Chiếc cặp da của Tổng thống Ngô Đình Diệm

Tổng thống Diệm trong một buổi cầu nguyện, Sài Gòn 1955 (ảnh: PhotoQuest/Getty Images)

Cuộc đảo chính tháng Mười Một 1963 không chỉ làm đứt gãy nền Cộng hòa non trẻ của miền Nam Việt Nam mà còn làm mất đi người lãnh đạo tài năng một lòng vì nước: Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Đã quá nửa thế kỷ nhìn lại, giờ thì lịch sử đủ cứ liệu để có thể xác định đó là chính sách sai lầm của người Mỹ ở Việt Nam, và sự chia rẽ của hàng ngũ tướng lĩnh – trong đó có sự hậu thuẫn công khai của Tòa Bạch Ốc – dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự, làm thay đổi mãi mãi cục diện của một quốc gia tự do.

Kỷ niệm ngày giỗ của hai anh em Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm, Saigon Nhỏ trích đăng lại phần tâm tình của đại úy Đỗ Thọ. Ông là một sĩ quan gốc không quân, một trong bốn tùy viên cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông là tùy viên duy nhất theo chân hai ông Ngô đến phút cuối cùng. Phần trích đoạn, được lấy từ Hồi Ký Đỗ Thọ, do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành lần thứ ba, Tháng Tám 1970.

Tổng thống Ngô Đình Diệm (1901-1963) trên một postcard (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

*****

Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Ngô Đình Nhu thoát ra Dinh Gia Long một cách điềm nhiên tuy trong lòng lo sợ. Nhưng sau khi đảo chánh thành công thiên hạ đồn rằng Tổng thống Ngô Đình Diệm đã thoát do một con đường hầm bí mật từ Dinh Gia Long đến Chợ Lớn. Có người tưởng tượng hơn lại cho con đường hầm đi ăn sâu qua đường Lê Thánh Tôn vì thế Tổng thống Diệm mới ra đi dễ dàng như thế.

Giờ phút rời khỏi hầm cũng nhanh chóng không thể tưởng tượng được. Tôi, Đại úy Lê Công Hoàn, Đại úy Lộc, Đại úy Bằng, ông già Ẩn đang quây quần chung quanh Tổng thống. Ông Ngô Đình Nhu từ ngoài hành lang vào. Ông Nhu nhìn Tổng thống Ngô Đình Diệm nói: “Đi, sửa soạn đi”. Tổng thống Diệm vẫn ngồi, mắt ngước lên hỏi ông Nhu “Đi mô?”. Ông Như đáp lại “Cứ đi đã”. Tổng thống Diệm gọi ông già Ẩn “Lấy cái kẹp (cặp) xuống đây”. Ông già Ẩn nhanh chân đưa xuống chiếc “cặp da” cho Tổng thống. Tổng thống nói với những sĩ quan có mặt “Đi theo một đứa thôi”. Tất cả đều hiểu ý Tổng thống nhưng Tổng thống lại không chỉ định đứt khoát ai theo Tổng thống.

Chiếc cặp da được đặt lên bàn trước mặt Tổng thống. Tổng thống đứng dậy (chuẩn bị đi) trao cho Đại úy Lê Công Hoàn chiếc cặp da đó. Như thế có nghĩa là Hoàn được Tổng thống chọn đi theo. Tổng thống nhanh chân lách ra cửa hầm, các sĩ quan tự động rẽ lối cho Tổng thống.

Tổng thống bất thần ngừng lại cửa hầm ít giây trong khi đó tôi lấy chiếc cặp da trên tay Lê Công Hoàn và thưa với Tổng thống: “Hoàn đã có vợ con, xin cụ cho con được thay thế”. Tổng thống nhìn tôi hơi khẽ gật đầu rồi bước đi. Tôi tạm biệt Lê Công Hoàn chạy theo Tổng thống cho kịp thời gian đòi hỏi. Trong buổi chiều hôm đó, tôi chứng kiến những sự lo âu tràn ngập trên những khuôn mặt chung quanh Tổng thống Ngô Đình Diệm. Những khuôn mặt nầy thật sự trung thành, xót xa khi nhìn Tổng thống Ngô Đình Diệm rời dinh Gia Long một cách âm thầm.

Buổi chiều ấy, Tổng thống Ngô Đình Diệm lót dạ một tô cháo gà do ông già Ẩn mang xuống hầm. Tổng thống cầm thìa uể oải múc cháo, một cử chỉ bệ rạc mất rồi. Tổng thống nhìn các sĩ quan chung quanh rồi nói với ông già Ẩn: “Múc vài tô nữa cho anh em ăn với”, ông già Ẩn ra dấu cho anh em, tất cả đều thưa với Cụ “ăn cả rồi”, thật ra tô cháo đó là món ăn cuối cùng. Nhà bếp đã hết nấu rồi còn đâu nữa mà ăn. Cũng tô cháo nầy là bữa ăn phục dịch cuối cùng của ông già Ẩn đối với Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Lúc rời khỏi hầm, tôi thấy tô cháo còn nguyên vẹn đang nằm hờ hững trên bàn. Lúc ấy là 7 giờ 10 tối 1 Tháng Mười Một 1963.

Còn gì buồn hơn. Còn gì kỷ niệm hơn một buổi tối ảm đạm như thế. Một buổi tối mà số mệnh của tất cả những người có mặt trong Dinh Gia Long vô cùng bấp bênh. Đồng thời mang đến buồn tẻ, tủi nhục tiễn đưa vị Tổng thống đến một phương trời vô định.

Hành trang cho một vị Tổng thống vỏn vẹn chiếc cặp da nhỏ. Chiếc cặp da theo sau một đời người và nó cũng bị tước đoạt khỏi tay người chủ đi trong ngàn thu. Chiếc cặp da của ông Ngô Đình Nhu không còn bàn cập đến nữa. Vì nó là một sản phẩm tưởng tượng sau đảo chánh thành công. Và nếu có sự thật thì hôm nay khó mà tìm ra tông tích ở phương nào. Chiếc cặp da của Tổng thống Ngô Đình Diệm tôi đã xách khá lâu trên đường lánh nạn. Trong chiếc cặp da đó gồm có một bộ áo quần, chiếc đồng hồ đeo tay, máy ảnh, vài đồ án khu trù mật và một số ngân phiếu du lịch của ngân hàng ngoại quốc.

Như tôi đã từng viết trong hồi bút nầy là chiếc cặp da của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị tước đoạt khi ông bị áp giải lên thiết vận xa M113 trên sân nhà thờ Cha Tam. Cơ quan An ninh đã hỏi tôi rất nhiều về cái cặp da này, ai đã chiếm đoạt trong giờ phút bắt Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi không nhớ rõ gì cả. Vì lúc ấy tinh thần rối loạn lắm trước sự giằng co của ông Ngô Đình Nhu, vài sĩ quan quân lính lên đạn sẵn sàng bóp cò.

Tôi không còn đủ thì giờ suy nghĩ một việc gì cả, ngoài sự lo âu cho tánh mạng Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bên trong sân nhà thờ Cha Tam như thế, còn bên ngoài có hai chiếc xe Jeep đang đợi sẵn, trên đó có lẽ là những sĩ quan cao cấp chỉ huy cuộc bắt Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Cho nên giờ phút đó không thấy ai (Tổng thống Diệm, ông Nhu và tôi) quan tâm đến chiếc cặp da nữa. Rồi khi quân đảo chánh đẩy tôi lên chiếc GMC, Tổng thống Ngô Đình Diệm gọi tôi và ra dấu đưa chiếc cặp da, chiếc mũ dạ và ba toong cho ông. Tôi vội vàng đưa cho Tổng thống, nhưng hai bàn tay Tổng thống chưa sờ được những đồ vật ấy thì một sĩ quan đã giật lấy. Nếu tôi không nhớ nhầm thì viên sĩ quan nầy là Đại úy N, thế là chiếc cặp da của Tổng thống Ngô Đình Diệm biệt tích.

Và có lẽ để trám vào lỗ hổng nầy người ta đã phóng đại loan truyền về cái cặp da đầy tiền của ông Ngô Đình Nhu.

Thi thể Tổng thống Diệm sau khi ông bị giết một cách tàn khốc (ảnh: Pictorial Parade/Archive Photos/Getty Images)

Nếu ông Nhu có cặp da tiền bạc đã được sửa soạn đưa ra ngoài trước 7 giờ tối ngày 1 Tháng Mười Một 1963 thì tôi không được rõ. Nhưng ước đoán như thế không đúng hẳn với cá tính của ông Ngô Đình Nhu. Ông Nhu là một người rất cẩn thận. Một số tiền lớn không thể ra đi một cách dễ dàng như thế, trong lúc ông ta hy vọng đánh đuổi được đảo chánh. Nếu có cặp da tiền thì giờ phút rời Dinh Gia Long ông ta mang theo. Như tôi đã viết là tôi không hề thấy ông Nhu mang vật dụng nào cả.

Có người trong Dinh Gia Long kể lại rằng hồi ông Nhu chủ trương tuần báo Xã Hội. Mỗi lần thanh toán tiền bạc rất kỹ và theo tờ báo nầy chính ông ta là người sửa bài (correcteur). Nhà in rất kêu ca về tiền bạc ông Nhu tính toán. Nhớ lại câu chuyện nầy, tôi nghĩ rằng một người cẩn thận như ông Ngô Đình Nhu không thể nào giao một chiếc cặp tràn ngập tiền bạc cho ông Cao Xuân Vỹ mà ông không biết cuộc đời mình sẽ như thế nào sau cuộc đảo chánh.

Người chết không thể mang theo hành trang. Sinh ra bằng hai bàn tay trắng thì lúc trở về với cát bụi cũng như thế. Chiếc cặp da kia đáng giá nghìn vàng đi nữa cũng vô nghĩa với người chết. Định luật chung chứ không riêng biệt cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Trong khoảng khắc cuộc đời, hành lý cuối cùng là một chiếc cặp da mà Tổng thống ngự trị ròng rã 9 năm trường đã bị tước đoạt tức thời như cái chết cô đơn của ông.

Chiếc cặp da vô tri đã bị quên lãng (giấu nhẹm!). Không quan tâm cho người chết, nhưng có phần quan trọng cho những người sống trong giai đoạn hầu như biến loạn nầy. Trong suốt thời gian từ Dinh Gia Long qua nhà Mã Tuyên rồi cuối cùng ở nhà thờ Cha Tam, tôi có cảm giác Tổng thống Ngô Đình Diệm không hề để ý đến chiếc cặp da ấy. Khi ở nhà Mã Tuyên, Tổng thống bảo tôi mở cặp lấy bộ quần áo cho ông. Đó là một lần duy nhất, Tổng thống Ngô Đình Diệm mở cặp trên đường lánh nạn. Và cũng từ nhà Mã Tuyên ra đi, Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu mặc complet. Tôi nghĩ đó là lần dọn mình cuối cùng của hai ông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: