Cuối năm 1949, loạt chuyến bay vận tải cơ khổng lồ C-47 không đánh dấu, do các phi công Hungary hoặc Tiệp Khắc lái khởi hành từ trung tâm châu Âu bay về phía Thổ Nhĩ Kỳ, rồi chuyển sang phía Bắc trên Biển Đen, bay gần mặt đất né tránh radar. Khi máy bay bay qua Lviv, một loạt dù thả điệp viên xuống bầu trời Ukraine thuộc Liên Xô. Khi tiếp đất, điệp viên CIA sẽ kết nối với các chiến binh kháng chiến Ukraine đang cố gắng chống lại chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô. “Chiến dịch Red Sox” là một trong những nhiệm vụ bí mật đầu tiên của CIA khi Chiến tranh Lạnh mới bắt đầu.
Các điệp viên do Mỹ huấn luyện sẽ phản hồi thông tin tình báo cho những người phụ trách họ bằng thiết bị liên lạc vô tuyến, đồng thời tạo lực đẩy cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa non trẻ ở Ukraine, Belarus, Ba Lan và vùng Baltics. Mục tiêu của chiến dịch là cung cấp cho chính phủ Mỹ cái nhìn sâu sắc về ý đồ của Moscow ở Đông Âu; và nếu có thể, giúp phá vỡ chính “Đế chế Liên Xô”. Cuộc nổi dậy bị đàn áp đẫm máu tại Ukraine là trọng tâm và động lực để Mỹ tiến hành chiến dịch. Một học giả viết: “Chính tại Ukraine, CIA đã chứng kiến một trong những thất bại rõ rệt nhất của Chiến tranh Lạnh”.
Bài học cần học lại
Lật lại hồ sơ này, Politico (ngày 11-5-2022) cho biết, chiến dịch không thành công. Trong 85 điệp viên được CIA thả vào lãnh thổ do Liên Xô kiểm soát, ước tính có khoảng 3/4 bị bắt, bị tra tấn, ngồi tù dài hạn hoặc bị giết chết. Bây giờ, sau bảy thập niên, khi Moscow một lần nữa định cướp chủ quyền của Ukraine và triệt tiêu sự kháng cự của quân đội nước này với bất cứ giá nào, kể cả cái chết hàng loạt của dân thường, thất bại của Chiến dịch Red Sox rất đáng để xem xét lại.
Ngay sau Thế chiến thứ hai, các quan chức chính phủ Mỹ nhận thức được rằng hiểu biết của họ về các đồng minh cũ ở Liên Xô bị hạn chế nghiêm trọng. Lỗ hổng lớn thông tin xuất phát từ hai lý do chính. Đầu tiên là không có bộ máy tình báo có cấu trúc hoàn hảo nào tại Mỹ trước khi CIA được thành lập vào năm 1947. Điều thứ hai, đáng lo ngại hơn là thiếu các điệp viên trong lòng Liên Xô, đặc biệt là ở các khu vực đang chống lại sự thống trị của Moscow. Những thiếu sót này càng lộ rõ hơn khi Kremlin bắt đầu chiếm đóng, đàn áp và sáp nhập một số khu vực ở châu Âu, gồm cả một phần Ukraine vốn nằm ngoài vòng kiềm tỏa của Moscow.
Tại Washington, CIA đưa ra một giải pháp khả thi. Các điệp viên Mỹ sẽ lùng sục khắp các trại dành cho người di cư trên khắp châu Âu để tìm những người lưu vong có thể huấn luyện thành điệp viên và sau đó bí mật đưa trở lại lãnh thổ Liên Xô để thu thập thông tin tình báo và kết nối với các phong trào chống Liên Xô khác. Một số quan chức cấp cao của CIA còn tham vọng hơn khi tự hỏi “Tại sao chỉ dừng lại ở đó nếu chúng ta có dùng chiến dịch này để làm tan rã Liên Xô?”. Nhiều người đồng ý với họ và kế hoạch tham vọng đã có một số phương tiện để thực hiện.
Tiến hành chiến dịch
Thời điểm đó, lực lượng phòng không của Liên Xô rất hỗn loạn nên máy bay Mỹ có thể bay vào không phận dễ dàng mà không lo bị phát hiện. Hơn nữa, những điệp viên không hạ cánh tại những nơi thù địch mà tại những khu vực có các nhóm kháng chiến theo chủ nghĩa dân tộc chống lại chính quyền Liên Xô. Họ có lý do để chờ đợi một chiến thắng. Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, nền độc lập của Ukraine được nhìn thấy trong tầm tay, và chính phủ Mỹ rất hài lòng trước phản ứng tích cực này. “Ukraine tạo cơ hội hiếm có cho chiến dịch xâm nhập để hỗ trợ phát triển các phong trào ngầm phía sau Bức màn Sắt – một tài liệu CIA giải mật nêu rõ – Và nếu thành công, một căn cứ của chiến dịch sẽ được thành lập ở Ukraine”.
Đến Tháng Chín, 1949, chiến dịch đã sẵn sàng vói các chuyến bay đầu tiên. Điệp viên người Ukraine đổ bộ thành công xuống không phận Liên Xô, vào miền Tây Ukraine, tâm điểm cuộc kháng chiến. Thoạt đầu, mọi thứ diễn ra tốt đẹp, thông tin tình báo được chuyển thành công về những người phụ trách Mỹ thông qua thiết bị điện tử mới được nhập lậu. Sự lạc quan tiếp tục phát triển với những thông điệp “màu hồng”. Rồi những ngờ vực bắt đầu xuất hiện.
Trước hết, những điệp viên Ukraine đang thực sự kết nối với ai sau khi nhảy dù xuống? Tổ chức của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine hay nhóm kháng chiến chính từng dính líu đến các hành động tàn bạo của Đức Quốc xã trong khu vực? Vấn đề quan trọng hơn ở chỗ: Chiến dịch Red Sox được thiết kế để giúp hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của lực lượng mật vụ và phản gián Liên Xô cũng như đánh giá khả năng thành công của một chiến dịch như thế ở một nơi giống Liên Xô; nhưng người ta lại không tính đến chuyện, rất ít khả năng các nhóm kháng chiến này có thể tồn tại dưới hệ thống an ninh chặt chẽ của Liên Xô.
CIA phải mất nhiều năm mới nhận ra được điều này. Ở Nga, các đặc vụ Mỹ nhảy xuống rồi biến mất luôn. Tại Ba Lan, một đặc vụ đột ngột xuất hiện trên đài phát thanh nhà nước tuyên bố mình thuộc một nhóm dân tộc chủ nghĩa Ba Lan và “đã tham gia vào hoạt động tội phạm, chống lại Ba Lan”. Ở Latvia, ở Lithuania, Estonia cũng thế. Điều này cho thấy, tất cả các nhóm kháng chiến mà Mỹ cho điệp viên xuống để liên lạc “hoặc là trò lừa bịp hoặc bị KGB kiểm soát triệt để.
Tại Ukraine, chiến dịch Red Sox được cho là thất bại nghiêm trọng nhất. Mỹ khẳng định có một phong trào kháng chiến thực sự trong khu vực ngay sau Thế chiến, nhưng vào thời điểm chiến dịch bắt đầu, cuộc kháng chiến đã bị tiêu diệt và KGB cài người vào. Tuy nhiên, phía Mỹ không kiểm tra lại. Một phân tích sau đó cho thấy nhiều điệp viên CIA bị bắt chỉ sau vài giờ tiếp đất và bị bắn. Mỹ không nhận thấy thất bại này nhưng Moscow đã phá hủy một trong những hoạt động bí mật quan trọng nhất của Mỹ trên khắp châu Âu. Đến nay, sau nhiều thập niên, người ta vẫn chưa rõ chính xác bằng cách nào Liên Xô xâm nhập được vào chương trình Red Sox. Có khả năng là tay điệp viên nhị trùng Kim Philby đã phản bội chương trình.
*****
Bây giờ, gần 75 năm sau, Ukraine bùng cháy một lần nữa. Khi cuộc xâm lược của Nga kéo dài sang tháng thứ ba, mọi người bắt đầu nghĩ đến những gì có thể xảy ra tiếp theo. Hiện tại, rõ ràng là không có thời điểm nào trở lại nguyên trạng nữa. Bất chấp những biểu hiện đáng chú ý của Ukraine cho đến nay, dường như một đường phân chia mới sẽ lại chia cắt một phần đất nước. Một bức màn sắt mới đã xuất hiện. Những gì còn lại là phân biệt ranh giới thực sự.
Tất cả những điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ cần phải xây dựng chiến lược mới không chỉ liên quan đến Ukraine mà còn cả Nga. Người ta đã thấy các đường nét của một chính sách mới đang hình thành, bao gồm các biện pháp trừng phạt được thiết kế để làm suy giảm chủ nghĩa bành trướng của Nga. Nhưng đó chỉ là những chiến thuật nhằm đạt được lợi ích ngắn hạn, với một chiến lược rộng lớn hơn vẫn chưa thành hình. Ngoài ra, ngay cả khi Ukraine hợp tác để giành lại lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng, vẫn chưa rõ liệu hoặc bằng cách nào, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ toàn bộ nỗ lực – hay liệu Washington sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ cuộc tấn công tiềm tàng của Kyiv vào Crimea.
Điều này khiến việc nhìn lại những gì từng đánh giá và thực hiện thời chiến dịch Red Sox là cần thiết. Như Lindsay O’Rourke đã lưu ý trên tờ Foreign Affairs vào Tháng Ba 2022, “trong 35 nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm vũ trang bí mật cho những người đối lập ở nước ngoài trong Chiến tranh Lạnh, chỉ có bốn trường hợp thành công trong việc đưa các đồng minh của Hoa Kỳ lên nắm quyền”. Viện trợ của Washington cho Ukraine lần này hầu như không phải là bí mật; chỉ trong Tháng Tư 2022, Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu Quốc hội chuẩn y $33 tỷ viện trợ quân sự cho Kyiv.
Vào cuối những năm 1940 và đầu thập niên 1950, sự giúp đỡ tương tự không tìm thấy ở đâu cả; không có quân đội phương Tây nào đến để giúp quân nổi dậy Ukraine đánh lui các lực lượng Liên Xô. Tuy nhiên, giờ đây, quân đội Ukraine đã chứng tỏ năng lực của họ. Và điều này – chứ không phải sự hỗ trợ của Mỹ cho quân nổi dậy ở những nơi khác, hoặc các hoạt động bí mật của Mỹ được thiết kế để khuấy động các tổ chức phản kháng – sẽ là yếu tố quyết định để Kyiv cuối cùng thoát khỏi sự kìm kẹp của “đế quốc Moscow”. Đó là bài học mà những ai từng chứng kiến những nỗ lực bí mật trong Chiến tranh Lạnh của người Mỹ sẽ nhận ra: Chỉ đưa súng cho những người biết bắn và thật sự muốn bắn để giành độc lập cho chính họ.