Bỗng dưng trở nên tài ba bất thường sau khi bị chấn thương sọ não, được gọi là “hội chứng thiên tài sau chấn thương,” xảy ra khi não phản ứng với chấn thương.
Theo Tiến Sĩ Mara Klemich, nhà tâm lý học thần kinh làm việc về các chấn thương não và các lĩnh vực khác của tâm lý học thần kinh, hội ch8ứng này đề cập đến các kỹ năng hoàn toàn mới và xuất sắc có ở một người trước đây là người bình thường. Những khả năng mới này xuất hiện sau chấn thương não, đột quỵ hoặc các sự cố khác của hệ thần kinh trung ương, thậm chí là chứng mất trí.
Tiến Sĩ Klemich cho biết hầu hết các trường hợp chỉ thể hiện các kỹ năng cụ thể ở một trong những lĩnh vực. Ngay cả điều đó cũng rất ấn tượng. Theo ông, các kỹ năng phi thường có thể xuất hiện sau chấn thương hoặc bệnh liên quan đến não đặt ra những câu hỏi hấp dẫn về khả năng xuất chúng tiềm ẩn có thể tồn tại ở mỗi người.
Nhưng làm sao để tiếp cận được khả năng thiên tài tiềm ẩn đó mà không gặp phải thảm họa nào liên quan đến não bộ? Đó là câu hỏi lớn, chưa có lời giải đáp.
Trên thực tế, có năm người mắc hội chứng thiên tài.
Orlando Serrell
Trong một trận đấu, Serrell, cậu bé mười tuổi, bị quả bóng chày đập trúng đầu. Mặc dù bị ngã, cậu bé vẫn đứng dậy và tiếp tục chơi bóng chày. Cơn đau đầu cuối cùng cũng biến mất, nhưng từ đó cậu bé nhận thấy mình có thể gọi tên các thứ trong tuần cho bất kỳ ngày tháng nào. Chẳng hạn khi bạn muốn biết ngày 01/01/2015 là thứ mấy, Serrell sẽ trả lời ngay lập tức: đó là Thứ Năm! Serrell cũng có thể nhớ về thời tiết, nơi cậu từng ở và làm gì kể từ sau tai nạn xảy ra.
Derek Amato
Một số người mắc hội chứng thiên tài cũng phát triển khả năng nghệ thuật. Đối với Derek Amato, kỹ năng đó là chơi piano. Trong một trận đấu bắt bóng, Amato đập đầu vào đáy bê tông của một bồn tắm nước nóng. Cú ngã khiến Amato bị mất thính lực ở một bên tai, mất trí nhớ và đau đầu. Nhưng nó cũng giúp Amato có khả năng hiểu và chơi những giai điệu phức tạp trên đàn piano một cách nhuần nhuyễn, mà trước đó anh không biết gì về cây đàn này. Amato có thể chơi đàn liên tục trong sáu giờ, theo báo cáo của Popular Science.
Alonzo Clemons
Alonzo Clemons bị chấn thương não khi còn nhỏ, khiến anh thay đổi cách suy nghĩ, học hỏi và giao tiếp. Anh cũng bắt đầu tạo ra những tác phẩm điêu khắc giống như thật một cách kỳ diệu chỉ bằng trí nhớ mà không qua bất cứ trường lớp nào.
Sau khi bộ phim Rain Man phổ biến hội chứngthiên tài, Clemons được “60 Minutes và Discovery Channel” phỏng vấn. Các tác phẩm nghệ thuật của anh, bao gồm các tác phẩm điêu khắc và phấn dầu nổi tiếng, hiện đang có trong các phòng trưng bày nghệ thuật trên khắp thế giới.
Anthony Cicoria
25 năm trước, một tia sét đánh trúng Anthony Cicoria, 42 tuổi. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật ngất đi nhưng hồi phục sau khi hồi sức tim phổi. Ông từ chối đến bệnh viện, nhưng đến gặp bác sĩ và chụp CT. Mọi thứ đều bình thường ngoại trừ các vấn đề về trí nhớ, chẳng hạn như ông quên tên các bệnh hiếm gặp. Vài năm sau, mọi chuyện thay đổi khi Cicoria đột nhiên có ham muốn mãnh liệt được nghe tiếng đàn piano. Mặc dù hồi nhỏ ông chỉ được học một vài bài học, không nghe nhạc cổ điển và không sở hữu một cây đàn piano, nhưng âm nhạc đã đến với anh. Điều này khiến ông bắt đầu học nhạc, nhưng không thể nắm bắt được các giai điệu cổ điển vì những bài hát khác cứ vang lên trong đầu anh. Ông nhận ra rằng đó là những giai điệu hoàn chỉnh, nguyên bản do chính ông sáng tác!
Jason Padgett
Mặc dù nhiều thiên tài bẩm sinh có khả năng âm nhạc hoặc nghệ thuật, nhưng tài năng của Jason Padgett lại là toán học. Sau một vụ tấn công bên ngoài quán karaoke năm 2002, người bán đồ nội thất này bị chấn động não, và… bỗng dưng trở thành một thiên tài toán học. Padgett có thể phát triển khả năng hình dung các chủ đề toán học và vật lý phức tạp sau vụ tấn công.
(theo Reader’s Digest)