Tôi bắt đầu nhập tâm thành ngữ “ruộng nương rẫy bái” vào mùa trỉa bắp Tháng Bảy Âm lịch năm Ất Mão (1975) sau khi bị rớt tên khỏi “sổ thư sanh” trường Đại học cộng đồng Duyên Hải, Nha Trang. Hai anh em chân yếu tay mềm, không phát rẫy nổi, được má thục (1) cho một cái rẫy, tính một hai năm sẽ “rẫy bái”. Mùa bắp đầu tiên trên vuông rẫy này, bên chân núi hòn Chảo.
Đường lên rẫy khoảng già ba cây số. Những ngày đầu phải mất hơn nửa tiếng đi bộ mới tới. Sau đó chúng tôi quyết định tập đi nhanh gấp đôi bình thường. Riết rồi quen. Nhưng chiều với gánh củi trên vai, tốc độ ấy giảm chút ít. Gánh nặng đau vai, nên người gánh phải đi nhanh. Nhưng đi một lát miệng thở nhiều hơn mũi, phải để gánh củi xuống, thở dốc. Uống nhờ miếng nước. Nước trong những chiếc ang bên cạnh một chiếc que cắm xuống đất có máng gáo dừa, để sát bên trong hàng rào của người dân hai bên đường. Người dân để ang nước gần cổng vườn nhà và bên trong hàng rào ngoài việc để uống trong nhà, còn là lời chào mời với khách đi đường từ núi về.
Chưa có ngụm nước nào mát bằng những ngụm nước những ngày tháng đó. Bây giờ làm dân Sài Gòn, một thứ lưu vong của Vạn Giã, trong đầu mang một miền trí nhớ biện chứng – nghĩa là nhớ nhớ quên quên. Gáo nước còn rõ như in. Gáo nước giếng ở vùng gần chân núi Hòn Chảo này hơi đùng đục, nhưng ngọt. Hòn núi tên Chảo đi ngang qua Vạn Giã từ đường Quốc lộ 1 ai cũng nhìn thấy được. Từ nhà tôi nằm phía trước ga Giã, đi về phía Tây chừng ba cây số, lội qua một con sông, đi một đỗi, lội qua con suối Rễ, đi một đỗi nữa là tới rẫy.
Quách Tấn trong cuốn Xứ Trầm Hương từng viết về Hòn Chảo, hòn núi duy nhất có loại gỗ quý tên là Huỳnh Đàn. Tôi đã từng đi núi lấy gỗ này về bán. Sẽ nói trong bài khác cảnh lấy gỗ giữa mưa núi khắc nghiệt của Vạn Ninh. Quách Tấn nói tổ tiên ta đúng là rất có con mắt, đã đặt tên một hòn núi tên Chảo rồi lại đặt tên một hòn núi khác tên Vung nằm gần đó. Chảo cần Vung. Hòn Vung nằm về phía Ninh Hòa, đi từ ngoài Bắc vào, phía trong Vạn Giã.
Nông cụ của hai anh em chỉ là chiếc rựa vác trên vai. Cuốc đã giấu lại rẫy cùng với ấm nấu nước và nồi nấu cơm/canh. Những ngày đầu, hai anh em sáng phải cuốc bỏ các loại cây bụi để có đất trống trỉa bắp. Nông pháp này bây giờ bị cười thúi mũi. Người ta bắt đầu biết bảo vệ độ ẩm của đất bằng cách không cuốc cỏ. Chỉ chọt lỗ trỉa. Buổi trưa cơm nước xong, vác rựa lên rừng.
Ngủ trưa ở rừng thiệt mát. Giờ giết rừng rồi, ta ngủ với ai! Người xưa gọi là đi hái củi đúng phóc. Chỉ hái lượm những cành khô chặt khúc hoặc tề thật bằng trước khi đóng bó. Củi được bó bằng dây cổ rùa to bằng ngón tay hái ngay trong rừng. Quai cũng được thắt bằng dây này. Gánh củi của người ta vừa một ôm, vì họ biết chọn củi khô và nhẹ và che kín bằng củi mặt. Gánh củi của hai anh em ốm nhách, củi mặt – củi để ở ngoài cho kín bó củi, bên trong ăn gian rỗng cho nhẹ – hở tùm lum, nên phải chất nhiều củi bên trong hơn. Gánh củi nhỏ mà thành nặng. Thật thà là má mánh mung!
Trong những chuyến đi rừng như thế, thỉnh thoảng bắt được con rùa trắp (2) là mừng thục mạng, vì thiếu protein trầm trọng. Hai anh em lập tức nổi lửa, nướng con rùa, ngồi chia nhau ngon lành. Thịt rùa thời thiếu thốn thơm thiệt, thơm hơn bây giờ được ướp đủ thứ. Tôi ngẫm lại, có lẽ thơm một phần là bị hơi cháy sít, một phần vì tâm lý của những kẻ thèm đạm thời khốn khổ, cơm còn không đủ ăn no.
Các tiền bối dạy: “Gặp rắn đi, gặp quy về”. Bất chấp điềm xui do gặp quy, ăn là ta cứ ăn. Gặp trời mới mưa củi khô ướt, phải đi chặt cây chà rang bên bờ suối về chỗ nghỉ. Chà rang thường mọc gần suối, nhưng thịt chắc, gỗ nặng. Chẳng ai dùng làm củi, trừ khi đốt tại rừng. Dân từng trải rừng dạy nạo vỏ chà rang mỏng ra nổi lửa mới cháy. Họ giải thích vỏ chà rang có dầu nên dễ cháy.
Trái rừng dễ hái nhất là xay. Gặp lúc xay ra trái, dân rừng không bỏ công ra hái từng chùm xay mà thường leo lên mé nguyên cành lúc lỉu trái xuống ngồi lặt ăn. Tiền bối dạy: Phải né những cây thị sai trái. Thị thơm, cọp đói tuy là loài ăn thịt sống nhưng bước đường cùng hay ngồi dưới gốc chờ thị rụng. Nên gặp thị là đi cho chắc! Cam trên rừng dứt khoát là không được ăn, dẫu cam chín đôi khi có màu rất đẹp. Dân đi rừng gọi cam mọc hoang này là cam khẹt. Ai không biết ăn vào, cam sẽ gây ngứa ở cuống họng và cứ phải khọt khẹt suốt cả buổi.
Không có gì khổ hơn những ngày đầu tập gánh củi. Gánh nhỏ bọn thôn nữ nó cười nhạo. Có đứa còn đòi gánh giùm một lúc hai gánh của hai anh em. Gánh to, nặng đến… ra quần là hôm sau vai sưng khỏi gánh cả tuần. Mỗi gánh củi hồi đó của người ta bán 500 đồng, sau chỉ còn bằng một đồng do vụ đổi 500 đồng tiền cũ còn một đồng tiền CHXHCNVN. Mà mỗi nhà chỉ được đổi 100.000 tiền cũ, tính ra được 200 đồng tiền mới, thế mới nghiệt ngã! Bởi thế mà anh Năm Đồng bán quán ở dọc đường đi rẫy, mà chúng tôi hay mua lặt vặt thiếu chịu được, chúng tôi gọi là anh Hai Ngàn Rưỡi. Hai gánh củi của chúng tôi mới sánh bằng một gánh củi dân chuyên nghiệp.
Mỗi lần lên núi hái củi là thằng em cứ nghêu ngao: “Lội bùn nhơ băng lau lách sương đêm/ Sương trắng rơi vai tôi buốt lạnh mềm/ Chim muôn buồn rủ nhau bay về đâu/ Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau…” Mặc dầu chỉ lội qua con suối. Leo núi là chính. Điệu nhạc buồn ray rứt, nuối tiếc, thất vọng cho một sự chọn lựa đời sống mới lớn… Nhìn quanh quất chẳng thấy miếng vinh quang nào. Chỉ là miếng cơm áo chỉ đủ để uống hai thằng một ly cà phê bỏ muối hột.
Món ăn trên núi ngon nhất hạng là rùa trắp. Đó là loại rùa núi, mỗi khi gặp nguy hiểm là nó khép cái yếm lại kín bưng như cái trắp. Bốn chân và đầu thụt vào mất. Chiến thuật này chỉ trị được “kẻ thù ta đâu có phải là người”. Khi kẻ thù là người, nó bị dân đi rừng lượm cho vào gùi. Bị dân đi củi bắt và xử ngay tại chỗ. Thịt rùa trắp do sống khô nên thơm và để nguội vẫn không tanh như rùa nước ở Cà Mau.
Đó cũng là một mùa bắp đáng nhớ nhất trong đời. Nỗi nhớ như in về nồi canh nấu bằng bắp non với rau cải tàu bay mọc hoang trên đất núi. Khi bắp ra trái được một thời gian, trái còn non, dân rẫy hái đem vào trại, dùng dao xát các lớp hạt trên cùi cho vào nồi. Ra ngoài rẫy hái mớ cải tàu bay rửa nước suối xong, đem bỏ chung với bắp, nấu canh. Bột ngọt hồi đó thuộc về thế giới không tưởng. Chỉ cần giã mớ muối hột với ớt chim ỉa mọc hoang, nêm nồi canh là đã có một món ăn tuyệt vời, tha hồ chan cơm, tha hồ húp sì sụp. Cải tàu bay chẳng hiểu sao thơm mùi cải vô ngần, thơm hơn cả cải chính danh mà người ta trồng ăn lá. Nên tôi mới nghi ngờ cái thuyết “chính danh” mà ông thầy ngàn năm Khổng Tử truyền dạy.
Mấy chục năm rồi tôi vẫn chưa gặp lại loài cải này dầu có ý mong tìm. Cải tàu bay còn có tên là cải trời. Miền Tây cũng có cải trời và cải đất. Tôi đã mừng hụt khi ăn thử cải trời miền Tây mùa sa mưa mọc đầy vườn, vì đó không phải là thứ cải tàu bay của những vùng đất núi miền Trung. Cải đó chẳng thơm mùi cải chút nào.
Mấy năm qua, có dịp đưa gia đình lên tắm lại ở suối Rễ. Nướng sò, nướng cá tại chỗ. Bây giờ ở đó là một cái đập xi măng. Cái đập tôi từng có một phần công xây nó khi làm ở hợp tác xã thôn Phú Cang và thôn Vinh Huề. Rừng không còn nữa. Những người “đi cây” (tên gọi thợ đi lấy gỗ rừng) phải đi xe đạp lên giấu đâu đó trên núi xa, để chiều chở cây về. Ngày xưa tôi có dịp đi lên nguồn của suối Rễ, ở đó có một nhánh chảy về sông Ba, Phú Yên.
Cách đây vài năm, một nhóm phóng viên thể thao rủ tôi đi ăn rùa trắp ở Long Trường, Quận 9. Rùa trắp ở Sài Gòn to gấp hai, ba lần con rùa trắp ở Vạn Giã. Cũng như ngày xưa dân củi chúng tôi nấu, con rùa được đặt ngửa lên trên bếp. Khi thịt chín, cạy yếm và xé thịt ăn. Cái mai biến thành cái nồi.
Nhưng con rùa trắp ngon lành thuở đi rừng không còn nữa. Đứa em ruột đi hái củi đã đi xa vì tetanus (3). Tôi chỉ là tên tú tài văn chương, lúc đó hành nghề lang y dạo, bất lực nhìn thằng em cong cứng lịm dần…
Chuyện làm lang y cũng là duyên khởi, nhưng khởi đó rồi lịm đó. Tôi học nghề thuốc ban đầu là từ cha sở nhà thờ Vạn Giã. Ông tên Nguyễn Văn Vĩnh, từng làm quản lý Tiểu chủng Viện Sao Biển, nơi tôi một thời theo tu học đến troisième, rồi bị đuổi khỏi trường vì tội làm báo. Ở đó người ta kết án là “thiếu đức vâng lời”. Theo phò cha Vĩnh chỉ là nghề châm cứu. Ông học từ sách của thầy Thích Tâm Ấn. Nhưng nghề châm cứu không trị được sốt rét.
Thế là xuôi Nam tìm đến Lương y Nguyễn Văn Trầm. Ông lang này một thời học quân sự ở trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Có người gởi gắm ông cho ba tôi, lúc đó là tiểu đoàn trưởng sinh viên sĩ quan khóa Trần Hưng Đạo. Ông Trầm có thêm nghề thủy châm, tức là chích thuốc vào huyệt. Tôi theo học gần thành nghề thì ông vượt biên. Vượt hụt, nhà bị niêm phong, ông lưu vong xuống Bà Rịa, thuê nhà, hành nghề.
Tôi lại phải hồi hương, làm nghề thủy châm. Chích sốt rét bằng thủy châm không ăn thua. Tôi học lóm rồi thành lang y… Tây, phải chích quinine vào mạch máu mới cắt được cơn cho bệnh nhân. Vây mà, tôi đã trị sốt rét cho cả cái thôn Phú Cang I và II gồm ba hợp tác xã nông nghiệp. Những thân chủ của tôi đi tìm trầm. Có trầm thì họ chích thuốc trả tiền. Không trầm thì hẹn nợ. Đói dài thì xù. Họ còn sống sờ sờ ở đó. Em mình tôi không cứu được. Nó chết vì tetanus.
Rồi ông lang y Tây ở cái nơi rừng rú hẻo lánh này cũng đành dẹp nghề vì chích cho một người bị sốc phản vệ penicilline. Ở tù bảy ngày, chạy bãi nại hết hai bồ lúa. Bỏ nghề, lênh đênh Sài Gòn bước đầu giúp việc cho quán bán kem và rau má ban đêm. Ban ngày đi học báo chí. Tốt nghiệp lại bị treo bằng vì tội phát biểu linh tinh. Rốt cuộc tôi biết chắc, tôi chỉ còn cái bằng Tú tài ban C, Triết học- Pháp văn sẽ đi theo mình cho đến cuối đời.
Thời gian như dòng sông Seine trôi dưới cầu Mirabeau của Guillaume Apollinaire, rùa núi và tetanus. Je demeure! – Tôi đọng lại.
__________
1/ Thục: Hoặc là cầm cố đất, khi nhận lại phải trả tiền “chuộc”, hoặc là cho thuê đất nhận tiền trước cho đến khi hết thời gian thuê, trả lại đất.
2/ Còn gọi là rùa hộp.
3/ Bệnh uốn ván