không vậy?
Thầy giơ tay chỉ xung quanh. Tôi đáp:
-Dạ, gió thổi, nó mới rớt xuống nữa đó Thầy.
-Rớt nữa, thì… quét nữa!
Nghe Thầy nói, tôi chưng hửng. Trông vẻ mặt của tôi, Thầy đoán biết tâm trạng của tôi lúc ấy nên nở nụ cười hiền, tiến sát lại và vỗ vai tôi nói:
-Kêu Cô Sáu đưa chìa khóa kho, xuống “basement” ở nhà phía bên kia lấy máy thổi lên xài, nếu con muốn. Sở dĩ mấy hôm nay Thầy không cho con biết là vì Thầy muốn con tập tính kiên nhẫn đó thôi. Ngày xưa ở Bình Định khi mới đi tu, thầy của Thầy bắt Thầy mỗi ngày gánh cả trăm đôi nước cho chùa chứ không phải ít đâu! Mà Thầy phải gánh tuốt lên núi bởi chùa nằm trên đó chứ không phải được nằm ở dưới đồng bằng nữa là. Đi tu là phải tập kiên nhẫn và kiên nhẫn là bước đầu của sự nhẫn nhục. Lúc con nhẫn nhục được thì con sẽ nhẫn nhịn được! Đấy là một pháp môn tu của Phật giáo vì “một sự nhịn, chín sự lành.” Đó là chìa khóa của thành công, của Phật sự viên thành!
Nói xong Thầy trở vô chùa nhưng lời Thầy vẫn còn vang vọng trong suy nghĩ miên man của tôi từ ngày ấy. Hôm nay, bóng Thầy đã khuất sau cánh cửa “sinh tử” của thời gian và tôi đã nghiệm ra được rằng bài học Thầy dạy tôi năm nào đang đúng dần như thời gian thản nhiên trôi qua, như tuổi đời mình càng lúc càng cao dần!
Ohio, ngày 03 tháng 12 năm 2022
Nhằm ngày 10 tháng 11 năm Nhâm Dần
Cô ai tử Triều Phong (Trần Phương Ngôn)