Tôi đến Vàm Láng vào một buổi chiều và được xuồng nhỏ chở ra biển. Tôi ra biển để chờ “cá lớn”. Theo lời người trong nhóm tổ chức thì “cá lớn” (ghe vượt biên) sẽ đến vào lúc mười một giờ tối nay. Tôi và hai người vượt biên khác ngồi trên xuồng chờ cho đến hơn một giờ sáng của ngày hôm sau mà vẫn chưa thấy tăm hơi của con “cá lớn” ở đâu.
Gần ba giờ sáng “cá lớn” vẫn chưa xuất hiện. Tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện đón đò trở ngược về Mỹ Tho. Tôi chỉ sợ đổ bể, du kích chận ở bến đò xét hỏi giấy tờ và hỏi lý do tại sao xuống đây thì thật sự tôi không biết làm sao mà trả lời.
Trong lúc tôi ngỡ chuyến vượt biên nầy không thành, thì hơn ba giờ rưỡi sáng tôi nghe tiếng máy nổ xình xịch nho nhỏ từ rất xa của một chiếc ghe nào đó, tiếng máy nổ càng lúc càng gần. Chú chèo xuồng chở chúng tôi la lên: “cá lớn tới” rồi chú chụp vội lấy đèn pin phát tín hiệu chớp tắt ba lần, chiếc ghe vượt biên đã lộ rõ cũng phát tín hiệu đáp lại. Tôi mừng quá, xuồng tôi chèo nhanh cập vào “cá lớn”.
Tôi tưởng chỉ có một chiếc xuồng của tôi, vừa cập vào ghe tôi thấy bốn, năm chiếc xuồng nhỏ khác không biết từ đâu, xuất hiện từ lúc nào cũng ào ào cập vào. Tôi vịn thành ghe đu người phóng qua, chỉ trong vòng vài phút mọi người từ những xuồng nhỏ khác đã leo được lên ghe. Các xuồng vội vã rời đi, lúc đó đã gần bốn giờ sáng.
Đi được không bao lâu ghe tôi gặp sóng to, từng đợt sóng cao hai, ba thước đánh vào ghe, nâng ghe lên cao rồi hạ xuống thấp, chúng tôi bị say sóng ói mửa liên tục. Ghe tôi vật lộn với sóng gió cho đến chiều tối mới hết. Đêm đến, ánh trăng với một chút vầng khuyết của mùng chín âm lịch soi một màu vàng nhạt lung linh trên biển. Chỉ còn sáu ngày nữa là Tết Trung thu. Tết Trung thu năm nay có thêm người Việt lưu lạc nơi xứ người. Tôi tự hỏi tại sao quê hương tôi phải chịu cảnh phân ly – người vượt biên, kẻ tù đày?
Sau hơn một ngày trên ghe vượt biên, tôi không thấy đói nhưng rất khát. Chúng tôi được phát chút đỉnh cơm, nhưng phần nước rất hạn chế. Tôi nghe nói hầm chứa nước bị rỉ, nước còn rất ít. Đến chiều, ghe tôi ra tới hải phận quốc tế, một số người bắt đầu vứt bỏ giấy tờ liên quan đến Việt Nam xuống biển, tôi cũng vứt bỏ giấy chứng minh nhân dân của mình.
Tối hôm đó có vài ba chiếc tàu buôn đi qua, chúng tôi đem chăn mền ra đốt để tạo sự chú ý nhưng không có chiếc nào dừng lại để cứu giúp.
Ngày kế tiếp tôi rất khát, sau gần ba ngày vượt biên chúng tôi chỉ được uống nước tổng cộng vài ba lần, mỗi lần được một cốc nước nhỏ chỉ vài ba hớp nước, uống xong, mười lăm phút sau cái khát lại quay trở lai. Có cô gái nhỏ ngồi gần bên tôi lim dim ngủ, tôi thấy cô ta tự dưng đưa tay ra chụp một cái gì đó rồi giựt mình tỉnh dậy. Tôi hỏi: “em làm gì vậy?” Cô nói: “em nằm chiêm bao thấy khát nước quá, má em làm cho em một ly nước đá sữa đậu nành, em mừng quá đưa tay chụp định uống thì tỉnh dậy, uổng quá!” nói xong cô cười, tôi cũng cười.
Đến trưa ghe tôi bị hư máy, chủ ghe cho biết có đem theo máy sơ cua và sau hơn một giờ sửa chữa, thay máy, ghe tôi lại tiếp tục lên đường. Chiều hôm đó tôi được phát chút đỉnh cơm, mấy người trên ghe cho biết nước gần như đã cạn. Biển hôm đó không có sóng to, một điều kỳ thú là tôi thấy một đàn cá to hàng chục con, chúng bơi lội theo ghe tôi hơn nửa giờ rồi biến mất.
Buổi sáng ngày thứ tư của cuộc hành trình, vào khoảng chín giờ sáng, chúng tôi thấy một chiếc tàu ở rất xa, mọi người mừng rỡ đem ống nhòm ra nhìn xem tàu đó ra sao. Một điều tức cười là mắt thường thì nhìn thấy con tàu nhỏ xíu ở xa, mà nhìn trong ống nhòm thì con tàu lại biến mất. Không cần ống nhòm, ghe chúng tôi hướng theo con tàu phía trước mà rú ga chạy tới.
Chạy gần một tiếng rưỡi mới tới, lần đầu tiên trong đời tôi thấy một con tàu lớn như vậy. Tôi nghĩ đó là tàu Hải quân của một quốc gia nào đó, nhưng càng lại gần thì càng không phải. Đâu có Hải quân nước nào mà lính mặc xà rông ở trần trùng trục như đám người lố nhố trên tàu kia. Khi tới gần tôi thấy khoảng chục tên ở trần mặc xà rông, tên nào tên nấy nước da đen bóng, thân hình rắn chắc vạm vỡ. Thì ra đó là tàu đánh cá của một nước nào đó.
Khi ghe tôi còn cách tàu kia chừng năm mươi mét. Tôi thấy đám người bên tàu đó có sự thay đổi, hơn phân nửa chạy rút vào phòng trong, chỉ để lại ba, bốn người ở ngoài. Ghe tôi tiếp tục tiến tới. Còn cách hơn mười mét, bọn tôi đứng dậy, tay chỉ vào ngực mình rồi cùng la lên: “Việt Nam! Việt Nam” rồi có người nói tiếp: “refugee – người tị nạn” phía bên kia tôi nghe tiếng đáp lại: “Thái Lan! Thái Lan!”
Ghe tôi xáp tới, mũi ghe tôi đối diện với mũi tàu Thái. Vài người trên ghe tôi hỏi: “ai biết nói tiếng Anh?” Có hai người lên tiếng. Một chú trước là thông dịch viên cho quân đội Mỹ, còn một anh nữa biết nói tiếng Anh và có thời gian ngắn du học bên Thái Lan trước 1975. Một tấm ván dài dược bắc qua nối liền hai con tàu, hai “sứ giả” của ghe tôi bước qua tàu Thái. Chúng tôi ngồi dưới ghe hồi hộp chờ tin tức.
Năm, bảy phút sau, một trong hai người trở xuống ghe cho chúng tôi biết, chủ tàu là người Thái trắng, biết nói tiếng Anh, có vẻ học thức và hiền. Ông ta sẽ thỏa mãn yêu cầu của chúng tôi là cung cấp nước và sẵn sàng giúp đỡ về lương thực nếu cần. Sau khi giúp xác định vị trí của ghe chúng tôi trên biển, chủ tàu Thái cho biết chúng tôi chỉ còn cách bờ biển Mã Lai hơn hai ngày đường. Sau đó, họ thả vòi nước xuống, trong lúc vội vã chúng tôi không tìm được một can không nào đựng nước, ngoại trừ mấy can dầu đã cạn, nước được bơm vào mấy can dầu cạn đó. Khi uống nước tôi thấy chút ít vết dầu trong ly nước, uống vào có mùi dầu máy xông lên nhưng vì khát quá và không có cách nào khác, tôi uống một hơi mấy ly nước đầy, mấy người trên ghe tôi cũng vậy.
Thấy tàu Thái tử tế, ghe tôi muốn tặng vật lưu niệm cho họ mà không tìm ra thứ gì để tặng. Cuối cùng, chúng tôi tìm được nắp hộp của một chiếc hộp đựng bút học trò (chỉ có cái nắp không có cái hộp), nắp bằng gỗ, phần trên của nắp có mảnh gương soi mặt nhỏ, phía dưới là hình một cô gái Việt Nam mặc áo dài với mái tóc dài buông xõa, đầu cô đội nón lá che nghiêng và trên tay cầm một đóa hoa hồng. Phía sau nắp hộp, người thông dịch viết hàng chữ bằng tiếng Anh đại khái nói: “Người tị nạn Việt Nam chúng tôi thân tặng các anh để kỷ niệm ngày chúng ta gặp nhau”. Theo lời anh thông dịch, khi người chủ tàu Thái dịch câu đó ra tiếng Thái, đám ngư phủ Thái Lan đứng chung quanh vỗ tay reo hò ra vẻ thích thú lắm.
Chủ tàu Thái cũng cho chúng tôi biết là ba, bốn ngày nữa sẽ có bão. Ông ta giục chúng tôi đi nhanh. Cảm động nhất là lúc chia tay, toàn bộ người trên ghe tôi đều đứng dọc hai bên khoang ghe vẫy tay chào từ biệt. Bên kia tàu Thái, toàn bộ ngư phủ và chủ tàu đứng dọc trên boong tàu vẫy tay cho đến lúc ghe tôi đi thật xa.
Vào ngày thứ năm của cuộc hành trình, khoảng chín giờ sáng chúng tôi thấy có nhiều lưới và phao nhỏ nổi trên biển. Có một điều lạ là lúc đó chưa thấy đất liền mà tôi thấy chuồn chuồn ở đâu mà bay ra rất nhiều đến hàng ngàn con, chúng bay rất thấp chỉ cách mặt biển có một, hai mét và đậu trên những chiếc phao đó.
Khoảng ba giờ trưa, chúng tôi thấy đất liền xuất hiện ở phía xa. Sau đó, chúng tôi lại gặp một tàu đánh cá khác của Thái Lan, qua sự tiếp xúc họ cho biết ghe chúng tôi đang ở gần ranh giới lãnh hãi của hai nước Thái Lan và Mã Lai.
Chúng tôi thật sự may mắn, bao nhiêu ghe, thuyền vượt biên của người Việt mình bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, giết hại. Chúng tôi hai lần gặp tàu Thái Lan mà vẫn bình an vô sự.
Đêm hôm đó gần mười hai giờ khuya, ghe chúng tôi theo con sông nhỏ nối liền với biển tiến vào đất Mã Lai. Lần đầu tiên sau gần sáu ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi bước lên bờ. Đêm đó trăng sáng vằng vặc, chúng tôi bước lên bờ chập choạng, ngã nghiêng chân thấp chân cao, mặt đất dường như không chịu đứng yên mà nhấp nhô như sóng biển.
Tôi đặt chân xuống mà sợ chân mình không đụng đất, mỗi lần bước đi phải chầm chậm từ từ như sợ mình bước hụt. Mấy người đi kế bên tôi la lên: “tụi mình đang bị say đất”. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe danh từ “say đất” và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi mới biết được cảm giác “say đất” ra sao, hiện tượng đó kéo dài mấy phút sau đó mới trở lại bình thường.
Chúng tôi tìm một khoảng đất trống ngồi xuống, vài ba anh thanh niên háo hức cất bước tiến về khu nhà của dân địa phương ở phía xa. Một lúc khá lâu mấy anh trở về cho biết người dân địa phương để xe đạp, xe gắn máy ở phía sau nhà, không xe nào có khóa cả. Mấy anh còn cho biết có một quán nhỏ vẫn còn mở cửa, cô chủ quán người Mã Lai nói trọ trẹ được vài câu tiếng Việt. Trên vách quán có ghi ngày tháng và tên bằng tiếng Việt, chứng tỏ trước chúng tôi, ghe tàu vượt biên của người mình đã đến nơi đây. Mấy anh còn khoe được cô chủ quán cho uống “coca cola” mà không phải trả tiền.
Sau khi mọi người đã trở về đầy đủ, chúng tôi gom lá dừa khô lại để đốt. Mọi người quây quần chung quanh đám lửa nhỏ trò chuyện, một cô ngồi kế bên tôi khe khẽ hát:
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bóng tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người…
Nghe cô hát thật buồn, nhất là trong hoàn cảnh nầy. Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác nhạc phẩm “Thuyền viễn xứ” vào năm 1952 khi đất nước chưa phân đôi. “Thuyền viễn xứ” thời đó bất quá tới một nơi nào đó ở cuối sông Hồng, hoặc xa xôi lắm là đến tận cùng của dòng sông Cửu Long, vẫn còn đâu đó trên đất Việt. “Thuyền viễn xứ” của chúng tôi bây giờ đi xa diệu vợi, vượt qua một đại dương bao la đến những bến bờ xa lạ và giao tiếp với những người không cùng màu da, ngôn ngữ, bỏ lại đằng sau một nước Việt Nam yêu dấu ngàn đời…
Chúng tôi ở đó chơi cho đến gần hai giờ sáng, rồi lại xuống ghe nhổ neo đi tiếp. Chúng tôi dự định cho ghe chạy dọc theo bờ biển Mã Lai để đến Singapore.
Khoảng chín giờ sáng của ngày thứ sáu của cuộc hành trình, ghe chúng tôi chạy cách bờ biển Mã Lai không tới một cây số và càng lúc càng tiến lại gần bờ. Trên đường tiến sát vào bờ biển Mã Lai tôi thấy vài ba chú cá heo bơi lội nô đùa trên sóng nước.
Bờ biển Mã Lai thật đẹp, từng bãi cát trắng chạy dài, chạy dọc theo bờ biển là những ngọn đồi con nho nhỏ. Mỗi một ngọn đồi có một màu sắc riêng biệt, có ngọn đồi phủ toàn một màu vàng của hoa, có ngọn đồi phủ một màu xanh của cây lá, và có ngọn đồi tím ngắt một màu nổi bật trên nền cát trắng.
Có lúc ghe tôi chạy qua một bãi biển có nhiều dừa, tôi thấy mấy cô gái Mã Lai với đôi mắt to đen, áo quần thướt tha, tay cầm dù che nắng đi dạo trông thật dễ thương.
Gần mười một giờ, có nhiều người mặc thường phục và quân phục đứng trên bờ, họ ngoắc tay ra dấu cho chúng tôi tấp ghe vào, chúng tôi lắc đầu tiếp tục đi. Vài phút sau, một chiếc ca nô từ bờ phóng ra đuổi theo ghe chúng tôi, trên đó có một ông mặc thường phục và một người lính Mã Lai, họ nhảy lên ghe yêu cầu chúng tôi phải tấp ghe vào bờ, lúc đầu chúng tôi không chịu nhưng thấy họ cương quyết, chúng tôi đành phải chịu phép.
Ghe vào bờ rồi, tôi thấy gia đình người chủ ghe mang theo nồi niêu, soong chảo và gần nửa bao gạo – đó là số gạo trên ghe chúng tôi còn sót lại sau sáu ngày lênh đênh trên biển. Mọi người bước lên bờ rồi chỉ còn ghe tôi nằm trơ trội, cô độc sát bờ. Tôi hỏi mấy người đi bên cạnh: “vậy ghe mình tính sao?” một người trả lời: “người Mã sẽ kéo ghe mình ra biển rồi đánh chìm”.
Chúng tôi – tổng cộng 45 người, đi bộ theo hai người Mã Lai tới một vườn dừa thì thấy có sáu, bảy người lính Mã hiện diện ở đó từ lúc nào, họ hỏi ai là người đại diện ghe và muốn chúng tôi cung cấp danh sách bao gồm tên tuổi, giới tính, nghề nghiệp của tất cả người trên ghe và đưa cho họ. Thế là hai người thông dịch viên của ghe lại bận rộn cầm giấy bút đến hỏi từng người. Sau đó, mấy người lính Mã căng dây thành hình chữ nhật giữa bốn gốc dừa và bảo chúng tôi vào trong đó ngồi.
Chúng tôi ngồi đó chờ đợi, không biết kế tiếp mình sẽ đi về đâu. Xế trưa có hai chiếc xe buýt của hội Trăng lưỡi liềm đỏ Mã Lai tiến vào, họ ra dấu cho chúng tôi lên xe. Tôi bước lên xe tìm chổ ngồi, lòng thầm hỏi không biết xe nầy sẽ đưa chúng tôi đến nơi nào?
Xe chở chúng tôi chạy qua những thị trấn, làng mạc Mã Lai. Đường xá ở đây được tráng nhựa, hệ thống cầu đường khá tốt. Hơn một giờ sau, xe tấp vào một khu trại có đề chữ “Marang Transit Camp (Trại chuyển tiếp Marang)”. Xe dừng lại, tôi thấy có nhiều người tiến lại gần xe, rồi nghe loáng thoáng có tiếng nói như là tiếng Việt. Bọn tôi trên xe nhao nhao hỏi: “Việt Nam phải không?” mấy người đứng phía dưới cùng trả lời: “Việt Nam”. Tôi mừng quá, tôi cứ tưởng vượt biên, rời khỏi nước không còn có cơ hội gặp lại người Việt mình nữa. Những người đứng dưới xe là những người vượt biên vừa tới trại nầy vào tối hôm qua.
Trại chuyển tiếp Marang cách trại tị nạn Sungei Besi hơn 430 cây số và cách đảo Bidong hơn 45 cây số. Đây là nơi tất cả người tị nạn Việt Nam khi đặt chân đến Mã Lai đều phải đến đó ở một, hai ngày chờ tàu chở ra đảo Bidong để làm thủ tục định cư, và ngược lại, những người tị nạn từ đảo Bidong trên đường tới trại tị nạn Sungei Besi – tọa lạc ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, để chờ chuyến bay đi định cư ở nước thứ ba hoặc được tiếp tục phỏng vấn bởi phái đoàn các nước – đặc biệt là phái đoàn Mỹ, cho việc định cư của mình đều tới trại chuyển tiếp Marang ở đó ít nhất một đêm để chờ xe buýt chở đi.
Bọn tôi xuống xe, có người hướng dẫn vào một tòa nhà lớn có nhiều giường đôi hai tầng. Tôi chọn một chiếc giường ở tầng dưới và đặt túi xách đựng quần áo của mình xuống. Mấy người trên ghe tôi cũng vậy, mỗi người chiếm cứ một giường. Sau đó tụi tôi tìm nơi tắm rửa. Trại có hai dãy phòng tắm riêng biệt dành cho nam và nữ.
Sau hơn sáu ngày phong trần, tôi mặc có mỗi một bộ đồ, kể từ lúc bước xuống đò Vàm Láng để vượt biên, chưa được tắm rửa lần nào, giờ đây được xả nước tắm thoải mái để gội rửa bụi “vượt biên”. Không thể nào diễn tả được cảm xúc vui sướng của tôi lúc bấy giờ, nhất là thấy mình đã an toàn đến bến bờ tự do. Mới hơn bảy ngày trước còn ở Việt Nam với bao lo âu, buồn phiền mà bây giờ đã đặt chân đến Mã Lai – vùng đất ước mơ của bao người Việt Nam ôm mộng vượt biên lúc bấy giờ. Tắm xong bước ra ngoài mà tôi ngỡ mình đang nằm mơ.
Chiều hôm đó sau khi ăn uống xong xuôi, tiết mục kế tiếp mà tôi chờ đợi mấy ngày qua là… được ngủ. Sáu đêm ngủ ngồi, tôi gần như không ngủ. Gần bảy giờ tối, tôi leo lên giường làm một giấc thẳng cẳng cho tới ngày hôm sau.
Gần mười giờ sáng ngày hôm sau có người vỗ vai đánh thức tôi dậy, một anh đi cùng ghe cho tôi biết một giờ trưa hôm nay sẽ có tàu đưa chúng tôi ra Bidong. Anh ta nói: “ông làm gì mà ngủ say như chết vậy? Hồi hôm mấy bà, mấy cô la oai oái làm mọi người thức dậy”. Tôi hỏi: “sao mấy bà, mấy cô la?”, anh ta cho biết, lợi dụng lúc mấy cô đang ngủ, một vài tên lính Mã Lai có ý định sờ mó, sàm sỡ làm mấy cô la lên, mấy bà ngủ gần đó không biết ất giáp gì nghe mấy cô la, mấy bả cũng la làm đám đàn ông mình tỉnh giấc ngồi dậy, mấy tên lính Mã Lai thấy thế sợ quá biến mất. Anh ta còn cười cười nói: “may cho ông đó, ông mà là mấy cô mà ngủ kiểu nầy là tụi nó vác ông chạy vô rừng là tan nát đời hoa”, nói xong anh ta phá ra cười.
Chúng tôi ở trại chuyển tiếp Marang vỏn vẹn chỉ có một ngày. Một giờ trưa ngày hôm đó, xe buýt của hội Trăng lưỡi liềm đỏ Mã Lai đến chở chúng tôi ra bến tàu. Tới nơi, chúng tôi được hướng dẫn xuống một con tàu mang tên Blue Dart mà người tị nạn chúng tôi vẫn thường gọi đùa, tàu đó là tàu “bi đát”. Gần một giờ sau chúng tôi đã có mặt ở Bidong – hòn đảo “thiên đường” của người Việt Nam tị nạn Cộng sản, bắt đầu cho một cuộc sống lưu vong nơi xứ người.