Tôi chào đời khi cả nước đang trải qua trận đói năm Ất Dậu. Những năm tháng thanh bình của dân làng tôi đã đi vào dĩ vãng từ ngày mặt trận Việt Minh nổi lên tìm cách tiêu diệt các đảng phái có đường lối và lý tưởng khác biệt. Dòng tộc thầy mẹ tôi và dân làng Phượng Giáo là những nông dân thuộc vùng châu thổ sông Hồng. Tôi sinh ra trong thời loạn và lớn lên trong chiến tranh ngày một khốc liệt.
Những năm tháng kinh hoàng thời Việt Minh
Quê nội quê ngoại của tôi, huyện Lương Tài, huyện Gia Lương nằm trong địa hạt tỉnh Bắc Ninh, trở thành vùng xôi đậu, một cổ hai tròng, ngày Quốc gia, đêm Việt Minh. Chính quyền Quốc gia thì yếu kém, bị thực dân Pháp kiềm chế, bọn lính lê dương là đoàn quân viễn chinh ô hợp gồm nhiều sắc dân khác nhau, thường cướp bóc hãm hiếp phụ nữ trong những ngày đi càn.
Chính quyền bất lực trước các thảm họa do thực dân Pháp gây ra, còn Việt Minh thì hoạt động như thảo khấu, thổ phỉ. Với dã tâm “giết lầm hơn bỏ sót”, khi xuống tay giết một người nào thì Việt Minh dán cho họ bản án “Việt gian”. Mạng sống con người như chỉ treo mành, dân làng cũng như gia đình thầy mẹ tôi luôn phải chạy loạn, không kể ngày đêm. Mỗi khi nghe tin lính lê dương Pháp đang càn gần tới làng Kim Đào cách làng tôi một cánh đồng rộng lớn, hoặc nghe Việt Minh sẽ đánh đồn Thứa, sẽ về thu thuế, bắt dân công thì mọi người lại chạy loạn, chỉ để người già ở lại giữ nhà. Mọi người hối hả băng qua những cánh đồng đến những làng kế cận, tương đối xa vùng giao tranh để được an toàn.
Nơi trú thân gần nhất của gia đình tôi khi phải chạy loạn ban đêm là làng Thọ Ninh – sinh quán của bà nội tôi. Hối hả chạy bộ qua cánh đồng nhỏ, băng ngang những ngôi làng Bích Khê, Lạng Dương tan hoang vì chiến tranh, không một bóng người, rồi qua một cánh đồng nữa là chúng tôi tới làng Thọ Ninh. Những ngày tháng thầy nghe tin Việt Minh đang tìm cơ hội bắt thầy tôi thì mẹ và anh em tôi lại chạy xuống tá túc lâu dài ở làng Lai Tê – quê ngoại, ở xa hơn. Là Lý trưởng từ thời trai trẻ, là Chánh tổng đương thời khi huyện đã rơi vào vùng xôi đậu, thầy tôi ít khi ngủ đêm ở nhà, sống nay đây mai đó, đôi khi về rồi lại đi. Thầy tôi nhất quyết không hợp tác với Việt Minh, dù ông đã bị chém bằng mã tấu, bị bắt rồi trốn thoát trên đường giải giao khi xuống quê ngoại chúc Tết trong đêm đầu năm Mậu Tý 1948.
Vì chạy loạn thường xuyên, nên quần áo của mỗi người luôn luôn được xếp trong các tay nải riêng. Khi chạy loạn, những đứa trẻ như tôi tự khoác tay nải của mình trên vai mà chạy, còn người lớn thì vai khoác tay nải, đầu đội thúng gạo hay vai gánh thực phẩm mang theo cho gia đình trong những ngày tản cư. Do đó, tuổi thơ của tôi chìm ngập trong những ngày đêm chạy loạn với những câu chuyện tai nghe mắt thấy về người chết trên đường, những người bị lính Pháp hãm hiếp, bị bắt vào đồn tra tấn đến chết, chuyện những người bị Việt Minh thủ tiêu…
Có những đêm cả nhà tôi chạy vài ba lần xuống hầm tránh bom. Sống trong vùng bom đạn, mọi người đã quá quen thuộc với súng nổ đạn rơi, cứ nằm sát xuống mặt đất, đoán tiếng tầm đạn đi, chờ trái đạn nổ rồi gọi nhau chạy nhanh xuống hầm. Tất cả hệ lụy của chiến tranh theo năm tháng thành những vết hằn in sâu vào tâm trí một đứa trẻ chín tuổi, làm cho tôi dày dạn như một thiếu niên từng trải.
Làn sóng người từ quê chạy ra tỉnh để di cư vào Nam như một trận cuồng phong nổi lên khắp nơi ở miền Bắc từ trung tuần Tháng Năm 1954, khi thực dân Pháp và đảng Cộng sản Việt Nam núp dưới danh nghĩa Việt Minh ký hiệp định Geneve ngày 20 Tháng Bảy 1954 chia đôi đất nước. Hàng triệu người trốn chạy Việt Minh Cộng sản vào Nam với hai bàn tay trắng, gầy dựng lại đời sống từ con số không, trong số đó có gia đình thầy mẹ tôi.
Sinh lộ
Sau những năm tháng được ăn học ở vùng ngoại ô Sài Gòn, tôi vào giảng đường đại học rồi lại phải bước ra khỏi trường khi Việt Cộng tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 và lệnh tổng động viên được ban hành sau đó. Năm 1975, sau khi bản Hiệp đinh Paris 1973 ra đời, Cộng sản lại tiếp tục chà đạp và cưỡng chiếm miền Nam. Với lý lịch tám năm quân ngũ Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã bị đầy ải gần sáu năm trong năm trại tù và khi ra tù lại bị quản chế tại nhà bởi hệ thống công an, phường đội dầy đặc. Đời sống khốn khổ bất định đã tạo lên làn sóng vượt biên khắp miền Nam những năm sau 1975, một sinh lộ cận kề với cái chết nhưng tôi phải đành đoạn lên đường.
Viên hiệu trưởng quen bán cho mẹ tôi cái giấy chứng nhận tôi là giáo viên đi Hà Tiên trao đổi nghiệp vụ. Tôi dẫn người em út đi theo người tổ chức vượt biên xuống kinh C trú ngụ, rồi từ bến đò sông Kiên đi ghe ra Sóc Soài ngủ qua đêm để theo chuyến vượt biển. Chiếc ghe chở muối từ Rạch Giá ra Hà Tiên mang theo 21 người rời cửa biển Rạch Gíá lúc hơn hai giờ chiều cuối năm 1980. Sau mấy giờ chờ chiếc “vỏ” chở 16 người không ra tới cửa biển được. Dù không có hải đồ và hải bàn, chỉ có 120 lít nước, 120 lít dầu, 50 ký gạo, 5 ký tôm khô, nhưng nhờ anh tài công có kinh nghiệm đi biển, chiếc ghe đã vượt qua được những cơn giông và cả bọn hải tặc.
Sau bốn ngày bốn đêm nhìn trăng sao mà đi, anh tài công cho biết ghe chỉ còn 10 lít xăng để ưu tiên chạy tránh cơn giông. Anh thả trôi chiếc ghe, yêu cầu mọi người ngồi hai bên sườn ghe thay nhau múc nước ra, và treo cái áo thun trắng có dòng chữ sơn đen “Vietnamese Refugees – SOS” ở đầu ghe. Trừ hai cháu bé, mọi người vừa múc nước ra khỏi ghe vừa đọc kinh suốt đêm trong vùng biển mịt mùng, như một nhà nguyện di động trên biển cả.
Chiếc ghe trôi bềnh bồng, vô định trên mặt biển mênh mông lặng sóng suốt đêm cho tới khi trời mờ sáng, một vài người la lên khi nhìn thấy từ xa hình thù một hòn đảo. Tôi đánh thức anh tài công dậy, anh vừa dụi mắt vừa la “Chúa các ông cứu chúng ta rồi!”. Sau đó anh liền cho nổ máy ghe chạy về hướng đảo. Độ chừng 20 phút sau, chúng tôi gặp được tàu buôn của Philippines gọi cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan kéo về cảng Satêhip. Sau đó chúng tôi được Cao ủy Liên Hiệp Quốc đưa về trại tỵ nạn LeamSing.
Nước Mỹ và… you see?
Với chút vốn liếng Anh ngữ, mỗi ngày tôi tình nguyện cùng phái đoàn Thai Catholic Actions trong mọi công việc giúp người tỵ nạn. Rồi từ Thái, tôi đến thẳng Hoa Kỳ định cư theo diện CAT A1. Sau ngày làm thẻ an sinh xã hội, khám sức khỏe, người em kế tôi đã ở Mỹ trước tôi, bảo: “Anh đã lái xe trong quân đội rồi, mai em đưa anh tới mấy khúc đường vắng, tập đổi lane, U turn, ra vào parking, và lấy tài liệu từ DMV về cho anh học thi viết, rồi lấy hẹn thi lấy bằng lái, dễ ợt!”.
Có bằng lái xe, tôi ghi danh chương trình cao đẳng cộng đồng hai năm, lớp buổi chiều tại San Jose City College mà không phải lấy placement test nhờ chút vốn Anh ngữ có sẵn. Xin được Basic Grant, tôi mua cái xe cũ để đi học và đi kiếm việc làm. Rồi lần đầu tiên tại Mỹ, một ngày nọ, hãng Grand Association Company nằm trên đường Scote Avenue, Santa Clara, gọi tôi thử việc.
Sau khi người đốc công hỏi tôi qua lại vài câu, cô quản lý đưa cho tôi một cái board (bảng điện tử) bảo tôi lấy con IC ra. Khoảng năm phút sau, cô trở lại xem, khen tôi: “Làm tốt đó”, rồi bảo tôi gắn con IC vào bảng và hàn lại. Tôi mừng thầm trong bụng và cắm cúi hàn con IC vào board.
Sau khi hàn xong, tôi lấy cái cọ nhúng aceton chùi sạch flux đọng trên các pin IC. Mắt tôi hoa lên khi nhìn thấy cái “dot” trên pin số một của con IC 14 pin mà tôi đã để ngược đầu và hàn sai, tôi thở dài. Mấy phút sau, cô quản lý trở lại. Không đợi cô hỏi, tôi nói khi đưa cái bảng cho cô: “Tôi xin lỗi, tôi đã làm sai rồi!”. Cô nói: “Ồ không sao, đừng lo!”. Hơn một tuần sau tôi nhận được thư “Thank You” (và dĩ nhiên là lời từ chối tuyển chọn) của hãng.
Kiếm việc mãi không được, sau đó một anh bạn cùng lớp cho tôi biết, hãng California Assembly đang nhận người, lương căn bản ba đồng ba mươi lăm xu một giờ. Tôi đến, điền đơn xong, bà đốc công xem qua, gật đầu và dẫn tôi vào làm việc ngay. Khi đưa tôi tới gặp cô quản lý, bà nói chuyện với cô bằng tiếng Spanish, tôi nghe như vịt nghe sấm.
Nơi tôi làm việc là một tòa nhà lớn. Phía trước là các văn phòng, phía sau là khu vực làm việc của công nhân. Mỗi khu đều có một quản lý người Mexico và hầu hết công nhân cũng là người Mexico, nên tiếng Spanish là ngôn ngữ chính trong mọi công việc. Tôi được chỉ định làm ở nhóm “hand loading” (lắp ráp bằng tay). Ba dãy bàn dài kê nối tiếp nhau theo hình chữ U, ngay đầu bàn thứ nhất của dãy bàn là cái board mẫu.
Mỗi lần ráp một con IC, resistor, capacitor, coil… vào một chỗ nào trên board, cô quản lý cắm con IC đó trên cái board mẫu rồi nói bằng tiếng Spanish với những người đồng hương, còn những người không biết tiếng như tôi, cô hỏi: You see? Tôi trả lời: Yes, I see và cầm cái hộp đựng những con part đi theo bàn hình chữ U cắm vào các boards. Khi cắm đến cái board cuối của dãy bàn chữ U, cô quản lý đến và hỏi: Finish?, và cô lại cắm một con part khác trên board mẫu, đưa cho tôi cái hộp đựng con part đó, rồi cô lại hỏi: You see?…
Cứ thế tôi cần mẫn gắn bó với công việc đó, chuyển đổi vài lần hãng xưởng, lương từ ba đồng ba mươi lăm xu một giờ lên ba đồng tám mươi lăm xu, rồi lên năm đồng cộng với benefit (bảo hiểm) đến sáu đồng ba mươi lăm xu, rồi tám đồng ba mươi lăm xu một giờ… Vừa học vừa làm, nhẫn nại vươn lên…
Từ ngày định cư trên đất nước Hoa Kỳ năm 1981 và nghỉ hưu năm 2015, thấm thoát tôi đã làm việc trong lãnh vực điện tử 34 năm, và thời gian tôi sống xa quê hương đã dài hơn những năm tháng tôi đã sống ở hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Chú em út tôi dẫn đi vượt biên, nay là kỹ sư của Caltrain. Còn con trai tôi cũng đã là giáo sư toán từ sáu bảy năm nay. Nhìn lại mình, tôi vẫn nghĩ: Trong thành đạt và hạnh phúc của những người tỵ nạn phải sống xa quê hương, dù có những nỗi đau mất mát ẩn tàng nhưng đời sống nơi đây được thăng tiến cùng với tự do và phẩm giá được tôn trọng. Đó cũng là ân sủng Trời cao cho hành trình sinh lộ của tôi.
*****
Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.