Ghi chép về đám tang của Đại tá Nguyễn Văn Đông

Đám dông những cựu quân nhân VNCH đồng loạt giơ tay chào tiễn biệt đại tá Nguyễn văn Đông

Trong đám tang của Chris Kyle, tay bắn tỉa lừng danh nhất nước Mỹ, qua đời năm 2015 ở Texas, người ta nhìn thấy chiếc xe tang đi qua một đoạn đường dài hơn 300 cây số mà suốt hai bên đường, luôn có người dân đứng vẫy cờ hoặc nghiêm chào tiễn biệt.

Đó là một hình ảnh xúc động hiếm có về cái chết của một con người. Chris Kyle là người lính SEAL được ca ngợi như một thiên thần hộ mạng vì đã cứu cả trăm đồng đội trên chiến trường Trung Đông nhờ tài bắn tỉa. Anh giải ngũ, trở về nhà và sau đó chết như một người lính.

Rằm tháng Giêng Mậu Tuất, tức ngày 2 Tháng Ba 2018 tại Sài Gòn, đám tang của nhạc sĩ, Đại tá Nguyễn Văn Đông cũng xuất hiện một cảnh tượng xúc động tương tự. Khi lễ di quan diễn ra, nhiều người đàn ông mặc thường phục, không ai bảo ai, đã bất ngờ đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Thấp thoáng trong những hàng khác, cũng có những cá nhân im lặng đưa tay chào, không cần hiệu lệnh. Hầu hết là những cựu thiếu sinh quân VNCH cùng trường với ông, và những người khác là cựu quân nhân. Họ chào tiễn biệt vị Đại tá Chánh Văn phòng của Tổng Tham mưu Phó Quân lực Việt Nam Cộng Hòa về nơi an nghỉ cuối cùng.

Hình ảnh hàng người đứng chào theo kiểu nhà binh trước đám tang của nhạc sĩ Đại tá Nguyễn Văn Đông đem lại niềm xúc động lạ thường, tương tự như hình ảnh tiễn xe tang của Chris Kyle. Nhưng có lẽ còn đặc biệt hơn với câu chuyện Việt Nam, khi mọi thứ về con người và hệ thống của chính quyền miền Nam bị săn lùng, giam giữ và hủy diệt nhiều năm, nhưng vẫn ẩn khuất đâu đó, rồi bất ngờ hiển lộ.

Ngoài âm nhạc, vẫn còn đôi chuyện về Đại tá Nguyễn Văn Đông chưa được nói hết. Bài viết này là những gì còn lại, chưa kể, sau cuộc tiễn đưa đó.

Đọc tiểu sử cá nhân ông sau năm 1975, người ta chỉ biết ngắn gọn rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đi trại tù của nhà nước Bắc Việt trong 10 năm, và sau đó không đi Mỹ theo diện H.O. Đó là một chiến dịch nhân đạo do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bật đèn xanh nhằm giải thoát hàng trăm ngàn cựu quân nhân VNCH bị đưa đi tù, dưới danh nghĩa cải tạo (Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program). Mọi thứ về đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông lâu nay vẫn được mô tả thoáng qua, y như cách mà báo chí nhà nước đưa tin ông mất. Ấy vậy mà vài ngày sau đám tang, nhiều tờ báo vẫn còn bị khiển trách vì đã có thái độ trân trọng thái quá với một “sĩ quan ngụy”.

Năm 1975, ngay sau khi Đại tá Nguyễn Văn Đông ra trình diện, dù được chính quyền quân quản tuyên bố là chỉ đi “học tập tư tưởng mới” trong vài tháng. Thế nhưng, sự thật sau đó là 10 năm dài tù đày ở trại Suối Máu, Biên Hòa. Cho đến sau năm 1980 thì đưa về Chí Hòa. Đại tá Nguyễn Văn Đông được trả về nhà vào năm 1985 để được chết ở nhà, theo “chính sách khoan hồng của cách mạng”. Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể rằng khi chia tay ông 10 năm trước, bà vẫn còn nhớ hình dáng một người đàn ông gầy nhưng khỏe mạnh, để rồi khi nhận lại ông, thì lúc đó gần như chỉ là một cái xác, chỉ còn thoi thóp.

Bà Nguyệt Thu, người bên cạnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đến phút cuối ông ra đi, kể lại rằng gia đình lúc đó chỉ còn đợi ngày để chôn ông, vì do ông mang quá nhiều căn bệnh cũng như thuốc men lại quá đắt đỏ và khan hiếm vào thời đó. Rồi nhiều năm sau, ông sống lại khỏe mạnh, như một phép lạ. Hai người im lặng sống trong căn nhà nhỏ, không con cái, không có nhiều sinh hoạt với xã hội. Bà Nguyệt Thu nói rằng cho đến nhiều năm sau khi ông được thả về, bà vẫn còn là một người phụ nữ có khả năng sinh con nhưng ông không còn có thể. Vì vậy hai người đã chọn sống cô đơn cùng nhau đến ngày chung cuộc.

Lời của bà kể như tiếng chuông chùa xa xăm về một nỗi đau không lời. Khi về với ông mới được hai năm thì bà bị chia cắt bởi 10 năm tù. Khi được trả về nhà thì ông như một phế nhân. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đưa đến trại Suối Máu ngay sau khi trình diện. Thực tế trại này tên là trại Tân Hiệp, Biên Hòa, từng là nơi giam giữ các binh sĩ Bắc Việt chờ trao trả theo các thỏa ước. Tên Suối Máu là do các tù nhân sau năm 1975 gọi thành quen mặc dù bị quản giáo cấm. Bởi năm 1968, một trận chiến xảy ra tại nơi này. Dân trong vùng mô tả máu dân thường và của hai bên Nam Bắc chảy như suối, từ đó mà thành tên.

Trại Suối Máu giam giữ khoảng 5,000 người, chia làm năm trại theo ký hiệu K. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở K5. Chỉ một năm ở trại này, do điều kiện giam giữ và ăn uống khắc nghiệt, không chỉ Đại tá Nguyễn Văn Đông mà rất nhiều người cũng đổ ra đủ thứ bệnh từ nội khoa đến ngoại khoa. Thuốc thì chủ yếu là một loại dược phẩm dân tộc được bào chế ở miền Bắc có tên là Xuyên Tâm Liên. Nhà văn Hà Thúc Sinh, tác giả cuốn Đại Học Máu, kể rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vì bị mang bệnh ghẻ nhầy nhụa khiến cả mảng lưng của ông lở loét.

Đã vậy, nhiều chứng bệnh khác như đau bao tử, thấp khớp, huyết áp… ập tới hành hạ ông liên tục nhiều năm. Vào lúc thập tử nhất sinh, anh em khiêng lên trạm xá được ít bữa thì y tá ở đó đuổi về. Lý do là ở bệnh xá không có thuốc điều trị. Nhà văn Hà Thúc Sinh viết rằng mấy người bạn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khiêng ông ra hố nước để tắm sau nhiều ngày nằm liệt. Nhưng do phải đi lao động nên mọi người chỉ kịp nhìn thấy ông Nguyễn Văn Đông nằm sấp trên mặt đất, chứ không còn đứng nổi, cố múc nước rồi nằm quơ quào tắm rửa một mình.

Nói về sáng tác trong giai đoạn đó, Đại tá Nguyễn Văn Đông đã cố giữ lại cảm hứng trong những năm đầu bị tù, vì nghĩ rằng cùng lắm 2-3 năm gì đó sẽ ra. Nhưng rồi dần dần mọi thứ thui chột theo sức khỏe và niềm hy vọng. Tuy nhiên, sau đó, phát hiện tù nhân Đỗ Văn Phúc là em họ của ca sĩ Duy Khánh cũng bị tù chung trại, ông đã vui đến mức sáng tác lại. Cảm mến giọng hát của người này mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết riêng một bài hát để tặng, có tựa đề Sài Gòn trong trái tim tôi. Tác phẩm này, giờ chắc đã tuyệt bút, chỉ còn được nhắc lại với đôi ba câu với những ai từng nghe qua như “Sài Gòn tiếc nuối không thôi, Hà Nội héo hắt răng môi, cho nhớ thương vời vợi. Ôi, Sài gòn trong trái tim tôi…”.

Năm 1985, khi khiêng ông về nhà, bà Nguyệt Thu nói rằng không nghĩ ông sống qua được năm đó. Sự tuyệt vọng tràn ngập đến mức khi nhận được hồ sơ ghi danh đi chương trình H.O ngay trong nhóm đầu, ông đã từ chối vì muốn được chết trên quê hương. Bà cũng thuận theo ý ông. Ấy vậy mà với sự chăm sóc nhẫn nại và yêu thương của người vợ hiền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã sống lại, cho đến ngày buộc phải chia tay trần thế.

Khác với cuộc đưa tiễn người lính Chris Kyle, buổi chia tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không có nhiều người khóc. Chỉ có những cánh tay đưa lên, im lặng chào đưa tiễn ông. Động tác rất quen thuộc khiến những người xa lạ nhau như gần lại. Có điều gì đó dâng lên trong suy nghĩ, đầy xúc động. Quả là có những triều đại nguy nga lộng lẫy nhưng mọi thứ không còn. Nhưng cũng có những chế độ đã mất nhưng con người và tinh thần quốc gia thì sống mãi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: