Cuộc Cách Mạng Ruộng Đất 1954 ở làng tôi (Kỳ cuối)

Thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1954-1956). (Tranh: Phan Thông. Hình: hinhanhlichsu.org)

Gia đình tôi thành thật khai báo là của chìm thật sự chẳng còn gì, có vài ba chỉ vàng đã đem ra ủng hộ chính phủ ông Hồ trong chiến dịch “đổi vàng lấy súng cối xay” vào cuối năm 1945.

Còn của nổi, ngoài nhà cửa, ruộng vườn, chỉ còn một số đồ đạc lỉnh kỉnh, trong thời gian chiến tranh, đem gửi tại căn nhà một người bạn “cửa Khổng sân Trình” của bố tôi trong làng Thạch Cáp, song chẳng may căn nhà này đã bị máy bay Pháp thả bom làm cháy rụi mất rồi. Bố mẹ tôi cũng báo cáo cho đội biết là gia đình tôi còn một số đồ cổ hiện đang được gửi tại nhà một người quen khác trong làng Thanh Mai ở sâu trong vùng đồi núi cùng huyện Lâm Thao và cách làng tôi khoảng 6 hay 7 cây số theo đường chim bay. Ngay sau khi biết được tin này, đội cải cách ruộng đất đã cấp giấy phép cho gia đình tôi đi lấy hết những đồ cổ này về để bán và gán nợ cho nông dân.

Khi anh tôi và tôi vào làng Thanh Mai trình giấy tờ để xin lấy lại số đồ cổ này, ông chủ nhà cho biết là, riêng cá nhân ông không có gì trở ngại cả, song vì làng Thanh Mai của ông cũng đang thực thi chiến dịch Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh Chống Địa Chủ, nên ông đã khai báo số đồ cổ này với đội phát động rồi. Do đó việc trả lại cho chúng tôi, ông cần phải có sự chấp thuận của họ. Ông dẫn chúng tôi tới gặp một cán bộ phát động hiện đang “tam cùng” trong một gia đình cố nông gần đó.

Cán bộ này giải thích cho chúng tôi hay: “Đảng và Nhà Nước đã qui định rõ ràng rằng, của cải của địa chủ để ở đâu, thì tịch thu, chia cho nông dân ở đó,” vì thế ông ta không thể cho phép chúng tôi lấy những đồ đạc này mang về làng Bản Nguyên được. Chúng tôi không dám phàn nàn hay khiếu nại gì về quyết định này cả, mà chỉ xin ông ta viết cho mấy chữ và ký tên vào mặt sau của tấm giấy giới thiệu, để có bằng chứng cụ thể trình cho đội phát động làng tôi.

Dù đã hết sức thành thật khai báo nhưng cán bộ phát động vẫn không tin vào sự thành khẩn của gia đình tôi, nên vẫn cắt cử dân quân du kích hay nông dân thường xuyên theo dõi nhất cử nhất động của từng người trong gia đình tôi để xem chúng tôi đang giấu của chìm ở đâu? Khi gọi gia đình tôi đến trụ sở của đội hay của nông hội để làm việc hay truy tô hoặc tố khổ, là một dịp thuận tiện cho những người bần cố nông có nhiệm theo dõi gia đình tôi xâm nhập vào nhà lục soát, và tìm kiếm của cải giấu giếm trong nhà. Chúng dùng những cây xiên bằng sắt soi mói từng tấc đất trong nhà, trong vườn để tìm kiếm vàng bạc, châu báu mà chúng nghĩ là gia đình tôi đã chôn giấu đâu đó.

Trong thời gian đội hoạt động trong làng tôi, vì chính sách cô lập địa chủ, nên học trò cũ và bà con họ hàng của bố tôi trong làng cũng khá đông, song không một ai dám bén mảng tới thăm hỏi hay giúp đỡ gia đình tôi. Căn cứ vào chính sách CCRĐ, cán bộ phát động không cho phép một ai được tiếp xúc với địa chủ, không ai được thuê mướn địa chủ, không ai được phép cho địa chủ tiền bạc hay thực phẩm. Bất cứ ai vi phạm lệnh cấm này, nhẹ thì bị phê bình cảnh cáo, nặng thì sẽ bi coi như địa chủ và bị đối xử như địa chủ. Với chính sách cô lập độc ác này, địa chủ muốn đi ăn mày cũng không được, vì không ai dám cho; muốn đi làm thuê cũng không xong, vì không ai dám mướn. Chỉ còn có mỗi một nước là đi lang thang mót hay lượm những củ khoai lang hay khoai mì còn sót lại trên đồi nương hay đồng ruộng để ăn sống, rồi chết dần chết mòn vì đói khát.

Một người anh họ cùng chung đầu ông nội với tôi, anh Vũ Huy Cảnh, ở làng Quỳnh Lâm, cùng thuộc xã Hùng Tiến, huyện Lâm Thao, với làng Bản Nguyên cuả tôi, đã chết trong tình huống như thế. Cứ mỗi lần nghĩ tới anh, dù đã hơn 70 năm trôi qua, tôi vẫn không cầm được nước mắt, vì bị cô lập trong chiến dịch CCRĐ của ông Hồ đã khiến anh chết đói vào lúc mới 25 tuổi đầu. Bố mẹ tôi và tôi sở dĩ có thể sống sót được là nhờ cô con gái nuôi đã hơn mười tuổi, và người con cả đã ở riêng có vợ thuộc thành phần trung nông, nên họ không bị đối xử quá khắt khe như địa chủ.

Theo chính sách CCRĐ, con nuôi địa chủ, dù được nuôi dưới bất kỳ hình thức nào, đều được coi là nuôi để bóc lột sức lao động, chứ không phải nuôi vì tình thương yêu. Vì thế con nuôi địa chủ được cán bộ phát động chiếu cố, và còn được coi là thành phần cốt cán, ưu đãi. Cũng theo chính sách CCRĐ, thành phần trung nông được coi là bạn liên kết và ủng hộ thành phần bần cố nông trong công cuộc đấu tranh chống địa chủ. Với tình trạng nhân sự trong gia đình tôi như thế, cô con gái nuôi từ hồi mới sinh và cô con dâu thành phần trung nông có thể giúp cho anh tôi giữ lại được khu vườn trại làm nguồn sinh sống tạm bợ cho cả gia đình. Nhờ đó mà cứ đôi ba ngày cô con gái nuôi lại lén lút tới thăm và tiếp tế cho dăm ba chén gạo. Mỗi nồi cơm cho bố mẹ tôi và tôi chỉ có hơn nửa chén gạo, nấu độn với bốn năm quả chuối xứ hay chuối tiêu xanh tước vỏ sắt nhỏ như hạt lựu, ăn cho qua ngày.

Trong giai đoạn Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh Chống Địa Chủ, mẹ tôi là người gặp nhiều khó khăn nhất, vì bà vốn là con gái thành thị, chưa từng phải lam lũ, chân lấm tay bùn. Mang tiếng là vợ địa chủ, song bà chưa bao giờ đặt chân tới những thửa ruộng của gia đình tôi, và cũng chẳng biết những thửa ruộng ấy lớn nhỏ và nằm ở xó xỉnh nào trên cánh đồng sau làng nữa. Suốt ngày mẹ tôi chỉ quanh quẩn trong nhà trông nom con cái và điều khiển người ăn người làm thế thôi.

Vào thời gian ấy, mẹ tôi bị chứng thấp khớp hành hạ, các khớp xương xưng phù, đau nhức ngày đêm, và gia đình tôi lại đang lâm vào cảnh túng quẫn đến nỗi không có tiền để thuốc thang, và bà đã phải dùng mấy thứ lá cây uống đắp cho đỡ đau thế thôi. Mẹ tôi hầu như không thể đi xa được, ấy thế mà vẫn bị du kích vác súng tới nhà để áp giải bà đến Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến xã để truy tô, hay đến các buổi hội họp của nông dân để nhận những lời tố khổ oan nghiệt và những lời sỉ vả đắng cay. Vì quá sợ đến nỗi quên hết cả đau nhức và có thể đi lại dễ dàng, dù quãng đường từ nhà tôi đến các nơi ấy có khi lên tới hai ba cây số. Thế mới biết súng đạn, có hiệu lực hơn cả thuốc thang.

Theo nguyên tắc, vào cuối giai đoạn I của cuộc CM/TL/ĐL, mỗi xã phải chọn một hay hai địa chủ gian ác nhất để mang ra đấu tô công khai, trong một cuộc meeting lớn toàn xã. May mắn là bố tôi không được chọn làm địa chủ lọai cao cấp này. Tuy nhiên, đội cũng đã gửi bố tôi đi tham dự một khoá học tập cải tạo đặc biệt dành cho các địa chủ trong vùng, được tổ chức tại làng Cổ Pháp thuộc tỉnh Sơn Tây, nằm ở phía bên kia sông Hồng và chỉ cách làng tôi khoảng 6 cây số theo đường chim bay. Người được chọn là địa chủ ác ôn nhất trong xã Hùng Tiến, gồm ba làng Bản Nguyên, Thành Chu và Quỳnh Lâm là cụ Bá Hảo, người làng Thành Chu. Vào năm

1954, cụ Bá Hảo đã ngoài 70 tuổi, song vẫn còn tráng kiện, gia sản tài của cụ có khoảng 100 mẫu ta ruộng đất, và một dinh cơ đồ sộ nằm trong làng Thành Chu. Người con cả của cụ Bá là ông Diệm đã từng làm Chánh Tổng, tổng Vĩnh Lại trước năm 1945. Sở dĩ cụ Bá Hảo bị đem ra đấu tố là vì cụ bị quy kết là là địa chủ gian ác, cường hào ác bá, và việt gian phản động.

Buổi đấu tố cụ Bá Hảo, được tổ chức ở khoảng đất trống trong khu Vườn Vải, ngay sau dinh cơ của cụ; tất cả người dân trong xã Hùng Tiến gồm ba làng Bản Nguyên, Thành Chu, và Quỳnh Lâm đều phải nghỉ các công việc đồng áng và buộc phải tham dự. Những kẻ vắng mặt không lý do chính đáng có thể bị nghi ngờ là có cảm tình với địa chủ, vì thế người tham dự khá đông đảo. Quang cảnh buổi đấu tố cụ Bá Hảo của xã Hùng Tiến hôm ấy nói riêng, cũng như các buổi đấu tố địa chủ trong các xã khác thuộc huyện Lâm Thao nói chung, thường được sắp xếp chung chung như sau:

Chiếc bàn của chủ tọa đoàn được đặt trên một sàn gỗ và thường cao hơn mặt đất độ nửa thước tây. Sau bàn chủ tọa đoàn là một bức phông cao rộng bằng lá cây hay bằng những tấm cót. Trên bức phông là hình của Malenkov, Thủ Tướng nước Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết; hình Hồ Chí Minh, Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa va hình Mao Trạch Đông, Chủ Tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trước mặt và cận kề bàn chủ tọa đoàn là một mô đất có hình tròn hay một hố tròn đường kính khoảng 6 tấc được dùng như vành móng ngựa và là chỗ đứng của địa chủ trong khi bị đấu tố. Trước hố đấu, là một khoảng trống rộng rãi với những ô hình chữ nhật được kẻ bằng vôi bột dùng làm chỗ đứng cho các thành phần tham dự. Trên tay những người tham dự là những lá cờ đỏ sao vàng lớn nhỏ khác nhau, hay nhưng biểu ngữ mang những khẩu hiệu như:

-Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm

-Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm

-Đả đảo địa chủ cường hào ác bá.

Sau khi nghi lễ chào cờ và mặc niệm, một cán bộ của đội, lưng đeo xà cột, đầu đội nón cối trong bàn chủ toạ đoàn đứng lên tuyên bố lý do, rồi ra lệnh cho dân quân du kích dẫn giải địa chủ Hảo ra hố đấu. Cụ Bá Hảo, hai cánh tay bị trói quặt ra phía sau lưng, và được áp giải tới hố đấu bởi hai chú dân quân du kích, súng cầm tay và đạn đã lên nòng. Ngay sau khi thấy cụ Bá Hảo hiện ra, đám người tham dự hô vung tay hô vang dội khẩu hiệu để đánh phủ đầu và uy hiếp tinh thần địa chủ Hảo:

-Đả đảo địa chủ Hảo gian ác! Đả đảo, đả đảo, đả đảo.

-Đả đảo địa chủ Hảo cường hào ác bá! Đả đảo, đả đảo, đả đảo.

-Đả đảo địa chủ Hảo việt gian bán nước! Đả đảo, đả đảo, đả đảo.

Rồi một thành viên khác trong bàn chủ tọa đoàn đứng lên tóm tắt tiểu sử, cùng quá trình bóc lột và gây tội ác cùng thành tích làm tay sai cho thực dân Pháp hãm hại nông dân nghèo của địa chủ Hảo. Đồng thời hắn cũng kêu gọi nông dân trong xã mạnh dạn tố cáo tội ác Trời không dung Đất không tha của địa chủ Hảo. Hàng ngàn cánh tay trong đám người tham dự đưa lên, như muốn tranh dành lấy vinh dự là người đầu tiên đứng ra đấu tố địa chủ Hảo. Song dường như việc kêu kẻ trước, người sau trong việc tố cáo địa chủ Hảo đã được sắp xếp từ trước, nên thành viên này chỉ việc căn cứ vào danh sách đó, lần lượt mời gọi từng người ra đấu tố địa chủ Hảo.

Những người được chỉ định đứng ra đấu tố thường là bần cố nông ít học, nhút nhát, không quen ăn nói trước đám đông. Mặt khác, phần lớn những sự kiện đem ra đấu tố không có thật, hoặc chỉ là một việc bé được xé ra to, hay được thổi phồng lên để cường điệu hoá sự tàn ác của địa chủ, nên rất dễ quên. Vì thế những ông bà bần cố nông được cán bộ phát động chiếu cố đưa vào vai trò đấu tố địa chủ phải tập dượt đi, tập dượt lại rất nhiều lần trước ngày tấn tuồng đấu tố được mang ra trình diễn trước công chúng. Những ông bà bần cố nông này phải tập dượt từ cách đi đứng, cách xỉa xói vào mặt địa chủ, cách vung tay tát vào mặt địa chủ, cách lên giọng, xuống giọng trong lúc tố cáo, nhất cử nhất động phải phù hợp và ăn khớp với nhau. Có làm được như thế mới biểu lộ được hết được lòng căm thù sâu xa ba đời đã bị địa chủ bóc lột, và người tham dự mới tin là điều tố cáo là có thật, đồng thời cũng là một dịp tốt làm tăng thanh danh và uy tín của Bác và Đảng. Hầu hết những người ra đấu tố đều mở đầu bằng câu sáo ngữ như:

-Mày có nhớ hay biết ông/bà là ai không?

Không cần phải đợi địa chủ trả lời, nhớ hay không nhớ hoặc biết hay không biết, người tố cáo liền nói sơ lược về lý lịch ba đời bần cố nông của mình, rồi kể vanh vách những tội ác mà cụ bá Hảo đã gây cho gia đình và cá nhân họ. Trong khi kể tội, chúng xỉa xói vào mặt địa chủ, gào thật to, hét thật lớn như để biểu lộ lòng căm thù sục sôi đã nung nấu trong tâm can. Phần lớn bần cố nông tố cáo cụ Bá Hảo là đã lợi dụng uy quyền để mua rẻ ruộng đất, hoặc dùng những thủ đoạn thâm độc để chiếm hữu ruộng đất của họ, hay lợi dụng lúc họ gặp khó khăn trong gia đình như có người đau ốm mà không có tiền để thuốc thang, hoặc tang gia túng thiếu để cho vay lấy lời cao gấp bội.

Một vài mụ bần cố nông, khi được gọi bước ra đấu tố, đã cố gắng hết mình làm ra vẻ ta đây giận giữ và căm thù điạ chủ tới mức tột cùng, xăm xăm bước tới hố đấu, vung tay tát vào mặt cụ Bá Hảo đôm đốp, rồi tố giác là cụ hãm hiếp họ. Cứ mỗi lần một gã hay một mụ bần cố nông tố cáo cụ Bá Hảo về một tội nào đó, là lại một lần hỏi:

Bớ thằng địa chủ Hảo gian ác, mày có nhận tội của mày hay không?

Nếu cụ Bá Hảo chưa kịp hay còn lưỡng lự chưa chịu nhận tội, là đám đông tham dự lại hô vang khẩu hiệu “Đả đảo địa chủ ngoan cố” và khẩu hiệu này được hô đi hô lại nhiều lần cho đến khi nào cụ Bá Hảo nhận tội mới ngưng.

Theo lý thuyết việc đấu tố địa chủ trong CCRĐ được kết hợp dưới ba hình thức:

-Đấu lý: Dùng lý luận để bẻ gẫy lý luận của địa chủ.

-Đấu pháp: Dùng pháp luật để buộc tội địa chủ.

-Đấu lực: Dùng lực lượng quần chúng nông dân đế áp đảo địa chủ.

Song trong thực tế, qua các buổi đấu tố địa chủ, người ta nhận ra ngay được rằng, chẳng làm gì có đấu lý cả, vì địa chủ có bao giờ được phép dùng lý luận hay nhờ luật sư biện hộ để minh chứng là mình vô tội đâu, mà chỉ được phép cúi đầu nhận tội mà thôi, dù biết chắc chắn 100% đó là một tội hoàn toàn vu khống. Người ta cũng nhận ra rằng, làm gì có đấu pháp, vì không thể dựa vào vài ba đạo luật rừng được ông Hồ ký ban hành trong rừng, để kết tội địa chủ được, vì những đạo luật này hoàn toàn thiếu căn bản pháp lý. Đây rõ ràng chỉ là cuộc đấu lực, dùng lực lượng đông đảo của bần cố nông cộng với lực lượng của đảng CSVN dưới sự dắt dẫn lươn lẹo của ông Hồ để triệt tiêu giai cấp địa chủ mà thôi.

Chiến dịch đấu tố ở làng xã tôi và những làng xã kế cận kết thúc với nhiều địa chủ phải đi tù, nhưng chưa có ai bị xử tử cả, vì theo đường lối và chính sách của cuộc cải cách ruộng đất, giai đoạn II, mới là giai đoạn thật sự xóa bỏ hoàn toàn giai cấp địa chủ. Hầu hết địa chủ trong giai đoạn này, nếu không bị xử tử ngay tại chỗ sau khi bị đấu tố, thì cũng bị tuyên án tù chung thân, toàn bộ tài sản bị tịch thu chia cho nông dân nghèo.

Vì tin rằng sẽ bị giết hay bị tù không có ngày về vào giai đoạn II sắp tới, nên một hôm vào cuối giai đoạn I, bố mẹ tôi bảo tôi:

Con đã trưởng thành rồi. Bố mẹ cũng đã cũng đã ngoài 60 cả rồi, mẹ con lại bịnh tật và đau yếu đã mấy năm nay, không tiền thuốc thang, cơm độn quá nửa chuối xanh, song cũng chẳng có bữa nào được ăn no, như thế mẹ con làm sao có thể sống được vào những ngày tối tăm sắp tới? Như con đã kể cho bố mẹ biết về những gì mà con đã chứng kiến trong cả hai giai đoạn cải cách ruộng đất tại làng Sơn Lũng xã Xuân Huy, nơi con trọ học trong mấy năm vừa qua; cũng như những tin tức mà bố được biết qua lớp học cải tạo địa chủ tại làng Cổ Pháp mới đây, bố tin chắc rằng bố không thể sống sót được trong giai đoạn II sắp tới, nếu không bị xử bắn tại chỗ sau khi bị đấu tố thì cũng phải đi tù mọt gông, không có ngày trở về. Còn nhà cửa ruộng vườn vào cuối giai đoạn II sẽ bị tịch thu tất tần tật để chia cho các ông bà bần cố nông. Trước khi mẹ con chết vì đói hay chết vì ốm đau, bố chết vì bị bắn hay chết mục xương trong tù, bố mẹ muốn thấy con được yên bề gia thất, mới yên lòng xuôi tay nhắm mắt.

Trước đây, bố mẹ đã có ý ngắm cô Giáng, con ông bà Lý Xung ở cùng xóm cho con. Như con đã biết, cô Giáng kém con một tuổi, đẹp cả người lẫn nết; song trong thời gian trước đây con còn đang đi học, và bố mẹ cũng không lâm vào một tình khó khăn nào đáng kể cả, nên bố mẹ nghĩ để một vài năm nữa mới thưa chuyện này với ông bà Lý Xung cũng chưa muộn màng gì? Song bây giờ tình thế đổi thay, xem ra việc này khó có thể trì hoãn thêm được nữa, nên bố mẹ thấy cần phải làm tròn bổn phận của cha mẹ đối với con cái là lập gia đình cho con trước khi bố mẹ về với ông bà ông vải.”

Trong khi bố tôi nói với tôi những lời lẽ trối trăng, mẹ tôi đã hỗ trợ cho bố tôi bằng những làn nước mắt tuôn trào. Với tình huống tuyệt vọng của mẹ tôi và những lời trối trăng thống thiết của bố tôi như thế, làm sao tôi có thể không vâng lời bố mẹ tôi được, dù thật tình tôi chưa muốn lập gia đình vào lúc khó khăn này.

Lúc ấy đã là cuối tháng Chạp năm Giáp Ngọ, sắp sửa bước sang năm Ất Mùi (1954) và tôi đã 19 tuổi đầu, nên tôi chỉ xin bố mẹ tôi tạm hoãn việc này cho đến sang năm ngày rộng tháng dài, mới đề cập chuyện này với ông bà Lý Xung. Một vài ngày sau, anh tôi đến thăm và tiếp tế cho bố mẹ tôi vài ba bát gạo. Anh cho biết là anh đã lén đi Hà Nội thăm viếng bà con họ hàng đang sống trong thành phố này, tuy lúc ấy Hà Nội đã được “Bác và Đảng” tiếp quản. Anh cũng cho biết thêm là hầu hết bà con ở Hà Nội đều lo lắng cho số phận đen tối của gia đình tôi, và họ cũng cho anh tôi biết thêm là, hiệp định Geneva, ngoài những điều khoản vãn hồi hòa bình và chia đôi đất nước, còn có những điều khoản cho phép dân chúng hai miền, miền Bắc Cộng Sản và miền Nam Tự Do, được tự do chọn lựa nơi cư trú và sinh sống.

Hầu hết địa chủ trong vùng quê tôi không hề hay biết điều khoản này. Họ cũng khuyên gia đình tôi nên gấp rút tìm đường trốn về Hà Nội, rồi từ Hà Nội tìm đường trốn xuống cảng Hải Phòng, vì Hải Phòng lúc ấy vẫn còn trong tay quân đội Pháp và Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam trong một vài tháng nữa thôi, và nơi đây đang có chương trình giúp đỡ đưa những người miền Bắc lánh nạn cộng sản vào miền Nam sinh sống.

Bố mẹ tôi và anh em tôi đều cùng chung một nhận định, đây là môt cơ hội tốt nhất để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc của gia đình chúng tôi. Một kế hoạch trốn chạy của gia đình tôi được thành hình. Một vài ngày sau đó, chúng tôi lợi dụng những đêm tối trời vào cuối tháng Chạp, và cũng là lúc đội phát động đã rút ra khỏi làng, và đám dân quân du kích cùng các ông bà bần cố nông có trách theo dõi gia đình tôi đang chúi mũi vào lo công việc tết nhất, nên có phần chểnh mảng trong việc canh gác và kiểm soát gia đình tôi.

Cuộc trốn chạy vào miền Nam của gia đình tôi vào cuối năm Ất Mùi, tuy có gặp một số khó khăn trở ngại, song có lẽ nhờ vào sự phù hộ, độ trì của tổ tiên và Trời Phật nên đã thành công mỹ mãn. Nếu không nhanh chân, bỏ của chạy lấy người thì bố mẹ tôi đã phải phơi thây trên đất Bắc cùng với hơn 100,000 địa chủ khác rồi, và chúng tôi với thành xuất thân là con cái địa chủ sẽ muôn đời không ngóc đầu lên được để nhìn thấy mặt trời.

Cũng nhờ vậy, mà ngày hôm nay, tuy đã 70 năm trôi qua, dù đã bước vào tuổi 90 tôi còn có dịp ngồi gõ vào bàn phím của máy điện toán để viết lài những gì mà gia đình tôi cũng như các gia đình địa chủ khác ở miền Bắc đã phải gánh chịu trong cuộc “Cách Mạng Ruộng Đất Trời Long Đất Lở” của ông Hồ và của cái gọi là đảng CSVN.

Sau hết, xin coi bài viết này như là một nén hương muộn màng tưởng niệm những linh hồn của hơn 100,000 địa chủ miền Bắc đã bị ông Hồ và các đồng chí của ông giết oan 70 năm trước đây. Trong số này có linh hồn cụ Bá Hảo người làng Thành Chu cùng trong một xã với bố mẹ tôi và linh hồn của anh Vũ Huy Cảnh, người làng Quỳnh Lâm và cũng là anh họ cùng chung đầu ông nội với tôi.

Cuộc Cách Mạng Ruộng Đất 1954 ở làng tôi (Kỳ 1)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: