Vượt biên rồi vượt trại

File photo

Mùa Hè năm 1983, quán Chim Sẻ chúng tôi đang buôn bán đắt khách thì một buổi chiều có mấy người của quản lý thị trường quận 4 bước vào quán. Họ gọi thức ăn và bia rồi ăn uống nói chuyện với nhau ồn ào. Vợ chồng tôi nhủ thầm bàn này chắc phải ‘cúng cô hồn’ cho họ. Nhưng lần này, sau khi ăn uống xong họ gọi tôi đến tính tiền. Tôi nói với họ hôm nay là tôi mời. Họ không chịu và nhứt định trả tiền cho tôi nhưng bảo tôi đưa họ biên lai. Khi họ ra về, tôi linh tính chắc có chuyện không lành sẽ xảy ra…

Tìm đường đi

Sáng hôm sau, chính quyền phường 13 gọi vợ chồng tôi lên trụ sở phường “làm việc”. Họ nói căn cứ theo sự điều tra của họ thì quán tôi đắt khách nên thu nhập rất cao, vì vậy tiền thuế phải đóng mỗi tháng tương đương hai chỉ vàng. Đây là số tiền quá lớn đối với chúng tôi. Quán tôi phải thuê mặt bằng để mở quán. Ba năm nay, từ khi mở quán, vợ chồng tôi kiếm được một ít tiền. Mỗi lần đủ một chỉ vàng thì chúng tôi đến tiệm vàng Đức Tín sắm một chiếc nhẫn vàng y đeo vào tay. Đến nay, mỗi người chúng tôi đeo một chiếc nhẫn hai chỉ. Vị chi tài sản chúng tôi lúc đó có bốn chỉ vàng. Nhà ở cũng phải thuê. Chúng tôi còn phải mướn cô Út, một người bà con, coi giúp dùm hai đứa con nhỏ của tôi, vậy thì lấy đâu ra tiền dư dả để đóng khoản thuế ngất ngưởng kia. Nếu tôi chấp nhận giá thuế này thì phải lấy tiền dành dụm đắp vào, mà như vậy chỉ vài tháng thì chúng tôi trắng tay.

Chúng tôi không chấp nhận mức thuế này. Thế là họ bắt vợ chồng chúng tôi mỗi ngày hai buổi lên “làm việc” với chiêu trò của họ là khủng bố tinh thần. Biết không còn đất sống ở đây nữa, tôi trả nhà lại cho bác Bạch Tuyết và nhờ Dũng- làm cho một tổ chức vượt biên- giúp chúng tôi đi.

Dũng là con của cô Bảy tôi. Cô tôi thấy tình cảnh của tôi quá bi đát nên nói với anh Hai Minh là người đứng đầu nhóm tổ chức vượt biên cho gia đình tôi đi, chỉ lấy trước mỗi người một chỉ vàng, khi nào sang được nước ngoài thì trả tiếp phần còn lại.&⁶

Bấy giờ là mùa mưa, biển động nhưng có một khoảng thời gian trong Tháng Tám gọi là ‘đồng chung’, biển yên nên đi biển an toàn. Anh Hai Minh quyết định “đánh” vào lúc đó.

Một tối Tháng Tám, thằng Tâm- người của anh Hai Minh, đến nhà tôi. Nó hỏi tôi biết vựa nước mắm gần hãng dệt 13 không? Tôi nói không biết. Tâm nói không sao, sẽ đưa qua “kho” (chỗ ém người) khác. Nó dẫn chúng tôi vào một quán nước ở ngã ba đường Tôn Thất Thuyết và một hẻm lớn để chúng tôi ngồi chờ và nó bỏ đi.

File photo

Một chuyến đi bất thành

Một lát sau, Tâm trở lại dẫn chúng tôi đi vào một căn nhà sàn ven sông. Chúng tôi được đưa vào một cái buồng tối om trên mặt sông. Ở đó, đã có một số người ngồi chồm hổm hay ngồi bệt hầu như hạn chế cử động hay nói chuyện. Tâm nói với một người đàn bà có vẻ là chủ nhà: “Chị Bảy, đây là ‘’ của anh Hai Minh”. Chị Bảy chỉ chỗ cho chúng tôi ngồi và nói: “Anh chị giữ giùm hai cháu nhỏ đừng để chúng khóc la”.

Sau hai tiếng đồng hồ chờ đợi trong phập phồng lo sợ, có tiếng chèo xuồng đến gần. Mọi người như nín thở, cô Út – em của chị Bảy – đi ra phía sau nói chuyện với một người đang chống xuồng vào. Tiếng người dưới xuồng nói thấp giọng đủ cho cô Út nghe: “Nước rút cạn quá, taxi (xuồng, ghe chuyển người ra tàu lớn) vô không được Út ơi”. Cô Út nói: “Vậy phải xù kho này, còn kho bên vựa nước mắm đi chưa Giáp”. Giáp trả lời: “Đưa hết ra cá lớn (tàu lớn) rồi”. Quay sang những người khách đang chờ, cô Út nói nhỏ: “Bà con chuẩn bị đi về vì không xuống taxi được. Lần sau mình ‘đánh’ tiếp. Hãy đi ra từng gia đình hay từng người một để không bị chú ý”.

Về sau tôi nghe nói chuyến đó được tàu Đan Mạch cứu vớt và gởi họ vào Singapore trước khi được các nước thứ ba nhận định cư. Anh chàng Giáp cũng leo lên tàu đi trong chuyến này.

Chúng tôi lại trở về nhà để đợi. Chuyến sau, thằng Mách cũng dẫn chúng tôi xuống kho của chị Bảy. Lần này, ngoài vợ chồng tôi và hai đứa con, còn có Thảo, em trai út của tôi; và vợ chồng Nga, em vợ tôi và con là bé Phương. Lần này chúng tôi xuống được ‘taxi’. Mọi người chen chúc trong chiếc xuồng nhỏ có mui đi về hướng Nhà Bè. Khi xuồng cập vào cá lớn, mọi người lần lượt được kéo lên tàu. Khi lên tàu có người hỏi: “của ai đây?”. Nếu trả lời đúng tên của người gởi thì được ở lại, ai trả lời sai hoặc không biết trả lời thế nào thì bị trả xuống taxi. Tôi nói đúng người gởi nên được ở lại trên tàu và cả gia đình tôi bị tống xuống hầm tàu. Dưới hầm tàu mọi người ngồi chen chúc như cá hộp.

Tàu bắt đầu chạy hướng về cửa Vàm Láng. Vừa chạy không bao lâu, tôi nghe nhiều tiếng súng nổ phía sau tàu. Mọi người hoảng hốt bảo nhau: “Bể rồi, tàu bị rượt bắt”. Là một cựu quân nhân, tôi nhận ra tiếng départ của súng M79 và sau đó tiếng nổ sát phía sau lái. Nếu đạn đi xa hơn một chút, rớt lên tàu và phát nổ, thì mọi người trên tàu chết chắc.

Chủ tàu trên boong nói vọng xuống: “Tàu du kích đang rượt và bắn theo, mình đi không thoát đâu. Bây giờ tôi cho tàu vào bờ, mạnh ai nấy nhảy lên bờ chạy trốn”. Ông ta nói xong thì cho mũi tàu quay vào bờ. Nhưng vì nước ròng nên từ tàu tới bờ còn cả trăm thước bùn lầy phải vượt qua, dù có tiếng người hối thúc “nhảy xuống đi” vẫn không ai dám nhảy xuống làm mồi cho họng súng của du kích. Cuối cùng tàu du kích áp sát tàu chúng tôi, thế là cả tàu bị bắt, không một ai thoát.

Một tên du kích lái tàu chúng tôi quay ra giữa sông. Mọi người trên tàu đều buồn rầu, không ai nói tiếng nào. Chúng tôi không dám nghĩ đến ngày mai và những ngày tù tội sắp tới. Tôi đã ở tù cộng sản hơn hai năm trong những trại có tên văn hoa là “học tập cải tạo” nhưng thực chất là một trại tù khổ sai. Lần này tôi sẽ phải trải qua địa ngục đó bao lâu nữa?

Tôi không nhớ tàu chạy bao lâu thì cập vào một cây cầu gỗ. Vì nước vẫn còn ròng nên boong tàu thấp hơn cầu khoảng một thước. Hai tên du kích đứng ở trên, kéo từng người lên cầu. Đứa con trai tôi đã tám tuổi nên được kéo lên như người lớn. Riêng con gái tôi mới bốn tuổi nên một tên du kích đưa mũi súng để con tôi nắm và kéo nó lên với sự phụ giúp của tôi bên dưới. Mặt cầu đầy bùn trơn trượt nên con gái tôi vừa bò lên cầu thì bị tuột xuống. Nó sợ quá khóc to, rồi cuối cùng nó cũng leo lên được trên cầu.

Khi tất cả mọi người lên được trên cầu thì hai tên du kích, đứa trước đứa sau, dẫn chúng tôi vào một trường học với vách và nóc lợp bằng lá. Khi đi qua cổng, tôi đọc được tấm bảng Trường Cấp 1 Xã Bình Khánh. Bọn du kích dồn tất cả vào một phòng lớn. Một tên ngồi trên bàn, có một ngọn đèn dầu và một cuốn sổ. Một tên khác chỉ từng người đi lên bàn để ghi tên. Khi lấy hết tên mọi người thì hắn đứng dậy đi ra. Tên còn lại ngồi canh chúng tôi. Mọi người đã qua một ngày căng thẳng và mệt mỏi nên lăn đùng xuống đất ngủ ngon lành.

Trời sáng dần, ai nấy thức giấc, thấy vài người đã biến mất. Tôi hiểu ra đêm qua, lợi dụng đêm tối, vách trường học bằng lá và tên du kích canh gác ngủ gục nên có một số người đã vạch vách trốn thoát. Tôi tiếc rằng mình đã không nghĩ đến điều ấy. Tuy nhiên nhìn về phía vợ yếu con thơ, tôi chắc rằng mình sẽ không làm gì được. Thôi thì chúng tôi đành phó mặc cho định mệnh.

Lúc bấy giờ, xuất hiện ba bốn tên du kích khác. Chúng lùa chúng tôi ra ngoài sân trường, bắt ngồi xuống để điểm danh. Khi thấy thiếu một số người, chúng hăm dọa: “Có một số thằng bỏ trốn, nhưng không thoát đâu. Mấy người đừng tính chuyện đi trốn, nếu bị bắt thì nhừ đòn”. Tôi chợt thấy Thảo, em trai tôi đang dùng một que cây đào chôn vật gì đó. Sau này tôi mới biết nó chôn một chỉ vàng mang theo để phòng thân. Cũng về sau tôi biết vợ tôi đã giấu chiếc nhẫn hai chỉ trong búi tóc để tránh bị tịch thu.

Đám du kích lùa chúng tôi lên tàu rồi mở máy chạy. Đến trưa chúng dừng tại một bến ghe của một xã nào đó, để lại một tên ngồi ở mũi tàu canh chúng tôi, còn mấy tên khác bỏ lên bờ. Cạnh tàu chúng tôi có một chiếc tàu của dân đánh cá. Một người trong chúng tôi tên là Dồi, thừa lúc tên gác không để ý, lăn qua chiếc tàu đánh cá và van xin người chủ tàu cho anh trốn lại. Anh chủ tàu từ chối. Thất vọng, Dồi đành lăn trở về.

Tàu tiếp tục chạy tiếp đến tối thì cập bến một nơi có vẻ sầm uất là chợ Cần Thạnh, thủ phủ quận Cần Giờ. Mấy tên du kích giải chúng tôi đến khám đường Cần Giờ, giao cho bọn công an. Chúng tôi bị chúng bắt ngồi xuống và được gọi từng người vào để tên công an thẩm vấn. Tiếng đánh đập, quát tháo của tên công an và tiếng la khóc của người bị thẩm vấn làm những người ngồi bên ngoài rất lo sợ. Họ thì thầm với nhau: “Công an đánh để tìm chủ tàu, tài công và thợ máy”.

Khi đến phiên mình bị thẩm vấn, tên công an không đánh tôi, không biết vì hắn đã mệt hay vì tôi lớn tuổi. Tôi cho tên, tuổi và địa chỉ giả. Khi bị hỏi có đi lính cho chế độ trước không, tôi trả lời là tôi trốn quân dịch. Khi tên công an hỏi tôi biết ai là chủ tàu, tài công hay thợ máy thì tôi trả lời rằng tôi là khách nên không biết ai hết, chỉ biết người trung gian giới thiệu tôi đi chuyến này. Tên và địa chỉ của người trung gian cũng được tôi bịa ra.

File photo

Sau buổi thẩm vấn chúng tôi bị đưa vào phòng giam. Gần 100 người nằm chen chúc với mấy chục người đã ở sẵn trước đó. Những đứa con nít chịu không nổi sự chật chội, nóng nực trong phòng giam nên khóc la inh ỏi. Một tên công an đến mở cửa phòng giam cho đàn bà và trẻ em ra ở ngoài sân. Tôi khai là bác của hai đứa con tôi để tách hồ sơ vì nghe những người từng ở tù về tội vượt biên cho biết, đàn bà có con nhỏ sẽ được thả về sớm. Các con tôi tuy còn nhỏ nhưng rất thông minh nên luôn miệng gọi tôi là “bác Hai”.

Mỗi ngày có một tên tù hình sự tên Mười, là dân địa phương, được cho phép ra chợ nên mọi người gởi tiền cho hắn mua dùm thức ăn vì nhà tù chỉ phát cơm không. Do vợ tôi ở bên ngoài nên có thể vào nhà bếp mượn đồ nấu nướng, nhờ vậy mà tình trạng ăn uống của chúng tôi không đến nỗi tệ.

Đám tù đàn ông phải ra ngoài lao động từ sáng sớm đến chiều mới về. Đàn bà và trẻ con thì được ở nhà. Một hôm tôi bị bệnh xin được nghỉ ở nhà. Tôi đang nằm trên võng thì tên Ba Tâm, phó trại bước vào, tay cầm một que cây đập đập trên dây võng, hỏi tôi với một giọng xấc xược: “Ê thằng này, sao mày không đi lao động?”. Ba Tâm tuổi chỉ bằng Thảo, em út của tôi, nhưng láo lếu gọi tôi bằng mày. Tôi nén giận trả lời: “Báo cáo cán bộ, hôm nay tôi ốm, có nói với anh đội trưởng xin được nghỉ một hôm”. Ba Tâm hừ một tiếng: “Thế à!” rồi bỏ đi. Gần một tháng sau ngày bị bắt, những người đàn bà có con nhỏ, trong số đó có vợ tôi được thả ra cùng với con cái.

Tôi được biết tài công chuyến đi của tôi là Thành, Hải quân Thiếu tá, bạn học của tôi thời tiểu học ở trường Cao Văn. Gia đình anh ở đường Tôn Đản, quận 4. Sau khi anh có gia đình thì ra riêng ở Tân Định. Sau 1975, vợ anh có một sạp tạp hóa ở chợ Tân Định. Vợ con anh cũng bị bắt trong chuyến này và được thả về một lượt với vợ con tôi.

“Vượt ngục”

Sau khi đám đàn bà, trẻ con đi rồi, đêm đêm Thành và tôi bàn nhau tìm cách trốn. Khi khám phá rằng trại giam có thả một con chó berger canh chừng ban đêm thì chúng tôi thấy rằng chuyện vượt rào không thể thực hiện được. Hai tuần sau, vợ tôi và má tôi lên thăm nuôi. Ngoài hàng rào, nàng chỉ vào một người đàn bà lạ mặt bên cạnh cho tôi thấy, rồi nói gì đó với bà ta và chỉ về phía tôi, bà ta gật đầu lia lịa. Khi vào trong gặp tôi, vợ tôi đưa cho tôi một số tiền khá lớn và bảo nhỏ với tôi: “Trong này có một tên tù hình sự người Bắc 75 làm ở nhà bếp, anh cho tiền nó để nó dẫn anh trốn. Khi ra được bên ngoài, anh đi về hướng chợ, gặp cái hẻm đầu tiên hãy quẹo vô, nhà chị Năm Mun ở cuối hẻm. Chị ấy sẽ tìm cách đưa anh về nhà”.

Một hôm, công an trại dùng tàu đưa một số tù nhân chúng tôi vô Ruộng Muối để đào đất đắp nền nhà cho gia đình một tên chỉ huy công an. Sau khi giao việc cho chúng tôi, mấy tên công an áp tải bỏ đi, đến nhà một du kích địa phương nhậu nhẹt. Đang làm, tôi thấy Dồi xin anh tù trưởng toán đi vệ sinh. Nhìn theo, tôi thấy anh ta ngồi thụp xuống lùm cỏ sậy đầu bờ đê rồi lom khom bỏ chạy xa dần. Tôi biết là Dồi chạy trốn. Lát sau, một người khác cũng làm như vậy. Người thứ ba là Thảo, em tôi. Nó thụp lên, thụp xuống mấy lần và ra dấu cho tôi đi theo. Nhưng tôi lắc đầu.

Trước đó mấy ngày, có một tên tù hình sự trốn trại bị bắt. Anh ta có thân hình như một lực sĩ nhưng sau mấy tuần bị biệt giam và bị đánh bằng khúc gỗ một tấc vuông, anh ta trông như một bộ xương chỉ lết chứ không đứng vững. Tôi nghĩ để em tôi trốn đi một mình, nếu nó bị bắt lại, nó còn có tôi lo cho nó. Chứ nếu cả hai trốn mà không thoát thì ai lo cho chúng tôi?

Khi mọi người leo lên ghe để trở về, mấy tên công an đã say xỉn nên không điểm danh. Tôi lanh trí dồn ba đôi dép còn lại của ba người trốn và ngồi bẹp lên đó để bọn công an không biết có người trốn. Nhưng về tới Cần Thạnh, khi mọi người lên bờ, bọn công an mới phát giác sự việc. Chúng chửi thề và quay tàu trở ra Ruộng Muối để tìm. Tôi lầm thầm van vái cho họ thoát nạn.

Sáng hôm sau, tên Mười đi lòng vòng trại loan báo là ba người trốn hôm qua đã bị bắt và bị giam ở đồn công an để điều tra. Nghe tin dữ tôi không cầm được nước mắt, lo cho số phận của em tôi. Nhưng nhiều ngày trôi qua, chúng tôi chẳng thấy người tù bỏ trốn nào bị đưa về trại. Thì ra tên Mười loan tin vịt. Tên này là một thằng bưng bô cho bọn công an. Sau vụ bỏ trốn của ba người tù ở Ruộng Muối, trại ra lệnh cho Bình, anh em bạn rể của tôi, được mở “tiệm hớt tóc” ở cạnh trại giam. Tiền hớt tóc tù phải nộp lại cho bọn công an. Chúng tôi bị cạo trọc tất cả để trốn sẽ dễ bị phát hiện.

Một bữa trưa gần giờ cơm, tôi gặp tên tù người Bắc nấu bếp. Tôi ngỏ cho hắn biết ý định của tôi. Hắn đồng ý. Lát sau, hắn bảo tôi ra nhà bếp. Nhà bếp nằm sát hàng rào, phía bên kia là Thánh thất Cao Đài. Lúc đó không có ai trong bếp. Hắn vạch rào cho tôi chui ra ngoài. Tôi vướng kẽm gai, rách quần và đùi bị cào chảy máu. Mặc kệ, tôi phóng nhanh ngang khu vườn của Thánh thất Cao Đài và lao ra đường. Tôi đi ngang một ông đạo hữu Cao Đài đang cuốc đất. Ông ta ngẩng nhìn rồi cúi xuống làm tiếp như không thấy gì. Tôi thầm cám ơn ông vì nếu ông tri hô thì chắc chắn đời tôi coi như tiêu.

File photo

Ra tới đường, tôi đi về hướng chợ Cần Thạnh. Đi ngang một vũng nước, tôi tóe nước lên đùi cho bớt máu. Nhờ tôi đội nón nên không ai nhận biết tôi là tù. Khi đi tới con hẻm đầu tiên, tôi vừa quẹo vào thì may mắn thay, một người đàn bà vừa từ một ngôi nhà bước ra và thấy tôi. Đó là bà Năm Mun. Bà ta ngoắc, ra dấu, bảo tôi đi nhanh. Tôi lẹ làng bước đến nhà bà và lách mình qua cửa. Bà Năm dẫn tôi vào trong buồng, giăng một chiếc võng và bảo tôi lên võng nằm. Bà ta đi mua cho tôi dĩa cơm sườn và ly cà phê đá. Bà cho biết, đến tối, chồng bà sẽ chèo ghe chở tôi qua Vũng Tàu. Đến chiều bà lại đi mua cho tôi một dĩa cơm và một ly trà đá…

Có tiếng chân vào nhà trước, rồi tiếng hai người kéo ghế và nói chuyện. Bà Năm vào buồng kề tai tôi nói nhỏ: Nguy rồi, thằng rể của bà đang nhậu ở phòng ngoài với một tên công an trại giam. Rể của bà là tù hình sự trong trại, nhưng vì hắn là dân địa phương nên được cho ra ngoài đi làm ăn. Tôi phải chờ đến khi tan tiệc rượu của hai người mới đi được.

Tim tôi đập mạnh vì lo sợ. Chỉ có một tấm vách lá ngăn cách một tên tù và một gã cai tù. Tôi nghe hắn nói với con rể của bà Năm Mun: “Đm, hồi trưa này ở trại giam, lúc phát cơm có một thằng tù vượt trại. Nếu tao bắt được thì nó mềm xương!”.

Bà Năm Mun vào buồng, thấp giọng nói với tôi: “Không êm rồi, chú mày phải đi ngay kẻo thằng công an sinh nghi vào đây xét thì nguy to”. Bà bảo tôi leo cửa sổ ra ngoài, rồi dắt tôi ra hướng biển. Ông Năm Mun và người em rể đang chờ tôi trên một chiếc xuồng nhỏ. Họ lật đật chèo về hướng có nhiều đèn sáng: Vũng Tàu.

Hơn một tiếng sau, xuồng cặp vào Bến Đình. Năm Mun và tôi lên bờ, còn em rể của ông quay xuồng chèo về Cần Giờ. Chúng tôi đi ngang một đồn công an biên phòng. Năm Mun huýt sáo bản “Như có Bác Hồ”, chắc để lấy lòng bọn công an trong đồn và để chúng không nghi ngờ chúng tôi. Đi ngang một ngôi nhà lớn khang trang, Năm Mun nói với tôi: “Nhà của thượng úy trưởng trại giam Cần Giờ đó”. Năm Mum dẫn tôi vào một con hẻm, đến một ngôi nhà nhỏ, gọi thì thầm: “Thắm ơi, mở cửa cho chú Năm”. Bên trong nhà là thứ ánh sáng lù mù của đèn dầu. Cánh cửa xịch mở, một cô gái xuất hiện. Ông Năm Mun và tôi lách vào. Ông nói với cô ta: “Thằng em này ngủ nhờ một đêm, sáng sớm sẽ đi xe đò về Sài Gòn”. Cô gái chắc hẳn đã quen với tình huống này nên không hỏi han gì, chỉ cho tôi cái ghế bố và đi giăng mùng cho tôi. Khi tôi cởi nón, cô ta tỏ vẻ ngạc nhiên khi trông thấy cái đầu trọc của tôi. Năm Mun cười giải thích: “Nó làm ăn thua lỗ nên xuống tóc vái Trời Phật đó”.

Sáng sớm hôm sau, Năm Mun dẫn tôi ra bến xe đò đi chuyến tài nhứt về Sài Gòn. Ông nói nếu mình đi trễ, công an Cần Giờ có thể đánh điện qua đồn công an cầu Cỏ May chận xét bắt tôi lại. Về đến Sài Gòn tôi dẫn ông Năm vào một quán cà phê ở góc đường Tôn Đản và Trịnh Minh Thế cũ rồi nhắn người nhà đến trả cho công cho ông một chỉ vàng.

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: