Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng (12)

Mở đầu hồi ký này, tôi đã viết:

Năm 1953 đói vừa

Năm 1954 đói lắm…”

Từ năm 1955 thế nào? Năm 1955 bắt đầu có người chết đói! Năm 1956 số người chết đói tăng thêm, tăng thêm mãi… Kẻ xấu số không thuộc dân nghèo mà ngược đời, lại là địa chủ, phú nông… Chính họ bị cái đói đuổi ra khỏi làng để tha phương cầu thực, nói toạc móng giò, để đi ăn xin, ăn mày, đúng như lời dân gian xưa đã có câu:

Ăn mày là ai/Ăn mày là ta/Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày!

Năm 1954 gia đình tôi đói lắm. Nhà thêm miệng ăn. Bố tôi sau Hiệp định Đình chiến Geneve được tha tù trước thời hạn. Từ năm 1953, anh Nậu đã lấy vợ ra ở riêng, nhà là cái bếp cũ nhà địa chủ. Anh phải đổi họ Hoàng sang họ Lê, nhưng chỉ là mượn tạm danh họ Lê, còn anh vốn họ gì anh cũng không biết. Anh Nậu không thuộc Lê nào. Nhưng anh được hưởng quyền lợi thành phần bị bóc lột. Dĩ nhiên, địa phương hoan nghênh anh, vì anh là người bị bóc lột, chứng minh kẻ bóc lột không ai khác ngoài bố mẹ tôi đã nuôi anh làm con nuôi từ nhỏ.

Bố tôi không biết làm gì ngoài hai nghề phù thuỷ, lang y và giao du. Cơn bão tố đấu tranh chính trị đã cuốn đổ cả nghè miếu, chùa chiền; đến thánh, tiên, Phật cũng tượng gẫy, bia tan, hồn xiêu phách lạc! Hỏi ai còn dám cúng lễ, dám mê tín dị đoan? Còn nghề thầy thuốc? Hình như tạo hoá có lòng nhân, đã bắt đói thì không bắt ốm. Cả làng, cả xã không thấy ai kêu đau ốm!

Cho dù có ai lỡ đau bụng nhức đầu cũng chẳng ai dám gặp mặt hỏi thuốc bố tôi. Gia đình tôi như nhà mắc bệnh truyền nhiễm phong hủi, ho lao… cả hai thứ đều thuộc “tứ chứng nan y” (phong, lao, cổ, lại) thời trước. Đáng tiếc, gia đình tôi có môn thuốc phong đơn thấp khớp thần hiệu. Thời gian bố tôi bị tù giam học thêm được nghề bắt mạch và châm cứu tinh diệu của Lương y Lê Trần Đức. Ra tù, cụ Đức được Hội Đông y Việt Nam mời về công tác ở Trung ương Hội. Cụ viết bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Đông Y, dịch sách thuốc, biên soạn các tác phẩm: “Cuộc đời và sự nghiệp đại y sư Tuệ Tĩnh”, “Y phương ca quát”…

Mẹ tôi luấn quấn với vài ba sao ruộng còi, những thửa tốt nhường cả cho anh Nậu. Không làm thì đói, làm thì chói xương hom! Mẹ tôi phải về bên ngoại mượn bò cày bừa, còn đám nào thì cuốc rồi dẫm theo lối canh tác nguyên thuỷ. Bố tôi cũng phải tham gia cuốc góc, dẫm cỏ. Còn tôi? Tôi giúp mẹ xé bẹ kè để mẹ tôi chắp thừng buổi tối. Được dăm đôi thừng kè, loại thừng này bền tốt lắm, tha hồ ngâm bùn nước khi cày bừa, mẹ tôi đem chợ bán. Nhưng chẳng khác nào câu thơ Nguyễn Khuyến: Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua/Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất đằng mùa.

Mùa màng bạch lạng, thóc cao gạo kém, không ai mua thừng làm gì, người ta có cần thắt cổ đâu!? Biết làm gì để sống đây? Tôi mang chiếc đòn gánh tre, đôi giắng nứa, thử xuống chợ Hội xem có ai cần gánh thuê.

Chợ Hội đông người, cách nhà tôi 6km, không mấy ai quen biết tôi con cái gia đình thành phần phú nông địa chủ phản động, chắc họ sẽ không thù ghét. Nhưng từ sáng tới trưa, chẳng ai thuê mướn gì! Có lẽ người ta thấy cái thân hình thấp nhỏ, còm nhom như tôi thì gánh vác nỗi gì! Vả chăng, bản thân họ cũng đang phải cõng cái nghèo trên lưng, chưa biết san sẻ cho ai. Giá như tôi có thể gánh đỡ bớt cái nghèo cho họ thì họ cũng thuê tôi thật! “Chợ Hội lắm lươn, chợ Trường lắm cáy”. Nay thì đổi chác, chợ Hội nhiều hàng cáy, cũng lắm cói lác. Thứ vật liệu để dệt chiếu này, nhiều người mua nhưng không ai mua nhiều, bởi họ vốn ít.

Chợ búa nào cũng vậy, hàng quà bánh tấp nập nhất. “No đắt bói, đói đắt quà”. Các thầy bói đã phải học tập, cải tạo rồi. Chỉ còn hàng quà, không bị dẹp bỏ nên tự do phát triển: Bánh đúc, bánh tày, bánh dẻo (bánh cuốn), bánh lá, bánh xèo, bánh sắn, bánh hú, bánh nếp, bánh khoai, bánh tráng,… Những ai tiêu thụ cho hết? Đó là dân có tiền bán hàng: bán cáy, bán cá, bán lác, bán chiếu, bán đay, bán muối, bán cà, bán đỗ, bán vừng,… toàn dân lao động đầu tắt mặt tối cả, chẳng qua bớt chút, đỡ cơn đói lòng! Hạng người kiếm ăn không lương thiện cũng chẳng hiếm…

Vụ đói năm Ất Dậu (1945) tôi theo mẹ đi chợ Nguyễn thấy thiên hạ bán ê hề đủ thứ, bày la liệt dưới đất, từ bát đĩa, ấm chén, đến bàn thờ, bát hương, ngai ỷ,… Người bán chào khách mỏi miệng, người xem thì nhiều, phần đông chỉ lắc đầu. Bố tôi kể chuyện chợ Nguyễn còn bán cả sắc phong, cờ, biển vua ban. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời! Cho nên, trên tờ trích lục thời Tây có ghi câu chữ Nho: “Nhất điền thiên vạn chủ” do chính tay ông viết (không phải tất cả), vì thời ấy ông làm Thư ký đạc điền, Sở địa chính Thanh Hoá, nên được gọi là Ký Thuỳ, tức Thuỷ, tên huý bố tôi.

Cái biển vua ban đem bán ở chợ Nguyễn là của nhà họ Trương xã Thiên Linh (nay thuộc xã Quảng Yên, cạnh xã tôi). Hai chú cháu Trương Hữu Hiệu, Trương Hữu Thiệu cùng đỗ Tiến sĩ thời Lê Trung hưng, cùng nối tiếp nhau giữ chức Đốc đồng Sơn Nam. Hai cái biển này ghi đôi liễn đối: “Tam giáp đồng tiến sĩ-Nhất môn lưỡng tướng công”, không phải vua ban, mà do người ta đề tặng. Nhà họ Trương giữ mãi đến năm Ất Dậu phải mang ra chợ bán vì gia đình đói quá không còn gì quí giá hơn để bán! Buồn thay! Chẳng có một ai mua cả. Và có lẽ nếu cho không cũng chẳng ai chịu khó lấy hộ về chơi cái đồ “tiến sĩ”, “đốc đồng” ấy ở thời Tây Tàu nhộn nhạo này!

Tết năm Ất Mùi (1955) là bốn cái Tết Nguyên đán gia đình tôi không có Tết. Bàn thờ tổ tiên, ông bà ông vải cũng hương tàn khói lạnh! Gia đình tôi là tộc trưởng họ Hoàng, nhưng đã lâu, không con cháu nội ngoại nào dám qua cúng giỗ làm Tết, vì sợ mắc tội “liên quan phản động”! Đúng như lời các cụ “Trưởng bại ông vải hư”!

Lại nghe tin Thanh Hoá sắp sửa cải cách ruộng đất! Nhà mình đã trải qua cuộc đấu tranh chính trị kinh thiên động địa, nay đến Cải cách ruộng đất, nghe nói còn lở đất long trời hơn. Cha mẹ, ông bà cùng các cụ liệu có trụ nổi?

Không có thống kê chính xác về cuộc đấu tranh chính trị, nhưng chú tôi bị tù ở Nghệ An, nghe bạn tù Thanh-Nghệ-Tĩnh kể chuyện thì hàng vạn người bị đấu tố, hàng nghìn người bị bắt giam, hàng trăm người bị đưa ra toà xử án. Còn các gia đình liên quan nhiều không biết bao nhiêu mà kể!

Hôm xử án, Toà án tỉnh dựng một cái chòi cao, trên đó nhốt hai tên nguy hiểm nhất cầm đầu đảng phản động “Liên tông diệt cộng” là Hoà thượng Tuệ Chiếu, Sư ông Tuệ Quang. Khi thẩm án, Toà hỏi thủ phạm Tuệ Chiếu, tòng phạm Tuệ Quang. Án Tuệ Chiếu xử “tử hình”, án Tuệ Quang “hai mươi năm tù” hay “chung thân” gì đó.

Bạn tù có người kể lại: “Vụ án này Phật giáo bị mất một cái đầu, thế mà Công giáo thì không, sao gọi là “liên tôn”? Hỏi Phật giáo “liên” với ai? Chủ trương “độc lập tự do” mà tôi không tán thành “đảng trị” lại bị bắt tội tử hình thì còn “độc lập tự do” hay không?” Những điều này là nghe sau đó truyền lại, chứ lúc ấy nhân dân đông ngàn ngạt, đèn đuốc như sao sa, có ai hiểu sự thể thế nào.

…………

Bố mẹ tôi kể: Chú Thuyết tôi trong quê yếu lắm rồi, có lẽ cũng chết vì ốm nặng, không có tiền mua thuốc, tiền bán bò tiêu hết từ lâu. Nhà không được cứu tế gạo nên đến miếng cháo cũng không, mà củ chuối với cám không ăn được! Trong nhà còn nửa chum thóc, thím tôi bảo phải để dành, lỡ chết còn có bát gạo nấu cơm nhờ người ta đào huyệt! Chú tôi cùng can vụ án với bố tôi, nhưng tội nặng hơn, bị xử tám năm tù. Tất cả xuất phát từ vụ án mơ hồ có tên “Liên tôn chống (hay diệt?) Cộng” do Tuệ Quang – Tuệ Chiếu cầm đầu. Trong đấu tranh chính trị “phá án”, chú tôi bị bắt giam ở vùng thượng du nước độc Nghệ An nên mắc bệnh sốt rét ngã nước, khi được thả về thì đã thân tàn ma dại…

Rồi xã Thanh Long rục rịch cải cách ruộng đất. Trong dân một số người dư luận: Nhà ông Phổ trong Thanh chắc phải giàu có lắm, nếu không, con cái không thể được học hành. Họ nói thế là dựa vào tình hình thực tế địa phương mình. Bố tôi linh cảm thấy mình khó yên ổn, bảo mẹ tôi: “Chạy trời không khỏi nắng, ta nên trở về Thanh Hóa, có chết cũng còn có ông bà, tổ tiên!”

Bắt đầu cải cách ruộng đất, đường sá canh gác nghiêm ngặt đề phòng địa chủ chạy trốn. Đi đâu phải có giấy tờ tùy thân, nếu không sẽ bị bắt. Bác Biển chơi thân với ông Cự chủ tịch xã cấp cho bố mẹ tôi cái giấy chứng nhận ông bà về thăm quê cũ, nay trở về nơi trú quán. Hai ông bà nhờ có lương thực và mươi đồng bạc mang theo, dọc đường đi khỏi bị đói khát, nhưng cũng phải mất hơn một tuần mới về đến nhà.

Đầu năm 1956, đội cải cách ruộng đất về xã Thanh Long. Họ chọn nhà bác Tống làm nơi đóng trụ sở. Gia đình bác Tiên Vợi Hoàng Xuân Tống lập tức bị đuổi khỏi nhà đầu tiên. Với 80 mẫu ruộng, bác Tống thừa tiêu chuẩn đại địa chủ để Toà án Nhân dân đặc biệt xử tử hình! Người ta không cần biết thành tích kháng chiến của bác Tống ra sao. Lúc này Đội cần một đại địa chủ chứ không cần người hoạt động cách mạng. Có người còn bảo Hoàng Xuân Tống trước đây vào Thanh để hoạt động gián điệp.

Bác Tống bị trói cổ giam lại. Bác bà bị khảo tra tiền của cất giấu ở đâu, vì khổ nhục, uất ức đành thắt cổ chết cho thoát kiếp. Bà hai, cô Phúc, cô Nhẫn không rõ chạy trốn nơi nào. Chị con dâu vợ anh Quán về nhà cha mẹ đẻ bên làng Châu Xá thuộc thành phần trung nông lớp dưới. Nhà bác Giao, Đội tịch thu chia cho bần cố nông, còn gia đình bị đuổi đi đâu tôi cũng không biết. Bác Biển được xem là địa chủ kháng chiến, chỉ bị tịch thu ruộng đất, con trâu và một ít đồ đạc. Ông Cự chủ tịch xã bị cách chức, tra xét về tội tham gia tổ chức Quốc dân đảng, không biết theo căn cứ nào.

CÒN TIẾP

_________

Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: