Đối diện nhà tôi là căn nhà Thiếu tá Thân mà sau ngày “giải phóng” đã trải qua nhiều chủ nhân mới khi gia đình ông đã thoát qua Mỹ.
Đầu tiên là Ủy ban Quân quản, rồi Công an Phường, rồi Phường đội, và cuối cùng là gia đình bà Đại úy Mùi. Tên trong hộ khẩu của bà là Nguyễn Thị Mùi (Tôi biết được nhờ xếp hàng cạnh con trai bà khi lãnh gạo hợp tác xã cái thời bao cấp đó mà).
Không biết tại sao hàng xóm mười sáu hộ đó—bốn hộ trên lầu, bốn hộ dưới lầu tạo thành một tòa nhà đối diện tòa kia cũng bốn hộ trên và bốn hộ dưới—lại gọi gia đình này là Đại úy Mùi mà không gọi tên ông chồng theo phong tục tập quán dân ta đàn ông luôn làm chủ hộ. Có lẽ vì bà Đại úy Mùi xuất hiện thường xuyên trước cổng nhà mấy bận một ngày, cộng thêm giọng nói như sấm vang, rặt Bắc mười-hai-nút nghe lạ lạ tai với dân Nam chính hiệu bao đời và lạ với cả dân Bắc chín-nút giọng Sài Gòn.
Phải nói thêm chút nữa về cư xá tôi sống để hiểu thêm Đại úy Mùi đặc biệt này dưới con mắt không riêng của các bà mẹ hàng xóm mà cả cư xá nữa.
Trong số 160 tướng suốt lịch sử 20 năm Việt Nam Cộng Hòa đã có hơn 30 tướng sống trong Cư xá Sỹ quan Chí Hòa, Quận 10, Sài Gòn—như tướng Lê Minh Đảo, Tướng Nguyễn Văn Phú, Tướng Đồng Văn Khuyên, Tướng Xằng, Tướng Quảng—nay là Cư xá Bắc Hải. Nên sau ngày “giải phóng,” cư xá chỉ còn hai phần ba gia đình các góa phụ con thơ vì chồng đi tù cải tạo, hoặc có may mắn thì các ông và gia đình đã vượt thoát cộng sản trước ngày đó. Một phần ba còn lại là những gia đình là tướng tá cộng sản.
Dân cư ở cư xá oái ăm thay hóa ra cộng đồng gồm hai thành phần không đội trời chung!
Không phải vì vậy mà Đại úy Mùi có ác ý gì, nhưng chỉ vô tình chăm lo sản xuất cải thiện kinh tế sau ngày dài làm y sỹ ở Bệnh viện 475 gần cư xá, mà Đại úy Mùi sản xuất thêm mỗi chiều mùi phân heo làm cả xóm chịu đời không thấu nhưng chẳng ai dám lên tiếng vì gốc gác gộc của Đại úy Mùi. Lại thêm thân phận kẻ chiến bại lý lịch thứ mười ba trong hồ sơ Đảng nên các bà hàng xóm chỉ ngấm ngầm rỉ tai phàn nàn hoặc có dịp đi đường thì nhìn nhau cũng đủ thổ lộ tâm trạng đồng thuyền đồng hội đồng cảnh.
Riêng với tôi—khi đó là cậu bé mười tuổi—thì rất phục Đại úy Mùi vì bà rất đa diện, còn tôi thì rất tò mò và thích lính chiến.
Đại úy Mùi oai phong trong quân phục, dẫu trên chiếc xe đạp sáng đi chiều về rất đúng giờ, tuy bà phải nhảy lên nhảy xuống mỗi lần lên xuống xe. Ngay sau về nhà, trước bữa ăn tối, bà tái hiện với nông phục—y hệt hình ảnh trong tranh người nông dân áo đen quần xắn ống với nón lá hơi tơi tả—bất kể trời mưa nắng thế nào. Rồi bà hì hục cuốc đào, xới đất, trồng nhiều loại rau, đặc biệt rau khoai lang. Bà mê hoặc tôi vì những thao tác chính xác lanh lẹ mà tôi chưa bao giờ được thấy tận mắt cảnh “người cày có ruộng” trên TV thời Tổng thống Thiệu. Mà trong cư xá đó làm gì có ruộng nương để cày cấy trồng khoai sắn ngoài những vườn hoa muôn sắc trước đó!
Phần hấp dẫn nhất cuối cùng luôn là tưới nước bón phân bằng phân heo sẵn có trong vườn sau nhà bà. Hấp dẫn vì Đại úy Mùi gánh hai thùng tưới bằng đòn gánh miền Nam trên vai đi tới đi lui, xoay ngang xoay dọc, mà không cần nghiêng thùng nhưng nước tưới vẫn chảy ra nhờ bà đục rất khéo đáy thùng để nước tuôn ra như vòi sen phòng tắm khách sạn.
Có lần tôi được thằng con trai Đại úy Mùi—tên Lợi, lứa tuổi tôi, chúng bạn gọi nó Lợi “đất” vì nó to con và luôn dính đất nơi tay hoặc chân mà chẳng đứa nào hiểu tại sao thế—dẫn vào vườn sau nhà nó để khoe thành tích đóng chuồng heo thiện nghệ của nó với cái chuồng nhỏ xíu hai sàn nuôi được đàn gà sàn trên và chín con heo sàn dưới! Có lẽ Lợi “đất” là nickname thích hợp nhất thế giới cho Lợi!
Và có lẽ Đại úy Mùi với tên Mùi là lời tiên tri cho chiến công gây mùi của bà.
Chuyện gì riết rồi cũng quen. Nhưng chuyện bị tấn công bởi mùi từ vườn rau Đại úy Mùi mỗi chiều đã hai tuần qua—cả những chiều thơ mộng cuối tuần—thì không thể nữa.
Mấy má hàng xóm Đại úy Mùi bí mật phàn nàn với tổ trưởng tổ dân phố chuyện này, nhưng ông này—hoặc không ở chung xóm nên không ở trong chăn không biết rận, hoặc cùng quê Bắc, hoặc gì gì đó—chẳng bao giờ đá động gì tới Đại Úy Mùi, dù bà thỉnh thoảng qua nhà ông để chích thuốc bổ cho ông—là thuốc hiếm thời đó mà chỉ có y bác sỹ quân y như bà mới có.
Vườn rau nhỏ của Đại úy Mùi mau trổ màu xanh tươi chưa từng thấy! Bà rất hãnh diện kỳ công của mình, nên khoe cùng xóm bằng những món quà tình nghĩa vài bó rau khoai cho mỗi hộ hàng xóm. Thời đó đói ăn độn bo bo, khoai mì, củ sắn, củ lang, thì quý lắm với bó rau Đại Úy Mùi! Má hàng xóm nào mà dám từ chối chứ!
Thế mà má tôi từ chối. Má bảo đây là cơ hội hiếm để nhắc khéo Đại úy Mùi.
“Cám ơn Đại úy Mùi, gia đình tôi đối diện nhà chị nên biết mùi rau này rồi. Nhờ Đại úy chăm sóc kỹ mỗi chiều tưới nước bón phân heo nên rau xanh tươi, nhưng chúng tôi không dám nhận đâu.”
Thế mà vẫn không thể chữa mùi từ Đại úy Mùi!
Lính trận mùi thuốc súng. Giai nhân mùi hương hoa. Y sỹ mùi thuốc men. Người nào mùi đó. Nhưng Đại úy Mùi tuy vừa là lính vừa là y sỹ lại mùi khác! Giá mà Đại úy Mùi có là giai nhân thay nông dân thì chẳng biết có tỏa mùi hương hoa không?
Dẫu gì thì cha mẹ nào cũng thương con. Lợi “đất” mỗi chiều đều chơi với lũ con nít hàng xóm trò bắn bi, chọi hình, tạt lon, thả diều tại sân đất nhỏ cuối xóm. Các má biết thế nên sau cuộc họp kín, đã tương kế tựu kế gọi bầy con lại bày mưu rủ Lợi “đất” chơi tại sân trước nhà Lợi “đất” để mỗi khi Đại úy Mùi lao động nương khoai thì lũ con nít bỏ chơi bu lại bịt mũi ngay trước mặt Đại úy Mùi.
Lạ là Đại úy Mùi dửng dưng như đã quen dày dạn sương gió vượt Trường Sơn. Nhưng Lợi “đất” thì không, vì bị bỏ mặc một mình mất cuộc vui và đỏ mặt xấu hổ vì lũ con nít bạn dám trêu mẹ nó. Nó khóc thét lên sau hai hôm như vậy.
Tiếng khóc đứa con nào cũng to hơn tiếng súng bắn vào lòng mẹ gây quặn thắt khôn cầm.
Đại úy Mùi nhảy xổ khỏi mương khoai lao về phía con bà, mặc kệ hai thùng tưới nước được chế dã chiến từ mấy miếng tôn rỉ sét uốn cong méo mó lăn lăn lóc dưới đất, chảy ra luồng nước phân bón bằng phân heo cây nhà lá vườn của bà.
Trời xui đất khiến thế nào, những cơn gió chiều kéo về dữ dội liên tục đem mùi hôi đến cả những xóm bên. Chưa bao giờ các xóm khác nhốn nháo vì mùi hôi nồng nặc như vậy nên các má kéo nhau ra đường tìm nguyên nhân, và họ lần dần đến xóm tôi.
Lợi “đất” trong vòng tay mẹ, vừa lau nước mắt vừa nhìn đám bạn theo các mẹ hàng xóm lần lượt kéo chúng về nhà.
Đại úy Mùi mắt đỏ hoe như lần đầu biết khóc. Hình như tiếng khóc của đứa con mới là bài học giá trị nhất cho người mẹ dù mẹ có là ai!
Hàng xóm được thoát nạn từ đó.