Hình trại PFAC chụp từ ngoài biển vào (ảnh: tác giả gửi)

Bản Ghi Nhận (The Memorandum of Understanding) được ký kết giữa Sister Pascale Lê Thị Tríu, đại diện cho Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân với bà Thư ký Lina Laigo đại diện cho Chính Phủ Phi dưới sự chứng kiến của Tổng Thống Fidel Ramos ở Phủ Malacanang vào ngày 17 Tháng Bảy 1996, cho phép thuyền nhân Việt Nam được ở lại quốc gia này có thể xem như là sự kết thúc một giai đoạn đầy đau thương của người vượt biển trên đường tị nạn tìm tự do.

Còn nhớ, lúc đó người Việt khắp mọi nơi trên thế giới vỡ òa trong sự hoan ca, mừng cho đồng bào Việt Nam ở Phi thoát khỏi kiếp nạn. Ngay khi Khánh Ly cất lên bản tình ca “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác như một lời tri ân, một tâm sự của người lánh cư Việt Nam đối với Phi Luật Tân được ra đời, nhiều con tim đã thổn thức:

“Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, một vòng tay vừa mới mở ra, cứu anh em những đời mạt vận đường mơ đi càng lúc càng xa… hai mươi năm tưởng đã vàng phai… ngậm oan khiên đợi mãi một ngày. Hãy nói cho mọi người cùng nghe, “người đã cứu người!” Hãy nói cho mọi người cùng nghe, Làng Việt Nam đang xây thêm bên ngoài Việt Nam… Lời cầu kinh đã có người nghe… có tin vui giữa giờ tuyệt vọng… tạ ơn trên “người vẫn thương người!”  

Thế là sau hơn bảy năm đảo bị đóng cửa và tranh đấu chết sống, những thuyền nhân quyết tâm ở lại đã được định cư tại chỗ và “Làng Việt Nam” bắt đầu thành lập tại Santa Lourdes trong vùng Honda Bay; nằm cách trại cũ mười ba cây số, khá xa thành phố Puerto Princesa. Nhờ tiền quyên góp hơn một triệu đô của đồng bào bên Mỹ giúp đỡ cho nên dù không tới được đệ tam quốc gia nhưng chúng tôi vẫn còn may mắn hơn các thuyền nhân tại các quốc gia khác là được ở lại Phi, hơn là bị trả trở về với chế độ cộng sản tàn ác, phi nhân, có ngục tù đang chờ đón.

Vùng này là nơi có hàm lượng thủy ngân (Hg) rất cao. Qua một số sách báo và tài liệu về môi trường của Phi thì biết được rằng giới chức chuyên về ô nhiễm môi trường từng có nhiều văn bản báo cáo chính phủ các trường hợp người dân sống quanh vùng này – sau năm, mười năm sử dụng nguồn nước chứa thủy ngân, ăn rau quả trồng trên Santa Lourdes cũng như hải sản – đã bị nhiễm độc thủy ngân rất nhiều. Một số bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh và ngoại biên làm hại thận, phổi; số khác thì bị vàng da, mắt lồi và nhất là đối với phụ nữ có thai (trí não của thai nhi không thể phát triển)…

Ngoài ra, không ai biết đến bao lâu chính phủ Phi cấp quy chế thường trú nhân cho người lánh cư nên suốt thời gian sau đó, thuyền nhân không được đi làm hay đi học vì chưa có tư cách pháp nhân. Người lớn và trẻ em có thể đến trường “dự thính” nhưng mãn khóa sẽ không được cấp chứng chỉ hay bằng cấp như công dân Phi. Thời gian này, “Làng” mới đang thành hình, chưa có công ăn việc làm cho mọi người. Cuộc sống của thuyền nhân vẫn còn đen tối và bấp bênh. Trước hoàn cảnh ấy, một số lớn thuyền nhân “bỏ làng” để ra ngoài xã hội Phi, tha phương cầu thực bằng cách đi bán “Bà Ba Ngố!” Đây là phiên âm tiếng Tagalog của Phi, có nghĩa là “dầu thơm” trong tiếng Việt.

Chuyện “Bà Ba Ngố” bắt đầu từ nhiều năm về trước. Khoảng cuối năm 1992, có một em thiếu niên đơn hành (unaccompanied minor) sau khi “rớt” thanh lọc đã trốn trại lên thủ đô Manila sống. Tại đây, em được các dì người Việt theo chồng Phi về nước trước ngày 30 Tháng Tư 1975 giúp mua trước trả sau một số đồ đạc để mang đi bán kiếm tiền độ nhật. Hàng hóa gồm quần áo trẻ em, giày dép, đồ lót phụ nữ hay bình, hũ, tranh, sơn mài để trang trí nhà cửa mà mấy dì mua từ Việt Nam về để bán hay bỏ mối cho những người bán lẻ ở các chợ nhỏ.

Ngày ngày em mang ba lô đựng đầy các thứ trên đi lang thang khắp phố phường ở Manila để bán “door to door”. Trong số mặt hàng này có dầu thơm hiệu Saigon được dân Phi rất chuộng. Mỗi ngày em có thể bán từ năm đến mười chai một cách dễ dàng. Vốn một chai dầu em mua là mười lăm, hai mươi Pesos lúc ấy nhưng em đã bán được cả trăm Pesos cho mỗi chai nên số tiền lời em kiếm được rất nhiều. Thế nên em quyết định không bán các mặt hàng khác nữa mà chỉ chuyên tâm bán dầu thơm. Chẳng bao lâu sau mỗi ngày em có thể bán tới dăm ba thùng tức là năm bảy chục chai và em trở nên giàu có, cuộc sống vương giả hẳn lên. “Bà Ba Ngố” hay còn gọi là đi “bán dầu” ra đời từ đấy!

Tin này từ từ đưa về tới dưới trại tị nạn làm thiên hạ xôn xao. Dần dà một số người  thất vọng với cuộc sống tăm tối, chán nản trước tương lai mù mịt, thanh lọc bất công và sợ bị cưỡng bách về Việt Nam, đã bắt chước em trai kia trốn đi. Theo nhau qua những cơn đau, họ rủ rê “đi buôn cho có bạn, đi bán cho có phường” nên số “missing persons” càng ngày càng nhiều. Và họ không những chỉ ở Manila thôi mà còn bắt đầu đi sang các đảo khác như Ilo Ilo, Tacloban hay xuống tận thành phố Davao ở Mindanao của Phi…

Lớp người này bày ra một cách mua bán mới để phát triển công việc làm ăn dưới hình thức “bán nợ, trả góp” mà tiếng Phi gọi là “Utang.” Người Phi rất thích mua nợ. Do đó thuyền nhân chỉ việc mang hàng hóa tới rồi bày ra cho họ chọn lựa. Ai lấy thứ gì chỉ cần ghi tên, món hàng và số tiền vào sổ thôi. Người bán giữ sổ này đến kỳ lấy nợ thì coi theo sổ để thu tiền. Trả góp thì tùy theo trị giá món hàng mà chia ra làm mấy kỳ.

Mỗi kỳ như vậy gọi là một “give!” Ở Phi Luật Tân thì công nhân viên chức thường lãnh lương hai lần trong một tháng nên người Việt cũng dựa trên căn bản này để “thu nợ”, nghĩa là mỗi tháng họ cũng tới hai lần vào hôm sau ngày lãnh lương của người mua để lấy tiền. Do đó món hàng họ thường bán là “two gives” tức trả hai kỳ. Ví dụ họ bán đôi guốc hai trăm Pesos thì họ sẽ đi lấy hai lần tiền, mỗi lần là một trăm Pesos vào ngày mười sáu và ngày hai của tháng sau. Nếu chậm lắm là thêm một ngày sau nữa thôi bởi vì nếu đi thu trễ quá thì người ta sẽ xài hết tiền là đành phải khất lại một kỳ thì mình sẽ tốn thêm thời gian.

Thường thì thuyền nhân mang đồ đạc vào mấy trường tiểu học bán cho các thầy cô giáo ngay trong giờ dạy học. Rồi dần dần họ vào tận các trường trung học, đại học, xã, ấp mà tiếng Tagalog của Phi gọi là Barangay; hay toà thị chính (Municipal) hoặc trạm y tế… bán luôn.

Bán “Utang” lời nhiều nhưng đòi hỏi phải có nhiều vốn, chịu khó, kiên nhẫn, tốn nhiều thời gian đi thu nợ, và chấp nhận rủi ro mất mát lúc bị quỵt nợ! Người Phi rất tốt và hiền lành tuy vậy đôi khi cũng gặp người xấu giật tiền hay hàng hóa thì chẳng biết ai để kiện cáo hay thưa gửi gì được vì chưa có giấy tờ định cư hợp lệ. Vì lẽ đó, buôn bán “Utang” cũng khá phiêu lưu và có cái bất lợi của nó về mặt pháp lý.  Còn đi “door to door” thì bán lấy tiền mặt ngay, yên tâm hơn nhưng vất vả do tay xách nách mang hoặc vai đeo ba lô nặng trĩu, hai tay cầm hai giỏ đồ nặng trịch lại phải lội bộ nhiều dưới trời nóng gắt, rất mệt. Lâu lâu lại còn bị chó cắn hoặc rượt chạy có cờ nữa!

Một số kẻ khác ít vốn, không muốn mất mát, chọn phương cách buôn thúng bán bưng ở chợ hay bày hàng hóa trên các lề đường, hè phố tại những đô thị lớn. Bán kiểu này cũng có tiền mặt liền nhưng thường chỉ đủ ăn hoặc dư giả chút đỉnh thôi chứ không thể làm giàu được. Do vậy, đời đi buôn “Bà Ba Ngố” của người lánh cư ở lại Phi ngày càng phong phú nhưng cũng vô vàn phức tạp hơn từ dạo đó và cũng nhờ như thế mà nhiều kẻ ra đi khấm khá lên nếu chịu khó cần kiệm, chí thú mua bán sau dăm ba năm. Thỉnh thoảng họ trở về trại thăm gia đình hoặc thân nhân bạn bè với nhiều quà cáp và tiền bạc. Từ đấy hễ thấy ai biến mất khỏi trại một thời gian là người ta biết kẻ ấy đã đi bán “Bà Ba Ngố”, lâu ngày lại hài hước gọi là “một cõi đi dầu!”

Tuy “có tin vui” cho thuyền nhân được định cư tại chỗ và Làng Việt Nam được thành lập, nhưng theo BPSOS lúc ấy thì họ vẫn tin rằng sẽ có một số người “broken family” vì có vợ hay chồng đang ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ được định cư nếu tiếp tục tranh đấu nên gợi ý thành lập một Niệm Phật Đường tại Manila cho đồng bào Phật tử có chỗ cúng bái thờ phượng trên đường đi buôn bán, đồng thời cũng lấy nơi đó làm văn phòng giúp đỡ pháp lý cho thuyền nhân.

Với sự giúp đỡ bảy trăm đô la ($700.00) ban đầu của BPSOS, từ Mỹ gửi qua, cùng nỗ lực to lớn của cô Hằng Phương, một huynh trưởng cấp tập của gia đình Phật tử theo chồng là bác sĩ người Phi hồi hương về nước năm 1975, sư cô Thích Nữ Diệu Thảo đã thuê được một căn nhà làm “Niệm Phật Đường” tại Merville-Paranaque với giá mười lăm ngàn Pesos ($500.00) một tháng. Rồi hàng tháng BPSOS phải gửi qua giúp Niệm Phật Đường cả ngàn đô để trang trải cho chi phí thuê nhà, cũng như tiền điện, tiền nước, tiền ăn uống và đi lại của luật sư. v.v…

Sau này đồng bào đi mua bán khá giả lên nên mỗi lần ghé thăm hay về làm giấy tờ, bà con thường đóng góp vào quỹ để sư cô chi tiêu nhưng vẫn thiếu hụt vì số lượng người làm giấy tờ mỗi lúc một đông. Nhiều khi “chùa” chật cứng như nêm, cái ăn không đủ, chỗ ngủ không có, thiên hạ sống chen chúc, tạm bợ vài ngày rồi trở lại đảo mình đang mua bán. Mọi nhu cầu cần thiết tăng vọt nhưng ai ai cũng cảm thấy vui mỗi khi về Niệm Phật Đường như là về nhà vậy bởi ngày qua ngày chỗ này trở thành nơi hội họp, gặp gỡ của dân “Bà Ba Ngố” đi buôn tứ xứ để lấy tin tức hay nghe ngóng chuyện Làng Việt Nam dưới Palawan sau mỗi bận về Manila hay Baclaran bổ hàng hoặc làm giấy tờ.

Giai đoạn này có anh Trần Quang Nhân đang làm việc trong chính giới của Hoa Kỳ và nhiều lần anh đã nỗ lực đi “lobby” giúp BPSOS như một thiện nguyện viên trong việc vận động cho thuyền nhân. Anh thường xuyên bay từ Mỹ sang Phi thúc đẩy chương trình này hoạt động. Nhân đã ở nhiều tháng liền với người tị nạn trong điều kiện sống vô cùng chật vật bằng tài chánh của mình. Theo ngày tháng trôi đi mọi chuyện ổn định hơn và công việc tiến triển thuận lợi dần.

Rồi em Nguyễn Hoàng Vũ; một luật sư trẻ tuổi, đẹp trai, vui tính, vừa mới ra trường bên Úc là người đầu tiên tới Phi để bắt đầu làm việc cho chương trình này qua sự hợp tác giữa BPSOS với Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Úc Châu do bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến và anh Đoàn Việt Trung phụ trách. BPSOS có nhiệm vụ hỗ trợ tài chánh, phía bên Úc lo nhân sự. Lúc này vì Niệm Phật Đường chưa chuẩn bị xong nên BPSOS và sư cô Diệu Thảo thu xếp để Vũ ở nhờ trong một nhà thờ lớn do Cha Joseph Vũ Đảo quản nhiệm gần phủ Malacanang (Dinh Tổng Thống) trên đường Jose P. Laurel, San Miguel, thuộc khu vực Metro Manila.

Sau ba tháng đi tiên phong, mở đường cho kế hoạch mới, Vũ trở về lại Úc thì người ta thấy có cô Trà My từ Texas tới rồi luật sư Trịnh Hội sang, sau khi chấm dứt thời gian thiện nguyện ở các trại cấm Hong Kong mà ngày nay hẳn mọi người đều biết đến anh.

Thời gian này vì sinh kế tôi và anh Khánh; người phụ trách kỹ thuật cho chùa Vạn Đức ở PFAC hồi trước, đã tới tận Cebu rồi dùng Super Cat mà Việt Nam hay gọi là “tàu cánh ngầm” sang thành phố Dumaguete ở vùng Negros Oriental, miền Nam của Phi Luật Tân để buôn bán. Nước Phi có hơn bảy ngàn đảo lớn, nhỏ với khoảng trên bốn ngàn thổ ngữ nhưng sau này chính phủ quyết định chọn tiếng Tagalog làm ngôn ngữ chính. Tuy nhiên ở đây người dân vẫn dùng tiếng Visayas trong giao tiếp. Cuộc đời mua bán đầu đường xó chợ để sinh tồn của tụi tôi bắt đầu từ đây.

Mỗi sáng khi trời còn mờ đất là chúng tôi đã lỉnh kỉnh vác đồ đạc đựng trong các bịch ny-lông trắng thật to có sọc đỏ cùng ba lô, túi xách ra khỏi nhà, đón tricycle tới bến xe Jeepney để bắt xe đi tiếp đến chợ Tanghay cách nơi tôi ở cả giờ đồng hồ, rồi kiếm chỗ trống hay góc phố nào đó bày hàng ra bán. Ngoài một số mặt hàng Việt Nam thì chúng tôi còn bán cả giày dép nam nữ, quần jeans hiệu Levis hay Docker, áo thun Tommy, Fila, dầu thơm Eternity, Polo, đồng hồ đeo tay đủ loại mua ở Baclaran hay Quiapo nữa. Tất cả các mặt hàng này đều là hàng giả do người Tàu ở Phi sản xuất trong nội địa và đóng mác (mark) nước ngoài rồi đưa về đây là các trung tâm thương mại sầm uất, chợ đầu mối của người Tàu tại Manila để dân chúng từ các đảo xa mua về bán lại!

Nếu ngày xưa Việt Nam mình có câu “Hong Kong bên hông Chợ Lớn” thì ngày ấy cũng có thể so sánh một cách ví von là “Hong Kong bên hông Phố Tàu” tại Phi vậy!

Suốt gần bốn, năm tháng trời lam lũ “buôn thúng bán mẹt” từ đầu đường tới xó chợ, từ Tanghay tới Bais rồi có hôm đi sang tới các chợ ở đảo Cebu hoặc Bacolod hay Tacloban mà vẫn không đủ ăn. Anh em tôi bắt đầu mệt mỏi và chán nản. Một hôm, ngay lúc trời còn tối chúng tôi đã thức dậy và sửa soạn đồ đạc rồi ra khỏi nhà đón xe buýt lên tới tận chợ Bayawan cách thành phố Dumaguete hơn cả trăm cây số để bán. Nhưng có lẽ hai đứa tôi không có “giang” mua bán nên suốt buổi chợ này tụi tôi chẳng bán được món hàng nào dù người qua lại khá tấp nập mà chẳng ai để ý tới hàng hóa và nhìn đến mình.

Đứng lặng lẽ trong góc chợ, hai thằng tôi quá thất vọng, buồn bã vì mệt và đói. Cô đơn, lạc lõng tràn ngập cõi lòng! Tôi cảm thấy như mình đã bị đẩy ra bên lề xã hội và đang đi bên cạnh cuộc đời này. Bao nhiêu năm lăn lộn sống chết cho tự do giờ lại vô tích sự trong xó góc của cuộc đời để thấy cái kẹt không lối thoát của đời người khiến tôi ngao ngán. Cảm giác đời mình bây giờ tựa như một dòng sông đã bị lãng quên chợt làm tôi nhớ đến hai câu thơ của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên:

Đời, vốn không nương người thất thế

thì thôi, ô nhục, cũng là danh!

Chúng tôi quyết định trở về lại Manila, buôn bán quanh quẩn trên hè phố qua ngày cho đến khi nhờ sự vận động mạnh mẽ của tổ chức BPSOS và làm việc không mệt mỏi của luật sư Trịnh Hội, cuối cùng là tổ chức VOICE mà nhiều năm sau đó lần lượt toàn bộ thuyền nhân còn sót lại đã may mắn được lên đường định cư ở Hoa Kỳ, Canada và các nước Bắc Âu, chấm dứt ngày tháng bấp bênh bởi lòng nhân đạo vô bờ bến của chính phủ những nước này.

Buổi lễ ký kết MOU (Memorandum of Understanding) – ảnh: tác giả gửi
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử ở University of SC, Michael Le gia nhập quân đội Hoa Kỳ; giải ngũ với chức vụ First Warrant Officer, Michael Le trở lại trường và hiện là sinh viên y khoa năm cuối của khoa giải phẫu tim (ảnh: tác giả gửi)
Cha Sinh trong ngày thụ phong linh mục tại MA (ảnh: tác giả gửi)
Cha Sinh (ở giữa) và Cha Tài (bên phải) cùng các thuyền nhân ở PFAC trong ngày mừng Cha Sinh trở thành linh mục (ảnh: tác giả gửi)

Để các quốc gia đã cưu mang mình không bị gánh nặng, chúng tôi đã ra sức làm việc ngày đêm để tự lo cho mình và gia đình. Rất nhiều người đã trở thành doanh gia, thành công giàu có trên thương trường. Lớp trẻ thì cố gắng chuyên tâm học hành, ngày nay đã có rất nhiều em là kỹ sư, phụ tá bác sĩ (physician assistant,) hay bác sĩ tương lai như em Michael Le hoặc thành diễn viên điện ảnh như anh Khánh  trong phim Vượt Sóng, linh mục như Cha Sinh Trịnh ở MA, Cha Tài ở Utah, Cha Sơn, Cha Rạng, Mục Sư Tài ở VA…

Rõ ràng là thành công nào cũng có cái giá của nó, nhưng không có thành công lớn nào mà không có đau khổ và hơn ai hết chúng tôi, những thuyền nhân cuối mùa ở Phi, sau khi đã đi qua cơn mê đời, đều trân quý tự do và ráng sống cho xứng đáng với những gì mình đã tranh đấu để đạt được vì không có hy sinh nào cho tự do được xem là quá lớn và quá đáng cả!

Ohio, ngày 11 Tháng Năm 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: