Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng (11)

Sáng sớm hôm sau, đúng 6 giờ, ba hồi còi rúc vang rền, tôi giật mình thức giấc, ngồi nhổm dậy. Đầu tóc quần áo tôi ướt đầm đìa, mùi khai thối nồng nặc đến phát lộn mửa! Nhìn vào nồi vệ sinh thấy nước tiểu đầy phè, phân nổi lềnh phềnh bắt đầu tràn ra ngoài!

Một hồi còi dài rúc lên… Ban trực điểm danh từng tên một. May quá không thiếu ai. Nếu thiếu người, thứ nhất trưởng buồng, thứ hai tên đứng gác, thứ ba kẻ nằm bên cạnh đều phải chịu trách nhiệm.

Anh Vinh thì thầm kể trộm: Đã có lần thằng Vũ Văn Văn, quê Hoằng Hoá, đi dân công chiến dịch, bỏ lại gánh gạo trong rừng, đào ngũ về nhà, bị tóm cổ đưa ra đấu tranh chính trị, đánh đòn nhừ tử, hỏi: “Ai xui mi bỏ dân công đào ngẫu?”. Văn đau quá, khai báo lung tung, bị xã kết tội phản động, là tay sai Tuệ Quang-Tuệ Chiếu, thế là họ đem tống cổ vào đây!

Anh Vinh nói: “Mình không biết rõ hai tên ấy là ai. Là hai hay chỉ là một. Cũng bị kết tội tay sai! Không cãi được!”

Tôi khẽ lắc đầu:

-Đó là hai người cầm đầu vụ án. Tôi có hơi biết vì thày tôi liên can nặng lắm!

Chúng tôi ở tít trong cùng gian đình, cái xó xỉnh tối tăm, khai thối, không mấy ai thèm để ý, nên dễ thầm thì to nhỏ với nhau…

Điểm danh xong, lại một hồi còi vang lên báo giờ đổ nồi. Từ lúc điểm danh, mọi tù nhân đều ngồi suốt lượt, không ai được phép nằm, kể cả người mệt nhọc. Nếu kẻ nào bị đau ốm nặng, Ban trực cho xuống buồng bệnh. Đó là ba gian nhà gạch thấp nhỏ, chung quanh cũng rào tre gai kín mít, phía trước sân đình, có lẽ nó vốn là cổng nghi môn, và đình này vừa thờ thần vừa hội họp. Chính Vũ Văn Văn trốn trại tại nơi này trong đêm tối. Còi rúc liên hồi. Chân chạy hối hả. Súng nổ đùng đoàng. Gần xa náo động. Không biết nó trốn ở đâu mà tài thế? Trên hiên trại giam, ba anh bộ đội đi đi lại lại, ngón tay đặt sẵn vào cò súng, tù nhân nằm im la liệt như bãi xác chết. Không báo cáo báo mèo, ỉa đái chi hết, cứ thế cho đến sáng!

Anh Vinh báo cáo trưởng buồng là cái nồi đầy phè khó bưng nổi, sẽ bị trắc hết ra ngoài. Trưởng buồng báo cáo Ban trực cho phép hai thằng khiêng. Ban trực gật đầu: Được! Trưởng buồng được phép, bảo tôi và anh Vinh cùng khiêng, hễ đánh trắc ra nền đình giọt nào thì lấy áo lau sạch ngay giọt ấy!

Ôi! Cái nồi vồm cỡ đại, hai chúng tôi xúm tay khiêng, cố gắng hết sức căng bắp, lên gân, nín thở như lực sĩ cử tạ, nhích dần từng bước… Anh em bạn tù bịt mũi bưng mồm, mặt nhăn tút, xô dạt nhau ra một phía nhường lối giáp tường hồi cho chúng tôi đi. Phải qua sân đình ra đến cổng nách chúng tôi mới đặt tạm nồi vệ sinh xuống vệ đường thở phào…

Nhưng vừa thở được vài cái, báng súng đã thúc vào hông! Biết thân phận lao tù phải chịu kiếp khổ sai, anh Vinh bảo tôi:

-Cố lên em! Sắp đến cái ao đằng kia… Nào!”

Ì à ì ạch như khiêng đá leo dốc lên núi, chúng tôi nhích từng bước từng bước mãi rồi cũng đến bờ ao liền đổ ào ào trút cái của tội của nợ để làm mồi cho lũ cá, mới dám thật sự thở phào, nhẹ hẳn cả người. Nhưng cũng hết sức mỏi mệt, hai cánh tay tôi đau nhừ.

Tôi xin phép tắm giặt. Anh Vinh nói thêm:

-Đêm qua nó bị đái nhầm vào đầu, quần áo cũng bị ướt đầm đìa!”

Ông bộ đội đứng gác ở chỗ cách chừng 15m, gật đầu và xoè bàn tay năm ngón giơ lên ý nói thời gian cho phép năm phút thôi!

Anh Vinh ngồi trên bờ ao kỳ cọ cái nồi vệ sinh. Tôi cũng lập tức lội xuống ngay cái ao duy nhất ấy, ra giữa ao và hối hả tắm gội, giặt giũ. Ông gác xem đồng hồ đeo tay. Cái đồng hồ chạy như ngựa phi nước đại, loáng cái đã hết năm phút! Tôi mặc quần lót, đẫm nước ao chảy ròng ròng bò lên bờ. Anh Vinh lột quần lót của anh cho tôi mượn, còn anh mặc quần dài không. Anh chỉ cho tôi cái hàng bờ rào xương rồng gần đó để phơi quần áo. Tôi đành trở về trại với chiếc quần cộc, thân hình bày ra mấy khúc tre khô gầy guộc bọc trong lớp da đen thui và đầu tóc còn ướt đầm.

Anh Vinh tốt quá, xách giúp tôi cả cái nồi vồm nặng trịch, đã cọ rửa cẩn thận, mặc dù còn hôi hám. Cái khổ người ta chịu mãi cũng quen!

Sau đổ nồi đến việc toàn trại đi nhà xí! Chúng tôi tập trung cả ngoài sân đình, tù nhân buồng nào đứng riêng buồng ấy. Mỗi Trưởng buồng được phát hai cuộn dây thừng trói người buồng mình vào cánh tay thành một dây dài để dắt đi.

Trưởng buồng đi trước, quấn đầu dây vào cổ tay mình. Một ông bộ đội đeo súng trường theo gác đằng sau. Gần 400 con người già trẻ, trai gái, chia năm đoàn rồng rắn lôi kéo nhau vừa đi vừa chạy nhanh như đi ăn cướp, sợ chậm chân thì hết phần!

Trên bãi tha ma rộng mênh mông, năm cái hố xí dài, trên mái lợp sơ sài mấy tấm tranh cỏ săng rừng. Trưởng buồng phải nhớ nhà xí của buồng mình, tránh nhầm lẫn sinh tranh giành, xô đẩy lăn cả xuống hố như đã có vài lần xảy ra.

Thời gian đi vệ sinh hạn định tối đa 15 phút. Ai không mót cũng phải cố rặn, một là cho kịp thì giờ, hai là khi về buồng, tuyệt đối không được cáo mèo lôi thôi, trừ tên mắc bệnh kiết, có Trưởng buồng chứng thực. Để đảm bảo “vệ sinh” mà!

Thật không ngờ tôi lại gặp ông Ha ở đây. Cái ông mà ông Toà án Huyện gọi là một con khỉ đột, mặt mày ngắn ngủn, mũi hếch, da nhăn tút, đen đúa như hòn than, chỉ được cái tính thông minh, láu lỉnh, nhanh mồm nhanh mép! Ông làm thầy chùa làng Ao cùng xã (xã cũ, nay là Quảng Hợp, bên cạnh Quảng Hoà xã tôi). Ông Ha xin phép đi nồi, vì ông đã được Trưởng buồng chứng thực bị bệnh kiết lỵ kinh niên, không phải cách ly xuống buồng bệnh.

Ông Ha đến ngồi xuống nồi vồm sát sau lưng tôi, vừa rên đau vừa hỏi chuyện tôi:

-Thằng bên mi có tốt không?

-Tốt lắm!

-Mằn răng mi phải vô đây?

-Tôi không biết!

-Thày mi có về tìm súng đạn không?

-Có về. Nhưng không thấy có chi.

-Tau biết mà. Mằn chi có. Khai láo cả. Toàn chuyện bịa đặt!

-Ông có khai không?

-Thằng mô cũng như thằng mô. Đau quá, khổ quá không chịu nổi!

-Có đảng Liên tôn… không?

-Liên tôn cái con buồi!

Ông Ha ngừng một lát để kêu rên ử ử, tay bóp bụng, mặt nhăn như khỉ… trông thật thảm hại! Rồi ông Ha lại tiếp tục câu chuyện:

-Nhưng mà cũng sắp kết thúc rồi. Chờ làm án xong, toà đem ra xử là xong!

-Liệu ông có việc gì không?

-Tau à? Nắm thằng có tóc, ai nắm chi đứa trọc đầu? Mi coi đầu tau lúc mô cũng trọc lóc! Toà xử xong là tau về!

Tôi chợt nhớ câu trẻ con hay hát “Đầu trọc như củ bình vôi…” và bật phì cười, may hãm kịp chỉ có tiếng “hì”! Ông Hà nói:

-Tau biết rồi! Mưu mô thằng Lời, thằng Khai muốn nhổ cỏ nhà mi phải nhổ cả rễ! Xã tao ở đây còn có con Thuý cháu gái Nguyễn Đức Kinh, giàu nhất làng Cồn. Phải giam tù mà hắn còn đẹp như tiên giáng trần. Thằng Cầu trưởng buồng 4 phải lòng nó. Cầu là con trai đại điền chủ Nguyễn Hữu Ngọc, Đại biểu Quốc hội bị xử bắn đầu tiên ở tỉnh ta. Nhà con Thuý chạy trốn vô Nam hết. Còn ông nội và nó thế nào mà không trốn được phải gánh tội. Hôm đi lấy gạo, đêm bị trời mưa, phải trú trong cái nghè. Lợi dụng lúc đêm tối, thằng Cầu ôm con Thuý làm mưa làm gió một trận tơi bời… Sáng ra, thằng Cầu vẫn khoẻ như vâm, vác cả gạo cho con Thuý!

-Ông đã biết sắp đem xử Tuệ Chiếu thì có biết ông ấy can tội chi không?

-À! Cái tội không tán thành “Đảng trị”!

-Đảng trị” là gì?

-Đảng là Đảng mà trị là trị!

Tôi chưa kịp hỏi thêm điều muốn hỏi, thì có tiếng Trưởng buồng gọi:

-Tên Ha răng đi lâu rứa?

Ha vội vàng xắn quần đứng lên, vận một cái là xong, động tác rất thành thạo:

-Dạ, con… thưa Trưởng buồng, em xong ngay đây ạ!

Đến giờ phát cơm trưa, mỗi tù nhân một nắm không thể gọi là to và một nhúm muối trắng. Ít người có bát, phần nhiều cầm nắm cơm trên tay, bẻ ra ăn dần và chấm với muối trắng đựng trên mảnh lá đa khô do trại phát. Bụng tôi mặc dù đói cồn đói cào, cố gắng lắm cũng chỉ ăn hết nửa nắm cơm, còn nửa nắm cho anh Vinh. Anh ăn cơm tù đã quen nên xơi ngon cả nắm cơm. Anh Vinh chưa kịp ăn thêm đã thấy ông Ha mò lại tụt ngay quần ngồi xuống miệng nồi, hỏi nhỏ tôi:

-Cơm mi ăn chắc không thể hết, còn lại ở mô rồi?

Anh Vinh đưa cả nắm cơm của tôi cho ông Ha. Ông đón ngay lấy, xoay mặt úp vào tường, một tay ôm bụng, một tay cầm nắm cơm vừa rên hừ hừ vừa nhai nhồm nhoàm…

Sau bữa cơm sáng, từ 12 giờ đến 1 giờ chiều, tù nhân được phép ngủ trưa 60 phút. Tất cả lại phải ngồi im lặng bên nhau, có miệng như câm, không được hé răng nói với nhau nửa lời!

Năm giờ chiều, Ban trực rúc còi cho phép đi đổ nồi. Ban ngày ít hơn ban đêm, chỉ có chừng nửa nồi, một mình tôi có thể bưng bê đi được. Anh Vinh nhắc tôi nhớ lấy quần áo. Đổ nồi xong đến giờ phát cơm chiều. Vẫn như bữa trưa. Theo lời anh Vinh, đến chủ nhật mới đổi bữa: Mỗi người một suất rau muống độ mươi ngọn già, luộc đầy hơi khói thâm sì, dai ngoách và một quả chuối tiêu to bằng ngón chân cái. Anh em trong này ăn cả vỏ, nhiều người khỏi bệnh kiết nhờ cách ăn của kẻ ăn mày ăn mót này.

Bụng tôi đói veo đói vắt, cứ ào ào sôi từng cơn một, nhưng cầm nắm cơm với nhúm muối trắng lại thấy đắng chát trong cổ họng, lòng càng xót xa cay đắng. Rồi cũng phải ăn, không ăn chết đói ai thương tôi? Chỉ có mẹ tôi thương tôi nhất và đang đỏ mắt mong chờ con, đứa con độc nhất của bà.

Anh Vinh bảo tôi:

-Thôi ăn đi, nghĩ ngợi mà làm gì? Chúng ta phải sống chứ!

Tôi vâng, tay trái gạt nước mắt, tay phải cầm lấy nắm cơm. Đang lúc sắp bẻ nắm cơm, bỗng thấy có tiếng gọi tên tôi ngoài hè. Cánh cửa buồng mở, một khuôn mặt ló vào, sau khi nghe tiếng dạ to của tôi. Tôi nhận ra ông cán bộ trực văn phòng Toà án tỉnh. Ông bảo tôi mang theo tư trang ra ngoài.

Tôi mừng quýnh, nhưng lại ngờ tai mình nghe lầm, đứng sững người. Ông cán bộ văn phòng vẫy tay về phía tôi. Anh Vinh cầm bộ quần áo mới giặt của tôi và đẩy nhẹ tôi một cái: “Đi đi!”. Tôi liền ném nắm cơm vào lòng anh Vinh, cùng cái quần lót của tôi chưa kịp thay để trả lại quần anh tôi mượn hồi sáng. Tôi cố len bước qua các bạn tù, khôn xiết cảm động, không nói nổi lời chào từ biệt.

Ông cán bộ văn phòng dẫn tôi đến một nhà dân và căn dặn: Cấp trên cho tại ngoại, không được bỏ trốn về nhà hay đi đâu xa, để có lúc các ông ấy cần gọi đến phải có mặt ngay! Rồi ông cán bộ gọi một người chừng hơn 30 tuổi: “Tên này là Hoàng Tuấn Phổ tại ngoại ở đây với các anh. Các anh có năm người, thêm tên này là sáu. Từ mai đến nhà bếp lĩnh thêm một suất ăn. Nếu thấy hắn đi đâu vắng phải báo cáo ngay với cán bộ”.

Tôi biết mình chưa được tha, lòng cảm thấy buồn thiu, nhưng lại nghĩ thế này cũng sướng gấp vạn lần cái nhà giam tù nhân hay phạm nhân kia! Tuy vậy, vốn tính cả nghĩ, hay lo xa, tôi nghĩ, tôi lo biết đâu có ngày mình lại trở lại…

Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Chợt nhớ lời ông Ha, vụ án Liên tôn do Tuệ Quang, Tuệ Chiếu cầm đầu sắp kết thúc, ông Ha sẽ được tha, huống chi kẻ chưa ráo máu đầu như mình… Tôi tạm yên tâm. Vâng, tất cả đều tạm thời, ở đời có gì mãi mãi được đâu! “Chữ nhẫn là chữ tương vàng”, đã biết là “tạm” thì phải “nhẫn”, phải chịu đựng để vượt qua vạn trùng ba của bể khổ!

CÒN TIẾP

_________

Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: