Ồ! Lẽ nào cha lại bỏ con…

Ảnh: GR Stocks/Unsplash

Suốt nhiều ngày nay, ông Thi bần thần trong người. Ông cứ đi đi lại lại trong căn phòng thờ, bước qua phòng khách rồi quay trở lại, trở đi nhiều lượt. Căn nhà vắng lặng tiếng nói, bóng hình của con cháu. Ông ngồi xuống chiếc ghế trông ra vườn qua chiếc cửa sổ rồi lại quay về chỗ ngồi quen thuộc trong phòng thờ, ngước nhìn lên tượng Chúa Giêsu treo mình trên cây thập giá như tìm sự ban phước cho trí óc ông sáng suốt. Ông nhìn người đàn bà trong khung ảnh đặt trên chiếc tủ bàn thờ nhỏ bên dưới rồi lẩm bẩm câu hỏi cho bà nghe nhưng cũng là tự hỏi mình: “Tôi phải làm sao đây hở bà?”

***

Sau ngày miền Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản, việc học của ông bị dang dở. Lý ra ông có thể hoàn tất bậc đại học vì chỉ còn hơn một năm, nhưng biến cố lịch sử trên đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo ngược hoàn toàn, gia đình ông lâm vào hoàn cảnh khó khăn và bản thân ông cũng nhanh chóng nhận ra sự thật và chán ghét chế độ mới. Cha ông là một viên chức cấp trung của Bộ Kinh tế thuộc chế độ cũ, cũng phải đi học tập nhiều tuần lễ về đường lối chính sách của chế độ mới, về lý thuyết kinh tế tập trung rồi sau đó bị cho nghỉ việc.

Anh cả của ông là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phải vào trại tù mệnh danh là “cải tạo” đến năm năm sau mới được thả. Là con trai kế, ông không còn tinh thần để tiếp tục việc học của bản thân. Cha ông lại có dấu hiệu hoang mang, buồn chán của người bất đắc chí khi từ vai trò là trụ cột của người chồng, người cha của gia đình lại trở thành kẻ vô công rỗi nghề, vô dụng, nhìn người vợ đảm đang nhưng chưa từng biết buôn bán nay phải chạy chợ từng bó rau con cá. Cha ông dần dần đắm chìm vào sự cầu nguyện suốt ngày đêm và uống rượu. Ông còn mấy đứa em nữa, trong đó cô em kế vừa xong trung học cũng bỏ dự tính thi vào ngành sư phạm để trở thành cô giáo.

Ông đã gặp bà trong những ngày nửa lông bông, nửa buôn bán chợ trời, có khi làm công nhân tổ hợp, có khi đạp xích lô, ba gác chở thuê. Bà cũng từ một gia đình nghiêm phong lễ giáo có cha là một giáo sư trung học, cũng vì cuộc sống miếng ăn mà bỏ học ra chợ buôn bán lo cho cha mẹ và các em. Ông lấy một chiếc ghế dựa, đặt sát bàn thờ, cầm ấm trà và chiếc tách đặt lên bàn thờ rồi bắt đầu cuộc độc thoại với vợ.

Ảnh: Jr Korpa/Unsplash

Ừ! bà nghe tôi nói chuyện với ông ấy rồi đấy. Bà đừng trách tôi tại sao không dừng ngay sau khi biết chính là ông ấy. Tôi đã bao giờ tiếp xúc với ông ấy đâu, vả lại mình phải lịch sự chứ bà, phải nghe người ta nói rồi từ từ giải quyết. Bà lại bảo tôi lành quá chứ gì? Cha mẹ chúng ta có dạy chúng ta cư xử hung hăng hay làm điều ác đâu. Cho dù cuộc sống thế nào thì đấy cũng là số mệnh của chúng ta, cũng đừng làm điều gì không tốt bà à. Mà bà chê tôi lành tính quá sao lại ưng tôi?

Mặt ông tươi tỉnh lên khi nhớ về thời gian ấy. Ông cầm tách trà nhấp một ngụm… Bà thì nhanh nhẹn còn tôi thì chậm chạp. Ngày ấy bà vui vẻ, tươi cười trông bà xinh quá. Gương mặt bà lúc nào cũng sáng đẹp, cũng hoạt bát lại ưng anh chàng ít nói như tôi. Đấy là luật bù trừ đấy bà ạ. Nếu bà không thỉnh thoảng chạy sang nhờ tôi trông hộ hàng thì tôi cũng chẳng dám hỏi chuyện. Khối tay mồm mép hơn tôi, buôn bán lớn hơn tôi cứ đon đả với bà, như tay gì có cái sạp to ngay đầu dãy… tay gì… ừ, ừ thì thôi, bà không thích nhắc đến bọn họ thì tôi thôi. Rồi đến hôm bà hỏi tôi có tiện đường cho bà quá giang về. Tôi hỏi nhà bà ở đâu, bà bảo ở trên Phú Nhuận, còn nhà tôi ở mãi bên cầu chữ Y mà tôi cũng gật đầu bảo tiện.

Bà biết khi ấy được chở bà, nghe bà kể chuyện sau lưng tôi thích lắm, bà biết không? Chiếc xe mobylette cà xịch cà tàng ấy mà, bà nhớ không? Hôm nào bà có người nhà đón hay bà đi với ai khác dù là một chị bạn tôi cũng cảm thấy buồn suốt buổi tối hôm ấy cho đến sáng hôm sau gặp lại thấy bà vẫn cười với tôi, lòng tôi mới nguôi ngoai. Tôi biết tôi thương bà rồi.

Tôi thương ông cụ nhà bà lắm. Cụ thật là nhân hậu. Trời sinh cụ ra đúng là để làm thầy giáo. Cụ trang nghiêm, mực thước và hiểu cuộc đời. Không phải tôi khen vì cụ chấp thuận tôi làm rể đâu. Bà có cho tôi vào nhà thì tôi mới gặp cụ đấy chứ. Cứ đến đầu ngõ dưới gốc cây mận là bà bảo dừng lại để bà đi bộ vào. Tôi thì muốn đưa bà đến tận nhà kìa. Có hôm bà kể cây mận ấy sai trái lắm lại ngọt nữa.

Chủ nhà rất tốt bụng, đến mùa hái xuống biếu cho cả xóm ăn lấy thảo. Ừ, người miền Nam mình sống với nhau thơm thảo lắm, tình nghĩa xóm làng luôn đằm thắm. Hôm đầu tiên gặp cụ rồi trò chuyện, cụ hỏi tôi về gia cảnh, biết cha tôi là công chức rồi đã bị cho nghỉ việc, cụ rất thông cảm. Cụ vẫn đi dạy nhưng tinh thần có còn như xưa đâu. Vì nghiệp, vì trẻ, vì kinh tế gia đình mà tiếp tục đấy thôi. Chính vì thế cụ đâu có quan tâm đến chuyện giàu nghèo. Tôi xin cưới bà, cụ đồng ý ngay còn tỏ vẻ muốn giúp tôi nữa đấy.

Ảnh: Jr Korpa/Unsplash

Ừ, lần ấy bọn chúng đuổi chợ, bà vội quơ hàng chạy, ngã sóng soài, tôi đau lòng quá vội chạy lại đỡ bà dậy. Một tay vẫn còn túm tấm bạt bọc hàng hóa, một tay tôi nắm tay bà. Thằng trật tự đến gần vụt cây ma trắc, tôi xoay người tránh được, cái cây vụt trúng làm rách tấm bạt. Cũng may chúng chẳng lấy gì chỉ đuổi chúng ta không cho họp chợ buôn bán, nhưng mà thời ấy chợ trời mọc khắp nơi, nhà nhà mang đồ đạc ra bán để mà sống. Rồi chúng cũng phải cho người dân bán buôn chứ.

Hai đứa con của chúng ta lần lượt chào đời mà cuộc sống của vợ chồng mình cứ túng bấn. Tôi làm công nhân, bà chạy chợ suốt mà mãi chẳng khá. Ừ, thì chúng ta còn cha mẹ già, còn các em phải lo, phải phụ giúp cha mẹ. Phải thế thôi bà ạ! Ngày ấy bà thích ăn bánh cam nên gọi con gái đầu lòng của chúng ta là bé Cam, còn thằng cu là Sa. Sương sa, sương sáo uống một ly vào giữa trưa nắng thật là mát miệng, mát bụng.

Thế mà vợ chồng mình phải chia lìa, phải bàn tính với nhau chuyện vượt biên để tìm đường sống. Tôi đi trước để tìm cơ hội cho mẹ con bà đi sau. Một mình tôi thôi mà vợ chồng xoay mãi cũng chỉ có vài chỉ vàng, may là nhờ mấy người quen giới thiệu chủ ghe mới cho đi, lại phải hứa trả sau. Không có ai bên này bảo lãnh, tôi phải ở đảo gần hai năm mới được vào Mỹ, rồi đi học tiếng nói xứ người, học nghề rồi đi làm để kiếm tiền lo việc bảo lãnh mẹ con bà. Cực khổ trăm phần nhưng tôi biết bà ở lại còn khổ hơn tôi. Nào miếng ăn, nào con cái, nào gia đình… Vợ chồng mình lại lạc tin nhau… Chúng ta thật là bất hạnh.

***

Bà đừng khóc nữa. Tôi đã bảo là không trách bà rồi đấy kia mà. Nếu trách tôi có lo cho con không? Bà thấy con không? Chúng lớn hết rồi đấy… Sắp đến lễ Thanksgiving rồi… Cho con nó đi bà nhé. Đi thăm ông ấy. Dù gì… rồi sau đó con nó sẽ tự quyết định.

Ảnh: Jr Korpa/Unsplash

Đoạn này do người viết kể… Trong những năm đầu tiên trên xứ sở mới, ông Thi miệt mài làm việc nhưng do không có người thân thuộc lại chuyển nơi ở nhiều lần, ông đã mất liên lạc với vợ con. Tại Việt Nam, cuộc sống của gia đình chồng quá khó khăn, bà Thi đưa hai con về sống với cha mẹ ruột. Một lần, có người nói cho bà biết là ông Thi đã có vợ khác tại Mỹ, người ấy còn đoan quyết là đã thấy ông chở một phụ nữ trên xe. Thực sự đó chỉ là người đồng hương cùng làm việc trong hãng và hai người đi chung xe để tiết kiệm (carpool). Sau đó, bà gặp một người đàn ông khác và có một đứa con với người đàn ông này.

Bà không biết người đàn ông này đã có vợ và khi được đi Mỹ, ông ta đã bỏ rơi bà. Lúc này, hồ sơ bảo lãnh vợ con của ông Thi lại được gửi về. Bà Thi phát hiện mình bị bệnh ung thư. Khi ông Thi về nước và biết chuyện, ông sẵn lòng bảo lãnh luôn cho đứa con sau này của bà. Ông không trách bà mà lại tự ân hận vì đã để bà không nơi nương tựa trong nhiều năm. Bà Thi mất đi, ông làm đám tang rồi mang hài cốt của Bà sang Mỹ cùng với hai đứa con, Cam và Sa. Ông bổ túc tên đứa bé vào hồ sơ bảo lãnh. Chẳng bao lâu sau, ông lại về đón đứa bé nhất sang khi nó chưa đầy năm tuổi. Ông vẫn cô thân gà trống nuôi các con cho đến lúc trưởng thành, lập gia đình cho hai đứa con lớn, vui với các cháu. Đứa con gái nhỏ nhất đã vào đại học và một ngày cú điện thoại không mong đợi chợt reo…

*****

Đứa con gái thét lên: “Con không gặp ông ta…” Rồi nước mắt nhạt nhòa trên gương mặt, nó hướng về ông, nói tiếp, giọng thê lương: “Cha bỏ con…”

Ông sững người: “Ồ! Sao con lại nói thế? Cha chỉ bảo con đến gặp ông ấy một lần… Dù sao ông ấy cũng là cha đẻ của con. Ông ấy đang bệnh nặng…”. Đứa con gái ôm mặt khóc vẫn lắc đầu.

Cam đến ngồi bên cạnh, ôm lấy vai em rồi nói: “Chị sẽ đi với em. Chịu không? Có cả anh Minh (chồng của Cam) nữa. Sa với Thảo (vợ của Sa) đi không? Đi nhé. Tất cả anh chị em mình cùng đi”. Ông thở nhẹ: “Ừ, các con cùng đi với nhau. Các anh chị đi với em cho nó yên tâm. Thủy Tú! Con là con của cha. Mãi mãi con là con của cha. Con nhớ nhé. Lẽ nào cha lại bỏ con”…

__________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: