Cuộc trốn chạy từ miền Bắc Cộng Sản vào miền Nam Tự Do 1954 (2)

Một người Thiên Chúa giáo di cư từ miền Bắc nhận đồ dùng do Mỹ phân phát. (Hình: US Govt/Wikipedia.org)

Bố tôi, vợ chồng người anh và đứa em gái chắc đã đi thoát được cả rồi, và có lẽ đang ngồi trong những chiếc xe hàng bon bon trên đường Trung Hà – Sơn Tây hay Sơn Tây – Hà Nội. Mừng cho họ bao nhiêu, tôi lại càng lo lắng cho số phận hẩm hiu của mẹ tôi bấy nhiêu. Mẹ tôi còn một người con gái nuôi, chị Vũ Thị Xuyến, lúc ấy đã lấy chồng và gia đình chồng chị là trung nông. Nếu chẳng may, mẹ tôi bị bắt về làng, chắc chắn chị Xuyến dù có thương mẹ nuôi đến đâu đi nữa, cũng không dám đón bà về sống với chị.

Trong chiến dịch CCRĐ ở giai đoạn I vừa qua ở làng tôi, mặc dù với sức ép của cán bộ đội CCRĐ, của chính quyền, của nông hội, của gia đình chồng, chị đã can đảm không mở miệng tố khổ bố mẹ nuôi theo sự xúi dục của cán bộ đội cách, đã bóc lột chị đến tận xương tận tủy là quá đủ rồi.  Vào thời gian này, sức khoẻ của mẹ tôi đã suy sụp quá nhiều rồi, nên nếu bà phải trở về làng một mình chắc chắn mẹ tôi không thể sống được, vì bệnh tật và đau yếu, nên ngay cả công việc vệ sinh và nấu ăn hàng ngày cho mình, chưa chắc bà có thể tự lo liệu được, còn nói chi đến việc chạy vạy kiếm dăm ba quả chuối xanh, vài ba củ khoai lang, hay năm ba khúc khoai mì để sống cho qua ngày giữa một bầy bần cố nông thù nghịch.

Tôi đi đi lại lại rất nhiều lần trên lối đi, từ bờ đê xuống bến đò và từ bên đò ngược lên bờ đê, để tìm kiếm và đợi chờ mẹ tôi vì tôi vẫn hy vọng với một phép mầu nhiệm nào đó sẽ đưa mẹ tôi đến bến đò này. Tôi cũng tự trách mình là người đã gây ra việc đi lạc của mẹ tôi. Giả sử, nếu tôi đi sát với mẹ tôi hơn nữa trên cánh đồng chiêm sau làng, thì đâu đến nỗi mẹ con phải lạc nhau. Trong lúc đi lại và suy nghĩ lung tung, tôi đã có được một quyết định dứt khoát là, tôi sẽ chờ mẹ tôi cho tới 5 giờ chiều tại bến đò này; nếu không thấy bà, thì coi như bà đã bị bắt, và tôi sẽ trở về nhà để lo liệu cho mẹ tôi. 

Khoảng 11 giờ, lại thêm một lần nữa, tôi từ bến đò đi ngược lên con đê, rẽ phải, rồi đi về phía làng Trình Xá, vừa qua khỏi khúc ngoẹo một chút, thì tôi thấy mẹ tôi đang đứng nói chuyện với một cậu bé chăn trâu. Có lẽ là bà đang hỏi thăm đường đến bến đò. Tôi mừng đến nỗi nước mắt tự động tràn ra khoé mắt. Mới chỉ xa cách mẹ tôi có khoảng 8 tiếng đồng hồ, mà tôi tưởng chừng dài như một thế kỷ. Cố kìm hãm xúc động và lấy lại vẻ tự nhiên, tôi đến gần bà, và giả bộ như không hề quen biết, cất tiếng hỏi:  “Bà cụ ơi! Chắc bà cũng định qua đò sang Trung Hà phải không? Mau lên! Đò đang đợi khách đó!

Thấy tôi bà rất mừng, nhưng không khỏi ngạc nhiên về câu hỏi như người xa lạ của tôi, nhưng chỉ vài ba giây sau, vẻ ngạc nhiên của bà đã biến mất, có lẽ vì bà đã nhớ đến lời căn dặn của chúng tôi trước khi ra đi, là trên đường trốn chạy không được nhận nhau là người quen biết. Tôi quay lại bến đò và bà lững thững đi theo tôi. Thêm bà nữa là đủ số  khách tối thiểu mà ông lái đò mong đợi. Khi con đò đưa chúng tôi qua sông Hồng vừa cặp bến Trung Hà, mẹ tôi lại một lần nữa quên lời dặn dò trước khi ra đi, bà đã trả liền một lúc hai xuất tiền đò và nói với ông lái đò rằng một cho bà và một cho con trai của bà là tôi. Cũng may là trên đò chẳng có ai quen biết cả.

Khoảng 12 giờ trưa chúng tôi tới được bến xe Trung Hà – Sơn Tây. Chuyến thứ nhì và cũng là chuyến chót trong ngày vẫn còn nằm tại bến đợi khách.  Chiếc xe đò, có lẽ trước đây là chiếc xe vận tải hàng hóa của tư nhân trong vùng kiểm soát của quân đội Pháp, sau ngày “giải phóng” được “cải tiến” thành xe chở hành khách. Phần thùng xe, cách biệt với buồng lái, trước đây là chỗ chất hàng hoá, nay được sửa chữa lại đôi chút để đặt một số băng ghế dài bằng gỗ cho hành khách ngồi. Tôi và mẹ tôi phải leo lên xe bằng chiếc thang cây di động đặt ở cuối xe. Tuy đã có thêm khách là tôi và mẹ tôi cùng một vài người nữa, song vì chưa đủ số hành khách tối thiểu mà chủ xe mong muốn, nên hành khách vẫn phải tiếp tục chờ đợi. 

Lên xe, tìm được chỗ ngồi xong xuôi, tôi mới để ý đến những hành khách đang ngồi trên xe. Nhìn vào góc trong cùng của thùng xe, tôi thấy có một người mang chiếc áo lạnh nhà binh màu cứt ngựa, giống như chiếc áo của bố tôi. Nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra đúng là bố tôi thật. Có lẽ ông đã thấy chúng tôi khi vừa mới lên xe, nhưng vì nhớ lời căn dặn lúc ra đi là không được nhận nhau nếu có gặp nhau trên đường trốn chạy, nên ông đã ngồi yên và làm như không hề biết chúng tôi. Trong lúc chờ xe khởi hành, tôi cảm thấy an tâm được phần nào, vì cuộc trốn chạy của gia đình tôi như thế là đã ra khỏi vùng nguy hiểm, nơi có nhiều người quen biết, và cũng là vùng mà bọn du kích và bần cố nông làng tôi có khả năng truy lùng và nhận diện.  

Đang mừng thầm trong lòng, tôi bỗng thấy một thanh niên trong làng, tên Xuất, xuất hiện ngay ở phía sau xe, và đang nhìn vào trong xe như muốn tìm kiếm một người nào đó.  Sự xuất hiện đột ngột của anh Xuất đã làm cho tất cả sự vui mừng mới có trong tôi chỉ ít phút trước thôi gần như tan thành mây khói. Thay thế vào đó là sự tràn ngập lo âu, vì thêm một lần nữa tôi lại nghĩ rằng sự trốn chạy của gia đình tôi đã bị phát giác thật rồi, và anh Xuất là một trong số dân quân du kich trong làng được phái đến bến xe này để tìm kiếm chúng tôi. Vì nghĩ như thế nên tôi vội vã quay mặt vào phía trong, với hy vọng là anh Xuất chưa nhìn thấy tôi; còn bố mẹ tôi, mỗi người một góc phía trong cùng, nên có thể anh Xuất chưa thấy được.

Đang phân vân lo sợ, thì tôi nghe thấy anh Xuất phàn nàn với mấy hành khách ngồi ở phía ngoài cùng rằng, anh đã đến bến xe này từ 9 giờ sáng, và đã đợi hơn ba tiếng đồng hồ rồi, mà xe vẫn chưa chịu chạy. Than vãn xong, anh lững thững đi về phía đầu xe. Tuy nhiên tôi vẫn không dám tin rằng anh Xuất là một hành khách thuần túy, mà còn ngờ vực rằng, có thể anh ta đã nhận ra chúng tôi, song vì chỉ có một mình, rất khó bắt và dẫn giải cả ba người cùng một lúc được, nên anh mới giả vờ than phiền và lỉnh đi, để gọi thêm tiếp viện, hoặc đến đồn công an bến xe để yêu cầu giúp đỡ.

Khi anh Xuất vừa đi khuất, tôi bèn xuống xe lẻn theo sau cho đến khi thấy anh đi tới buồng lái, mở cửa, leo lên xe, uể oải ngồi xuống phần ghế mà anh vì đến sớm hơn đã chiếm được ngay sát cửa xe. Tới lúc đó tôi mới hoàn hồn và tạm tin rằng anh Xuất không phải là dân quân du kích được phái đi tìm bắt chúng tôi, mà chỉ là một trong những hành khách đến sớm nhất, nên đã may mắn dành được một chỗ ngồi tốt nhất dành cho hành khách trong buồng lái mà thôi.

Chúng tôi phải đợi thêm gần một tiếng đồng hồ nữa thì mới đủ số lượng hành khách tối thiểu để xe khởi hành. Trong thời gian chờ đợi, tuy ngắn ngủi, nhưng tôi cảm thấy dài vô tận, vì cứ độ mười hay mười lăm phút, anh Xuất lại từ buồng lái đi về phía sau xe làm công tác “điểm  số” hành khách trong xe. Tôi rất thông cảm với sự mất kiên nhẫn của anh trong việc đợi chờ xe chạy, song tôi cũng không khỏi lo ngại rằng, nếu chẳng may thấy được sự có mặt cả ba chúng tôi cùng một lúc trên xe, anh Xuất sẽ đủ thông minh mà đoán ra sự trốn chạy của gia đình chúng tôi, và anh có thể đi báo công an đến bắt giữ chúng tôi. Tôi tin rằng, trước khi tôi và mẹ tôi lên xe, anh Xuất cũng đã “điểm số” hành khách nhiều lần như thế, khiến bố tôi đã phải kiếm một chỗ ngồi khá kín đáo mãi trong cùng của thùng xe.

Tàu USS Montague của Hoa Kỳ đang chuẩn bị đón người di cư tại cảng Hải Phòng. (Hình: US Navy/Wikipedia.org)

Cuối cùng, xe cũng đã rời bến vào lúc một giờ chiều.  Trên đường từ Trung Hà về Sơn Tây, dài khoảng 25 đến 30 cây số, xe ngừng lại nhiều lần để cho khách lên xuống. Anh Xuất đã xuống xe khi chiếc xe đò chạy gần đến bến xe Sơn Tây. Khi xuống xe anh mang đi hầu hết tất cả những nỗi lo âu trong lòng tôi. Tuy nhiên, vẫn còn một mối lo khác là khi vào bến xe Sơn Tây để mua vé đi Hà Nội, chúng tôi có thể bị công an xét hỏi giấy tờ. Riêng tôi vẫn còn giữ được tấm thẻ học sinh niên khóa 1954, nên không gặp khó khăn nào. Còn bố mẹ tôi, không có bất kỳ một giấy tờ nào lộn lưng cả, và rất có thể sẽ gặp rắc rối.

Theo thông lệ trong vùng kháng chiến lúc bấy giờ, trong một hành trình đường dài xuyên qua nhiều tỉnh thành khác nhau như thế, bố mẹ tôi ít nhất phải có giấy phép của công an huyện hoặc hay giấy chứng nhận của Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến huyện, hay ít ra là của Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến xã mới được tạm coi là hợp lệ. Càng đến gần bến xe bao nhiêu thì mối lo canh cánh trong lòng tôi càng tăng lên bấy nhiêu.

Khi đến đầu con đường rẽ vào bến xe Sơn Tây, thì chiếc xe đò chở chúng tôi đột ngột ngừng lại. Cứ mỗi lần xe ngừng bất thần, là tôi lại lo ngại là xe đã bị các toán công an lưu động chặn lại để xét giấy tờ hành khách và kiểm tra hàng hoá. Chưa biết thực hư ra sao, bỗng thấy một gã “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” xuất hiện ở phía sau xe và nói với hành khách trong xe một cách rất lịch sự rằng: Theo lịch trình thì mãi đến chiều mồng Hai tết, xe của ông ta mới đến lượt đón khách về Hà Nội, song vì muốn về sớm ăn tết, nên mang xe ra đây đón một số khách đi Hà Nội, hầu gỡ gạc chút ít tiền xăng nhớt. Thấy đây là cơ hội tốt để tránh những khó khăn có thể xảy ra ở bến xe Sơn Tây, chúng tôi vội vã chuyển sang xe của ông ta ngay. Xe chuyển bánh ngay lập tức.

Xe khách chạy tuyến Sơn Tây – Hà Nội, là hai thành phố tương đối lớn, nên có vẻ sạch sẽ và sang trọng hơn xe chạy đường Trung Hà – Sơn Tây rất nhiều. Trong xe, ghế bọc da còn khá mới và chỗ dựa rất êm. Có lẽ vì mới tiếp quản, xe hành khách vẫn còn nằm trong tay tư nhân, và chưa bị bắt buộc phải gia nhập vào Công Ty Quốc Doanh Chuyên Chở, nên mới còn sang trọng như thế. Xe chạy khá nhanh và thẳng một mạch về Hà Nội. Khi gần đến bến xe Ô Cầu Giấy, gia đình tôi lại gặp may một lần nữa. Ông chủ xe kiêm tài xế cho biết vì không tiện vào bến xe, nên yêu cầu hành khách vui lòng giúp ông xuống xe bên ngoài bến xe, và ông còn cho biết thêm là trên đường về nhà, xe của ông ta chạy qua phố Hàng Trống, nên ai muốn đến đó, hãy ngồi lại trên xe. Vì biết phố Hàng Trống rất gần phố Cầu Gỗ nên chúng tôi đã ngồi lại trên xe để đi vào giữa lòng thành phố Hà Nội.

Trên đường vào trung tâm Thủ Đô vào những ngày cận Tết khá nhộn nhịp. Xe của chúng tôi thường chạy qua những phố phường rợp trời cờ đỏ sao vàng và chui qua một số cổng chào đã được dựng lên mấy tháng trước đây để chào đón bộ đội cụ Hồ vào tiếp quản thủ đô Hà Nội và mới được tân trang để chào mừng Tết Nguyên Đán. Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi mới tới được nhà bà chị ruột của bố tôi ở phố Cầu Gỗ. Khi bước  vào nhà, chúng tôi đã thấy vợ chồng người anh và đứa em gái cũng đã tới đó khá lâu rồi. Anh tôi cho hay là chuyến đi của họ hầu như không hề gặp bất kỳ một khó khăn nào cả.

Tới lúc bấy giờ bố tôi mới nói rõ cho bà chị biết việc trốn chạy cộng sản và ý định di cư vào miền Nam của gia đình tôi, đồng thời xin bà cho tá túc trong những ngày chờ đợi tìm đường xuống Hải Phòng. Bố tôi cũng nói sơ lược cho bà biết gia đình tôi đã bị đày đọa và đấu tố như thế nào trong chiến dịch Phóng Tay Phát Động Quần Chúng ở làng tôi. Ông  cũng khuyên bà nên thu xếp gia đình để vào Sài Gòn làm ăn sinh sống thì tốt hơn, không nên tiếc rẻ mấy căn phố đang cho thuê ở lại Hà Nội, vì những căn phố ấy trong tương lai chẳng những không thâu được tiền cho thuê, mà còn có thể bị người thuê tố cáo ngược lại là đã cho thuê với giá cắt cổ để đòi lại tiền đã trả “thặng dư” từ chủ nhân từ trước tới nay nữa. Và rồi, những căn nhà ấy sẽ được nhà nước tịch thu.  Như phần đông người Hà Nội lúc bấy giờ, bà bác tôi không thấy được những gì Việt Minh đã làm, mà chỉ nghe những gì họ nói, nên cứ bám víu lấy nhà cửa để ở lại với Bác và Đảng. Khi thấy được thực tế phũ phàng, thì đã quá muộn màng mất rồi.

(Còn tiếp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: