Tết ở Sungei Besi B

Minh họa: Đinh Trường Chinh

Tôi đưa mắt nhìn quanh hết ngoài sân rồi lại trong nhà, có ý tìm người trong nhóm tỵ nạn đang đứng, nằm, ngồi la liệt vẫn không thấy vợ chồng anh chị Phi đâu cả. Tôi cẩn thận đi một vòng nữa, len lỏi vào những dãy giường tầng kê san sát nhau. Lỗ tai tôi như muốn ù đi bởi tiếng ồn ào như đàn ong vỡ tổ của mọi tiếng động hỗn hợp từ sinh hoạt của hàng trăm người tỵ nạn phát ra.

Vẫn không thấy anh chị Phi đâu. Nghĩ anh chị ở trên lầu, tôi quầy quả đi nhanh về hướng cầu thang.

– Tìm “qua” hở cưng?

Một vài câu chọc ghẹo khi tôi gõ cửa mở các phòng ra tìm kiếm. Cũng có phòng tôi chẳng thấy ai, nhưng hành lý nằm ngổn ngang trên giường chứng tỏ phòng đã choán chỗ. Ở cuối dãy hành lang là căn phòng rộng nhất, không có giường, nhưng nếu xếp cá mòi thì có thể chứa 20 người là ít. Tôi bắt gặp chị Phi đang ngồi bên trên tấm ni lon lui cui soạn hành lý. Bên cạnh chị, đứa con gái nhỏ năm tuổi loay hoay vọc mấy gói mì ăn liền. Thấy chị, tôi hớn hở reo lên:

– Chị Phi! May quá, tối nay em ngủ đây với nhé?

Chị Phi ngẩng đầu lên, mặt thản nhiên:

– Không được đâu Thu ơi, đây không phải phòng mình. Mình cũng xin ngủ nhờ gia đình chị bạn.

Câu nói như gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi. Tôi chưng hửng, không ngờ chị có thể đối xử với tôi như vậy. Cùng danh sách định cư tại Thụy Sĩ, chuyến bay vỏn vẹn bốn người: Tôi, vợ chồng chị và đứa con năm tuổi, tôi nghiễm nhiên tự coi như… người nhà của anh chị. Đã thế, hồi sáng, lúc rời đảo Bidong, lần đầu tiên gặp anh chị tại cầu Jetti, hỏi thăm nhau mới biết cùng đến một nước, cùng chuyến bay, tôi đã khấp khởi mừng không sợ bị lạc lõng nữa. Chính anh Phi còn hỏi tôi:

– Dường như cô Thu bà con với anh Thạnh, trưởng ban cấp thủy ở Bidong phải không? – Tôi mỉm cười gật đầu.

Thật ra anh Thạnh và tôi chỉ là bạn đồng nghiệp cùng dạy trong chương trình “Đời Sống Mới” ở Bidong do Hoa Kỳ tổ chức. Một vài lần gặp nhau trong những cuộc họp “giáo sư” vào mỗi tối thứ hai, nên tôi biết anh ấy. Tôi cũng chưa trò chuyện nhiều với anh Thạnh. Có chăng, chỉ vài lời thăm hỏi xã giao thông thường. Thế thôi.

Anh Phi lại nói tiếp:

– Anh Thạnh nói với chúng tôi anh có cô em gái đi Thụy Sĩ, chắc là cô? Và gởi gắm chúng tôi, cô cần gì chúng tôi giúp đỡ.  

Tôi đã hân hoan sung sướng ra mặt, thấy lòng thật ấm, không còn cảm giác lạc lõng bơ vơ như lần đầu tiên xa gia đình. Tôi mừng khấp khởi với niềm hy vọng suốt đoạn đường dài còn lại tôi sẽ có người bầu bạn, tôi sẽ có điểm tựa tinh thần,… tôi… tôi… tôi không thể tả hết được cảm giác trung thực của lòng tôi sau câu nói đó.

Thế mà chỉ mới đến Terengganu, trại chuyển tiếp, để sáng mai tiếp tục lên đường đến Kuala Lumpur đợi chuyến bay, sự thật phũ phàng làm tôi đau nhói. Tôi lặng người không nói thêm được câu nào, thẫn thờ khép nhẹ cửa phòng rồi bỏ đi. Hành lang hun hút, vắng ngắt, không một bóng người. Ánh nắng vàng vọt của buổi chiều tà xuyên qua khung cửa sổ trước mặt, đổ chênh chếch xuống hành lang âm u, tăm tối. Tiếng nói cười rì rào, tiếng nồi niêu chén đũa khua động từ nhà dưới vọng lên, tôi cảm thấy cô đơn lạc lõng hơn bao giờ hết.

Lòng buồn rười rượi, tôi lững thững đi không biết về đâu. Túi xách nhỏ trên vai chỉ vỏn vẹn hai bộ quần áo, hai hộp nước, vài gói mì ăn liền, thế mà tôi thấy sao quá ư nặng trĩu. Gần đầu cầu thang có chiếc giường con lẻ loi nằm sát vách tường, không thấy hành lý, chắc chưa ai xí phần, tôi đặt mình xuống với nỗi âu lo ùa đến. Một chỗ ngủ an thân cho đêm nay! Tôi đâu vô duyên trơ trẽn đến độ làm kỳ đà cản mũi anh chị Phi. Tôi đâu muốn xâm phạm thế giới riêng của hai người. Nhưng nhà của Cao Ủy dành cho người tỵ nạn, sống chung chạ là chuyện bình thường, đâu phải cho riêng ai, vả lại cảnh vật trong phòng cũng chứng tỏ còn một gia đình khác cơ mà!

Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không mơ ước một chỗ ngủ với giường êm nệm ấm, một căn phòng thơ mộng thơm tho, tôi chỉ cần một góc xó trên nền đất lạnh “ăn lấy sống, ngủ lấy sáng” trong căn phòng ấy để cầu hai chữ bình an. Nhà dưới đã đông nghẹt người. Những dãy giường tầng cũng không còn chỗ trống. Nhiều gia đình đã phải trải tấm “ra”, tấm ni lon trên vỉa hè ngủ tạm. Còn tôi? Chỗ nào dành cho tôi? Tôi nhìn lại chiếc giường, phân vân tự hỏi sao không ai chiếm lấy nó?!

____________

Trời bắt đầu nhá nhem tối, vạt nắng cuối cùng cũng lẩn mất tự lúc nào. Nhà dưới đã lên đèn, hắt tới chỗ tôi ngồi một thứ ánh sáng vàng vọt, yếu ớt. Một vài người lên xuống cầu thang nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ. Tiếng lao xao cười nói vẫn không ngừng. Mùi bò hộp, mùi cơm chín, mùi mì ăn liền bốc lên thơm ngát. Thiên hạ đang chuẩn bị bữa ăn tối. Tôi vẫn không thấy đói. Bụng dạ tôi đầy ắp một nỗi âu lo. Tôi ngồi bất động thật lâu, ủ rũ như một con gà bị cúm. Hoang mang lo sợ, không biết đêm nay phải giải quyết thế nào. Giữa lúc đó, tôi chợt nghe có tiếng chân người nhè nhẹ đi lại phía tôi. Rồi giọng nói của một thanh niên, bằng tiếng Anh:

– Tại sao cô ngồi đây? Tôi ngẩng mặt nhìn lên, giật mình thảng thốt: Một gã Mã Lai!

Hồi còn ở Bidong, tôi vẫn thường nghe nói lính Mã Lai ở Terengganu có người táo bạo lắm. Đàn bà con gái tỵ nạn qua đó phải cẩn thận, coi chừng. Nhưng giọng nói hiền từ của người thanh niên đứng trước mặt, tôi nghĩ không thuộc hạng người đó. Hai tháng trước, có dịp đến Terengganu cùng mười người tỵ nạn khác lãnh gương cận thị do Cao Ủy phân phát, tôi có quen anh ta cũng tại căn nhà này. Anh không phải là người chính gốc Mã Lai. Anh là Mã lai Tàu. Thân mẫu anh người Tàu, thân phụ anh người Mã.

Anh có dáng dấp của một thư sinh mảnh mai trói gà không chặt. Cặp kiếng trắng trên mắt với cái nhìn đôn hậu, nghiêm trang. Anh là một sinh viên thích làm công tác xã hội. Theo anh nói, những lúc rảnh rỗi anh vẫn thường lui tới Terengganu để giúp đỡ người tỵ nạn. Hai tháng trước chúng tôi đến đây, kẹt hai ba ngày mưa gió bão bùng không có tàu về lại Bidong, củi than hết, diêm quẹt cũng không còn, anh đã hăng hái chạy tìm mang lại giúp chúng tôi. Anh còn mua cà phê thuốc lá đãi những người cùng phái, rồi cùng chúng tôi hàn huyên trò chuyện. Anh dễ thương như thế, tình cờ hôm nay gặp lại, làm sao tôi quên được.

Anh điềm đạm hỏi tôi:

– Tối nay cô ngủ đâu?

Câu hỏi như nhìn thấu suốt tâm tư tôi, niềm xúc cảm trào dâng, tôi tủi thân tủi phận, không muốn khóc mà nước mắt cứ ứa ra. Tôi thổn thức:

– Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ ngủ tại đây.

Vừa nói tôi vừa khóc. Anh lắc đầu nhìn tôi, ái ngại:

– Cô ngủ đây không được đâu, bất tiện lắm. Cô nên vào trong kia mà ngủ.

Tôi lắc đầu:

– Những căn phòng đó đã choán chỗ cả rồi.

– Thôi được để tôi dàn xếp cho cô.

Dứt lời, anh đến gõ cửa phòng gần nhất. Còn lại một mình, tôi chua chát nhớ câu ca dao:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng!”

Người một nước với tôi thì như thế đó, còn anh khác nước thì như thế đó. Anh trở ra, đưa tay ngoắc tôi lại. Tôi bật dậy, ngập ngừng đến đứng nép bên cánh cửa. Tôi nghe anh nói:

– Cô vào ngủ giường này đi. Còn anh đây ra giường ngoài hành lang kia mà ngủ.

Tôi áy náy nhìn anh bạn đồng hương lui cui gom hành lý:

– Anh thông cảm nhé! Đây là chuyện bất đắc dĩ, ngoài ý muốn của tôi.

Anh bạn giả lả:

– Không có chi, không có chi. Chị cứ an tâm ngủ đây đi. Rồi anh vui vẻ bước ra ngoài. Tôi cảm ơn anh bạn đồng hương, anh bạn người Mã, rồi khép nhẹ cửa lại, thở phào nhẹ nhõm.

Căn phòng thật nhỏ, độ chừng vài mét vuông thôi. Vỏn vẹn ba chiếc giường. Đối diện giường tôi, cách một lối đi là hai chiếc giường tầng. Người con gái nằm tầng dưới hình như tôi đã gặp đâu đó vài lần ở Bidong. Cô gái cũng nhận ra tôi, cô hỏi:

– Dường như mình có gặp… ấy… ở đâu rồi thì phải?

Tôi tự giới thiệu:

– Tên mình là Thu. Còn… bạn?

– Còn mình là Linh. Linh nhìn tôi đăm đăm rồi hỏi:

– Mình thấy Thu rất quen. Dường như đã gặp đâu đó thì phải.

Tôi ngẫm nghĩ, chợt nhớ, tôi đã gặp Linh ở lớp Anh Văn tại Bidong. Tôi định cư tại Thụy Sĩ, đúng ra tôi chỉ cần tiếng Đức, nhưng thời gian dài ở Bidong, sách báo không có, tôi không biết làm gì để giết thì giờ. Hàng ngày mỗi sáng, ngoài hai tiếng đến lớp học Đức ngữ, buổi tối tôi dạy “Đời Sống Mới”; thời gian còn lại, tôi xách tập chui vào mọi lớp học Anh Văn, từ lớp nhỏ đến lớp lớn, không chừa lớp nào. Học để giải buồn và để sử dụng khi cần thiết. Nhờ vậy tôi biết Linh. Nhưng hồi đó mỗi đứa có một đời sống riêng. Tôi theo bạn của tôi, Linh theo bạn của Linh, nên hai đứa thấy nhau mà chưa trò chuyện bao giờ.

Bây giờ gặp nhau trong một căn phòng nhỏ, cả hai cùng lẻ loi tự nhiên cảm thấy cần nhau, rồi qua vài câu chuyện vớ vẩn, hai đứa đều thấy gần gũi và thân nhau hơn. Linh sẽ định cư tại Tân Tây Lan, cùng đi với người anh ruột tên Lộc. Anh nằm tầng giường trên. Anh Lộc đã 30 tuổi, hơn tôi hai tuổi và hơn Linh bốn tuổi. Anh không đẹp nhưng anh rất đôn hậu, hiền lành. Anh tốt nghiệp kỹ sư công chánh. Từng tuổi ấy, anh vẫn chưa lập gia đình và chưa có người yêu. Vì không rõ gia cảnh của tôi, thấy tôi vượt biên một mình, Linh ngấm ngầm gán tôi cho anh nó. Nhiều lần đang nói chuyện vui vẻ trong phòng, Linh bỏ ngang ra ngoài, để tôi sượng sùng ngồi chết trân nghe anh Lộc… phỏng vấn.

– Tại sao Thu đi một mình vậy?

– Tại Thu chỉ còn một mình.

– Còn “một mình” nữa đâu?

– “Một mình” nữa đang học tập cải tạo ngoài Bắc.

– Sao Thu không đợi anh ấy cùng đi?

– Thu đã đợi bảy năm rồi. Nhưng lần thăm nuôi cuối cùng, chồng Thu khuyên Thu ra đi. Đi để nói cho thế giới biết về chính sách bạo tàn của Cộng sản mà chính Thu vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân. Và đi để bảo lãnh chồng Thu sau này.

– Thu thuộc diện vợ sĩ quan VNCH, sao Thu không đi Hoa Kỳ?

Tôi cười buồn:

– Ở đâu cũng vậy, cũng chẳng phải quê hương mình. Thu chọn Thụy Sĩ vì có cô em ruột ở đó. Nơi xứ lạ quê người, ruột thịt không tìm đến nhau thì tìm đến ai.

Câu chuyện ngắn ngủi giúp tôi và anh Lộc thông cảm hiểu nhau hơn, nhưng giữa tôi và anh cũng như với Linh, chỉ có lòng quí mến nhau chứ không có vấn đề gì xảy ra. Tôi mến anh em Linh và Lộc trong tình cảm của người đồng hương, hay thân hơn, trong tình cảm của người một nhà.

__________

Từ ngày chồng tôi đi tù, và nhất là từ lúc bước chân xuống tàu vượt biên, bên cạnh không một người thân, một người bạn, tôi cảm thấy lạc lõng bơ vơ, hụt hẫng giữa dòng đời. Thế nhưng cũng có lúc, tôi thấy tôi mạnh mẽ như người lái con thuyền mong manh một mình chống chọi với mưa sa bão táp, nếu không vững tay chèo, con thuyền có thể lật úp bất cứ lúc nào. Có khi tôi lại thấy tôi bé bỏng, nhỏ nhoi như trẻ thơ đi lạc giữa chợ đời, đứng nhớn nhác kiếm tìm nhưng chẳng thấy người thân, phải nương nhờ vào sự cảm thông, lòng nhân đạo của kẻ đi đường. Và bên cạnh anh em Linh-Lộc, tôi tìm thấy niềm an ủi đó.

Buổi tối, trước khi chuyển trại đến thủ đô Malaysia, tôi có nói với Linh:

– Ngày mai đi Kuala Lumpur, Linh ở đâu cho Thu ở cùng với nhé!

Linh gật đầu. Tôi an tâm, xiết chặt tay nó trìu mến.

Sáng hôm sau, những chiếc xe ca lần lượt từng chuyến nối tiếp nhau đưa người tỵ nạn đi Kuala Lumpur. Danh sách anh em Linh-Lộc khởi hành trước tôi một chuyến.

Từ tờ mờ sáng, thiên hạ đã xôn xao thức dậy thật sớm. Kẻ đánh răng rửa mặt, người thu dọn hành lý. Đàn ong lại có dịp vỡ ra ồn ào huyên náo… Tôi lẳng lặng xếp hàng, nhận lương thực do Cao Ủy phân phát rồi thong thả bước lên xe. Tôi không để ý anh chị Phi có cùng chuyến với tôi không. Tôi tìm một chỗ phía trước, sát bên cửa kính để có dịp ngắm phong cảnh bên ngoài. Khoảng 7 giờ xe bắt đầu chuyển bánh. Ra khỏi tòa nhà tỵ nạn, xe băng qua những hàng cây, đường phố. Gió thổi vù vù len qua khe cửa, hất tóc tôi bay về phía sau. Sáng sớm trời mát dịu, trong lành, tôi khoan khoái hít một hơi dài, ngắm thảm cỏ xanh cắt xén gọn gàng trước sân những căn nhà sàn thời đại với lối kiến trúc mới lạ vô cùng đẹp mắt. Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên xe cộ Mã Lai đi bên trái và vô-lăng cho tài xế lại nằm bên phải.

Sáu tháng trời tù túng ở Bidong, ngày ngày chỉ thấy những căn nhà tôn xiêu vẹo chắp vá từ từng tờ giấy, tấm ni lon. Những hàng dừa xanh với con đường đất nhỏ và vùng biển buồn mênh mông mà thỉnh thoảng tôi thường ra ngồi nơi đó hướng vọng về quê nhà nhớ những người thân. Phố xá như bị bỏ quên ở vùng ký ức xa xôi. Giờ có dịp nhìn lại, tôi háo hức như một cô gái quê lần đầu ra tỉnh. Nhưng cảnh sắc hai bên đường chỉ gợi cho tôi nhớ lại những hình ảnh của quê hương. Nhớ hàng me trên đường. Nhớ phượng vĩ trong sân trường, nhớ xa lộ thênh thang, và nhớ cả từng chi tiết vụn vặt của đời sống. Tất cả đã rời xa, tôi bùi ngùi thở dài không biết bao giờ gặp lại.

Khoảng giữa trưa, xe dừng lại ở một thành phố nhỏ để chúng tôi giải lao. Tôi xuống xe đi loanh quanh, tạt vào các tiệm gần đó ngắm hàng hóa. Một người Mã Lai trong tiệm hỏi tôi, bằng tiếng Anh:

– Cô là du khách?

Tôi lắc đầu:

– Không. Tôi là người tỵ nạn Cộng sản.

Ông ta nhíu mày:

– Cộng sản?! Ồ, Cộng sản thì không tốt.

Tôi giáng thêm:

– Đúng vậy. Họ là phường đểu giả, lưu manh, lừa gạt. Ông cứ nhìn làn sóng tỵ nạn Đông Dương liều chết bỏ chạy như chúng tôi cũng đủ thấy bản chất của Cộng sản. Nếu họ đến nước ông, bằng mọi giá ông chống lại đi nhé!

Ông ta cười, gật đầu, hỏi tiếp:

– Cô định cư nước nào?

– Tôi đi Thụy Sĩ.

– Ồ, may cho cô. Vì Cộng sản nên cô được ra nước ngoài! Thụy Sĩ là… thiên đường hạ giới!

May mắn?! Có nên gọi là may mắn khi tôi phải đánh đổi hai chữ đó bằng chính sinh mạng tôi? Và bây giờ phải đánh đổi sự mất mát lớn lao: Gia đình, tổ quốc, người thân. Tôi buồn cười nhưng không dám cười về câu nói vô tư hồn nhiên của ông ta. Thì ra khi nhắc đến Cộng sản, thiên hạ vẫn ngây thơ chưa ý thức được tầm nguy hiểm của chúng. Họ chỉ mường tượng là điều không tốt, mà không hình dung rõ sự tàn độc của cộng sản như thế nào. Tôi muốn nói với ông ta nhiều hơn nữa, nhưng vốn tiếng Anh có hạn và chiếc xe của tôi cũng đang rục rịch sắp chuyển bánh. Tôi tạm biệt ông ta với nỗi ấm ức trong lòng, đành vỏn vẹn nhắn gởi ông ta một câu ngắn ngủi:

– Cộng sản không tốt. Nước ông nên coi chừng!

Xe tiếp tục cuộc hành trình. Chạng vạng tối thì tới Kuala Lumpur. Người trong trại túa ra, như thông lệ, đón người mới tới. Họ đứng lấp ló lô nhô bên trong cổng khóa, âm thanh hỗn độn, tiếng gọi ơi ới, tôi khó mà nghe, nhìn ra được hai anh em Linh-Lộc. Tôi còn đang ngơ ngác lẩm bẩm đọc hàng chữ “Sungei Besi A” bên trên cổng sắt thì chợt nghe tiếng của ban đại diện Việt Nam:

– Ai đi Úc, Canada, Hoa Kỳ thì vào trại A. Còn định cư các nước khác xin đứng qua một bên để đưa vào trại B.

Trại B, gọi tắt của trại “Sungei Besi B” nằm trên mô đất cao về phía trái, cách trại A độ chừng 200 mét. Trại B dùng toàn bóng đèn tròn, ánh sáng lờ mờ (không như trại A dùng đèn neon) nên tối âm u trông buồn héo hắt. Trại B lại không đông người. Cả trại trên dưới khoảng 40 mạng. Anh em Linh đón tôi ở cổng rào đưa về nhà mãi tít ở cuối trại. Nhà chỉ là những sạp gỗ lợp tôn, “kiến trúc” như những sạp vải lớn thời xã hội chủ nghĩa ở đường Tạ Thu Thâu. Người nằm trong sạp nếu không hạ tấm phên bằng ni lon, ban tối làm cửa, ban ngày làm mái hiên, thì có thể xem đó như những cây vải.

Theo anh em Linh về đến nhà, tôi đã vô cùng sửng sốt khi thấy vợ chồng anh chị Phi đang lù lù ngồi trong sạp. Tôi thầm phục anh chị lúc nào cũng nhanh chân và hơi ngạc nhiên không hiểu bằng cách nào anh chị lại cùng sạp với anh em Linh.

Gặp tôi, anh chị Phi không có vẻ ngạc nhiên mấy. Nhưng đối với tôi, sự đụng độ này tôi coi đó như là cái duyên. Vừa hữu duyên vừa vô duyên.

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Thật là gượng gạo khi phải sống trong hoàn cảnh đó. Ngày ngày gặp mặt nhưng không có gì muốn nói với nhau. Tôi tự dặn lòng hãy sống thu mình vào vỏ ốc. Càng thu nhỏ lại càng cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn. Buổi tối trước khi ngủ, chị Phi lấy tấm vải giăng ngang sạp, phân định riêng thiên đường của anh chị. Phần tôi và anh em Linh, vỏn vẹn chỉ được ba mét vuông. Tôi chọn vị trí sát tường làm giang sơn của tôi. Bên cạnh là Linh và cách một gang tay là phần của anh Lộc.

Nếu sự phá vỡ bức tường ô nhục Đông Bá Linh là niềm hân hoan cho người dân Đức, thì bức màn ngăn đôi sạp của chị Phi tôi lại muốn duy trì. Nhưng không, ban ngày chị Phi lại hạ nó xuống, chị nở nụ cười bang giao hữu nghị, tha thiết sống trong hòa bình “hòa hợp hòa giải dân tộc”. Chị đề nghị mọi người ăn cơm chung. Nếu phải tự nấu như ở Bidong thì chắc chắn tôi từ chối. Nhưng ăn cơm ở đây ngày ba bữa đều có nhà thầu người Mã lái xe vào cung cấp. Chúng tôi chỉ việc xách phiếu (như sổ hộ khẩu) thay phiên nhau lãnh cơm, rồi đem về bày ra ăn. Công việc hàng ngày chỉ có thế. Chúng tôi cứ tà tà ăn, chơi, ngủ.

Được một ngày thì tôi thấy ngay cái vô vị tẻ nhạt của cuộc sống. Tôi sợ “nhàn cư vi bất thiện”. Tôi rủ Linh cùng tôi lên văn phòng tìm công tác xã hội làm qua ngày. Vị trưởng trại nhìn chúng tôi cười:

– Trại B này chỉ có một nhúm người. Có công tác gì để làm đâu. Cần chăng là các lớp sinh ngữ. Hai cô có khả năng sinh ngữ không?

Tôi nhìn Linh dọ hỏi. Linh hiểu ý, trả lời:

– Linh có thể dạy Anh văn được, nhưng chỉ lớp nhỏ thôi.

Còn tôi sau một lúc đắn đo suy nghĩ, tôi lấy can đảm nhìn ông trưởng trại nói:

– Cháu có thể dạy Đức văn, nhưng lớp vỡ lòng thôi ạ.

Khi nói câu này tôi đã soát lại trình độ tiếng Đức của tôi. Thật ra tiếng Đức của tôi còn dở, nhưng tôi may mắn học trước khoảng 20 bài trong sáu tháng ở Bidong, may ra tôi có thể truyền lại những gì tôi đã thu thập được. Có nhiều người đi Đức, đi Áo, khi nhập trại Bidong hoặc không để ý theo dõi hoặc bị lỡ khóa học, nên không biết một chữ tiếng Đức nào. Trong giới mù, anh chột vẫn làm vua! Khả năng “i tờ” của tôi lẽ đương nhiên được làm “cô” những người “mù chữ” Đức!

Lớp học được thực hiện ngay ngày hôm sau, tôi và Linh mỗi đứa có khoảng mười học trò. Ngày hai tiếng buổi sáng dạy học vẫn không giết được thời gian thừa thãi, thỉnh thoảng Linh rủ tôi sang thăm trại A. Trại A đối với chúng tôi là đô hội. Nơi đó người đông, vui nhộn. Những căn nhà tiền chế tuy như cái hộp sơn trắng, nhưng trông vẫn sạch sẽ sáng sủa hơn. Muốn qua trại A không phải dễ dàng. Chúng tôi phải viết đơn bằng tiếng Anh trình xin cảnh sát ở cả hai trại. Thời gian thăm tối đa một hai tiếng trong ngày. Nhưng không phải ngày nào cũng đi được.

Có những cặp tình nhân yêu nhau không cùng một trại, đêm đêm họ lén lút trèo tường tìm nhau. Nếu bị cảnh sát Mã Lai bắt gặp, con trai bị phạt hít đất hoặc bị đánh đập, con gái bị phạt thụt dầu, vô cùng xấu hổ. Thấy khó khăn, đi phải thưa về phải trình, mà trại A đi hết một vòng cũng không còn gì hấp dẫn, tôi và Linh ngồi nhà đếm ngày tháng trôi. Nhiều lúc tôi thơ thẩn một mình dưới tàng cây trứng cá trên ngọn đồi, viết thư về gia đình, ghi lại những diễn tiến, cảm nghĩ của mảnh đời tỵ nạn.

Và cũng dưới tàng cây trứng cá, thỉnh thoảng tôi và Linh ngồi bên nhau thủ thỉ tâm sự, ngắm ráng chiều lung linh trên ngọn cỏ may ẻo lả. Buổi tối tôi có cái thú đứng trên mô đất cao nằm giữa các lớp học và những căn sạp nhìn thành phố Kuala Lumpur, thủ đô Mã Lai lấp lánh ánh đèn, trông xa như những vì sao, rồi tưởng tượng sự sinh hoạt đầm ấm của mọi nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Đất nước Mã êm đềm quá. Đêm ngày không tiếng súng nổ, không có xe tăng rền, và chắc chắn không có cả tiếng khóc tỉ tê, ngậm ngùi của cảnh nước mất nhà tan, người người ly tán.

__________

Mới đó mà tôi đã đến trại B hơn tháng. Một ngày như mọi ngày. Tẻ nhạt, buồn chán. Tôi kiên nhẫn đợi chuyến bay. Thời gian cứ thế lặng lờ trôi. Rồi một ngày, nếu không có tiếng pháo lạch tạch, dù rời rạc lẻ tẻ, hay những tia pháo bông lóe sáng từ tay bọn trẻ con trong trại, thì tôi đã không biết mùa Xuân đang về trên quê hương Việt Nam. Chỉ còn hơn tuần là Giao thừa, người trong trại nôn nao bàn tính để có chút hương vị Tết quê nhà. Một nồi bánh chưng? Một thau mứt bí? Một thẩu dưa hành củ kiệu? Không. Tất cả đều không thực hiện được trong điều kiện sống tại đây.

Tối ông Táo về Trời, tôi cùng anh em Linh, vợ chồng chị Phi, và vài người tỵ nạn trong trại quây quần kể chuyện Tết Việt Nam. Lan, một cây hề của trại, ăn nói ngổ ngáo nhưng vui nhộn, hồn nhiên. Cô đề nghị:

– Bà con, tối nay… chui lỗ chó ra phố Kuala Lumpur sắm đồ không, bà con?

Một người hỏi:

– Lỗ chó nào?

– Lỗ chó ở vách tường cuối trại, nằm sau nhà vệ sinh đó.

Rồi không để mọi người hỏi thêm, Lan huênh hoang về những chuyến đi vượt trại của cô. Lan kể, phố Kuala Lumpur mở cửa suốt đêm, đường sá thênh thang sạch sẽ, xe cộ tấp nập, nhà cao ngất ngưởng, đặc biệt là hàng hóa rẻ như bèo. Cô đã mua được vài thùng hàng gửi về Việt Nam cho gia đình. Cái “lỗ chó” bí mật này, ngoài cô ra không ai biết được. Nếu muốn đi, cô tình nguyện làm hướng dẫn viên.

Mọi người nhôn nhao, bán tín bán nghi, nửa háo hức muốn phiêu lưu, nửa e dè lo ngại. Thời gian sống ở trại B, chúng tôi không khác chi những người tù bị giam lỏng, ngày đêm cổng khóa then cài, cảnh sát canh gác. Nếu trốn ra ngoài mà bị bắt quả tang, chúng tôi có thể bị ghép vào tội tình báo Cộng sản phá hoại Mã Lai, bị đình chỉ chuyến bay và bị nhốt vào chuồng khỉ. Ánh đèn Kuala Lumpur dù quyến rũ, lôi cuốn, vẫn không lấn được lá gan như cáy của tôi. Cuối cùng, tôi đề nghị bằng giọng quân tử tàu:

– Sách nho có viết người quân tử đường đường chính chính đi cổng trước chứ không đi cổng sau, huống hồ lại phải chui lỗ chó. Ngày mai ai muốn đi thì cứ theo tôi ra xin phép ông cảnh sát gác cổng. Được thì đi, không được thì thôi. 

Rồi nhìn sang Linh, tôi dọ hỏi:

– Đi không Linh?

Linh ngần ngại:

– Thu xin được thì hai đứa mình đi.

Nói là làm. Trưa hôm sau, trời nắng gắt, đợi khi mọi người ngủ say, trại im phăng phắt như tờ, tôi và Linh đội mũ, mon men ra cổng trại nói chuyện với ông cảnh sát Mã Lai. Ông đang ngồi một mình, cây súng đặt bên cạnh, ánh mắt nhìn mông lung. Xem chừng ông đang ngủ gật. Thấy chúng tôi, ông tươi tỉnh hẳn ra:

– Chào hai cô.

– Chào ông cảnh sát.

Tôi nhìn ông dò xét. Ông còn trẻ, tuổi trạc 30. Khuôn mặt ông tròn, có cái nhìn dịu dàng đôn hậu, nụ cười cởi mở thật tươi. Dường như Linh cũng nhận ra điều đó. Nó bấm tay tôi, nói bằng tiếng Việt:

– Coi bộ ông này dễ à Thu. Thu nói đi! 

Tôi an tâm nhưng vẫn chưa mạnh dạn vô đề. Tôi nói vòng vòng:

– Ông ngồi gác một mình ở đây chắc cũng buồn ông nhỉ?

– Tôi quen rồi. Nhưng ngày mai thì tôi sẽ đổi ca.

Linh thở ra:

– Ông đổi ca, được về với gia đình, được bát phố, vui rồi. Có đâu như tụi tôi suốt ngày bị giam trong trại, buồn muốn chết!

Ông ta cười:

– Rồi nay mai các cô đi định cư, các cô cũng vui vậy.

Tôi vào đề luôn:

– Ông à, còn một tuần nữa là Tết Việt Nam, ông cho phép chúng tôi ra phố mua ít đồ sắm Tết, ông nhé?

Ông cảnh sát lắc đầu:

– Không được đâu hai cô. Nếu hai cô mất tích, chẳng những chính phủ Mã Lai phải đền cho Cao Ủy mỗi cô 7.000 đô, mà tôi còn bị ngồi tù nữa là!

Trời ơi, mạng chúng tôi chỉ rẻ 7.000 đô! Ông đã nói thật hay chỉ nói theo lời đồn?

Tôi tiu nghỉu:

– Làm sao mất tích được. Hai chúng tôi lớn rồi, biết cẩn thận chứ bộ.

Ông ta vẫn lắc đầu. Lát sau ông nói:

– Nếu muốn đi, tối mai lúc 8 giờ tôi rủ một người bạn lái Honda chở hai cô cùng đi.

Tôi và Linh sửng sốt, trố mắt ngạc nhiên. Còn gì vui bằng khi đến xứ lạ mà có người địa phương hướng dẫn. Nhưng niềm hân hoan vội tắt ngay khi tôi nhớ đến những câu chuyện hãm hiếp, bắt cóc gái tỵ nạn bán cho các ổ mãi dâm ở Thái Lan. Tôi nhìn lại ông ta với cái nhìn của thầy bói!

Khuôn mặt tròn, điềm đạm, biểu lộ người phúc hậu. Ánh mắt bình thản, tự nhiên, không thể là người gian ác. Tôi chợt hối hận vì đã nghi ngờ lòng tốt của ông ta. Nhưng tôi thấy mình không thể nhận lời ngay, không thể tin người một cách quá nhanh chóng, dễ dàng như vậy. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tôi đưa mắt hội ý với Linh. Cả hai đều không muốn bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng. Tôi tìm cách hoãn binh:

– Chúng tôi có một người anh, phải xin phép anh tôi đã.

Linh góp thêm:

– Hay ông cho anh tôi cùng đi, như vậy sẽ vui thêm.

Tôi cười thầm, con nhỏ Linh cũng khôn tận mạng. Ý kiến nó thật hay. Có anh Lộc đi theo, chúng tôi không lo gì nữa. Nhưng ông cảnh sát lắc đầu:

– Đi đông quá không tốt. Với lại tôi chỉ có hai xe.

Tôi và Linh tiu nghỉu ra về. Tự nhiên tôi thấy ghét ông ta. Có thể ông thành thật, nhưng chúng tôi không thể không e dè. Những ngày sau đó, một ngày lại như mọi ngày. Chỉ có tiếng pháo lạch tạch của bọn trẻ là làm không khí đổi khác, nhất là hôm sắp đón Giao thừa. Từ chiều, không ai bảo ai, cả trại thi nhau dọn dẹp. Đồ đạc chăn mền xếp đặt ngăn nắp gọn gàng hơn. Nhà cửa được quét dọn sạch sẽ. Một đống rác thật lớn được huy động đặt trên mô đất cao. Các cậu trai tăng cường thêm cỏ khô. Phải đốt lửa trại đêm nay để sưởi ấm những tâm hồn tha hương lạnh lẽo…

Mười giờ đêm, ông trưởng trại châm mồi đốt rác. Lửa cháy bùng lên, sáng rực cả trại. Những ngọn pháo bông của các em bé tô điểm thêm không khí ngày Xuân. Một vài người tinh nghịch ném lon hộp vào đống lửa, tiếng nổ lớn như pháo tống, nghe thật vui tai. Người trong trại từng nhóm tụm năm tụm ba quây quần kể chuyện Tết. Những đứa trẻ mặt mày hớn hở, dù không có quần áo mới vẫn cảm nhận được ngày trọng đại của một năm. Chỉ riêng tôi là lòng buồn héo hắt.

__________

Đã lâu rồi, mùa Xuân không hiện hữu trong tôi. Hình ảnh tiều tụy đói rách trong trại tù của chồng tôi luôn lờn vờn trong trí, càng rõ nét hơn trong giờ phút linh thiêng như hôm nay. Rồi tôi hình dung nỗi quạnh quẽ của bố chồng tôi với từng tiếng thở dài não nuột. Đã 80 tuổi rồi, bố tôi không thấy những ngày vui. Tôi chợt hối hận đã để cụ thui thủi một mình. Ngày Xuân sum họp mà bên cụ vắng bóng mọi người thân.

Nghĩ đến bố chồng tôi, tôi thương và nhớ cụ thật nhiều. Nhớ từng lời giáo huấn yêu thương, nhớ cả cái khó tính, khó nết đã từng làm tôi khổ sở. Ba lá trầu, ba quả cau để cúng Giao thừa, tôi đã phải đi chợ ba lần để lựa chọn nó. Lá trầu không được tì vết, quả cau phải cùng nhánh và xanh tươi tròn trịa.

Cúng bái phải tinh khiết và thành tâm. Con ra thương lượng với người bán hàng cho con lựa như thế, rồi tính bao nhiêu tiền thì tính”. Lời nói như còn văng vẳng bên tai. Tôi nhìn ánh lửa lập lòe, hình ảnh mọi người thân trong giờ phút này như lung linh trước mắt. Tôi mơ ước một ngày về, để tôi còn cơ hội đi chợ Tết ba lần trong một ngày để chỉ mua cho bố chồng tôi ba lá trầu, ba quả cau mà ông cụ ưng ý nhất…

____________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: