Chiều cuối ngày của mùa đông trên cao nguyên Georgia buông thật chậm. Khu phố tôi đang ở dường như mọi cảnh vật đang dần chuyển động để chờ đón mùa xuân. Dù còn khá lạnh nhưng cứ mỗi sáng, bên lề đường dành cho khách bộ hành luôn có một cặp vợ chồng lớn tuổi dắt tay nhau đi tập thể dục. Trông họ rất hạnh phúc…
Anh tên Dương Tiến Dũng, năm nay đã bước qua ngưỡng lục tuần nhưng dáng đi còn khỏe khoắn lắm. Ít người để ý rằng đôi mắt anh không thể nhìn thấy cảnh vật chung quanh. Và cũng ít người biết rằng người đàn ông này có một nghị lực phi thường, vượt qua số phận nghiệt ngã để xây dựng một tổ ấm ấm êm và đầy ắp tiếng cười con cháu.
Anh sinh ra trong một gia đình với bố mẹ là người Bắc 1954. Bố anh từng là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Anh chào đời tại Quảng Trị và sau đó gia đình chuyển về Đà Nẵng. Dương Tiến Dũng bị khiếm thị từ nhỏ. Cha bận việc quân ngũ nên thường xuyên vắng nhà. Mẹ anh vừa chăm nom vừa dạy chữ cho anh. Điều lạ là anh rất yêu nhạc. Thấy con đam mê âm nhạc, mẹ anh dành dụm tiền mua cho anh một cây đàn. Mỗi tối khi mọi người trong gia đình chìm sâu vào giấc ngủ thì ở góc phòng nhỏ, anh vẫn thức một mình, mày mò học từng nốt nhạc, với khát khao có thể đàn thật hay. Và anh thành công. Thậm chí còn dạy cho người khác.
16 tuổi, anh mở lớp dạy đàn. Khoảng mùa Thu 1980, lớp học đàn xuất hiện một học viên nhỏ nhắn dễ thương. Ngày qua ngày, cô gái yêu anh thầy dạy đàn từ lúc nào không biết. Thoạt đầu gia đình cô gái phản đối nhưng cuối cùng, khi chứng kiến tình yêu say đắm chân thành của hai người, gia đình cô gái đành chìu con. Năm 1981, hai vợ chồng son dắt nhau Thủ Đức-Sài Gòn để lập nghiệp. Không có nghề gì khác ngoài tài đàn, anh mở lớp học đàn. Thoạt đầu lớp chỉ có vài học viên. Thế rồi, dần dà, anh có đến cả trăm học viên. Bốn người con của anh chị lần lượt chào đời. Dù không nhìn thấy ánh sáng như người bình thường nhưng anh vẫn phụ vợ chăm sóc con cái. Lúc này, chị còn mở lớp dạy kèm tiếng Việt cho người nước ngoài…
Năm 1997 anh chị sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Đặt chân đến miền đất lạ, chị xin đi làm ngân hàng còn anh được các hội đoàn giới thiệu đi đàn phục vụ cho lễ hội tại nhà thờ, chùa chiền, trung tâm cộng đồng người Việt khắp quận hạt trong tiểu bang Georgia. Để có thêm thu nhập nuôi con, chị Nga vợ anh phải đi làm một ngày hai “job”. Phần mình, anh Dũng vẫn hăng say tham gia sinh hoạt cộng đồng. Năm 2003, anh tự nguyện nhận đánh đàn cho Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi Atlanta mà không đòi hỏi thù lao…
Phòng khách nhà anh chị có rất nhiều hoa, nhất là phong lan. Những bông hoa đủ màu sắc, dưới ánh điện sáng lung linh, gợi lên sự ấm áp yêu thương trong gia đình hạnh phúc của anh chị. Tôi hỏi chị :
– Ở anh Dũng có gì đặc biệt thu hút mà chị yêu và cưới ảnh vậy? Không chút suy nghĩ chị trả lời:
– Tình yêu đâu nhất thiết phải sang giàu hay hào hoa phong nhã gì. Nó phát xuất tự trái tim. Tôi quý mến và yêu ảnh vì ảnh hiền lành. Tôi thật sự xúc động khi thấy ảnh sinh ra đã chịu thiệt thòi hơn người khác nhưng lại không đầu hàng số phận mà chấp vui vẻ yêu đời. Ảnh rất hòa đồng và thích giúp đỡ mọi người dù là việc rất nhỏ.
– Ảnh có khó khăn gì trong sinh hoạt hằng ngày không, chị?
– Anh Dũng là một người đàn ông tuyệt vời, là người chồng, người cha rất có trách nhiệm với vợ con. Tôi sinh bốn đứa đều nhờ vào một tay ảnh ẵm bồng chăm sóc, ngay từ lúc mới chào đời. Ảnh cho bú sữa, thay tã, lo cơm nước để tôi có thời gian rảnh học thêm tiếng Anh vì từ nhỏ tôi chỉ học tiếng Pháp thôi.
Năm 2010, trong một lần đi làm về, vì phải làm tới hai công việc và thức khuya dậy sớm nên mệt mỏi, chị lạc tay lái và bị tai nạn giao thông. Một thời gian dài sau đó, anh Dũng phải một mình lo cho vợ lẫn con… Đến giờ thì con cái đã yên bề gia thất. Chị ở nhà cùng anh để chăm sóc cho nhau. Cuối tuần hoặc ngày lễ tết, chị đưa anh đi đánh đàn phục vụ cộng đồng. Đi đâu họ cũng quấn quít bên nhau như hồi mới yêu. Ít ai ngờ anh Dũng chị Nga có tới 12 cháu cả nội lẫn ngoại. Ấy vậy mà trông họ cứ như vợ chồng son.
Tôi ra về. Nhìn khu vườn nhỏ nhà anh chị, thấy cây trái bắt đầu nẩy lộc. Hình ảnh hai vợ chồng này là một minh chứng cho một sự đơm hoa kết trái…
Atlanta chớm Xuân 2022
Bài và ảnh: Trần Phú Đa