Đón Xuân này… còn nhớ… Xuân xưa

Chợ Lớn 1968

Xuân lại về – Xuân sang Đông tàn, lẽ tự nhiên của vạn vật – nghe gió Xuân mơn man mà lòng bồi hồi nhớ đến những mùa Xuân xưa – không bao giờ nhạt nhòa trong ký ức cư dân Sài Gòn đang sống khắp nơi trên địa cầu …

Xuân không quên trước hết là Tết Mậu Thân 1968. Tháng Giêng năm đó, Sài Gòn và miền Nam đang yên bình, nhà nhà người người chăm chỉ làm lụng, tích góp để đón chào Tết Mậu Thân đang đến. Như mọi năm, lệnh ngừng bắn dịp Tết cổ truyền trên mọi vùng chiến thuật đều được hai bên chính thức thông báo và thực hiện…

Như thường lệ, nhà nhà đón Giao thừa xong thì xuất hành lấy hướng ở gần nhà hoặc đi ngủ để sẵn sàng đón chào ngày Nguyên đán mùng Một Tết Mậu Thân – dương lịch là ngày 31 Tháng Một năm 1968. Khi Sài Gòn và miền Nam đang say trong giấc ngủ an hòa đầy mộng đẹp cho năm mới thì – rạng sáng mồng Một Tết – khác với mọi năm – tiếng pháo sao sớm quá, thường khoảng 7, 8 giờ sáng ngày mùng Một xóm làng mới đốt pháo khai niên; và sao tiếng pháo lớn và “sát khí” quá, thỉnh thoảng chen lẫn tiếng nổ rất lớn – không phải của pháo đại – sau này mới biết là tiếng nổ của pháo kích và … súng ống đủ loại. Rồi từng tốp năm, ba người dáng vẻ dân quê, súng trường súng ngắn, thoắt ẩn thoắt hiện len lỏi dọc ngang các khu phố lao động. Mọi người tưởng “đảo chánh” nhưng sao không thấy bóng dáng quân đội? Đài phát thanh ngưng bặt đến 11 giờ trưa mới phát thông báo “Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn giới nghiêm” do cộng quân tấn công vào Sài Gòn và khắp các tỉnh thành miền Nam …; rồi xuất hiện các xe Jeep của cảnh sát dã chiến, quân đội, quân cảnh vụt qua vụt lại, súng ống sẵn sàng…

Chợ Lớn 1968

Người Sài Gòn bàng hoàng – sao kỳ vậy? – ngưng bắn ngày Tết mà, câu hỏi “ngây thơ” lúc đó vẫn còn lởn vởn đâu đây trong niềm đau đớn bất ngờ – cú đánh hiểm không chỉ phạm luật “dưới thắt lưng” mà còn là cú đâm hiểm ác từ phía sau – Sài Gòn tan hoang và chết chóc, xóm làng cháy rụi… từ pháo kích mà điểm rơi – không vào đồn bốt căn cứ của quân đội – phần lớn “trúng” nhà dân, trường học …; Trường Lasan Taberd của chúng tôi cũng bị vào tầm nhắm “mục tiêu”, làm một sư huynh thiệt mạng. Trong thành phố – ở Gia Định và Chợ Lớn (hồi đó Sài Gòn bao gồm Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) – ngoại vi đô thành Sài gòn, rất nhiều nhà phải “tản cư” để tránh pháo kích và… bom rơi đạn lạc đã làm nhiều người chết oan. Tiếng đạn pháo xuyên không gian, tiếng B40 ầm đùng, tiếng hú chết chóc của pháo kích, tiếng rốc-két… loạn xạ khắp phố phường… Tôi, lúc đó chưa đầy 10 tuổi – cùng đoàn người lớn và em bé trong xóm Long Vân Tự – cũng ngơ ngác theo cha tôi đi bộ “tản cư” từ Hàng Xanh qua nhà cô Sáu ở Bàn Cờ… để thoát khỏi vùng lửa khói, chờ yên ắng trở lại – mãi tới hết Tháng Tám năm  đó; bởi  thua đợt 1 – “họ” bày tiếp đợt 2, đợt 3…

Chợ Lớn 1968

Đâu chỉ Sài Gòn, dân tình các tỉnh miền Nam trong cái Tết này đều chịu đau thương, tang tóc, điêu linh; nổi cộm ở Huế – khi Việt cộng rút đi – hàng ngàn người dân có liên quan đến gia đình “ngụy” bị giết và chôn lấp dưới những ngôi mộ tập thể – rúng động dư  luận bởi các phóng sự của báo chí và qua tác phẩm “Giải khăn sô cho Huế” của nhà văn Nhã Ca.

Một vết hằn khắc khoải năm tháng, một vết sẹo không bao giờ lành trong lòng người Sài Gòn và miền Nam.…

Một mùa Xuân không quên khác – trái ngược với Xuân đạn bom Mậu Thân 1968 – là Xuân hân hoan  Quý Sửu 1973. Không khí Xuân lúc đó khắp Sài Gòn và miền Nam thật là vui, từ thành thị đến miền  quê; nột phần từ chiến thắng khắp vùng qua “mùa Hè đỏ lửa”, từ tái chiếm cổ thành Quảng Trị ở vùng Một vào Tháng Chín 1972, đến Bình Long anh dũng ở vùng Ba, Kon Tum kiêu hùng ở vùng Hai…; Phần khác là râm ran tin  tức sắp có hòa bình, chiến tranh chấm dứt, đạn bom thôi gào thét, xóm làng sẽ an bình… Và sự thật là Hiệp định hòa bình Paris đã ký ngày 27 tháng Một năm 1973, trước Tết Quý Sửu đúng… một tuần. Không khí hân hoan khắp nơi nơi,  bà con nô nức sắm Tết, đi chơi Tết; tưng bừng hội chợ; cây Mùa Xuân nở rộ để ủy lạo vật chất tinh thần binh sĩ và gia đình họ, cô nhi quả phụ, dân chúng ở các nơi bị chiến sự tàn phá, rộn ràng các phong trào chiến dịch tái thiết xóm làng… tất cả hân hoan bừng lên  trong niềm tin và hy vọng thanh bình sẽ đến…

Hình minh hoạ

Xuân Quý Sửu 1973 là mùa Xuân đẹp nhất với miền Nam và người Sài Gòn – nó có trọn vẹn ý  nghĩa của “nghe” và “thấy” Xuân: nghe Xuân sang thấy trong lòng chứa chan – với lứa chúng tôi thời ấy… Cho đến bây giờ, lứa chúng tôi – giờ đây lưu lạc khắp châu lục – không còn tìm thấy một mùa Xuân  nào tươi đẹp, yêu thương và đầy nôn nao như mùa Xuân năm đó; nó bừng khởi niềm vui hạnh phúc,  lấp lánh tương lai, tràn đầy yêu đời trong niềm tin và hy vọng mãnh liệt. Niềm hân hoan ấy có được bao lâu? Biết bao giờ trở lại như vậy, hỡi Nàng Xuân? Bao giờ… đất nước vui  trọn mùa  Xuân thắm xinh

Ngay sau 1975 – bao nhiêu mùa Xuân “chiến thắng” cờ bay rợp trời, trống đánh vang rền của “bên thắng cuộc” thì bấy nhiêu mùa Xuân ly biệt đến với “bên kia” – những cái Tết khắc khoải mong chờ đoàn viên vì những người cha, người anh bị yêu cầu “… trình diện, đi học tập cải tạo, mang theo lương thực 10 ngày thôi…” rồi biệt xứ 5, 10, 15 năm mới được – tàn tạ còm cõi trở về với gia đình đã… ly tán. Những mùa Xuân đói ăn – chỉ bo bo mốc, khoai lang sượng thay cho gạo – những cái Tết bị “xúc” đi vùng “kinh tế mới”, nơi chỉ có muỗi mòng và đồng hoang cỏ cháy – nhà cửa gầy dựng bao đời bị tịch thu tức tưởi… Và hàng triệu người không bao giờ biết mùa Xuân, biết đón Tết nữa vì đã chấp nhận cược sinh mạng với biển cả mông lung, ra đi trong những ngày giáp Tết; để rồi phải ngủ yên nơi muôn trùng sóng vỗ, chỉ với ước nguyện mong manh và ước mơ vời vợi có được một mùa Xuân tự do … Như một lãnh đạo của “bên thắng cuộc” đã nói: “… có triệu người vui thì cũng triệu kẻ buồn…”

Tội nghiệp Sài Gòn hiền hòa, bao dung, nhẫn nhịn và phần nào … “ngây thơ”! Bao giờ có được một mùa Xuân an lành viên mãn bất tận trên đất Mẹ khắp nơi nơi?

Chợ Lớn 1968

Ngừng bắn dịp Tết…” thì súng đạn rền vang giữa Sài Gòn Tết 1968; “hiệp định hòa bình Paris” đầu năm 1973 chưa ráo mực thì hai năm sau cả miền Nam tang tóc điêu linh; “học tập cải tạo 10 ngày thôi …” thì mười mấy Xuân sau mới trở về trong thân tàn còm cõi, rồi hàng triệu con người ra khơi mà mãi mãi không được đón Xuân sang… Bao nhiêu câu hỏi “tại sao, sao kỳ vậy …” vẫn lởn vởn mãi trong ký ức của người Sài Gòn và miền Nam… Cứ mỗi lần đón Xuân này… không thể nào… không nhớ các Xuân xưa!

Cho dù Xuân thay đổi biết bao lần, vẫn biết Xuân đi rồi Xuân đếnnhưng bởi Xuân luôn mang niềm tin tới, bao la nguồn yêu mới … vậy nên cùng buông xả hết thảy muộn phiền để đón chào Xuân; để vui trong …ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi …; để… nhấp chén đầy vơi chúc người người vui; để … cùng Xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua …; và hảy… nhấc cao ly này… hãy chúc ngày mai sáng trời tự  do…; cho… muôn người hạnh phúc chan hòa …

Đón Xuân này, bồi hồi nhớ mấy Xuân xưa …!

Xuân 2022

_______

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: