Chị Khéo, anh Đôn, anh Chờ là ba người ở ba quận lỵ khác nhau nhưng họ có một điểm chung: Nghèo! Rất nghèo!
Riêng làng của hai anh Đôn và Chờ còn có một nạn chung là thuộc vùng xôi đậu mất an ninh – ban ngày Quốc gia, ban đêm Cộng sản. Bom đạn của cả hai bên bắn giết nhau liên tục. Sống giữa hai gọng kìm luôn bị nghi ngờ, nhất là mạng sống như chỉ mành treo chuông khi du kích Việt cộng đêm đêm về quấy phá, bắt bớ, giết người không gớm tay, cả hai đành bỏ quê nhà ra tỉnh tìm đường sống, may ra có chút tiền gởi về phụng dưỡng cha mẹ. Anh Chờ là con trai độc nhất có cha mẹ già và anh Đôn có hai anh trai trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Chị Khéo hoàn cảnh đỡ hơn, nhưng cái nghèo dai dẳng luôn bám sâu vào gia đình chị. Cả nhà chỉ trông vào vườn rau, vài con gà, vài sào ruộng. Là chị lớn của sáu đứa em, cha mẹ già yếu, chị đành rời quê ra tỉnh kiếm việc làm gởi tiền giúp đỡ gia đình. Tại thị xã, cả ba may mắn tìm được công việc tốt. Anh Đôn làm chân khuân vác cho một tiệm sách. Từng thùng sách đón về, anh có nhiệm vụ cất để trên kệ theo sự hướng dẫn của cô chủ nhỏ; thỉnh thoảng đem giao sách báo cho độc giả đặt mua. Công việc không khó, anh được nuôi ăn, ở trong nhà và có chút đồng lương.
Còn anh Chờ và chị Khéo, nhân duyên đưa đẩy cả hai về làm chung một tiệm bánh kẹo vừa sản xuất bánh mì lẫn bánh ngọt. Anh làm bánh mì. Hằng ngày cân, vê, vô lò cho ra những ổ bánh nóng hổi. Còn chị gói kẹo, bánh ngọt, công việc nhẹ nhàng tẩn mẩn cần sự khéo tay kiên trì. Cả hai cùng ăn, ở tại nhà chủ, có lương gởi về gia đình. Đặc biệt nữa, tiệm bánh của cả hai đang làm việc nằm bên này đường đối diện tiệm sách bên kia đường. Do vậy cả ba có cơ hội quen và biết nhau.
Họ quen như thế nào để trở thành “Chuyện Tình Tay Ba”. Đó là câu hỏi mà chúng ta đang đợi câu trả lời.
Trai gái mới lớn, con tim bắt đầu rung động trước người khác phái là điều bình thường, nhất là lại có cơ hội bên nhau. Do vậy, việc anh Chờ để ý và thương chị Khéo không có gì làm lạ. Bao lâu cùng làm việc dưới một mái nhà (nhà chủ), ăn cùng mâm, sự gần gũi thân cận hằng ngày đã là một cơ duyên, huống hồ chị Khéo xinh đẹp, dễ thương, với cái núm đồng tiền xoáy nhẹ trên làn da trắng mịn mà mỗi khi cười làm tăng nét duyên dáng của cô thôn nữ mộc mạc. Chẳng trách sao lòng anh Chờ xao xuyến. Tình cảm trong anh nảy nở hồi nào không hay, có điều anh ấp ủ ngại ngùng chưa nói ra.
Cho đến một ngày, anh Chờ bắt gặp anh Đôn từ bên kia đường chạy qua mua bánh mì. Nếu chỉ mua vài lần rồi thôi thì không có gì để anh Chờ để ý. Đằng này, sự lui tới thường xuyên,… ghiền bánh mì một cách lạ lùng, đặc biệt, còn rề rà bên cạnh chị Khéo khi chị ngồi gói bánh ở tiệm, thì không thể bình thường. Đã vậy, có lần, anh Chờ còn nghe anh Đôn gạ chuyện với chị Khéo:
– Ơ… ấy tên gì hê?
Chị Khéo ngước nhìn anh Đôn, lém lỉnh đáp:
– Tên… Ấy!
– Thôi mà, muốn biết tên thật đó.
Chị Khéo lắc đầu:
– Không tên!
Anh Đôn tròn mắt:
– Ồ, tên “Tên” là tên của… Tên sao? Tên lót là “Không” nghe lạ tai và đặc biệt quá chừng chừng đi.
Chị Khéo nguýt dài:
– Dzô dziên!
Có một bài hát tựa đề Con gái của nhạc sĩ Phương Thảo-Ngọc Lễ hát rằng: “Con gái nói có là không. Con gái nói không là có”. Chị Khéo đã dối lòng. Với thời gian, chị đã bị thu hút bởi cái… duyên của anh Đôn mỗi lần anh chạy sang mua bánh mì rồi tán tỉnh chị:
– Nè, đã điều tra biết em tên Khéo rồi ấy nha. Khéo, khéo thật. Tên Khéo, hèn gì gói bánh, tay khéo quá!
Anh nịnh thêm:
– Tên Khéo, chắc làm gì cũng khéo!
Được để ý, được trêu chọc, lòng chị Khéo vui như mở hội nhưng chị làm bộ làm tịch e thẹn nguýt ngoắt.
– Ơ, đồ… dzô dziên!
Anh Đôn vẫn lì lợm:
– Tối nay, mời Khéo đi ăn chè đậu ván nha!
– Hổng đi!
Đã bảo con gái nói có là không, nói không là có. Chỉ vài lời năn nỉ của anh Đôn, chị Khéo đã nhận hẹn anh Đôn đi ăn chè. Nhưng họ chỉ ăn rồi về, trò chuyện vớ vẩn, chưa hứa hẹn tình tự điều gì khác. Tuy vậy trong lòng cả hai đều đã nở hoa…!
Mọi cử chỉ của hai người không qua khỏi cặp mắt anh Chờ. Anh ức lắm nhưng không biết đối phó ra sao, nhất là khi anh Đôn còn được cô chủ nhỏ tiệm sách trổ tài “quân sư quạt mo”. Sau khi nghiên cứu bao bí kiếp lùng trong tiệm sách nhà mình, cô móc ra được hai câu thơ, biến chế, hướng dẫn anh Đôn… tấn công:
“Gió đưa cành trúc la đà,
Ai đưa em Khéo về nhà anh Đôn!”
Chị Khéo nhận… thơ, lòng xuyến xao, rộn ràng như đang cất một bản tình ca réo rắt trong tim. Chị hớn hở nhưng chưa tỏ lộ ra. Trong khi đó, anh Chờ khổ sở nghe bọn trẻ con bên kia đường (do anh Đôn dạy) hát vói qua, lặp đi lặp lại: “Gió đưa cành trúc la đà. Ai đưa em Khéo về nhà anh Đôn”. Một ngày nọ, chịu hết nổi, anh Chờ bên này đường giận dữ nói vọng sang:
– Ai, ai đưa? Ai dám đưa phải bước qua xác chết của tên Chờ này!
Đến lúc này thì không riêng chị Khéo, mà cô chủ nhỏ, con gái ông bà chủ tiệm bánh cũng rõ tình yêu anh Chờ dành cho chị Khéo. Nghĩ… gà nhà, cần ủng hộ, cô hốt một nắm kẹo, bánh chạy sang bên kia đường gặp lũ trẻ, nói:
– Nè, tao cho tụi bây kẹo, bánh, nhờ tụi bây đọc trại lại câu thơ “Gió đưa cành trúc là đà…”; chỗ “Ai đưa” thì tụi bây đổi lại cho tao “Không đưa… em Khéo về nhà anh Đôn!”. Chữ “không” đọc càng to càng tốt, bên kia đường tao nghe được, tao thưởng thêm kẹo, bánh!
Con nít hảo ngọt, được thưởng công, chúng hoan hỉ gật đầu liền. Thế là sau đó, hằng ngày chúng ê a… Gió đưa cành trúc la đà. Không đưa… em Khéo về nhà anh Đôn! Chữ “không” chúng hét thật to, thiếu điều bể cả làng cả xóm!
Chị Khéo đã rõ chuyện. Nhưng thân này biết xẻ làm sao. Hai anh đều hiền lành chăm chỉ, có nét dễ thương, đáng yêu riêng, nhưng thật lòng mà nói, chị dành tình cảm đặc biệt cho anh Đôn hơn. Dù gì anh Đôn, có lẽ làm việc tiệm sách, trông sạch sẽ, gọn ghẽ… văn vẻ làm sao ấy! Nhất là khi anh xổ… thơ tán chị, chậc… chậc… chậc… với trình độ lớp sáu trường làng, chị tưởng như anh Đôn là một nhân vật xuất chúng, một… vĩ nhân đưa tâm hồn chị mơ màng lơ lửng tận… cõi trên, hơn hẳn cái thân trùng trục cởi trần suốt ngày, vỏn vẹn chiếc quần đùi của anh Chờ. Anh làm trong lò bánh mì nóng nực, suốt ngày còn nhồi bột, mồ hôi mồ kê đầy người, trông lam lũ lắm; đâu có bảnh như anh Đôn.
Cuối cùng, tình gần vẫn hơn tình xa. Tận dụng cơ hội ở sát bên chị, anh Chờ không… chờ nữa mà tấn công tới tấp qua những cử chỉ chăm sóc đặc biệt khi ngồi chung mâm cơm. Anh gắp cho chị những món ăn ngon, rồi còn đỡ đần chia sẻ việc nặng khi chị phải bưng bê những khay bánh lớn.
Ngày nọ, chị suýt chết nửa đêm khi trúng gió sùi bọt mép, chân tay co giựt. May có cô chủ nhỏ ngủ cùng phát hiện truy hô lên, ông chủ tiệm bánh tức tốc cho chị uống nước tiểu pha gừng mà nước tiểu phải là của con trai còn “trinh”. Thiệt may, chị tỉnh lại được. Nước tiểu đó không ai khác hơn của anh Chờ. Suốt thời gian chị nằm bịnh, anh Chờ luôn chăm sóc, đích thân nấu cháo giúp chị ăn. Tình cảm trong anh mộc mạc, chân thành, không thốt bằng lời, chỉ thể hiện qua những cử chỉ ân cần khiến chị vô cùng cảm động. Trong khi đó, anh Đôn tuy thương chị cũng chỉ chạy qua thăm vài lần, tặng vài quả cam, rồi thôi. Anh còn ái ngại khi thấy nét mặt nhăn nhó khó chịu của anh Chờ nữa. Khi chị vừa khỏi bịnh, anh Chờ mạnh dạn ngỏ lời kết hôn. Nghĩ là duyên phận, và cảm cái ơn… “cứu tử” của anh Chờ, chị Khéo ưng thuận…
Một đám cưới giản đơn do ông bà chủ tiệm tác hợp cũng đầy đủ lễ nghi với sự chứng kiến của cha mẹ, họ hàng hai bên. Sau ngày cưới, anh Chờ vẫn ở tiệm làm bánh mì. Riêng chị Khéo xin nghỉ việc gói bánh, rút về xây tổ uyên ương, thuê một sạp hàng bán guốc dép trong chợ sát bên căn phòng nhỏ của cặp vợ chồng trẻ mới thuê. Riêng anh Đôn, vì mất người yêu, anh đau khổ vô vàn rồi bỏ đi biền biệt ngay hôm đám cưới của chị Khéo. Không ai biết anh đi đâu.
Bẵng một thời gian dài hai năm sau, khi cuộc tình anh Chờ chị Khéo đơm bông kết trái, hai người sinh hạ một bé gái kháu khỉnh, người ta mới thấy anh Đôn trở về. Oai phong lẫm lẫm trong bộ lính trận Biệt Động Quân rằn ri… Anh ghé tiệm sách thăm lại chủ cũ và hỏi thăm tình hình gia đình chị Khéo. Trong bộ quân phục oai hùng, anh vẫn không thể che được đôi mắt ẩn chứa nỗi buồn thăm thẳm, xa vắng… Thì ra anh tình nguyện nhập ngũ, dù anh được phép miễn quân dịch do gia đình đã có hai anh trai trong quân đội. Anh muốn tìm vui trong tinh thần huynh đệ chi binh để quên đi hình bóng của chị Khéo, người con gái đầu đời mở cửa trái tim anh.
Thời gian vẫn trôi. Thấm thoát đã hơn mấy chục năm trời. Mọi chuyện tưởng như đã đi vào quên lãng, không ai còn nhớ hay nhắc lại chuyện xưa. Thế mà hơn hai mươi năm sau, mới hay tin anh Đôn trở về, thương tích rất nặng. Anh nằm mê man trong một bịnh viện dã chiến. Và đặc biệt hy hữu là người chăm sóc vết thương cho anh Đôn chính là cô bác sĩ trẻ, đứa con gái của anh Chờ, chị Khéo!
Cầm hồ sơ lý lịch người thương binh với cái tên Đôn, cô bé ngờ ngợ. Thỉnh thoảng cô vẫn nghe mẹ kể về mối tình xưa, về tấm chân tình bác Đôn dành cho mẹ. Cô đọc kỹ lý lịch rồi về nhà kể cha mẹ hay. Vợ chồng anh Chờ, chị Khéo lập tức nhờ con gái đưa vào bịnh viện thăm anh Đôn. Anh Đôn vẫn nằm đó, mê man. Thân hình anh quấn chặt trong những cuộn băng trắng ngà. Mắt anh nhắm nghiền, làn da xanh xao nhưng trên khuôn mặt, nét hiền lương vẫn phảng phất như thuở nào. Chị Khéo nhìn anh, không cầm được nước mắt. Trên đôi gò má có phần nhạt phai bởi thời gian, hai dòng lệ như hai dòng suối nhỏ chảy xuống. Anh Chờ thở dài, thương cảm nắm đôi bàn tay anh Đôn siết chặt như muốn truyền sức sống đến người bạn xưa từng xem là tình địch.
– Anh Đôn ơi. Tụi tôi nè. Chờ và Khéo đến thăm anh đây. Anh hãy mau khỏe lại, anh Đôn.
Anh Đôn nhẹ nhàng mở mắt. Nhập nhòa trước mắt anh là hình ảnh chị Khéo, lung linh, thoáng hiện, thoáng biến. Anh thở nặng nhọc, cố gắng lấy toàn lực để thều thào những câu mà từ lâu anh hằng muốn nói:
– Mong… cả hai… luôn… hạnh phúc… thì tôi… cũng… hạnh phúc!
Rồi anh khép nhẹ mắt, miệng nở nụ cười mãn nguyện…
______
Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.