Bức tường đá đen: Đài tưởng niệm cho hiện tại sâu thẳm

Tôi đến Quảng Trường Quốc Gia (National Mall) ở thủ đô Washington, nơi có đài tưởng niệm những người lính Mỹ chết trận ở Việt nam. Tôi quen gọi nơi này là bức tường đen. Đi cùng tôi có anh Trịnh Cung và anh Trương Vũ (Trương Hồng Sơn). Chính anh Trương Vũ đã lái xe đưa chúng tôi đến đây vào một sáng mùa xuân.

Chúng tôi đi bộ xuyên qua những khoảng xanh công viên. Trên lối đi bộ, nhiều lần chúng tôi phải bước lên cỏ để tránh đường cho những chiếc xe tỉa cây; và những lần như vậy khiến tôi nhớ mỗi khi đi đường phải ngó lung tung để né xe ở Việt Nam.

Tôi không nhớ rõ anh Trịnh Cung và anh Trương Vũ nói những gì trong lúc cùng tôi đi bộ. Tôi chỉ nhớ là tôi đã nói huyên thuyên với các anh ấy cảm nhận của tôi về cây cỏ nước Mỹ. Mọi giống thực vật ở đây đều lạ lùng. Lạ lùng hơn nữa là chuyện sinh lực tràn trề của màu xanh lục xứ ôn đới.

Lúc đi qua cái hồ nước nhỏ ở công viên, tôi nhìn thấy những con thiên nga đen cùng một bầy vịt. Tôi chỉ chú ý vào những con vịt và không muốn phân biệt chúng là vịt trời, vịt Mỹ hay vịt Ta. Tôi vốn ưa loài vịt, nhưng những con vịt ở đây lại không có gì đáng gần gũi thương cảm như vịt ở quê tôi. Ở đây, từ vịt mẹ cho đến mấy con vịt con chỉ nhỏ bằng nắm tay đều có vẻ xa lạ. Tôi đọc thấy sự xa lạ này là do cái phong cách chúng tự nhiên kiếm ăn, rỉa lông và sống không lo sợ giữa thế giới con người.

Đi qua hồ nước một chút, tới chỗ bán đồ ăn nhanh và restroom, chúng tôi bước vào hàng cây liễu đang giăng cành lá thành một tấm rèm xanh mượt. Những chùm bông đỏ nở rất dày buông xuống mạnh mẽ như một cách chọn lựa không đắn đo cho chuyến đi trở về với đất.

Ký ức không thể sắp đặt

Tôi mong tới công viên này, tới bức tường đen vì bị thôi thúc bởi ký ức tuổi thơ. Tôi nói với anh Trương Vũ như vậy. Các anh có ký ức trần trụi hơn tôi về những người Mỹ đã đến miền Nam Việt Nam trước đây, ký ức của những người vào thời điểm ấy đã trưởng thành. Trong khi ký ức của tôi về người Mỹ là của một cậu bé. Người Mỹ của tôi thuộc về những năm tháng thập niên sáu mươi, thuộc về nơi chốn ghi trong khai sinh của tôi: Ấp Long Thuận, xã Long Chánh, tỉnh Gò Công. Trong cái hẻm số 3 thuộc thị xã, dưới dốc cầu Long Chánh. Cái hẻm là nơi sống của nhiều gia đình chạy nạn chiến tranh từ thời Việt Minh nổi dậy.

Trong tôi có hình ảnh những người lính Mỹ da đen và da trắng. Những năm tháng ấy, ngày nào họ cũng lùng sục từng gia đình để tìm những đứa con nít có bệnh, có ghẻ, có răng sâu… Những người lính Mỹ đầu tiên có trong ký ức của tôi là những người có thân hình hộ pháp và không cầm súng. Tôi không hiểu vì sao những người lính quân y này bỏ nhiều công sức đến vậy để chỉ tìm những đứa con nít. Tôi nhớ lúc đó gần cườm chân phải của tôi có mụt ghẻ mà dân gian gọi là ghẻ hòm; cái mụt ghẻ này là do lúc tôi đá banh bị trầy da. Một vết trầy da đối với thằng nhóc xóm lao động thì đâu có nhằm nhò gì, dù vết thương chỉ được xức thuốc đỏ sơ sơ và cộng với tật ở dơ nên lâu ngày thành ghẻ hòm.

Tôi không bao giờ quên được một ông Mỹ trắng đã dùng bàn tay to bè phất phới lông vàng nắm lấy chân tôi, tay còn lại cầm kéo kẹp miếng gạc rửa ráy, xức thuốc mụt ghẻ mấy ngày liền, mỗi lần như vậy tôi đau đái ra quần. Mụt ghẻ trên còn để lại vết thẹo trên chân tôi, còn ông Mỹ trằng với tóc vàng mắt xanh, lờ mờ trong ký ức ấy không biết bây giờ ở đâu!

Tại sao một cậu bé phải nhìn người lính Mỹ theo cách mà hai phe trong cuộc chiến tuyên truyền? Tôi có quyền nhìn nhận người lính Mỹ xức ghẻ cho tôi là một phần trong sáng của ký ức tôi.

Chúng tôi đến bức tường đen từ một phương hướng tôi không định hình được, vì hôm ấy mặt trời bị khuất trong mây. Khi bức tường đen lọt vào tầm mắt, tôi bắt gặp một con sóc ngồi chồm hổm dưới một gốc cây cạnh lối đi. Đôi mắt đẹp của con sóc làm tôi muốn chụp hình nó. Ý tưởng của tôi là chụp đôi mắt đẹp ngây thơ của con sóc và bức tường đen phía sau. Nhưng rốt cuộc tôi chỉ có bức hình con sóc với gốc cây. Toàn bộ không gian của công viên này hiển hiện tự do, không để cho bất kỳ ý tưởng nào có thể sắp đặt.

Tôi nhớ hình ảnh một chiếc trực thăng rơi ngoài ấp chiến lược ở quê tôi. Bốn, năm ông lính Mỹ nằm cạnh tứ phía của chiếc trực thăng đó, thì bọn con nít chúng tôi bên bờ ấp chiến lược cũng tò mò ngồi mấy tiếng đồng hồ chờ coi mấy ông lính Mỹ làm gì. Lúc ấy tôi nghĩ mấy ông Mỹ này sao khờ quá. Nơi trực thăng rơi cách thị xã Gò Công chưa đầy hai cây số, vậy mà sợ nỗi gì! Lính đầy! Ai ăn cắp được chiếc trực thăng mà sợ mất!

Chiến tranh của người lớn lúc ấy giống như chuyện tụi con nít khác xóm với chúng tôi chơi trò chia phe đánh nhau. Nghĩ lại tức cười thiệt! Chiến tranh của người lớn trong cái nhìn non nớt của tụi tôi cũng tức cười không kém. Đơn cử như chuyện sơn mấy gốc cây: Buổi tối mấy ông Cộng Sản ra sơn cờ giải phóng; buổi sáng thì lính quốc gia lại bôi đi, rồi sơn cờ Việt Nam Cộng Hoà; cứ làm đi làm lại mỗi ngày như vậy, giống như một trò chơi đã được sắp đặt trước.

Tôi không biết mấy người lính Mỹ giữ chiếc trực thăng rơi ngày ấy bây giờ ra sao. Nhưng bây giờ thì tôi biết: Trong toàn cảnh chiến tranh người ta không thể sắp đặt cho chuyện còn mất của mỗi số phận.

Hiện tại nghiệt ngã và cay đắng

Lúc tôi đến, thủ đô nước Mỹ chưa khánh thành bia tưởng niệm những nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản trên toàn thế giới. Và nghị viện châu Âu chưa thông qua nghị quyết về tội ác chống nhân loại của chủ nghĩa Cộng Sản. Trong khi tôi có mặt ở nước Mỹ, thì đứa con trai tuổi thiếu niên của tôi trong trường trung học phổ thông ở Việt Nam vẫn phải học bài “Chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết”. Con tôi thuộc thế hệ 9x. Đối với tất cả học trò ở Việt Nam thuộc các thế hệ sinh sau 1975, bài học về “tội ác của đế quốc Mỹ” là bài học bị bắt buộc phải ghi nhớ.

Đài tưởng niệm “The Vietnam Veterans Memorial” được dựng bằng đá đen thành một bức tường màu huyền, trên đó khắc tên bằng chữ màu trắng của hơn 58.000 người lính Mỹ tử trận. Chiều sâu bên trong của chất đá ấy, bắt đầu từ phía thấp nhất của bức tường, vạch ra riêng một đường chân trời, mở ra riêng bầu trời đen huyền. Chúng tôi và những người đã đến đây, dù muốn hay không vẫn thấy bóng mình trong bầu trời đó. Bầu trời của hôm nay, một thời đại khác sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Từ hướng chúng tôi đi tới, bức tường đá đen nhô lên. Chỗ bức tường bắt đầu nhô lên ấy chỉ cao bằng bàn chân người. Đỉnh cao và vực thẳm của số phận con người, cuối cùng chỉ là ngần ấy.

Tôi đứng đó, lúc ấy, chỉ muốn nói với con trai tôi, để cho nó hiểu mà bước vào tuổi trưởng thành, rằng: Trong cảm xúc ký ức của tôi luôn có hình ảnh người lính Mỹ tốt. Bất kể những người lính Mỹ khác ra sao, tôi vẫn tựa vào cảm xúc trong sáng ấy để không cực đoan, để luôn tin trong hoàn cảnh cay đắng và nghiệt ngã đến mấy, dù họ có là lính của bất cứ phe nào, dân tộc nào thì vẫn luôn có người tốt. Người lính tốt không bao giờ là thiểu số. Người lính tốt có thể vô danh nhưng việc làm của họ dù nhỏ, vẫn âm thầm tử tế trong lòng người đã nhận.

Anh Trương Vũ và có lẽ cả anh Trịnh Cung đã đến đây nhiều hơn một lần. Còn tôi, lúc ấy, trong không gian tưởng niệm những người lính Mỹ chết ở Việt Nam, tôi thấy tôi Việt-Nam-hơn. Tôi biết tôi Việt-Nam-hơn chính là khi tôi nói ra điều tôi nhận thức: Những cuộc đời của những người lính Mỹ đã vĩnh viễn mất đi này, linh hồn họ cùng linh hồn những người lính Việt Nam không phân biệt màu quân phục, tất cả đồng hành trong lịch sử cá nhân tôi và mỗi người ở đất nước tôi trong hiện tại và tương lai.

Anh Trịnh Cung đi trước tôi, chăm chú nhìn từng kỷ vật do các thân nhân và những người đến viếng để lại dưới chân bức tường tưởng niệm: những chú gấu bông, nhiều tờ giấy ghi vội cảm tưởng, những bài thơ và nhiều tấm ảnh thời trẻ thơ, thời thanh niên của những người lính đã khuất. Những người lính ấy, trước khi chết, vào cái lúc mà phần sâu thẳm trong lòng họ mong được sống sót để về với gia đình, trong khoảng sáng cuối cùng ấy — tôi ước ao họ vượt qua được nỗi giày vò rằng: Tương lai dân chủ tự do cho dân tộc Việt Nam tại sao lại chính là nỗi tuyệt vọng của họ?

Trong lúc nhờ một người phụ nữ Mỹ trung niên chụp giùm chúng tôi một tấm hình, anh Trịnh Cung nói với bà rằng anh là người miền Nam. Anh giải thích thêm với bà rằng anh cũng từng là lính Việt Nam Cộng Hoà, và anh xin được cám ơn sự hy sinh của những người lính Mỹ này. Chúng tôi cùng nói cám ơn bà vì bà đã giúp chúng tôi chụp tấm hình kỷ niệm. Đoán rằng tôi không nói được tiếng Anh, bà quay sang anh Trịnh Cung và hỏi có phải tôi cũng đến từ nước Việt Nam Cộng Sản không. Anh Trịnh Cung xác nhận là đúng. Tự nhiên bà cười rất tươi với chúng tôi và nói: “Cám ơn!” Cách nói cám ơn của bà nhẹ nhõm như của một người vừa trút khỏi mình một gánh nặng.

(chép lại một kỷ niệm)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: