Khi mọi thứ đảo lộn thành mất trật tự trên dưới, người ta bảo bị lộn tùng phèo. Với tất cả người sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, 30 Tháng Tư 1975 là ngày lộn tùng phèo. Tất cả mọi thứ đều bị đảo lộn loạn xà ngầu. Có người chép miệng: Chẳng ra cái thể thống gì! Mặc dù sau này người ta dùng thêm bao nhiêu chữ để gọi cái ngày tang thương ấy: Ngày tan hàng, ngày mất nước, ngày đổi đời, thì thực chất vẫn là lộn tùng phèo.
___________
Mọi thứ trở nên hỗn độn khi đổi chủ, những người chủ mới ù ù cạc cạc, chữ tác đọc thành chữ tộ, đứng trước một đoàn người bụng đầy ắp chữ, đang chờ để đi vào “Cổng Trời”, nơi đó có “Đại học máu”. Họ là những cựu sĩ quan VNCH, bác sĩ, kỹ sư thành danh cống hiến bao nhiêu thành tựu, và chúng tôi – những sinh viên chuẩn bị ra trường, tất cả đều chứng kiến cuộc sống “lộn tùng phèo”. Cuộc đời dân miền Nam dở qua trang mới đen thui, kể từ ngày tang thương ấy.
Thời VNCH, lương công chức và quân nhân thường thường tạm đủ chi tiêu. Bây giờ tự dưng tất cả thất nghiệp. Mọi người lúp xúp trong căn nhà chật hẹp. Chỉ có học sinh tiểu học và trung học được trở lại trường. Sinh viên tụi tôi, nghe nói “Học vậy đủ rồi”, tạm ở nhà ngồi chơi xơi nước. Bụng đói thì đầu gối phải bò. Mạnh ai nấy bung. Tất cả nhào ra đường, không thể ngồi trong nhà nghe cái loa gắn trên cột điện ra rả suốt ngày bài Cô gái vót chông. Nghe nhiều đến nỗi cho đến tận giờ tôi vẫn còn nhớ rõ giọng eo éo: Còn giặc Mỹ cọp beo/ Khi còn giặc Mỹ cọp beo/ Em chưa ngừng tay vót chông/ Hôm nay tan giặc rồi…
Tội nghiệp bố, mẹ không cho bố ra ngoài. Mẹ nói: Ông phải ở nhà, phải có một người trông chừng nhà chứ. Mẹ ra chợ mua rau muống của bạn hàng chở từ Gò Vấp (nhà tôi gần Lăng Cha Cả), chia từng bó nhỏ, bán ở chợ gần nhà. Mẹ giả vờ vậy thôi, chứ thật ra không muốn bố sừng sộ với tụi công an khi chúng tới xét hộ khẩu. Cũng may đứa cầm đầu nhóm đi xét hộ khẩu là thằng nhóc con ông nằm vùng, cũng nể bố, nên nó không nói gì. Nó là thằng Tèo suốt ngày phá làng phá xóm. Nhà tôi dọn đến xóm này, 10 năm sau nó mới sinh ra. Nào ai biết bố nó “nằm vùng”, vì bố nó là tài xế của chú tôi khi chú còn là Dân biểu Quốc hội thời Đệ nhất Cộng Hòa. Còn bố tôi là Trưởng phòng Thông Tin suốt hai thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa.
Tội nghiệp, bố cứ thở dài, lẩm bẩm: Người ta được hai, mình chỉ có một. Ý bố nói di cư 54 là (được) một, rồi chạy qua Mỹ 75 là (được thêm) hai.
Anh em chúng tôi chia nhau đi kiếm tiền. Hai anh lớn thì lên chợ Tân Thành mua phụ tùng xe đạp về ráp thành xe. Việc của tôi là mang xe mới ráp lên chợ trời Lăng Cha Cả bán cho bộ đội, nhân tiện mua thêm quần áo trẻ em may sẵn bán kèm. Tôi treo quần áo lủng lẳng vào ghi đông xe. Cô sinh viên ngoan hiền chỉ biết đi học, sau ngày “tan hàng” một tuần, ra chợ trời bỗng chốc trở thành “hàng tôm hàng cá” hồi nào không hay. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Toàn ma mãnh và ma cô, hiền là cụt vốn, tụi nó “nuốt trửng” mình trong nhấp nháy.
Một lần, tôi gặp một khách hàng là một ông nón cối. Ông ấy cầm cái áo, đưa lên miệng nhe răng cắn. Tôi hét to:
-Làm gì vậy?
-Thử!
-Thử cái gì?
-Thử xem vải có chắc không?
Sống ở miền Nam, chưa bao giờ tôi thấy ai mua quần áo mà dùng răng cắn xem vải có chắc không? Tôi trợn mắt nghiến răng, ngón tay trỏ lắc lắc: Hễ mà rách là phải thường. Lại thêm màn bất đồng ngôn ngữ Bắc Nam.
-Thường? Hai ông nón cối không hiểu.
Tôi quát: “Thường” là phải trả tiền.
-Đền?
-Không có đền chùa gì hết. Trả tiền đầy đủ.
-Đồ mã!
Lần đầu tiên tôi nghe lại những chữ rặt Bắc Kỳ mà mẹ tôi thường nói: Hàng mã, khi bà chê đồ dỏm. Mua thì mua, không mua thì thôi, không được cắn. Tôi định phang thêm một câu: Dính nước miếng của mấy người, làm sao tôi bán. Đồ cái miệng thúi! Tôi làu bàu trong miệng. Thiệt tình chưa bao giờ tôi thấy mình hung dữ đến như vậy. Chẳng qua tiền để làm vốn buôn bán quá ít ỏi.
Ra chợ trời, tôi học thêm được cách “lộn trái ra phải” quần saten đen, bán cho mấy cô bộ đội. Quần cũ mặc lâu ngày, vải bị xổ lông. Lấy lưỡi lam cào cho đứt các sợi vải xổ tua tủa. Mở đường may, biến mặt trái (còn láng) lộn ra thành mặt phải. Quần Tây cũng vậy. Sau đó đem đi hồ (nấu bột năng loãng). Sau khi hồ bột, phơi khô, vải trông dầy hơn. Bộ đội cũng không phải tay vừa, khi mua họ giơ lên ánh sáng xem vải có mỏng không. Hehe huhu, vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn. Dân Bắc kinh nghiệm đầy mình (mua quần áo cũ), chứ trong Nam toàn mặc đồ mới, làm sao biết vải lủng. Ấy thế mà cô sinh viên hiền khô cũng bán hết mớ quần áo cũ, rồi chuyển “nghề”.
Thật thê thảm, người trong Nam mang ra chợ trời bán bất cứ cái gì có trong nhà. Từ bàn ghế tủ giường, tới tư trang quần áo. Thậm chí có nhà còn nạy gạch bông lót nền đem bán. Thời đó, nhiều đứa con ngỗ nghịch, để có tiền tiêu xài, chúng “chà đồ nhôm”, tức là chôm đồ nhà. Tôi từng nghe bà hàng xóm gào lên hoảng hốt, khi không tìm ra cái cối đá nhỏ mà bà rất quý, vì đó là món duy nhất bà mang vào khi di cư. Không chỉ là kỷ vật, nó rất hữu dụng khi dùng để nén dưa muối mỗi dịp Tết; nó còn để giã giò, giã cua nấu bún riêu. Cái cối đá chắc cũng đổi được vài tô phở. Mẹ tôi tội nghiệp bà, mang qua chia bớt (nhà có hai cái) cái mũ sắt của anh lớn tôi, nay đang tu nghiệp Đại học máu ở miền Bắc xa xôi.
“Mít khô” – tiếng lóng chỉ người Việt thoát qua Mỹ năm 75 – chẳng bao giờ “chà đồ nhôm”. Đồ cũ không xài, mang cho Goodwill, còn không thì để trước cửa, gắn tờ giấy: Free. Có người lấy là hên, còn xui là phải trả tiền mới có xe tới bốc đi. Chú thím tôi là Mít khô, may mắn chạy được sau ngày “tan hàng”. Đứng xếp hàng trước Tòa Lãnh sự Pháp ngày mùng 1 Tháng Năm, coi bộ không hy vọng gì, chú về, chở cả nhà bằng chiếc Vespa (thím bế đứa tám tháng và ba đứa nhóc ốm nhom, bé tí teo) ra bến xe đò miền Tây, xuống Châu Đốc, thuê người chèo ghe qua được Thái Lan… (Có lần thím tôi trở về từ Mỹ, thắc mắc hỏi “gạo tổ” là gạo gì? Trước kia thím chỉ nghe gạo nàng Hương chợ Đào. Anh em tôi cười hì hì, bôi bác: Gạo của tổ dân phố bán cho dân, cũng như cho heo ăn, vì là gạo hẩm, toàn sạn và trấu).
Hết bán chợ trời, tôi xoay qua bán guốc. Mấy cô bộ đội thích guốc lắm, vì ngoài Bắc chỉ đi toàn dép bằng vỏ xe (dép râu). Guốc có nhiều loại, đắt tiền như guốc Đa Kao, guốc sơn mài. Ít vốn, tôi chỉ bán guốc vông. Quai làm bằng nylon trắng, mỏng. Mỗi bên đóng ba cây đinh nhỏ, có mũ chụp ở đầu. Nhưng người mua sợ mau đứt, xin đóng mỗi bên bốn đinh, đã thế còn bắt nện đinh thật sâu. Họ không hề biết đinh không bao giờ sút, chỉ có quai bằng nylon dễ rách toạc. Đóng ba hay bốn đinh cũng vậy thôi. Một đôi guốc trước khi bỏ thường thay quai mấy lần. Thật khốn khổ cho cô bán, lúc trước nện sâu bao nhiêu, bây giờ cạy ra khó bấy nhiêu.
Đóng guốc sưng cả tay, tôi chuyển qua mua khoai mì vạt trên chợ Cầu Muối, làm bánh khoai mì bán ở trường học ngày xưa. Lũ bạn tôi, toàn cậu ấm cô chiêu, thích tụ tập chuyện trò, rủ nhau vô vườn Tao Đàn bán cà phê dã chiến. Mỗi đứa phải giữ một món, năm cái ghế nhựa thấp lồng vào nhau. Hải móm được phân công mang về nhà mỗi tối. Cái bàn gỗ xếp thì giao cho Tuấn harmonica (thổi nhuyễn nhừ). Còn cái tủ kính vuông, kích thước nửa mét, thì là phần của Nghĩa bạc đầu. Con gái lo mua cà phê và giữ cái ấm nấu nước sôi, kèm thêm vài cái ly, muỗng.
Từ Trương Minh Giảng, đi và về tới chợ Cầu Muối, phải đi ngang vườn hoa Tao Đàn (hồi đó không gọi công viên). Tiếng kèn của Tuấn vọng ra cho tôi biết tụi bạn ở đâu. Chúng nó tròn mắt khi thấy một bao to khoai mì ràng ở yên sau. Em tôi có gắn thêm tấm ván để bao khoai mì được giữ vững. Cũng chính cái xe này, em tôi (kỹ sư Phú Thọ tương lai, trước 75 là Tú tài hạng ưu), dùng chở gạo từ xa cảng Phú Lâm, để mẹ có thể rảnh tay đi xe buýt về, cho đỡ tốn tiền đi xích lô máy.
Mua khoai mì vạt, em tôi dùng một tấm thiếc to, đục lỗ, cắt ra từ bình dầu ăn viện trợ của Mỹ có hình hai bàn tay vắt chéo. Em bào xong, chị chế biến đủ loại bánh bằng khoai mì. Nướng, hấp, bánh tằm. Mỗi sáng sớm, tôi mang bánh đi cửa sau nhà trường, nhờ bà lao công bán. Tới chiều, chờ mọi người về hết, tôi mới dám vô lấy tiền, mang bánh ế về. Ngày xưa ông Carnot trở về trường cũ vinh dự bao nhiêu, thầy trò trùng phùng cảm động. Còn tôi, con bé ngoan hiền học giỏi, được các thầy gọi là “ngôi sao sáng” đi thi không cần xem bảng, bây giờ, không thể để thầy thấy mặt, vì tủi thân, dù rằng lúc đó ai cũng (nghèo) như nhau.
Bánh bán ế. Tôi chuyển qua bán bánh bao. Người làm bánh là Hồng Vân hoa khôi của trường trung học, lên đại học vẫn là hoa khôi lớp Hóa hữu cơ-Hóa vô cơ. Tôi bưng khay bánh bao vô quán cà phê hủ tiếu, đến từng bàn mời mua. Nếu không có ngày “tan hàng” 30/4, tôi đã học xong đại học. Cô Cử tương lai giờ bưng bánh bán. Hồi đó không ai màng sĩ diện, làm bất cứ gì để có tiền mua thức ăn cho cả nhà. Em trai tôi cũng mướn xích lô chạy kiếm tiền chợ phụ mẹ.
Sau vài tháng làm đủ việc, sinh viên được gọi trở về trường để học chính trị và làm công tác xã hội. Việc cần thanh niên có. Việc khó có thanh niên.
Chúng tôi làm “chim bay cò bay” thay cảnh sát giao thông chỉ đường cho xe chạy. Chúng tôi dọn dẹp đường phố. Cái bô rác khổng lồ ở cuối đường Nguyễn Văn Cừ, tới chợ Nancy, ở đó bao nhiêu năm, giờ được dọn sạch sẽ. Kế đó là đổi tiền (Tháng Chín 1975). Mỗi nhà được đổi 100 ngàn tiền cũ ra 200 đồng tiền mới. Lúc đó chưa có cell phone, còn chúng tôi bị cấm ra ngoài, vậy mà chỉ mấy hôm sau ở địa điểm đổi tiền trong Chợ Lớn, chúng tôi cũng nhắn được người nhà dùng tiền mới đi mua 100 ngàn tiền cũ (chỉ 20 đồng). Nhờ vậy tụi tôi kiếm được chút đỉnh. Đi với bụt mặc áo cà sa. Đi với ma mặc áo giấy.
Những cô cậu học trò trước kia chỉ biết đi học, vì thời thế, thế thời phải thế, giờ biết luồn lách kiếm ăn. Dần dà sự giả dối tráo trở của những người chủ mới, những kẻ vơ vét bất kỳ cái gì có thể vơ vét, làm nhiều người tỉnh ngộ. Sự dối trá của đám chủ mới thì người Bắc di cư 54 (sau gọi là Bắc Kỳ chín nút) biết từ lâu, chứ dân miền Nam thật thà chất phác không thể nào ngờ.
***
Họ vô mình ra. Dân miền Nam âm thầm tổ chức vượt biên, nhờ miền Tây sông rạch chằng chịt. Đó là canh bạc quyết liệt, đem cả sinh mạng đổi lấy tự do. Được ăn cả, ngã về không. Hoặc là con nuôi cá (vùi thân dưới biển), hay là má nuôi con. Nhà đã bị lấy, đuổi đi kinh tế mới. Bố đang ở trong tù. Thằng con trai năn nỉ: Lạy mẹ cho con đi. Đệ tam quốc gia – những nước nhân đạo – đã giơ tay đón nhận thuyền nhân. Rồi Ủy hội Quốc tế cũng phân phát thực phẩm cho những trại tị nạn. Lợi dụng cơ hội này, đám công an biên phòng và công an địa phương công khai thu tiền cho vượt biên bán chính thức. Giá cho một đầu người bán chính thức lúc đầu rất cao – 15 cây vàng (khoảng $7,000 ). Chuyến đầu đi bằng tàu sắt rất lớn, chứa năm ngàn người. Thức ăn mang nhiều đến nỗi tới đảo Mã Lai vẫn còn thừa nhiều. Khách xuống tàu, mặc complet, xách samsonite. Lộ liễu trắng trợn vậy mà vẫn cho lên bờ tị nạn.
Thừa thắng xông lên, công an làm tiếp chuyến thứ nhì, cũng vẫn năm ngàn người, nhưng thụt giá chỉ còn 10 cây. Sau đó quốc tế phát giác gian lận nên cấm. Khi bốn trại tị nạn Thái Lan, Hong Kong, Mã Lai, Phi Luật Tân quá đông, quốc tế ra lệnh “đóng cửa đảo”. Người vượt biên chết quá nhiều, thêm nạn hải tặc hoành hành, phải đóng thôi, nếu còn mở là còn người vượt biên. Ủy hội Quốc tế hứa, hãy về (để dẹp trại tị nạn), sẽ cho đi có trật tự, nhưng một số người không tin, mổ bụng tự sát, chứng tỏ họ sợ cộng sản cỡ nào.
Về sau người Việt gặp nhau ở hải ngoại thường hỏi (đi) “diện” gì? Du học (trước 75), Mít khô (thoát 75), đi ghe (thuyền nhân), dắt dây (ODP, người đi trước bảo lãnh, “quăng dây” kéo người đi sau), đóng cửa đảo. Sau này còn diện “cột dây”. Mỹ gọi là “tie the knot”, lấy vợ lấy chồng. Học sinh du học có trường hợp cũng khá vớ va vớ vẩn, cầm cự cho tới khi vớ được anh nào, thế là có thẻ xanh, sau đó có quốc tịch, kế tiếp là bảo lãnh cha mẹ, gọi là “Việt Kiều bay”.
Chúng tôi thì đành ở lại phục vụ XHCN. Sinh viên lục tục về trường, đi lao động đào kinh Lê Minh Xuân, dẫn nước ngọt vô rửa hết nước phèn, biến đất không dùng được thành đất canh tác. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Đỉnh cao trí tuệ toàn nghĩ chuyện đội đá vá trời. Chúng tôi bì bõm lội sình, đứng dây chuyền, từ người đầu tiên xúc một xẻng đất (gọi là cái leng, ống sắt dài cắt đôi theo chiều dọc), tới người cuối cùng còn một nắm tay. Con trai đứng đầu dãy, con gái đứng cuối cùng. Có sức người sỏi đá… chẳng thành cơm. Sau hai tuần, chỉ có người và leng, chẳng cần máy móc, chúng tôi đào được con kênh dài mấy cây số. Ngày đó loa phóng thanh ra rả suốt ngày bài Con kênh xanh xanh. Chẳng nên cơm cháo gì. Con kênh giờ để cho dân ngồi hóng mát. Mèo vẫn hoàn mèo.
Thời chiến tranh, nhà cầm quyền miền Bắc lập ra bức màn sắt (vô hình), người dân không được biết bất cứ tin tức gì bên ngoài. Vì thiếu thực phẩm, họ bớt gạo, giả vờ hô hào giúp anh em miền Nam đang chết đói. Dân Bắc nào có biết miền Nam lúa gạo đầy đồng, các nhạc sĩ trong Nam đua nhau làm những bản nhạc ca tụng miền Nam thanh bình, gạo trắng nước trong. Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca. Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà.
Có chỗ nào đói đâu? Còn nhạc sĩ miền Bắc phải tuyên truyền theo đơn đặt hàng. 1954, một triệu người miền Bắc lũ lượt vô Nam; chẳng thấy người nào trong Nam xin ra Bắc (ngoại trừ một số người tập kết). Chính quyền miền Bắc tìm đủ cách ngăn cản dân vô Nam (theo đúng thỏa thuận dân được quyền chọn nơi cư ngụ). Bản nhạc Gởi người em gái miền Nam của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là bài thành công nhất về tuyên truyền. Ông xót xa cho người em gái lỡ nghe lời dụ dỗ, di cư vô Sài Gòn, để rồi:
Đời nghèo không lối thoát…
Ngục trần giam hãm…
Bài hát đã lấy nhiều nước mắt của người dân ngoài Bắc mỗi độ Xuân về. Tội nghiệp cho em đời nghèo không lối thoát. Em ráng chờ: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Súng trường bắn rớt được cả máy bay Mỹ. Anh Lê Văn Tám tẩm xăng cháy như cây đuốc để phá kho đạn. Phải chạy xa lắm mới tới kho đạn. Vậy mà người ta vẫn tin. Còn chị Võ Thị Sáu khi bị giải ra pháp trường, vẫn hiên ngang hát. Phải chi có video thu lại cho mọi người xem thì hay biết mấy. Chuyện giả tưởng XHCN thì muôn màu muôn vẻ, không thể kể hết.
*****
Khi học xong khóa Chính trị, chúng tôi phải thi, gọi là bài thu hoạch (giống thu hoạch lúa). Có ba định nghĩa được giải thích khi học Chính trị:
-Hồng và chuyên.
-Hiện tượng và bản chất.
-Ba giòng thác cách mạng.
Hồng gọi là đạo đức cách mạng, là thời gian theo Đảng. Đây là tiêu chuẩn chính để cất nhắc. Chuyên là trình độ học vấn, là khả năng chuyên môn, không quan trọng. Hồng được giữ, coi như của thừa kế. Anh bạn của tôi chẳng hề muốn nghe chính trị viên lải nhải, nên sau khi điểm danh, đã đi tụ tập với đám bạn ở quán cà phê của ông bà lao công trong trường. Vì thế khi làm bài thu hoạch, có chữ nào trong đầu mà viết. Còn con gái siêng nghe giảng, nên viết ro ro. Anh ngồi cạnh tôi, cứ nhúc nhích quay qua quay lại, tờ giấy trước mặt vẫn trắng tinh. Gần hết giờ, tôi thấy anh cắm cúi viết, hết hai trang. Anh xin tôi tờ khác, lại viết kín mít hai trang. Có thế chứ. Nhưng mà, anh chìa cho tôi xem, lật qua lật lại đủ bốn trang chỉ có một câu duy nhất: Hoan hô Bác HCM. Tôi lắc đầu chịu thua. Ấy thế mà anh cũng có tên trên “bảng vàng”. Hihi huhu.
Một ngày, tôi ngồi với bạn ở trước cửa tiệm tạp hóa (ngay mặt tiền) đường Trương Minh Giảng, thấy có gánh ve chai đi ngang, trong đó chất đầy bó giấy được cột gọn gàng bằng sợi dây nhựa màu đỏ. Tôi thấy tờ đầu tiên có nét quen quen. Gọi cô ve chai dừng lại cho xem, tôi ngỡ ngàng nhận ra đó chính là bài “thu hoạch” của tôi. Tờ giấy vẫn thẳng thớm, như không có ai rờ tới, nói chi đến chuyện chấm.
Sau khi học xong, tôi được đưa về dạy ở một ngôi trường rất xa thành phố. Các cô giáo được cấp một phòng nhỏ trong trường, buổi tối soạn bài bằng đèn dầu, muỗi bay vo ve. Lương không đủ sống mà không ai dám bỏ việc. Tới năm 1988, trại cải tạo đóng cửa. Cuối năm 1989 thì có tin những người tù được chính phủ Mỹ cho đi theo diện tị nạn chính trị. Cuộc đời cô sinh viên nghèo dở qua trang mới, khi cô lập gia đình với một người vừa học xong đại học máu. Xin chấm dứt tập một của bộ phim “Đường đời vạn nẻo” sau khi bị lộn tùng phèo.
Ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh.
Một đàn rách rưới, con như bố.
Chúng tôi chuẩn bị lên tàu đến miền đất hứa.
Coi như người ta được hai, con cũng được hai, phải không bố…
___________
Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.