Anh lang thang trong ánh nắng hanh giữa đất Sài Gòn để tìm mua cho được loại lụa Hà Đông. Chất liệu quý giá này đã trải qua hơn ngàn năm lịch sử, xuất hiện khắp đất kinh kỳ xưa! Lụa Vân có tiếng đẹp bởi sợi tơ nõn đều, óng ả, mềm mại, trông thưa khi đưa ra nắng nhưng lại “nóng mát, lạnh ấm”, khiến anh và cô vào thuở thiếu thời chỉ “mơ” chứ không rớ tay vào được… Anh nhớ đến cô nhiều, với ước muốn có chiếc áo trắng mặc vào đêm Giáng sinh, lặng lẽ trong thánh đường cầu nguyện. Ước mơ ấy đến nay vẫn chưa thực hiện được mặc dù anh đã hết sức cố gắng!
Đồng lương còm cõi, lại chi xuất nhiều khoản, nên mười bốn năm trôi qua anh vẫn chưa thực hiện nguyện vọng cho cô trước đêm Giáng sinh. Điều này khiến anh trăn trở, không sao gạt bỏ được mặc cảm mang tội với người yêu thương…
Đàn ông vốn vụng về trong bếp núc và cả chuyện chọn lựa thời trang cho phái đẹp. Anh tìm mua chất liệu Hà Đông hoàn thành chiếc áo với hàng tá “quân sư” hồ hởi ủng hộ, vì tưởng rằng: Tên già háp sắp cưới vợ nay mai. Anh cười khi nhớ đến lời chọc ghẹo từ các nhà nội trợ lừng danh làm chung công sở. Đúng là cưới cô như nguyện ước lớn nhất đời anh, cứ đi vào giấc ngủ hằng đêm.
Vào những ngày nghỉ, anh tranh thủ lùng sục khắp Sài Gòn mua cho được loại lụa Vân danh tiếng. Sau đó lại lúng túng nhờ các vị đại “quân sư” cố vấn cho nhà may. Và để làm nên bất ngờ, anh chỉ mô tả dáng cô để chủ may ước lượng kích cỡ sao cho hợp lý. Một ước nguyện mười bốn năm được thực hiện qua truyền thần quả là chuyện không tưởng!?
Tấm lụa tơ tằm khá đắt so với đồng lương, nhưng với quyết tâm nung nấu theo thời gian, khiến anh bỏ qua tính so đo của một công chức nghèo như thuở anh và cô mới quen nhau. Nhớ lại ngày ấy nụ cười lại nở ra…
“Công trường Hòa bình trong chiều tan lễ, thỉnh thoảng phất lên ngọn gió heo may cuối Thu đầu Đông, cuốn những chiếc lá vàng còn sót lại réo rắc rơi… Một cô gái mặc chiếc áo dài đã nhạt màu, thong thả dạo bước trong khu công viên dưới tượng Nữ Vương Hòa bình được dựng lên chưa bao lâu. Sự tôn nghiêm từ Nhà thờ Đức Bà càng tạo thêm sự thánh thiện qua dáng dấp thơ ngây cuối tuổi đôi mươi. Cơn gió tai quái từ đâu bỗng lồng lên khiến cô gái vội vàng đưa tay giữ lấy vành nón. Quyển thánh ca trên tay nàng rơi xuống… Anh bước đến nhặt lấy giúp cô… Thế là quen nhau!
Rồi theo thời gian… Một kẻ ngoại đạo như anh bỗng chốc hóa thành con chiên ngoan ngoãn bên chân nàng. Thánh đường trở nên thánh thiện và toàn năng khi nhận lời nguyện cầu từ đôi trẻ.”
Nạn đói Ất Dậu (1944-1945) trong chiến tranh đã giết chết rất nhiều người. Anh và cô chính là nạn nhân may mắn sống sót từ địa ngục trần gian ở tuổi ấu thơ. Khủng hoảng miếng ăn là cơn ác mộng anh luôn đối mặt từng đêm. Còn cô và gia đình phải từ bỏ thân phận gác tía vốn xa với họ tộc Hoàng triều trôi dạt vào đất Sài Gòn. Hai con người hóa thành kẻ cần kiệm trong thời buổi khó khăn, chưa bao giờ dám hoang phí miếng cơm manh áo. Chính điều này “chiếc áo Giáng Sinh” giống như giấc mơ đối với nàng…
Anh trở thành con chiên từ khi quen biết cô! Anh tin vào Chúa khi nhìn thấy nàng!
Cô luôn cười giòn giã mỗi khi anh làm sai dấu thánh! Giọng nói thanh tao lại vang lên: Bắc-Nam. Đông-Tây.
Tuy hoàn cảnh sống không đạt tầm mong ước, nhưng cô luôn bắt anh phải chải chuốt trong ăn mặc. Quần áo ủi phẳng phiu cho dù nó là thứ không đáng giá nhưng chẳng thể chối cãi như chút tài sản còn lại từ bản thân. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, câu nói cửa miệng nàng khiến anh cười mỗi khi nhớ đến.
Cả hai không điều kiện nhiều để vui chơi bên nhau ngoài công việc miệt mài. Tiếp xúc nhau, nuôi dưỡng tình cảm, chỉ là những ngày Chủ Nhật đi lễ khi tiếng chuông nhà thờ vọng vang. Có vẻ cô muốn anh biết đến Chúa nhiều hơn nơi sinh ra cô nàng xinh xắn, luôn liến thoắng mọi điều từ cái miệng đáng yêu. Còn anh, mỗi khi trông thấy nàng lại gặp Đức Tin của mình!…
Một ngày cô quyết định rủ nhau đi lễ sáng. Điều này khiến anh vui mừng vì có thời gian cho cả hai dạo bước rong ruổi trên đường phố Sài Gòn. Hôm ấy cô xoắn xuýt bên anh như cô chim non, nói về dự định tạo ra một tổ chim sẻ. Ánh mắt cô rực sáng với viễn cảnh tương lai nhưng mãi sau này anh mới hiểu cô ám chỉ điều gì…
Xe đẩy, gánh hàng rong trở nên thân thiện với anh và cô. Mía ghim, phá lấu, bánh mì, xí muội, cà na chua… nhan nhản trên khắp vỉa hè. Cô và anh có một ngày thật tuyệt để nói về tương lai.
Cuộc chia tay hôm ấy đầy lưu luyến…
Năm 1960 nhiều phong trào phản chiến xảy ra. Khủng hoảng chính trị liên miên khiến nhà thờ trở thành điểm tựa cho các con chiên gửi gắm lời cầu nguyện Hòa Bình. Anh và cô khắng khít hơn mặc dù xã hội ly tán. Chiến tranh gây ra nhiều hoang mang nhưng cả hai đều có “đức tin” của mình.
Con người sợ nhất là bệnh tật, chuyện đói no và bom đạn. Lý tưởng nhỏ nhoi khác xa với các nhà chính trị nuôi dưỡng mưu đồ lớn lao. Đối với họ Hòa Bình là đáng yêu, là tự do mưu sinh không bị đạn bom đe dọa, đến với nhau chẳng phải ám ảnh về chiến cuộc.
Cô rất khéo tay và kiên nhẫn nên sưu tầm nhiều mảnh vụn, tằn mằn tỉ mỉ tết chúng lại với nhau thành cái túi công vụ để anh đến sở làm. Cô cười khúc khích khi thấy anh mang nó. Sự gắn kết ngày càng cao cho đến một ngày…
…Chiếc áo nhà may đã hoàn thành. Anh nhìn nó như một tuyệt tác không chê vào đâu được! Chiếc áo dài truyền thống có màu trắng đổ ngà trông khiêm cung nhưng vẫn toát lên nét quý phái như chất liệu vốn nổi tiếng lâu đời tạo ra. Anh mân mê chiếc áo và ước gì có cô ở cạnh tất sẽ rất mừng vui.
Nhìn vóc áo anh tin hoàn toàn cô sẽ mặc vừa vặn bởi tài của ông thợ đo qua trí tưởng. Mũi chỉ đường kim tinh xảo. Cổ áo ôm tròn, đứng bản. Các vị cố vấn “quân sư” chung công sở quả thực có tài.
Chiếc áo Giáng sinh mơ ước, đã đôi lần anh muốn thực hiện đều bị cản lại. Cô có hai đứa em nhỏ cần phải chăm lo. Bản thân anh cũng còn lũ em nheo nhóc ở tận vùng quê, trông đợi đồng lương như mưa hạn trái mùa. Từ “chạy giặc” quả thật đáng sợ với phụ nữ! Cô hay nói: thời buổi “gạo châu, củi quế”, đồng tiền làm ra phải dành dụm cho lúc túng quẫn vì giặc giã liên miên.
Cô đã đúng khi nhận định về thời cuộc! Những đứa em của anh từng theo chân gia định “chạy giặc” tránh xa cuộc chiến. Từ “chạy giặc” được theo hiểu theo nghĩa: Có đánh nhau là có “giặc”, bất phân biệt chính nghĩa là đâu! Bởi vì súng đạn bên nào cũng gây thảm cảnh chia cắt, chết người… Con đường máu với những thây người ngã xuống, toàn vẹn hay phân chia đều là cái chết, khiến người chứng kiến mãi mãi ám ảnh trong trí nhớ… “Chạy giặc” là tìm nơi an toàn không còn tiếng súng, tiếng bom rơi.
Buổi tối anh không sao ngủ được vì “chiếc áo Giáng Sinh”. Trong cơn ngà ngật anh nhớ đến ngày hẹn với cô, thế là lại tỉnh táo ngồi ngắm chiếc áo lụa Hà Đông. Nếu mọi ước mơ của con người đều được đáp ứng thật sự là cõi hạnh phúc. Anh muốn cô hạnh phúc!
Sài Gòn đang chuyển mùa! Ngọn gió đầu Đông mặn mòi hơn khi mang đậm cái lạnh từ phương Bắc tràn về. Cái lạnh se da khiến người ta liếc mắt ngó xung quanh tìm người đồng cảm… Cái lạnh chuyển giao thời tiết giữa hai mùa bất cứ cơ thể nào cũng cần điều tiết để thích nghi.
Bảy tháng rồi anh mất việc, sống với đồng lương còn sót lại bởi sự tiện tằn. Anh tồn tại vì nghe theo lời Chúa của mình! Cô ra sao khi thời tiết chuyển mùa? Chắc nàng cũng nôn nao cảm giác được mặc chiếc áo giáng sinh bằng chất liệu lụa Hà Đông, khi Mùa Vọng khởi sắc khắp Sài Gòn dù không khí lạnh khác xa mọi năm…
Thời tiết lạnh làm anh nhớ đến tuổi thơ! Nơi đám trẻ trong thôn sáng sớm cùng nhau đốt lửa sưởi ấm. Da tay, da chân đứa nào cũng nổi cục, môi tím ngắt, nhưng vẫn cố tỏ ra anh hùng cắn chặt hai hàm răng. Lớn lên, chú bé ngày nào cũng làm anh hùng tại đất Sài Gòn để rồi bị cô quát: Phải mặc thêm áo kẻo bị cảm lạnh. Tất nhiên tuổi lớn biết nghe lời hơn tụi nhỏ bướng bỉnh vì đã có Đức Tin!
Chìm vào giấc ngủ, anh mơ thấy sắc mặt nàng rạng rỡ niềm vui khi nhận món quà…
Sáng.
Thức dậy với ly café tự pha, cảm giác nôn nao khiến hương vị trở nên nhạt nhẽo, không lôi cuốn anh như mọi khi. Khói thuốc lá bay trong căn phòng thuê tạm, giờ đã nhỏ đi hơn trước. Tiền teo tóp thì nơi ở phải nhỏ lại. Mọi cái được thích nghi đúng như ý cô, vì mọi đồng tiền tiết kiệm đều có giá trị trong cơn ấm lạnh.
Anh quay sang nhìn chiếc áo lụa Hà Đông đang óng ánh vì tia nắng ban mai xuyên qua cửa sổ tặng cho nó linh hồn. Nếu cô ước ao được mặc chiếc áo ấy trong đêm Giáng sinh, anh lại là kẻ nuôi dưỡng và thành toàn tâm nguyện chính mình. Nhìn chiếc áo anh rất vui vì từ nay trong sổ tay ghi chú đã gạch bỏ một nguyện vọng đã hoàn thành.
Trưa.
Chuẩn bị bữa ăn sớm vì chuyện điểm tâm sáng trở nên phung phí trong thời nhiễu loạn. Việc này anh đã quen thuộc lâu lắm rồi! Sau đó đánh một giấc vì mọi việc đã đâu vào đấy…
Chiều.
Anh ủi lại bộ đồ đã bạc màu thời gian mặc vào, đứng trước gương chỉn chu như ngày đi hỏi cưới. Xếp chiếc áo dài một cách nâng niu cho vào túi nylon, anh khép nhẹ cách cửa rồi rời khỏi sân…
Nắng chiều đang nhẹ…
***
Chiều.
Ngày 24 tháng 12 năm 1975.
Chiếc xích lô đỗ trước cổng nghĩa trang Dòng Chúa Cứu Thế. Một thiếu phụ tóc hoa râm bước xuống xe với chiếc áo dài đã bạc màu thời gian nhưng tơ sợi vẫn còn óng ánh khi bắt sáng. Người sành về thời trang vừa nhìn chiếc áo đã biết nó được làm từ chất liệu lụa Hà Đông nổi tiếng một thời. Dù đã có tuổi nhưng nét thanh tú, lịch lãm vẫn lưu giữ trên gương mặt hằn dấu chân chim. Thiếu phụ chậm rãi bước nhẹ trên nền sỏi gập ghềnh tiến vào nghĩa trang…
Đã bao lâu rồi bà không còn nhớ! Đối với bà chuyện viếng thăm người quá cố như được giao lưu với thâm tình. Như thế cần chi phải đếm thời gian!
Diễn biến thời cuộc đang náo loạn không khiến sự hốt hoảng hiện lên sắc mặt bà. Nét bình thản, an nhiên hiện rõ một cách đanh, lạnh. Nụ cười đã chết cách đây gần tám tháng, khi bà phát hiện người đàn ông yêu quý nhất chạy theo gia đình thứ hai với người đàn bà và đứa con nằm sâu trong chính quyền Sài Gòn. Sự phản bội diễn ra lâu rồi nhưng không ai hay biết! Người đàn ông đã quyết định lựa chọn giữa hai gia đình… Và… Bà rơi vào đơn độc với ba đứa con.
Trời đang trở lạnh khiến bà nhớ đến con, mặc dù tụi nó nay đã lớn hết rồi. Hai đứa con sau đều lập gia thất. Chức danh nội, ngoại bà đều có… Duy chỉ còn đứa con lớn! Ánh mắt u buồn ngước nhìn nghĩa trang vắng lặng như tìm kiếm, định hướng… Đôi hài nhỏ nhắn lần từng bước chậm, men theo lối mòn tìm đến một phần mộ.
Tôn Nữ Ngọc Hy
Ngày sinh: 1940
Ngày mất: 1961
Bia mộ vắng lặng heo hắt trong gió Đông!
Thiếu phụ để bó hoa lên đỉnh bia đá, bày ra bốn ngọn nến: Ba cây màu tím cho Mùa Vọng. Cây thứ tư màu hồng, tượng trưng Chúa Nhật Vui Mừng.
Bàn tay xanh xao bật ngọn lửa đốt nến, miệng bà lẩm bẩm: Con là cô gái ngoan mẹ hằng yêu khi lần đầu nhận món quà từ tay Chúa. Rất tiếc con không vượt qua được bạo bệnh để ở cùng mẹ và các em… Mẹ nhớ con!…
Cơn gió nhẹ thoáng qua khiến ánh nến lập lòe chao đảo. Tiếng phần phật nhè nhẹ trong gió từ thân mộ, phía sau bia đá khiến bà chú ý. Thiếu phụ đứng lên, vòng sang bia đá và sửng sốt khi nhìn thấy vật ấy! Trên thân mộ là một vòng hoa lớn đang đè lên chiếc áo dài màu trắng ngà bằng chất liệu lụa Hà Đông không sao nhầm lẫn được. Chiếc áo được nghệ nhân khéo tay thực hiện thật hoàn hảo như tuyệt phẩm về thời trang đương đại…
Cảnh vật bỗng nhòe đi trước mắt người thiếu phụ. Bà không biết! Cả nhà không ai biết! Con gái bà trước lúc ra đi từng có một mối tình giấu kín, đến nay đã mười bốn năm trôi qua. Chàng trai này nhẩm tính tuổi cũng đã suýt soát bốn mươi…
Đôi tay người thiếu phụ run run, lần tìm đến cạnh bia mộ để giữ cho thân hình đứng vững…
Mười bốn năm không thể xóa đi ký ức! Ôm lấy nỗi nhớ để thực hiện ước mơ…
Từng giọt nước mắt rơi lên chiếc áo dài tạo ra những hoa văn đầy ngẫu hứng. Những sợi tơ nhỏ rung lên, óng ánh khi bắt được tia nắng chiều còn vương lại qua các cành lá.
Ngẩn người nhìn chiếc áo Giáng sinh, thiếu phụ chợt nhớ đến người đàn ông đã lìa xa mái ấm gia đình…
“Chúa đã mất nhưng Đức Tin mãi còn theo…”
Tiếng chuông thánh đường đâu đấy ngân lên thánh thót, báo hiệu cho Lễ Vọng bắt đầu…
Saigon – 8.12 – 13.12.2021